woensdag 6 januari 2016

10 món đặc sản Việt làm bạn thấy khiếp đảm

Thứ năm, 22/1/2015 | 08:18 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên Facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ | Print

10 món đặc sản Việt làm bạn thấy khiếp đảm

Thịt chuột, nậm pịa, sâu, bọ cạp, rắn, dúi… là những món ăn chỉ nghe đến tên thôi cũng đủ làm người ta cảm thấy rùng mình. Tuy nhiên, nếu có can đảm nếm thử, rất có thể bạn sẽ phải tìm ăn thêm nhiều lần.
Không riêng gì người nước ngoài đến Việt Nam, các thực khách sành ăn khi được thưởng thức những món đặc sản làm từ phân non của ngựa, sâu bọ hay rắn, chuột đều khó tránh khỏi cảm giác ghê sợ.
1. Nậm pịa
Nguyên liệu để tạo ra nậm pịa bao gồm tiết đông, sụn, đuôi, thịt, bạc nhạc, lục phủ ngũ tạng như lòng, dạ dày, gan và phần ruột non có chứa phân non ngựa, bò hoặc dê. Khi ăn thường kèm với hoa chuối, lá bạc hà... Nậm pịa là mồi nhậu thứ thiệt cho phái mày râu ở bản cao trong các phiên chợ vùng cao phía Bắc ngày lạnh.
nam-pia-anh-dlmc_1421721170.jpg
Tuy nhiên, không phải vị khách nào cũng đủ dũng cảm để thưởng thức món ăn này. Ảnh: Dulichmocchau.
2. Thịt chuột
Loài gặm nhấm này được nhiều người sành ăn ưa chuộng vì thức ăn của chúng là mầm cỏ non, khoai, sắn, lúa… nên thịt chuột thơm như thịt gà nhưng mềm và dai hơn. Thịt chuột đồng được chế biến thành các món như: nấu giả cầy, nướng muối ớt, xào dưa…
81966839_1421723187.jpg
Ở một số vùng miền, thịt chuột là món không thể thiếu trong các dịp cỗ bàn. Ảnh: Lương Cao Dũng
3. Đuông dừa
Vẻ ngoài ứ sữa, mập tròn và mềm nhũn của đuông dừa khiến nhiều người nhìn bên ngoài đều thấy “khiếp vía”, tuy nhiên đây lại là món ăn đặc sản của người miền Tây được đông đảo dân nhậu Bắc Nam yêu thích. Thịt đuông rất ngọt, thơm và dai, được chế biến thành các món nướng, chiên, hấp lá chanh nhưng ngon nhất phải kể đến đuông lội mắm.
vietnamnet_1421724680.jpg
Con đuông tươi sống, bò lổm ngổm trong bát mắm được gắp lên cho thẳng vào miệng để nhai. Ảnh: Vietnamnet
4. Kỳ nhông
Kỳ nhông sống phổ biến ở vùng đồi cát ở Bình Thuận. Thịt con vật này ăn rất thơm, và chứa nhiều chất dinh dưỡng. Người ta thường chế biến kỳ nhông thành các món như gỏi kỳ nhông lá me, nấu canh chua lá me, nướng muối hoặc hầm thuốc bắc.
ky-nhong-anh_1421724858.jpg
Kỳ nhông nướng. Ảnh: otosaigon
5. Bò cạp
