K.L
“Ai... bánh mì nóng...”“Ai... bánh mì nóng mới ra lò... hông...”
Những ai còn lưu lại Sài Gòn sau năm 1975 chắc chắn không ai là không biết đến tiếng rao bán bánh mì trong các con hẻm nhỏ lúc mặt trời còn chưa tỏ dạng.
Chính xác như cái đồng hồ báo thức, cứ tầm 5 giờ sáng, mùi bánh mì thơm nức mũi đánh thức cả xóm cùng với tiếng rao lanh lảnh của chị phụ nữ “đẫy đà,” vui tính, hoặc của một anh thanh niên vai u thịt bắp nhưng hiền như cục bột.
Bánh mì “mới ra lò” lúc thời bấy giờ là món ăn sáng thường nhật của bao người, bất kể tầng lớp nào, từ anh công chức, bác xích lô, cho đến mấy học sinh quẩy cặp đến trường đều có ổ bánh mì “lận lưng.” Ðặc biệt, ở quán cà phê cóc đầu ngày, bánh mì chấm với cà phê sữa nóng thì không thể thiếu trong những câu chuyện thời sự ở trời Tây, hoặc những tranh cãi về “thay đổi” của ngày hôm qua, hôm nay.
Giới trung và thượng lưu Sài Gòn xưa thì không thể nào quên được những buổi sáng nhâm nhi café, thưởng lãm món bánh mì baguette Pháp trong quán Givral góc phố Catinat cũ.
Quán café Saigon xưa |
Và bánh mì theo chân những người Sài Gòn ấy trên bước đường lưu vong. Người Việt Nam xa quê mang theo cái hương vị thơm lừng, nóng giòn đó cùng nhau nhớ về quê hương, và cũng để xưng danh nơi đất khách.
Bánh mì Nam Sơn ở Philadelphia ra đời từ đó.
Ông Thanh H Nguyễn, một người tâm huyết với những chương trình văn hóa nghệ thuật mang tính giao lưu, bảo tồn cho cộng đồng Việt ở vùng Ðông Bắc chia sẻ: “Chúng ta hòa nhập, chứ không hòa tan. Chúng ta may mắn được sống trong một xã hội tự do, thì chúng ta có nhiệm vụ gìn giữ những món ăn hương vị quê nhà. Bên cạnh đó phải tìm cách kết hợp với cái hay cái đẹp của nước bạn. Chỉ như thế, các thế hệ thứ ba ở đây mới không bị hòa tan.”
Tâm tư này được một “chiến hữu” của ông là Ngụy Vũ, cha đẻ của đài phát thanh Nationwide Viet Radio ở Virgina tiếp nhận. Ngụy Vũ đã giới thiệu cho ông Thanh một người mà theo ông “sẽ mang đến cho cộng đồng Phila một hương vị của Sài Gòn xưa.”
Quả không sai, người được ông Thanh trao gửi tâm tư và đặt niềm tin là một người đã kinh qua 20 năm trong nghề bánh mì, ông Phan Minh Sự, một người “ngoại đạo” với Phila. Ông đến từ Calif, nơi được gọi là “cái nôi của người Việt.”
Có tiếp xúc, chuyện trò mới thấy và hiểu cái nhiệt huyết cùng niềm say mê nghề của ông. Khi nhắc đến bánh mì Sài Gòn, ông cho biết: “Có lẽ những năm sau này, do những khó khăn, khủng hoảng về kinh tế, mà ổ bánh mì ở Sài Gòn đã không được làm với những phẩm chất như bánh mì Sài Gòn xưa. Nói vậy không có nghĩa là bánh mì bây giờ không ngon. Mà là nếu những ai đã quen với hương vị bánh mì đặc ruột như bánh mì Pháp ngày xưa thì sẽ không dùng được.”
Ông Phan Minh Sự |
Ông khiêm tốn cho rằng mình là một người may mắn, và cần cù. Khi sang Mỹ không lâu, ông hữu duyên được tầm sư học đạo nghề làm bánh mì với một người Pháp. Rồi sau đó, tự mình tìm tòi học hỏi ở các hãng bánh Mỹ, cộng thêm kinh nghiệm nghề của người Việt. Từ đó, ông tự tìm ra công thức của riêng mình để có được ổ bánh mì đặc ruột vừa có hương vị Pháp, vừa có cái giòn rụm quen thuộc của bánh mì Sài Gòn.
Ông Sự chia sẻ thêm: “Làm gì cũng vậy, phải có đam mê và chịu tìm tòi học hỏi. Ðừng bao giờ ngại hỏi. Cũng đừng sợ thất bại. Thử không được lần này, làm lại lần khác. Quan trọng là mình biết mình làm gì. Cũng như để cho ra lò một ổ bánh mì ngon, mình phải am hiểu về thời tiết để mà biết cách đánh bột như thế nào cho phù hợp. Máy móc hiện đại thì hỗ trợ về thời gian cho ra sản phẩm thôi. ”
Hỏi về các loại bánh mì hiện có ở Nam Sơn, ông Sự cho biết hiện giờ, một ngày Nam Sơn cung cấp khoảng 200 ổ bánh mì baguette mè. Khách có thể dùng kèm với thịt nguội, các loại thịt nướng, xíu mại, bì, trứng... tùy sở thích. Số lượng 200 ổ sẽ phải tăng lên sau khi nhận phân phối khắp các tiểu bang Hoa Kỳ. Sắp đến, ông cho biết Nam Sơn sẽ phục vụ cộng đồng Phila nhiều loại “đặc sản” hơn nữa như bánh ngọt đủ loại, bánh mì đa dạng về mẫu mã.
Các Philanian, cứ 8 giờ sáng, hãy đến Nam Sơn là sẽ tìm ngay được một ổ bánh mì nóng hổi, thơm nức lòng người viễn xứ!
Geen opmerkingen:
Een reactie posten