donderdag 3 oktober 2013

Bài học cho con ăn của người Mỹ

Chủ nhật, 4/8/2013 06:23 GMT+7

Bài học cho con ăn của người Mỹ

Ở Mỹ, trẻ em là một phần trong bữa cơm gia đình chứ không phải là trung tâm của bữa ăn. Bố mẹ vẫn nói chuyện với nhau, chứ không phải cả hai chăm vào việc cho con ăn.
Là một bà mẹ Việt sống ở Mỹ, chị Bích Thủy vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh những bà mẹ Mỹ cho con ăn: "Những bà mẹ Mỹ mà tôi biết đều là có con đầu nhưng cách họ cho con ăn gần như giống hệt nhau, không ai bảo ai. Có lẽ một phần vì học đọc sách và web về cách cho con ăn, một phần là vì có vấn đề gì thì họ đều hỏi ý kiến bác sĩ, mà các bác sĩ thì cũng trả lời giống nhau vì cùng tham khảo tài liệu như nhau".
"Nói là quan sát người Mỹ cho con ăn thì không đúng vì thực ra họ không cho con ăn, mà là con tự ăn. Karen là một bà mẹ Mỹ mà tôi khá thân và hay gặp, có cô con gái tên Sophie, 14 tháng tuổi. Tôi đã chứng kiến một bữa ăn của mẹ con cô ấy thế này", chị Bích Thủy kể:
Khi cho con ăn, Karen trải khăn nilon dưới đất rồi đặt bé Sophie vào ghế ngồi ăn của em bé. Karen đã dọn ra trên bàn một lát pizza, một lát bánh mỳ, một ít pasta trộn kem nấm, món rau thập cẩm xào, một ít scrambled egg, một ít gà tẩm bột.
Karen đeo khăn nylon vào cổ áo Sophie để khỏi vấy bẩn rồi đặt một bát nhựa và một thìa nhựa trước mặt con. Đầu tiên, Karen cắt một miếng pizza nhỏ hình tam giác đặt vào bát cho Sophie. Đây là lần đầu tiên Sophie ăn pizza. Bé cầm miếng pizza bằng hai tay, cho vào mồm, thấy cứng quá, bỏ xuống bát, rồi lại cầm lên gặm mềm ra, gặm được một nửa miếng pizza thì ra chừng chán không muốn ăn món này, cầm đưa cho mẹ. Karen cho biết, đây là lần đầu Sophie ăn pizza nên cô đưa cho con ăn món này đầu tiên, vì lúc đó con còn đói và đang háo hức ăn. "Lần đầu ăn mà gặm được như thế này là tốt rồi. Lần sau chắc chắn sẽ tiến bộ hơn”, người mẹ nói.
Sau đó, Karen đưa vào bát Sophie một ít scrambled eggs. Đây là món quen thuộc nên Sophie cầm tay bốc vào miệng ăn, lúc thích thì lại cầm thìa xúc, có miếng vào miệng, có miếng rơi lả tả bên ngoài. Cứ thế Karen dần dần đưa các món còn lại cho con mỗi khi Sophie ăn hết hoặc tỏ ra chán không muốn ăn món đó nữa.
Với mỗi món, Karen chỉ đưa một ít vào bát đủ để Sophie ăn chứ không xúc thật nhiều. Karen nói “Sophie nhìn thấy bát vừa vừa như vậy sẽ thích ăn hơn, và nếu ăn hết thì sẽ cười tươi vì cảm thấy “thành công”.
Pasta trộn kem nấm có lẽ là món Sophie thích ăn nhất vì cô bé một tay cầm thìa, một tay cầm dĩa, lúc xúc, lúc xiên, lúc bốc tay, ăn gần hết bát pasta. Món rau thập cẩm xào thì thật buồn cười, Sophie chỉ bốc các viên cà rốt ăn, bỏ nguyên lại các hạt đậu Hà Lan. Có vẻ như Sophie biết chắc chắn mình muốn ăn cái gì và phân biệt được rất tốt dựa trên màu sắc của món ăn.
Món gà tẩm bột Sophie đưa lên miệng gặm gặm rồi đặt trở lại bát, ngồi thừ ra. Karen hỏi “Con không muốn ăn à? Không sao”.
an-1375524261_500x0.jpg
Ảnh minh họa: Donapapinha.blogspot.com.
Trong lúc con xử lý chỗ thức ăn thì Karen cũng đang ăn, cô chỉ thỉnh thoảng đảo mắt qua xem Sophie thái độ thế nào. Karen nói buổi tối khi có chồng cô ở nhà thì cả ba sẽ cùng ngồi ăn và Sophie rất thích được là một thành viên trong bữa ăn gia đình nên rất vui vẻ và cười nhiều.
