vrijdag 25 oktober 2013

Hungary kỷ niệm trong thể cuộc Cách mạng dân chủ 1956

Thứ năm 24 Tháng Mười 2013

Hungary kỷ niệm trong thể cuộc Cách mạng dân chủ 1956

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đọc diễn văn trong lễ kỷ niệm 57 năm cuộc Cách mạng dân chủ, Budapest, 23/10/2013
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đọc diễn văn trong lễ kỷ niệm 57 năm cuộc Cách mạng dân chủ, Budapest, 23/10/2013
REUTERS

Hoàng Nguyễn
Ngày 23/10/2013, Hungary trọng thể kỷ niệm 57 năm cuộc cách mạng dân chủ 1956. Đây là một trong ba đại lễ thường niên của đất nước này, và là đại lễ luôn để lại những dư âm, những biến động trên chính trường, do tầm ảnh hưởng lớn lao của những sự kiện diễn ra đã cách đây gần sáu thập niên.


Tường trình của thông tín viên Hoàng Nguyễn từ Budapest:
Thông tín viên Hoàng Nguyễn - Budapest - 23/10/2013
 
24/10/2013
 
 
Diễn ra trong vòng chưa đầy hai tuần và bị quân đội Liên Xô tràn vào đè bẹp, nhưng biến cố 1956 đã được coi như một cuộc cách mạng tinh khôi hiếm thấy trong lịch sử thế giới. Như lời văn hào Pháp Albert Camus nhận định: "Nước Hungary bị chà đạp, bị xiềng xích, đã nỗ lực cho tự do và công lý hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới trong vòng hai mươi năm qua...".
Cuộc cách mạng 13 ngày
Những yếu tố của một cuộc khởi nghĩa chống lại chính quyền Cộng sản theo hướng toàn trị Stalinist thực ra đã ngấm ngầm tồn tại từ đầu năm 1956, khi tại nhiều nước trong khối Cộng sản đã có những biến chuyển. Đặc biệt là ở Liên Xô, cuối tháng 2/1956, Tổng bí thư Khrushchev đã công bố bản báo cáo mật vạch trần bộ mặt xấu xa của nhà độc tài Stalin tại Đại hội đảng lần thứ XX.
Cuộc cách mạng rất nhiều người Hungary mong đợi, rốt cục đã bùng nổ vào ngày 23/10, thoạt tiên dưới dạng một cuộc biểu tình tự phát ôn hòa của giới sinh viên Đại học Kỹ thuật Budapest. Cư dân Budapest, công nhân các nhà máy lớn - trong số đó có không ít đảng viên Cộng sản - đã rất nhanh chóng hòa nhập vào đoàn biểu tình.
Bản yêu sách 16 điểm - những đòi hỏi chính yếu của cuộc cách mạng - đã vang lên trước Nhà Quốc hội Hungary, đòi thành lập một chính phủ mới theo xu hướng cải cách; quân đội Liên Xô phải tức khắc rút khỏi Hungary; phế truất và đưa ra tòa những lãnh tụ Cộng sản độc đoán; đảm bảo quyền tự do ngôn luận, báo chí và các quyền công dân khác; tổ chức bầu cử tự do, đa đảng...
Chín rưỡi tối, hơn 300 000 người đổ ra đường, lật đổ bức tượng Stalin cao 10 mét, biểu tượng của thể chế độc tài tại Hungary. Hoảng hốt, ban lãnh đạo Cộng sản đã chỉ thị cho mật vụ chính trị nổ súng vào đoàn biểu tình, đồng thời, yêu cầu Liên Xô trợ giúp. Cuộc biểu tình hòa bình của sinh viên và cư dân Budapest đã biến thành khởi nghĩa vũ trang.
Ngay sau khi xảy ra biến cố 23/10/1956, chiến xa Liên Xô đã được điều động từ các tỉnh về Budapest. Tuy nhiên, người dân Budapest đã dùng mọi vũ khí thô sơ để kháng cự. Với sự xuất hiện của quân đội ngoại bang tại đất Hungary, biến cố 1956 trở thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và trong vài ngày đầu, sự can thiệp của Liên Xô đã thất bại.
Sau khi được trở lại cương vị Thủ tướng, vị chính khách có tinh thần dân tộc và theo hướng cải tổ Nagy Imre đã lên tiếng đòi quân đội Nga phải tức khắc rút khỏi Budapest và chủ trương tiến hành đàm phán để rút khỏi nước Hungary. Đồng thời, ông cũng ra chỉ thị giải tán cơ quan mật vụ chính trị, công bố đại ân xá và tái lập thể chế đa đảng.
Trước cảnh mắt xích Hungary có thể rời khối Cộng sản, đầu tháng 11/1956, Liên Xô quyết định can thiệp vũ trang vào Hungary đúng vào lúc Thủ tướng Nagy Imre tuyên bố nước này rút khỏi khối Hiệp ước Warszawa và trở thành một quốc gia trung lập. Rạng sáng 04/11/1956, quân đội Xô-viết ồ ạt tràn sang đất Hungary để đàn áp cuộc cách mạng.
Sau chừng một tuần, cuộc chiến hoàn toàn không cân sức đã chấm dứt : 20 000 người Hungary đã bỏ mạng hoặc bị thương trong cuộc chiến ác liệt. Thủ đô Budapest bị tàn phá, nhưng ở nhiều nơi, những người nổi dậy với những vũ khí hết sức thô sơ trong tay đã quyết tâm "tử thủ", gây cho quân đội Liên Xô những tổn thất không nhỏ.
Cuộc nổi dậy 1956 bị đàn áp, Thủ tướng Nagy Imre bị treo cổ trong một vụ án ngụy tạo năm 1958, vài trăm người bị tử hình và rất nhiều người tham gia cách mạng bị bỏ tù hàng loạt, chừng 250 000 người phải bỏ nước ra đi trong một làn sóng di tản lớn chưa từng có của đất nước này, ghi dấu ấn một trang sử hết sức bi hùng trong lịch sử Hungary thế kỷ 20.
Mộ của cố Thủ tướng Hungary Imre Nagy tại nghĩa trang Budapest (ảnh chụp 23/10/2011)
REUTERS