Bò cạp xưa kia dùng để ngâm rượu chữa bệnh thì nay trở thành món ăn đặc sản tại các nhà hàng, quán nhậu. Tuy nhiên, bề ngoài trông có vẻ “dữ dằn” của con vật khiến không ít người sợ hãi. Các món ngon chế biến từ bọ cạp có thể kể đến như chiên giòn, xào xả ớt, nướng mọi, chiên bơ.... Thịt bò cạp giòn bùi, thơm ngon khó cưỡng.
xalo-vn.jpg
Bọ cạp được bán với giá 15.000 đồng một con và 320.000 đồng một kg chưa qua sơ chế, đủ để thấy được sự quý hiếm của món ăn. Ảnh: Ngoisao.vn
6. Ve sầu
Là món ăn được người dân Vĩnh Long ưa chuộng, ve sầu thường được chế biến thành các món như chiên bột, xào hành, nấu cháo. Người ta thường bắt ve sầu khi chúng lột xác, bởi khi đó thịt chúng mềm và bùi nhất.
ve-sau-bao-moi_1421727473.jpg
Ve sầu chiên giòn là món khoái khẩu của nhiều người. Ảnh: baomoi.com
7. Rắn
Món ăn từ rắn là đặc sản của người dân xứ miệt vườn, cũng là món khoái khẩu của những ai trót mê hương vị của miền Tây sông nước. Tuy có vẻ ngoài đáng sợ nhưng các món ăn từ rắn món nào cũng ngon. Phổ biến nhất phải kể đến lẩu rắn, nấu cháo, xào xả ớt, nướng trui, hầm xả, gỏi…
ran_1421736754.jpg
Thịt rắn thơm ngon, bổ dưỡng. Ảnh: Xuanchu.com
8. Sâu măng
Là món ăn xuất hiện nhiều vào mùa mưa ẩm ướt, sâu măng là món đặc sản của vùng núi phía Tây xứ Thanh. Ngoài để ngâm rượu, sâu măng cũng xuất hiện nhiều trong các bữa ăn hằng ngày. Sâu măng béo, bùi, có giá trị dinh dưỡng cao và là thức ăn sạch, tốt cho sức khỏe.
sau-mang.jpg
Mặc cho đĩa sâu trông ngon lành đến đâu thì cũng vẫn khiến cho nhiều người không khỏi ngần ngại. Ảnh: Dulichxuthanh
9. Dế
Món dế phổ biến nhiều hơn cả ở Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ… Vào mùa mưa, những con dế trở nên mập mạp được bắt từ những vùng đất tơi xốp ngoài đồng ruộng. Để phục vụ nhu cầu ngày càng nhiều của thực khách, một số nơi còn nuôi dế để bán cho nhà hàng.
de-1_1421722528.jpg
Thịt dế vừa thơm vừa giòn, nhai kỹ sẽ thấy béo pha lẫn chút bùi ngọt.  Ảnh: muare.vn
10. Dúi
Con dúi có những đặc điểm gần giống với con chuột, được xem là một trong những món đặc sản vừa dân dã, vừa tiêu biểu của vùng rừng núi Tây Nguyên, Hòa Bình hay người Mường ở Phú Thọ. Dúi có thể chế biến thành nhiều món như hấp, xào lăn, nấu rượu mận... Nếu đã một lần thưởng thức món đặc sản này thì chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên hương vị thơm ngon, mát và giàu đạm của dúi rừng.
dui-anh-citinews-JPG_1421736882.jpg
Tuy nhiên, để có thể đưa miếng dúi lên thưởng thức cũng cần sự dũng cảm bởi không phải ai cũng có thể ăn ngon lành được. Ảnh: Citinews.net
Kiều Như