Karen nói cô phải cố gắng chọn nấu món để Sophie cũng có thể ăn được, và nấu nhiều món trong một bữa ăn để trong đó sẽ có món Sophie thích.
Chìa khóa cho việc Sophie 14 tháng tuổi ngồi ăn chung bữa ăn với bố mẹ là ở Mỹ trẻ em từ 8 tháng tuổi đã tập ăn bốc thức ăn và từ bỏ dần việc ăn bột/cháo.
Karen cho biết, một ngày Sophie ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ. Nếu một bữa ăn ít (vì không thích ăn, mệt, chán, không có món ưa thích), thì đến bữa sau Sophie đói nên ăn rất mạnh. Trong một bữa, Karen giới hạn thời gian ăn là 30 phút, sau 30 phút, kể cả Sophie chưa ăn được nhiều, mà không chịu ăn những món đã nấu, thì Karen cũng không đứng dậy đi nấu món khác, vì Sophie cần quen với việc ăn những món có trên bàn, chứ không đòi hỏi.
Người mẹ nói về “ranh giới trách nhiệm”: Bố mẹ chịu trách nhiệm về việc cho ăn gì, ăn ở đâu, khi nào; còn bé chịu trách nhiệm về việc ăn như thế nào, ăn bao nhiêu, thậm chí là có ăn hay không. Mỗi lần cô vi phạm "ranh giới trách nhiệm" này, ví dụ như pha trò cho con ăn, xúc hộ con, làm các việc chiều theo ý con để con ăn thì Sophie lập tức “nhiễm” các thói quen xấu này ngay, trở nên đòi hỏi hơn, ăn uống càng khó khăn hơn, và bữa cơm gia đình trở nên nặng nề. Đứa trẻ dường như hiểu rất nhanh rằng việc nó ăn là rất quan trọng đối với bố mẹ, là “việc” của bố mẹ nên thay vì tập trung vào việc ăn để giải quyết cơn đói cho bản thân thì nó tập trung vào việc mè nheo, đòi hỏi.
Sophie 14 tháng chỉ nặng chưa đầy 9kg. Sophie có đôi bàn chân rất nhỏ. Karen hỏi bác sĩ thì vị này nói rằng cô cũng nhỏ người (cao 1m50) nên có thể Sophie cũng tạng người như mẹ. Sophie tuy nhỏ người nhưng rất khỏe mạnh, tươi cười, vận động nhiều. Chính vì vậy nên Karen lúc nào cũng bình tĩnh. Trong khi một vài đứa trẻ khác bằng tuổi Sophie biết đi bước đầu tiên lúc 9 tháng tuổi thì Sophie vẫn chưa biết đi. Catilin, bố bé nói rằng, khoảng thời gian để một đứa trẻ biết đi có thể tới 18 tháng tuổi, nên bây giờ Sophie mới 14 tháng tuổi, không việc gì phải lo.
Cảnh Karen cho con ăn thật bình yên, khác hẳn cảnh Magie, một bà mẹ Trung Quốc nhưng sống ở Mỹ, cho con ăn - như một tấu hài.
Jerry đã 18 tháng tuổi, lớn hơn Sophie, miệng đã mọc nhiều răng hơn, răng hàm đã mọc đủ cả. Jerry ngủ trưa dậy, Magie và chồng đã ăn trước rồi. Magie đặt Jerry vào ghế ngồi cho em bé, quàng khăn nilon, rồi đổ trên bàn ăn của Jerry một đống ngô, đậu Hà Lan và xúc xích cắt nhỏ. Jerry có vẻ uể oải không muốn ăn. Ngồi nhìn Jerry một lúc ăn chậm chạp, Magie bắt đầu sốt ruột, lấy thìa xúc hộ Jerry, mỗi thìa thật đầy. Jerry nhai trệu trạo. Có lúc quay đầu sang một bên để tránh ăn. Magie bảo “Miếng cuối cùng nào!” rồi đút một thìa vào miệng Jerry. Một lúc sau lại “Miếng cuối cùng nào!” rồi đút một thìa nữa.
Có lúc chồng của Magie phải ra hỗ trợ: “Ôi miếng xúc xích này ngon quá nhỉ, bố ăn này, Jerry không được ăn này”, nhưng Jerry vẫn chẳng tỏ ra khoái khẩu hơn tí nào. Có lúc Magie phải quay ghế của Jerry ra phía cửa sổ để Jerry khỏi thấy khách, để khỏi bị “phân tán”, mà Jerry cũng vẫn không nhai nhanh hơn. 
"Theo tôi, cách cho con ăn kiểu Mỹ như của Karen, ngoài việc dạy đứa trẻ tự lập từ bé, thì nó còn đáng học tập ở chỗ:
Tôn trọng đứa trẻ: Quan sát thái độ và điều chỉnh phù hợp thái độ của đứa trẻ.
Cách giao tiếp: Thay vì áp đặt “Con ơi ăn đi ngon lắm” thì hỏi han con xem con có thích ăn không, con không biết nói nhưng con lại giao tiếp trả lại bằng các biểu hiện trên mặt, tay chân…
Sự trung thực: Thay vì lừa dối, giả vờ con về “miếng cuối cùng”, “bố  ăn, con không được ăn” dù cho sự lừa dối này nhân danh yêu thương", chị Bích Thủy kết luận.
Nhận định về cách nuôi trẻ ở Mỹ cũng như Việt Nam, tiến sĩ tâm lý giáo dục Nguyễn Thị Kim Thoa, Đại học Quốc Gia Hà Nội nhất trí cho rằng, việc cho con tự ăn trước hết sẽ tạo tâm lý thoải mái cho trẻ. Và tâm lý thoải mái giúp trẻ có sức đề kháng tốt, hơn là việc nhồi nhét để bé tăng thêm vài gram. Ngoài ra, khi cho bé tự ăn, có thể dùng tay bốc (đã được rửa sạch tay trước đó), con sẽ tự mình khám phá từng món ăn và thích ăn hơn. Nhiều bà mẹ lo ngại bé sẽ quen ăn bốc - hành động được nhiều người coi là không được lịch sự. Nhưng thực tế, khi còn nhỏ, bàn tay còn yếu, trẻ chưa thể sử dụng thành thạo thìa, đũa thì bé mới dùng tay, còn sau đó, thấy mọi người xung quanh xúc thìa, gắp đũa, trẻ sẽ bắt chước và làm theo. 
Cách cho con ăn này nhìn qua có vẻ dễ dàng đơn giản và người mẹ dường như nhàn hơn, nhưng ban đầu, người mẹ phải vất vả và tìm tòi: nấu món gì để con có thể bốc ăn, kiên nhẫn đợi con ăn mà không thúc giục, chấp nhận con làm rơi, vương bẩn, và sẵn sàng dọn dẹp bãi chiến trường sau bữa ăn. 
"Thực tế, không thể nói cách nào tốt hơn: để con tự ăn hay xúc cho bé, mà mỗi người phải tìm một cách cân bằng, phù họp với điều kiện gia đình và cả cá tính, thể chất của con mình. Hơn nữa, đôi khi, việc thay đổi một thói quen - thói quen nuôi con, cho ăn, không đơn giản", chuyên gia chia sẻ. 
Đồng quan điểm này, thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Kim Mã, Hà Nội) cho rằng, luyện cho trẻ tự ăn và tôn trọng sở thích ăn uống của con là điều cần khuyến khích, và hầu như chúng ta đều biết là tốt cho trẻ, nhưng lại không mấy người làm được. Ở Việt Nam, những trẻ 4-5 tuổi, thậm chí hơn, vẫn được bố mẹ, ông bà xúc cho ăn là chuyện thường gặp. Và "vấn nạn" trẻ lười ăn, biếng ăn gặp ở rất nhiều gia đình. 
Cách cho con ăn của người Mỹ rèn cho con tính độc lập, tự giác cao và việc trẻ chủ động trong ăn uống cũng liên quan đến khả năng sáng tạo của con sau này. 
Thực tế, việc này đôi khi còn liên quan đến sự phù hợp với điều kiện gia đình, chẳng hạn như bố mẹ muốn rèn cho con thói quen ăn uống "kiểu Mỹ" nhưng ông bà lại không ủng hộ, bố mẹ xót con, công việc quá vội vàng (sáng ra nấu một bát cháo, đút cho con ăn thật nhanh để còn kịp đi làm, thời gian đâu mà bày món nọ món kia, rồi ngồi đợi con chọn cái này, bỏ cái khác), hoặc không đủ "nhẫn tâm" nhìn con đói, gầy hơn bạn này, ít cân hơn bạn kia...
"Việc cho con ăn thế nào cũng còn tùy thuộc vào điều kiện của người mẹ, hoàn cảnh gia đình, nhưng dù theo cách nào, cũng phải dựa trên nguyên tắc làm cho con thoải mái trong bữa ăn và biết ngon miệng. Trừ những trẻ vô cùng yếu về thể lực, hầu hết trẻ đều sẽ muốn ăn khi đói", nhà tâm lý giáo dục nói.
Cẩm Nhung - Vương Linh

320,525
Tin liên quan

 


 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten