Châu Á: ba lãnh đạo nữ nói lên điều gì?
- 18 tháng 1 2016
Sau bà Park Geun-hye và bà Aung San Suu Kyi, khu vực Đông Á sẽ có nữ tổng thống Đài Loan là bà Thái Anh Văn, tạo ra sự thay đổi về cả về hình ảnh và nội dung các vị trí lãnh đạo cao nhất vùng.
Điểm giống nhau là quyền lực của cả ba phụ nữ này đều đến từ lá phiếu dân chủ.Bà Thái Anh Văn đã được gọi là "người phụ nữ hùng mạnh nhất trong thế giới nói tiếng Hoa" ngay sau đêm bầu cử.
Quả vậy, vị tiến sỹ từ trường LSE (Anh Quốc) lên làm nữ tổng thống đầu tiên ở khu vực văn hóa Trung Hoa gồm Trung Quốc, Hong Kong, Macau, Đài Loan, Singapore.
Số phiếu bỏ cho bà Thái Anh Văn là 56,2%, hơn hẳn phiếu cho ông Chu Lập Luân, ứng viên của Quốc Dân Đảng, lực lượng bị cho là nghiêng quá nhiều về Bắc Kinh, tạo tín hiệu về thay đổi ở xứ Đài.
Sau bầu cử, bà Thái Anh Văn cảm ơn Nhật Bản, Hoa Kỳ và ngay lập tức tiếp đặc sứ Mỹ William Burns sáng 18/1, cho thấy một chuyển biến ngoạn mục tại vành đai Thái Bình Dương bao quanh Trung Quốc.
Tương tự, bà Aung San Suu Kyi đã dẫn dắt đảng NLD có xu hướng thân phương Tây thắng cử ngoạn mục tại Myanmar năm qua.
Hiện chưa rõ bà có khả năng làm tổng thống trong năm 2016 hay không nhưng chắc chắn là bà sẽ lãnh đạo Myanmar ở một vị trí chính thức hoặc thông qua chính phủ do NLD lập ra.
Cần ghi nhận hai đảng đương quyền, Quốc Dân Đảng ở Đài Loan và USDP ở Myanmar, đều chấp nhận sức mạnh lá phiếu và nhường ghế.
Được biết đảng USDP sẽ họp tuần này để bàn về việc thay thế một lớp lãnh đạo cao tuổi đa số là tướng lĩnh quân đội bằng một thế hệ trẻ hơn.
Sự trưởng thành của cả xã hội và nền chính trị tại Đài Loan bác bỏ các lập luận như 'văn hóa Trung Hoa không phù hợp với dân chủ', trong lúc câu chuyện Myanmar cho thấy lý lẽ 'dân trí thấp, kinh tế còn nghèo nên không bầu cử tự do được' nay không còn vững.
Đây cũng còn là một 'biến đổi về chất' trong chính trị ở khu vực mà lâu nay sự thăng tiến của phái nữ còn hạn chế và chức tổng thống, tổng tư lệnh quân đội Hàn Quốc của bà Park Geun-hye tới gần đây vẫn là sự đặc biệt.
Không phân biệt gốc gác phụ nữ
Trên thực tế, nếu tính cả Nepal hồi tháng 10 vừa qua có bà Bidhya Devi Bhandari thắng cử lên làm tổng thống Nepal thì ngay tại châu Á thời gian qua, xu hướng lãnh đạo nữ có tăng ít nhiều.Trước đây, Ấn Độ đã có nữ thủ tướng Indira Gandhi và Sri Lanka có nữ tổng thống Chandrika Kumaratunga (1994-2005).
Ở nước Hồi giáo và còn rất nghèo như Bangladesh, bà Sheikh Hasina Wajed được bầu lên làm tổng thống năm 2009.
Cũng hệ thống đầu phiếu dân chủ, tuy chưa hoàn hảo, đã không phân biệt đối xử ai dù họ là phụ nữ hoặc có gốc gác thế nào.
Tân tổng thống Nepal, bà Bidhya Devi Bhandari là người cộng sản còn bà Suu Kyi có chồng (đã quá cố) và hai con mang quốc tịch Anh.
Ở Hàn Quốc vốn đã công nghiệp hóa và thực hành dân chủ nhiều thập niên, việc Bà Park Geun-hye là con gái nhà độc tài Park Chung-hee không còn là một vấn đề.
Thậm chí có ý kiến cho rằng nhờ gốc gác đó, bà Park không cần phải tỏ ra cứng rắn quá mức hay lên gân với Bình Nhưỡng mà vẫn giữ được uy tín.
Không còn là biệt lệ
Xu hướng có lãnh đạo nữ nay không còn có tính biệt lệ trên thế giới.Theo trang Worlstatesmen.org, tính đến tháng 1/2015, trên toàn thế giới có 22 phụ nữ làm thủ tướng hoặc tổng thống.
Ở đây ta chỉ xem sự lựa chọn nữ lên chức lãnh đạo cao nhất bầu chọn dân chủ, không tính chức do kế vị như Nữ hoàng Anh.
Ở tại châu Âu, những nước phía Bắc có lãnh đạo nữ từ lâu không còn là chuyện lạ.
Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, một loạt quốc gia Đông và Nam Âu có thể bầu lên nữ thủ tướng hoặc tổng thống.
Suốt thời cộng sản Ba Lan chỉ có lãnh đạo cao nhất là đàn ông, người cuối cùng là một đại tướng, ông Wojciech Jaruzelski, nhưng sau 1989 có ba tới nữ thủ tướng: Hanna Suchocka, Ewa Kopacz và hiện nay là Beata Szydlo.
Lithuania có nữ tổng thống, bà Dalia Grybauskaite; Kosovo có nữ tổng thống Atifete Jahjaga; Slovenia có nữ thủ tướng Alenka Bratusek; Latvia có nữ thủ tướng Laimdota Straujuma và Croatia có nữ tổng thống Kolinda Grabar-Kitarovic.
Tuy không nhiều bằng châu Âu, các nước châu Nam Mỹ và châu Phi cũng có lãnh đạo là nữ: Brazil, Jamaica, Argentina, Chile, Senegal, Cộng hòa Trung Phi, tính đến đầu năm 2015.
Tất cả những ví dụ này không chứng minh được chuyện phụ nữ hay nam giới làm lãnh đạo thì tốt hơn vì mỗi vị trí, mỗi nhiệm kỳ lãnh đạo cần có những đánh giá riêng rẽ.
Nhưng đây rõ ràng là một xu thế, rằng nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu nội các hoàn toàn có thể là nữ.
Nhất là ở các xã hội chưa bao giờ có chuyện này xảy ra thì người đầu tiên luôn phá vỡ các định kiến lâu đời.
Tại Anh, sau khi bà Margaret Thatcher làm nữ thủ tướng (1979-1990), không ai có thể nói nữ không đủ cứng rắn để cầm quyền.
Ngược lại, khi bà Đầm Thép rời vị trí thủ tướng tháng 11/1990 để đảng Bảo thủ đưa ông John Major lên thay, một nhà báo, bà Jenny Murray kể lại rằng con trai bà, cậu bé Ed năm đó 7 tuổi, đã thốt lên: "thế hóa ra đàn ông nay cũng được phép làm thủ tướng Anh".
Vì định kiến không chỉ bị phá vỡ mà còn có thể 'chạy ngược chiều' tới mức 'trọng nữ khinh nam' trong một xã hội trọng sự cổ kính như Anh.
Nếu để chính trị chảy theo đúng dòng tự nhiên của nó, mọi thứ đều có thể xảy ra.
Tin liên quan
- Đa số phụ nữ VN bị quấy rối tình dục?
- Phụ nữ làm lãnh đạo thường 'đơn độc'
- Bạn được bình đẳng tới mức nào?
http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/01/160118_women_leaders_quality_change
Geen opmerkingen:
Een reactie posten