vrijdag 10 oktober 2014

Quốc tế hóa Biển Đông : Mỹ bác bỏ luận điểm của Trung Quốc

Quốc tế hóa Biển Đông : Mỹ bác bỏ luận điểm của Trung Quốc

mediaThủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama, ngày 30/09, tại Washington.REUTERS/Larry Downing
     Washington bác bỏ phản ứng của Trung Quốc về thông cáo chung Mỹ- Ấn bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông. Hôm qua, 09/10/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Jen Psaki, tuyên bố : « Tôi nghĩ rằng lập trường của chúng tôi không thay đổi trong vấn đề này. Các vị biết rõ là chúng tôi chắc chắn làm việc với các nước trong vùng về các vấn đề hàng hải ».
    Sau khi khẳng định Ấn Độ là một đối tác quan trọng, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, vấn đề Biển Đông không chỉ được thảo luận mà đây còn là một trong những nội dung đạt được trong các cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ và lãnh đạo Mỹ, vào cuối tháng Chín.
    Sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Barack Obama, ngày 30/09, tại Washington, hai bên đã ra thông cáo chung, trong đó có đề cập trực tiếp đến vấn đề Biển Đông.
    Thông cáo viết : « Hai lãnh đạo bày tỏ quan ngại về việc căng thẳng gia tăng do các tranh chấp hàng hải và khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh hàng hải, bảo đảm tự do lưu thông hàng hải và trên không trong vùng này, đặc biệt là tại Biển Đông ».
    Trong thông cáo, lãnh đạo Ấn Độ và Hoa Kỳ kêu gọi « tất cả các bên tránh sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để thực hiện quyền đòi hỏi của mình » và hỗ trợ tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho khu vực.
    Trong tuần này, Trung Quốc đã có phản ứng về thông cáo chung Mỹ-Ấn. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, lập trường của Bắc Kinh là « tranh chấp tại Biển Đông cần phải được giải quyết giữa các nước trực tiếp liên quan, thông qua đàm phán và tham khảo. Không một bên thứ ba nào nên can thiệp vào việc này ».
    Trung Quốc đưa ra đòi hỏi chủ quyền bao trùm gần 90% diện tích Biển Đông, nơi được đánh giá có tiềm năng tài nguyên cao. Trong thời gian gần đây, Việt Nam và Philippines, hai trong số các bên có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, đã bác bỏ đòi hỏi của Bắc Kinh qua các cuộc khẩu chiến, cũng như các vụ đối đầu giữa tàu bè Trung Quốc và hai nước này.

    http://vi.rfi.fr/chau-a/20141010-quoc-te-hoa-bien-dong-my-bac-bo-luan-diem-cua-trung-quoc/