Tác nhân của biến cố lịch sử: "Những chàng trai Pest"
Thế kỷ 20 cũng như thời gian trước đó đã có không ít cuộc cách mạng bi thảm, nhưng biến cố 1956 tại Hungary nổi trội ở điểm, nó đã được sự tham gia rất đông đảo của giới thanh, thiếu niên quả cảm và can trường, những người đã đi vào lịch sử với tên gọi “những chàng trai Pest”, biểu tượng của cuộc khởi nghĩa.
Thế hệ trẻ Hungary thời ấy, do không vướng bận những toan tính chính trị hay ý thức hệ, sẵn sàng xuống đường và cầm vũ khí hơn những bậc cha, anh của họ. Theo một hồi tưởng, tại khu Corvin, nơi xảy ra chiến sự ác liệt nhất, hơn 80% những chiến sĩ chỉ mới ở độ tuổi 20 tuổi. Trong số những người bị thiệt mạng, 21% ở độ tuổi 19 hoặc trẻ hơn, 4% ở ngưỡng 16 hoặc chưa tới.
Một thống kê cho thấy, học sinh, sinh viên và công nhân ở độ tuổi dưới 25 đã có mặt và nắm phần chủ đạo trong đại đa số các trận chiến chống lại chiến xa Liên Xô trên đường phố Budapest. Ở khu Corvin, chỉ bằng bom xăng và những vũ khí tự chế, “những chàng trai Pest” đã bắn hạ 17 chiến xa Liên Xô trong vòng một ngày và biến mỗi góc phố, mỗi ngôi nhà thành chiến lũy.
Sở dĩ có được những kết quả bất ngờ như thế là vì giới trẻ đã chiếm được thiện cảm và sự hỗ trợ của cư dân. “Động cơ” của họ khi cầm vũ khí rất trong sáng và vô tư: Có người, vì đồng tình với những đòi hỏi dân chủ 16 điểm của giới sinh viên; có người vì hy vọng một tương lai tươi sáng, phồn vinh hơn. Rất ít người vì những lý do hay mục đích cá nhân.
Tham gia cách mạng 1956, những thanh, thiếu niên Hungary đã thừa hưởng tình yêu quê hương đất nước lãng mạn từ thời đại của người anh hùng dân tộc - thi sĩ Petőfi Sándor (những năm 1848-1849). Giới nghiên cứu cho rằng, nếu thiếu họ, biến cố 1956 chắc hẳn sẽ chấm dứt sau vài ngày với những thỏa hiệp theo mọi hướng với chính quyền cộng sản và Điện Kremlin.
Trong suốt ba thập niên thời cộng sản tại Hungary, người dân nước này đã lưu truyền một câu chuyện tiếu lâm kinh điển - vừa mang âm hưởng tự hào, vừa pha chút ngậm ngùi - về vai trò “những chàng trai Pest” trong khởi nghĩa 1956: “Tại sao quân Liên Xô chỉ toàn tấn công vào sáng sớm? Là vì khi đó bọn trẻ vẫn đang ngủ!”.
Được coi như những anh hùng bên chiến lũy, ký ức về "những chàng trai Pest" còn mãi đọng lại trong người dân Hungary, và là nguồn cảm hứng cho giới thanh niên cấp tiến cuối thập niên 80 thế kỷ trước đã tham gia tích cực vào những biến chuyển dân chủ, khiến Hungary chuyển đổi thể chế một cách ôn hòa, và trở thành quốc gia Đông Âu hàng đầu trên góc độ này.
Những yếu nhân, sáng lập viên Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ, đứng đầu là Chủ tịch Orbán Viktor, hiện là Thủ tướng Hungary, cũng từng mang trong lòng di sản đẹp đẽ của thế hệ thanh niên 1956. Ngày nay, khi trở thành những chính khách bị coi là chỉ còn đặt lợi ích đảng phái, cá nhân lên trên hết, lời chỉ trích nặng nhất đối với họ, là đã "phản bội lý tưởng 1956".