http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/10-mon-dac-san-viet-lam-ban-thay-khiep-dam-3136165.html?utm_source=detail&utm_medium=box_topic&utm_campaign=boxtracking

Thứ tư, 11/12/2013 | 05:05 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên Facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ | Print

Sâu măng, món ngon chỉ dành cho người can đảm

Sâu măng trong bữa ăn ngày lạnh của người dân Mường Lát, Thanh Hóa khiến không ít khách đường xa phải ngần ngại. 
Vào mùa lạnh, khi những cơn mưa nhấm nhẳng rơi xuống bất ngờ trên núi rừng Mường Thanh thì đâu đó có những người mang gùi vào rừng đi bắt sâu măng. Không khí ẩm ướt khiến sâu măng sinh sôi nảy nở rất nhanh.
Người đi rừng tìm đến những cây măng nứa thân hơi cong queo, vỏ ngoài hơi thâm, héo ngọn, mắt có u thì biết rằng đây đích thị là nơi trú ngụ của những chú sâu béo nhất. Sau khi đốn hạ thân măng, người bắt sâu sẽ trút sâu trong ống nứa vào giỏ. Sâu măng to như cọng rau muống, màu trắng sữa, dài độ 2 đốt ngón tay.
dulichvn-2297-1386647179.jpg
Đặc sản sâu măng Mường Lát. Ảnh: dulichvietnam
Đây cũng là thời điểm trên mâm cơm của dân bản thường có thêm các món ăn chế biến từ sâu măng như sâu măng om, sâu măng chiên giòn, sâu măng luộc chấm tương… Nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là sâu măng xào.
Cách chế biến sâu măng xào rất đơn giản. Sâu đem rửa sạch, ướp tiêu muối cho ngấm khoảng 15 phút. Sau đó phi thơm hành, trút sâu măng vào chảo, đảo nhanh tay. Khi sâu măng chuyển sang màu vàng nhạt, cho lá chanh thái chỉ vào đảo đều, chừng 3 phút rồi trút ra đĩa ăn nóng. Tránh đảo quá lâu sẽ khiến món ăn bị giòn quá, mất đi độ béo ngọt của sâu non.
Đĩa sâu măng vàng tươi, có mùi thơm rất hấp dẫn. Nhưng không phải ai cũng can đảm để đưa đặc sản đậm chất núi rừng này lên miệng thử. Khi mạnh dạn thưởng thức những chú sâu nghi ngút khói nằm ngon lành trên đĩa, bạn sẽ cảm nhận được vị ngậy ngậy, ngọt bùi, thơm thơm rất riêng của loại côn trùng này.
c5c4f-len-muong-lat-an-sau-man-4041-7042
Sâu măng xào lá chanh béo ngậy. Ảnh: dulichxuthanh
Bên cạnh việc xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày, sâu măng xào còn thường được dùng làm mồi nhậu trong những dịp hội họp bên bình rượu cần của người Mường, là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao mà chỉ những vị khách may mắn đến thăm gia chủ người Mường vào mùa mưa mới được thiết đãi món ăn hết sức lạ và đặc biệt này. Dám chắc rằng nếu đã kết bạn với những chú sâu này một lần, bạn sẽ nhớ mãi và muốn thưởng thức thêm nhiều lần nữa.
Ngoài chế biến thành món ăn, sâu măng còn được dùng để ngâm rượu. Người ta chọn ra những chú sâu măng tròn lẳn và to béo nhất, sau đó đem đảo qua trên chảo nóng cho sâu săn lại rồi trút vào bình ngâm rượu. Khoảng một tháng sau là có thể đem ra sử dụng. Thức uống này rất được người dân bản địa ưa dùng. Nhiều gia đình còn ngâm để dành để uống đến mùa sâu năm sau, khi có khách quý mới đem ra mời.
Nếu có dịp ghé thăm bản Mường xứ Thanh vào mùa mưa lạnh, hãy thử món ăn đặc sản này như lời cảm ơn dành cho chủ nhà đã mời bạn thưởng thức thú vui ẩm thực nho nhỏ của miền sơn cước.
Lê Thương

http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/thanh-hoa/sau-mang-mon-ngon-chi-danh-cho-nguoi-can-dam-2921495.html

Thứ tư, 12/11/2014 | 08:04 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên Facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ | Print

Đặc sản nòng nọc om măng ở Thanh Hóa

Những chú nòng nọc bụng trắng tinh, béo mẫm và mềm mại nằm ngon lành trên bát măng om nghi ngút khói là thứ đặc sản làm không ít người phải ngại ngần khi lần đầu thưởng thức.
Người Mường ở miền Tây Thanh Hóa từ lâu đã có thói quen ăn nòng nọc (theo tiếng địa phương là bu bu hoặc bâu bâu). Vào các tháng 6 đến 11 âm lịch hàng năm, người địa phương thường vào rừng từ đầu giờ sáng hoặc lúc chiều muộn để bắt nòng nọc. Lúc này nước ở các con suối mát và khá yên tĩnh, nòng nọc thường lượn lờ kiếm ăn ở các khe đá nhỏ.
vtv-111-2399-1414216128.jpg
Dụng cụ dùng để bắt nòng nọc rất đơn giản, chỉ gồm một chiếc dậm và một chiếc rỏ tre, vài ba lá khoắn làm mồi nhử. Ảnh: vtc.
Những con nòng nọc do loài ếch đá trong rừng đẻ vào các tháng mùa mưa thường béo tròn, to bằng ngón tay, khác hẳn nòng nọc dưới xuôi. Nòng nọc bắt về được chế biến thành nhiều món khác nhau như chả, chiên, xào, nấu, nướng, kho… nhưng được yêu thích nhất phải kể đến nòng nọc om măng.
Nhiều người dưới xuôi khi đến thăm gia chủ người Mường được mời thưởng thức món đặc sản này đánh giá rằng, ăn nòng nọc còn mát và ngon hơn canh cá khoai nhiều lần.
24h-a11-3650-1414216128.jpg
Nòng nọc bắt về sơ chế hơi mất công một chút. Ảnh: 24h.
Người làm phải rửa qua nòng nọc, dùng mũi dao nhọn gẩy nhẹ vào bụng, lôi phần lòng ruột cho ra ngoài, rửa sạch, để ráo. Sau khi xào măng với mẻ cho chín tới, người ta đổ nước sôi vào nồi rồi trút bát nòng nọc vào đun cho sôi lại. Cuối cùng rắc hành, răm, mùi tầu lên trên, bắc xuống ăn nóng cùng cơm hoặc làm mồi nhắm rượu.
Những vị khách ở xa thường có cảm giác hơi ghê khi được mời ăn lần đầu. Nhưng nếu can đảm nếm thử, gắp một chú nòng nọc đang nghi ngút khói cho vào miệng, bạn sẽ thấy vị thơm mùi đặc trưng, ăn vào thấy mềm ngọt, phảng phất đâu đó chút vị đắng nhẹ của măng rừng và nước dùng béo ngậy, đậm đà.
112233-8118-1414216128.jpg
Măng rừng tươi quyết định nhiều đến hương vị của món ăn. Ảnh: 24h.
Nếu có dịp đến với bản Mường ở Thanh Hóa mùa nòng nọc, bạn đừng ngại ngần thưởng thức món ăn đậm chất núi rừng bên ly rượu cay cùng chủ nhà. Bạn cũng có thể mua mang về tại chợ họp ở khu vực huyện Thạch Thành, suối Vó Ấm chảy từ Vườn quốc gia Cúc Phương hoặc chợ phiên cửa khẩu quốc tế Na Mèo với giá từ 40.000 đến 50.000 nghìn đồng một kg. Tuy nhiên khi về nấu dưới xuôi thì hương vị không sao sánh bằng.
Bên cạnh đó, khi đến với các bản làng miền Tây xứ Thanh, bạn còn có cơ hội được thưởng thức những đặc sản khác của miền sơn cước như sâu măng sào, chuột đồng nướng trui, canh đắng, nem măng đắng, nhái rừng...
Lê Thương
Gửi bài viết chia sẻ tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/thanh-hoa/dac-san-nong-noc-om-mang-o-thanh-hoa-3098249.html

Chủ nhật, 15/12/2013 | 05:05 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên Facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ | Print