    Thông điệp Mỹ-Ấn gởi Trung Quốc : Đừng khuấy động Biển Đông

    mediaTổng thống Obama tiếp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng, ngày 30/09/2014.Reuters
      Bắc Kinh từng hy vọng là do những bất đồng căn bản, Ấn Độ sẽ không liên kết chặt chẽ với Hoa Kỳ trong lãnh vực an ninh chiến lược. Hy vọng này như đã tan biến sau chuyến công du nước Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa kết thúc. Trong bản thông cáo chung Mỹ Ấn, công bố hôm 30/09/2014 sau cuộc họp thượng đỉnh Obama-Modi, hai bên đã xác nhận rất nhiều điểm tương đồng chiến lược, trong đó có vấn đề bảo vệ quyền tự do hàng hải, cụ thể là tại Biển Đông, một lời nhắn nhủ rõ ràng đối với Trung Quốc.
      Điểm thu hút sự chú ý đầu tiên khi xem xét bản thông cáo chung Mỹ-Ấn vốn rất dài, là mối quan tâm rất lớn của hai nhà lãnh đạo đến quan hệ hợp tác trong lãnh vực an ninh và quốc phòng. Yếu tố có thể nói là nổi bật là cả hai bên đã nêu đích danh Biển Đông là một khu vực đang gây quan ngại.
      Trong phần nói về các vấn đề toàn cầu và khu vực đã được hai bên thảo luận, hai ông Barack Obama và Narendra Modi đã xác nhận là cả Mỹ lẫn Ấn Độ đều cho rằng cần phải bảo vệ hòa bình và ổn định trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
      Cần bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không, « đặc biệt ở Biển Đông »
      Trên cơ sở đó, hai nhà lãnh đạo đã : « Bày tỏ quan ngại về việc căng thẳng vì tranh chấp lãnh hải đang gia tăng, và khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh hàng hải và bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông ».
      Theo bản thông cáo chung, Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Mỹ đã « kêu gọi tất cả các bên tránh sử dụng hoặc đe dọa dùng võ lực trong việc thúc đẩy đòi hỏi chủ quyền…, kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ».
      Chuyên gia phân tích Ankit Panka, trên báo mạng The Diplomat số ra hôm nay, 02/10/2014, đã nhận xét một cách chính xác rằng với bản Thông cáo chung Mỹ-Ấn này, đây là lần đầu tiên cả Ấn Độ lẫn Hoa Kỳ cùng nhau tuyên bố ủng hộ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
      Đối với chuyên gia Ankit Panka, điều này cũng dễ hiểu vì từ khi Thủ tướng Modi lên cầm quyền ở New Delhi, Ấn Độ luôn luôn nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ quyền tự do hàng hải và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Quyết tâm dấn thân vào Biển Đông cũng được New Delhi thường xuyên khẳng định, mà ví dụ gần đây nhất là bản Thông cáo chung ký kết giữa Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee với đối tác Việt Nam.
      Theo chuyên gia Ankit Panka, dù không được nêu tên, nhưng đối tượng được kêu gọi chính là Trung Quốc. Đặc biệt từ năm 2009 đến nay, nước này thường xuyên bị tố cáo là đã có những động thái quyết đoán, thô bạo, bất chấp luật quốc tế, để ép buộc các nước tranh chấp khác tại Biển Đông là phải chấp nhận các yêu sách chủ quyền rộng khắp của Bắc Kinh.
      Mỹ-Ấn quyết định tăng cường hợp tác song phương và tay ba với Nhật
      Không chỉ kêu gọi suông, hai lãnh đạo Mỹ-Ấn còn quyết định tăng cường hợp tác để bảo đảm tốt quyền tự do hàng hải. Bản Thông cáo chung đúc kết cuộc thảo luận Obama-Modi nêu rõ :
      « Các lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác trong lãnh vực an ninh trên biển để đảm bảo quyền tự do hàng hải và quyền vận chuyển đường biển và giao thương hợp pháp mà không bị cản trở, theo các nguyên tắc được chấp nhận của luật pháp quốc tế ».
      Một cách cụ thể hơn, để đạt được mục tiêu trên, Mỹ và Ấn Độ sẽ xem xét khả năng tăng cường năng lực của Hải quân Ấn Độ về mặt công nghệ, đồng thời nâng cấp các cuộc tập trận song phương Malabar hiện hữu.
      Trong một động thái dứt khoát sẽ làm cho Trung Quốc không vui, hai ông Obama và Modi đã nhất trí là sẽ nâng cấp cơ chế đối thoại tay ba Mỹ-Ấn-Nhật. Cuộc đối thoại tay ba này sắp tới đây có thể được nâng lên cấp Ngoại trưởng.

      http://vi.rfi.fr/chau-a/20141002-thong-diep-my-an-goi-trung-quoc-dung-khuay-dong-bien-dong/

      Nhân tố Trung Quốc thúc đẩy Ấn Độ tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ

      mediaThủ tướng Narendra Modi chủ trương bắt tay với Trung Quốc về kinh tế nhưng xích lại với Mỹ về quốc phòng.REUTERS/Adnan Abidi
        Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Mỹ vào hôm nay 26/09/2014, khởi đầu một chuyến thăm được cho là có tác dụng khôi phục một quan hệ đã trải qua một hồi căng thẳng vào năm ngoái. Trong số các lãnh vực hợp tác rất đa dạng giữa hai nền dân chủ lớn nhất hành tinh, giới phân tích cho rằng chiến lược và quốc phòng là hai hồ sơ có nhiều triển vọng nhất, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc không che giấu tham vọng bành trướng tại châu Á.
        Phải nói là Washington lần này sẽ ra sức chinh phục cảm tình của tân Thủ tướng Ấn Độ, một người mà vào năm 2005 còn bị Mỹ cấm visa nhập cảnh, và chỉ mới được tiếp cận trở lại từ khi lên cầm quyền ở New Delhi vào tháng Năm vừa qua.
        Dấu hiệu rõ nhất thể hiện thái độ trân trọng của Mỹ đối với ông Modi là việc Tổng thống Mỹ Barack Obama – trong một động thái hiếm thấy - sẽ có hai buổi tiếp xúc với Thủ tướng Ấn. Ông Obama sẽ ăn tối riêng với ông Modi vào hôm thứ Hai, 06/10, một ngày trước cuộc họp thượng đỉnh chính thức dự trù vào hôm sau, thứ Ba.
        Tại Washington, ngoài Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Ấn cũng sẽ hội đàm các các nhân vật quan trọng khác, từ Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, đến cựu Ngoại trưởng kiêm cựu Đệ nhất Phu nhân Hillary Clinton.
        Bên cạnh các hồ sơ kinh tế, thương mại, đầu tư, vốn đương nhiên chiếm một vị trí đáng kể trong chương trình làm việc của ông Modi tại Mỹ, vấn đề hợp tác chiến lược và quốc phòng được cho là sẽ hết sức quan trọng đối với cả hai bên, nhất là đối với tân lãnh đạo Ấn Độ, một người không hề giấu giếm khát vọng nâng cao vị thế của đất nước mình tại châu Á và trên thế giới.
        Theo các nhà quan sát, nếu trên các hồ sơ nóng hiện nay bên ngoài khu vực châu Á như vấn đề Nga và Ukraina, hay liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở vùng Cận Đông, Hoa Kỳ khó có thể thuyết phục được Ấn Độ, thì ngay tại Châu Á, lợi ích chiến lược của Washington và New Delhi như đã hội tụ với nhau trước các động thái ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.
        Hai nước đang hợp tác với nhau một cách chặt chẽ hơn về an ninh hàng hải, mà dấu hiệu rõ nét là cuộc tập trận Hải quân hỗn hợp Ấn-Mỹ Malabar, sáng lập từ năm 1992, nhưng đã trở thành thường niên từ năm 2007 đến nay, và nhiều khi kết hợp với Hải quân nước khác, như Singapore, Nhật Bản…
        Vấn đề tăng cường năng lực Hải quân là một vấn đề thiết yếu đối với Ấn Độ hiện nay, vì New Delhi đang bị Bắc Kinh cạnh tranh với chiến lược thâm nhập vào vùng Ấn Độ Dương, thông qua thỏa thuận với các nước láng giềng của Ấn Độ như Sri Lanka, Pakistan, Maldives. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng bị Trung Quốc thường xuyên lấn lướt tại vùng biên giới trên bộ - mà gần đây nhất là động thái khiêu khích, đưa quân vào vùng tranh chấp ngay trong lúc Chủ tịch Trung Quốc đang thực hiện chuyến công du New Delhi.
        Trong cách đối phó với Trung Quốc, Ấn Độ hiện đang tăng cường quan hệ với các nước châu Á – Thái Bình Dương khác như Úc Nhật Bản và Việt Nam, để tìm đối trọng cho sự vươn lên của Trung Quốc. Chủ trương này dĩ nhiên rất phù hợp với mong muốn của Hoa Kỳ.
        Ông Harsh Pant, chuyên gia về đối ngoại thuộc trường King’s College tại Luân Đôn nhận đinh : « Tại Mỹ luôn luôn có một suy nghĩ là cho dù có bắt đồng trên mọi vấn đề khác, Ấn Độ cần phải được giúp đỡ để trở thành một tác nhân bảo đảm được an ninh nhằm duy trì sự cân bằng quyền lực ở châu Á ».
        Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, hiện nay, Washington đang nhìn thấy Ấn Độ là một đối tác quốc phòng đáng tin cậy, có năng lực góp phần giúp Mỹ duy trì ổn định ở châu Á, hạn chế sức khuấy động từ Trung Quốc.
        Với ngân sách quốc phòng của Mỹ đang bị cắt giảm, ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ đang ngắm nghía thị trường Ấn Độ, đang dự trù chi đến 100 tỷ đô la trong vòng 10 năm tới đây để tân trang lại kho vũ khí đã cũ kỹ có từ thời Liên Xô, để có thể bắt kịp đối thủ Trung Quốc.

        http://vi.rfi.fr/quoc-te/20140926-nhan-to-trung-quoc-thuc-day-an-do-tang-cuong-quan-he-quoc-phong-voi-my/