Hungary hiện tại và di sản 1956
Trong vòng hơn ba thập niên, 1956 bị coi là đề tài cấm kỵ và nếu có được nhắc đến thì luôn đi kèm với khái niệm "bạo loạn phản cách mạng". Biến chuyển dân chủ 1989 đến với Hungary kể từ khi một lãnh tụ đảng cao cấp, ông Pozsgay Imre, tuyên bố đó là một "cuộc khởi nghĩa nhân dân". Chính thể Cộng sản hoàn toàn mất chỗ đứng và tính chính đáng, hợp thức kể từ đó!
Như một động thái mang tính chất tượng trưng, nền đệ tam Cộng hòa Hungary đã lựa chọn ngày tuyên bố ra đời vào đúng vào 23/10/1989, kỷ niệm 33 năm ngày cách mạng 1956 bùng nổ. Göncz Árpád, nhân sĩ từng bị án tù chung thân vì tham gia cuộc khởi nghĩa 1956, trở thành vị Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Hungary trong hai nhiệm kỳ, 1990-2000.
Tuy nhiên, để xứng đáng với di sản để lại của 1956, không hề đơn giản. Từ nhiều năm nay, hầu như đảng phái nào tại Hungary trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng và quyền lực cũng tự nhận là "nối dõi" truyền thống 1956, nhưng trong thực tế lợi ích đảng phái của họ quá bao trùm, khiến chính trường Hungary gặp mâu thuẫn trầm trọng, xã hội bị chia rẽ nặng nề.
Nhiều năm, kỷ niệm 23/10 trở nên cuộc đấu sức giữa các đảng, xem đảng nào vận động được nhiều cổ động viên hơn ra đường, mang tính thị uy lẫn nhau. Những cuộc đại biểu tình - nhiều khi đi kèm bạo lực và những sự kích động - cũng hay diễn ra trong dịp này, không phản ánh được đúng tính chất phản kháng ôn hòa cho một xã hội tốt hơn của cuộc cách mạng.
Trong năm nay, 23/10 được thông báo là ngày hội của phe đối lập, khi đại đa số các đảng phái, tổ chức đối lập trước nay hoạt động biệt lập, nay kết lại thành một "đại liên minh" để chống lại phe cầm quyền do đảng cánh hữu FIDESZ đứng đầu. Phe này, do lợi thế 2/3 số ghế trong Quốc hội, 3 năm vừa qua đã trở nên bảo thủ và độc đoán trong mắt những người yêu dân chủ.
Đứng trước kỳ tổng tuyển cử Quốc hội mùa xuân 2014, có thể thấy kỷ niệm về một nỗ lực dân chủ, tự quyết và độc lập dân tộc lại không được vinh danh đúng cách trong dịp 23/10 năm nay, thay vào đó là những hoạt động với mục tiêu cá nhân riêng lẻ và bé phái. "Ngày Tự do", như tên gọi của nó, vẫn mang những vị đắng, đặc biệt trong cảnh Hungary vẫn khủng hoảng trầm trọng!
Công luận Hungary, hiện chưa thực sự đặt niềm tin vào một đảng phái nào, chỉ hy vọng vào nỗ lực tranh đấu của người dân, của các tổ chức dân sự trước sự độc đoán, lạm quyền của chính phủ và giới chính khách, như sự tiếp nối của tinh thần yêu tự do, dân chủ 1956.
tags: Biểu tình - Châu Âu - Cộng sản - Dân chủ - Hungary - Lịch sử - Liên Xô - Nổi dậy - Phỏng vấn - Quốc tế - Đàn áp
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20131023-hungary-ky-niem-trong-the-cuoc-cach-mang-dan-chu-1956

Geen opmerkingen:

Een reactie posten