Gỏi cá nhệch, món ngon đất Nga Sơn

Không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao, gỏi cá nhệch ở Nga Sơn, Thanh Hóa còn đặc biệt lôi cuốn bởi vị dai ngọt mát, lạ miệng và cách gói độc đáo.
Những người dân làng chài ở Thanh Hóa cho biết cá nhệch rất khó bắt, chúng thường cư trú ở đáy vùng đầm phá ven bờ, vùng cửa sông, ruộng lúa. Mình cá trơn nhẫy nên chỉ bắt được bằng cách ra cửa biển đóng đáy hoặc dùng những chiếc xiên cá ba răng to và chắc khỏe để đâm. Cá nhệch rất khỏe và hung dữ, sống được trong cả môi trường nước ngọt, nước lợ và nước mặn.
1-4904-1386828726.jpg
Cá nhệch hình dáng bên ngoài có nét giống lươn hoặc rắn. Ảnh: Hạc Thành.
Làm gỏi cá không khó nhưng muốn thơm ngon đòi hỏi người làm phải thao tác thật nhanh để cá tươi và không bị tanh. Nhệch sau khi bắt về được làm sạch nhớt bằng tro hoặc nước vôi loãng. Sau khi mổ bụng bỏ ruột, đầu và đuôi, người ta lọc xương và thịt riêng. Người làm phải thật khéo léo và tỉ mỉ trong khâu lọc cá để cá không bị nát và không dính xương dăm.
Phần thịt nhệch được thái lát thật mỏng, bóp qua bằng chanh tươi sau đó vắt cho ráo nước và cho vào bát to, nhanh tay tẩm ướp gia vị và trộn cùng với thính làm từ gạo nếp rang vàng. Da cá được rán giòn để cuộn cùng với gỏi. Còn xương cá đem vào cối giã nhuyễn để nấu chẻo.
Gỏi cá được ăn kèm với nhiều loại rau lá khác nhau nhưng bắt buộc phải có các loại như: lá chanh, lá sung, rau húng, tía tô, bạc hà. Ngoài việc làm tăng thêm hương vị của món gỏi, các loại rau lá trên còn là vị thuốc để cân bằng tính hàn của cá nhệch. Ở Nga Sơn gỏi cá còn được ăn cùng với lá rau má, dấp cá tươi mọc rất nhiều trong vườn nhà. Điều đó cũng làm nên hương vị rất riêng cho món ăn.
Nếu những nơi khác ăn gỏi kèm mắm tôm, nước mắm thì điểm nhấn cho gỏi cá Nga Sơn chính là chẻo nhệch. Chẻo ăn cùng gỏi cá là bí quyết làm nên sự khác biệt, được chế biến từ xương cá giã nhuyễn chưng cùng mẻ chua và các loại gia vị đặc trưng khác. Chẻo bày ra bát nhỏ, có màu đỏ sậm, đặc sánh, đậm đà, váng mỡ và thơm nức mũi.
3-8278-1386828726.jpg
Gỏi cá không thể thiếu rau sống ăn kèm. Ảnh: dulichvn
Nhiều người lần đầu thưởng thức món ăn lạ miệng này thích thú với cách cuốn gỏi. Trước hết bạn phải lấy một lá sung hoặc lá ổi bánh tẻ làm vỏ đựng, sau đó xếp lần lượt lá lộc nhòn, mơ, hung quế, mùi tàu, đinh lăng, rau má, bạc hà… Việc chọn lá tùy theo sở thích riêng của mỗi người. Tiếp đến là cuốn thành hình phễu và nhồi gỏi nhệch vào giữa, tưới nước chẻo nhệch lên trên. Cuối cùng là hành khô, gừng, ớt lát mỏng rắc vào cùng. Có thể đậy miếng bánh đa vừng lên trên tùy khẩu vị. Thực khách phải khéo léo khi cuốn gỏi sao cho vừa miệng nhất.
Cảm nhận đầu tiên khi nhai là vị giòn giòn, hơi chát của các loại rau, tiếp đến là vị béo ngậy của chẻo, vị ngọt bùi dai giòn của gỏi cá, vị cay, nồng, thơm, nóng của gừng, xả, ớt… Cảm giác ngọt, béo, bùi, xen lẫn giòn dai mềm và thơm mát khiến người ăn thấy ngon miệng vô cùng, ăn bao nhiêu cũng không thấy chán.
Người dân Nga Sơn khi thiết khách bằng gỏi cá nhệch, sẽ bày ra mâm cùng với chai rượu nếp. Trong bữa cơm rượu quây quần, chủ khách cùng thưởng thức gỏi cá, vừa trò chuyện nhâm nhi chén rượu cay nồng, vừa cuốn gỏi mời nhau ăn, thể hiện sự mến khách và lối sống giản dị, nghĩa tình.
Đến nay, gỏi cá nhệch xuất hiện nhiều trong các nhà hàng, quán ăn, trở thành đặc sản xứ Thanh được bạn bè xa gần biết đến. Món ăn còn là niềm tự hào, thể hiện sự tinh tế, sáng tạo trong nét văn hóa ẩm thực của người dân miền biển Nga Sơn.
Lê Thương
Gửi bài viết chia sẻ tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net

Geen opmerkingen:

Een reactie posten