        Ấn Độ hòa hoãn nhưng cứng rắn với Trung Quốc

        mediaPhó Tổng thống Ấn Độ Shri Mohammad Hamid Ansari (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, 30/06/2014.REUTERS/Wang Zhao/Pool
          Trên đường công du Ấn Độ, ngày 14/09/2014, tới đây Chủ tịch Trung Quốc sẽ ghé thăm Nam Á, vùng ảnh hưởng truyền thống của New Delhi. Lãnh đạo Bắc Kinh tìm cách chinh phục quốc gia láng giềng vừa là đối tác vừa là đối thủ địa lý chính trị, xem Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc phòng.
          Viện lý do bất ổn chính trị tại Islamabad,Chủ tịch Trung Quốc đã hủy bỏ chặn Pakistan, đồng minh thân thiết tại Nam Á của Bắc Kinh, kẻ thù của New Delhi. Tuy vậy, trong chuyến đi này, ông Tập Cận Bình sẽ đến quốc đảo Sri Lanka nơi Bắc Kinh tài trợ một dự án xây hải cảng 1,4 tỷ đôla mà một khi hoàn tất sẽ cho phép tàu chiến Trung Quốc sử dụng để củng cố sự hiện diện quân sự trong Ấn Độ Dương và chỉ cách Ấn Độ có 250 cây số.
          Thấy rõ ý đồ của Trung Quốc từ lâu, nhưng tân Thủ tướng Ấn Narenda Modi, được xem là nhân vật có tinh thần quốc gia dân tộc, đã nhanh chóng lên tiếng mời lãnh đạo Trung Quốc sang thăm New Delhi. Song song với cử chỉ ngoại giao này, Thủ tướng Ấn cũng gấp rút giới hạn tầm ảnh hưởng của chiến dịch tấn công ngoại giao của Trung Quốc trong vùng ảnh hưởng. Ngay sau khi lên nhậm chức, ông tức khắc sang thăm Butan và Nepal và chìa bàn tay hòa giải với Pakistan.
          Theo giới phân tích, để đối phó với tham vọng trên bộ và trên biển của Trung Quốc, New Delhi còn có thể dựa vào mối quan hệ thân hữu lâu dài với Tokyo. Nhật Bản và Ấn Độ đều xem sức mạnh kinh tế và quân sự đang lên của Trung Quốc là mối đe dọa chung. Tăng cường hợp tác song phương Ấn - Nhật để đối trọng với tham vọng của Trung Quốc là chính sách được Hoa Kỳ chia sẻ và khuyến khích.
          Về phần Bắc Kinh, sự kiện New Delhi thắt chặt quan hệ với Tokyo cũng là một mối đe dọa. Chuyên gia Ấn Jayadeva Ranade, Giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược Trung Quốc tại New Delhi cho rằng Bắc Kinh rất lo ngại khi thấy Ấn Độ tiến gần Hoa Kỳ và Nhật Bản và họ không muốn sự kiện này xảy ra.
          Do vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình thủ sẵn một số đề nghị mà Ấn Độ thèm muốn : đầu tư cải thiện hệ thống hỏa xa lạc hậu, xây dựng đường xe lửa cao tốc, và hợp tác trong lãnh vực hạt nhân.
          Theo AFP, Thủ tướng Ấn Narendra Modi không thiếu lập luận để mặc cả với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình : Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết tăng gấp đôi tiền đầu tư vào Ấn Độ trong năm năm tới.
          Bên cạnh hồ sơ kinh tế, vấn đề tranh chấp biên giới cũng sẽ được thảo luận.
          Nhà phân tích chính trị quốc tế Shyam Saran (Center for Policy Research) tại New Delhi, nguyên là Thứ trưởng ngoại giao Ấn nhận định : Trung Quốc xem Ấn Độ của Thủ tướng Modi vừa là một đối tác nghiêm túc, vừa là một đối thủ tiềm tàng.
          Ý thức một phần công luận Ấn xem Trung Quốc là kẻ thù xâm lược, Bắc Kinh cam kết trước ngày ông Tập Cận Bình lên đường, không có ý đồ « bao vây » Ấn Độ. Thứ trưởng ngoại giao Lưu Kiến Siêu (Liu Jian Chao) tuyên bố « Trung Quốc xem Ấn Độ là đối tác để phát triển, không bao vây và sẽ không bao vây Ấn Độ » .
          Mặc dù quan hệ với Trung Quốc chứa đầy hoài nghi và xung khắc đẫm máu, chính phủ Ấn sẽ trải thảm đỏ đón tiếp ông Tập Cận Bình ngày 17 tới đây.
          Nhưng giới phân tích được AFP tiếp xúc khẳng định Thủ tướng Modi sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc khác với chính quyền trung tả tiền nhiệm.
          Lãnh đạo Trung Quốc sẽ được thông báo những đường « ranh đỏ » trong quan hệ với Ấn Độ.

          http://vi.rfi.fr/chau-a/20140912-an-do-hoa-hoan-nhung-cung-ran-voi-trung-quoc/

          Geen opmerkingen:

          Een reactie posten