zondag 19 mei 2013

Hà Mỹ Liên : Kiếp tằm lặng lẽ nhả tơ

Thứ bảy 18 Tháng Năm 2013
Hà Mỹ Liên : Kiếp tằm lặng lẽ nhả tơ
Hà Mỹ Liên biểu diễn tại Toulouse mùa xuân năm 2013 (DR)
Hà Mỹ Liên biểu diễn tại Toulouse mùa xuân năm 2013 (DR)
Lê Phước
Trong làng sân khấu cải lương Nam Bộ, có không ít trường hợp nhiều người cùng một gia đình đi hát cải lương, nhưng có ít trường hợp tất cả những người hát cải lương cùng một gia đình thật sự khẳng định được tài năng. Tiêu biểu cho trường hợp số ít đó là ba anh em nghệ sĩ Thanh Điền-Hà Mỹ Liên-Hà Mỹ Xuân.
Đây là ba nghệ sĩ « có tâm và có tầm » trong nghệ thuật ca diễn. So với anh trai và em gái mình thì nữ nghệ sĩ Hà Mỹ Liên ít được các phương tiện truyền thông nhắc đến. RFI Việt Ngữ hôm nay xin bàn đôi điều về nữ nghệ sĩ một thời vàng son này, một người mà dù sống ở đâu và làm gì cũng không bao giờ quên mình là « nghệ sĩ cải lương ».
Một thời vàng son …
Nghệ sĩ Hà Mỹ Liên tên thật là Nguyễn Thị Thu Hà, sinh ngày 04/12/1948 tại Long Xuyên, An Giang. Trong gia đình, Thanh Điền thứ Sáu, Hà Mỹ Liên thứ Bảy và Hà Mỹ Xuân thứ Tám (theo cách gọi của người Nam Bộ). Năm 12 tuổi, cô bé Thu Hà cùng anh Sáu mình bắt đầu cuộc đời gạo chợ nước sông.
Đoàn hát đầu tiên trong sự nghiệp của hai anh em là đoàn Kim Hoàn-Như Mai. Tại đoàn này, Thu Hà được đặt nghệ danh là Thu Hà còn anh trai được đặt tên là Ngọc Chiếu-tức nghệ sĩ Thanh Điền sau này. Vở tuồng đầu tiên mà hai anh em tham gia là vỡ Phạm Công Cúc Hoa. Và một điều trùng hợp thú vị là trong vở tuồng này hai anh em Hà Mỹ Liên lại vào vai hai anh em Nghi Xuân-Tấn Lực con của Phạm Công và Cúc Hoa.
Một thời gian sau, Thu Hà về đầu quân cho đoàn Bạch Vân, rồi sau đó về đoàn Kim Chung vào khoảng những năm 1962-1963. Tại đoàn Kim Chung, Thu Hà bắt đầu mang nghệ danh Hà Mỹ Liên. Cũng ở Kim Chung, Hà Mỹ Liên bắt đầu vào các vai đào trẻ trong những vở Chiêu Quân Cống Hồ, Ba Con Nhền Nhện, Thương Về Quê Mẹ. Lúc đó, đào trẻ của Kim Chung có Hà Mỹ Liên, Lệ Thủy, Mộng Tuyền và Kim Nga. Được biết, Hà Mỹ Liên và Lệ Thủy ở ngoài đời là đôi bạn chí thân, hai người từng chia vai trong vở Thương Về Quê Mẹ trên sân khấu Kim Chung.
Ở Kim Chung được khoảng 2 năm, Hà Mỹ Liên về đoàn Thủ Đô 2 và bắt đầu đóng đào chánh bên cạnh các nam nghệ sĩ lừng danh lúc bấy giờ như Dũng Thanh Lâm, Minh Đức, Minh Phụng… Sau đó Hà Mỹ Liên đầu quân cho Trăng Mùa Thu đóng cặp với Hoài Trúc Phương.
Như vậy, bắt đầu bước chân theo hát vào năm 12 tuổi, đến năm chưa đầy 15 tuổi, cô bé Thu Hà của miền quê An Giang ngày nào đã trở thành đào chánh. Những năm 1960 là giai đoạn « trăm hoa đua nở » của sân khấu cải lương Nam Bộ với việc các đoàn hát thi nhau ra đời và mỗi đoàn hát đều có những nghệ sĩ riêng để tạo được lượng khán giả riêng của mình, đào kép chánh của mỗi đoàn hát phải thật sự có tài năng để có thể thu hút được khán giả. Và dĩ nhiên, Hà Mỹ Liên phải có « chân tài thực học » mới có thể được chọn làm đào chánh trong cái bối cảnh « trăm hoa đua nở » ấy.
Con tằm lặng lẽ nhả tơ
Năm 1965, Hà Mỹ Liên lập gia đình với một người Pháp làm việc tại Việt Nam. Vì nhiều lý do khác nhau, cô đã phải rời xa sàn diễn. Tuy vậy, trong những nỗ lực tối đa của bản thân, cô đã cố níu kéo cái sợi dây ràng buộc với cải lương bằng cách lập đoàn hát Sao Ngàn Phương, rồi sau đó cùng với người em gái là nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân lập đoàn Xuân Liên Hoa.
Đến năm 1976, Hà Mỹ Liên theo chồng rời Việt Nam đến định cư tại Pháp. Rồi vào năm 1978, anh em nghệ sĩ cải lương tại Pháp đã liên lạc được với cô và từ đó cô bắt đầu trở lại sàn diễn. Gần đây, khi trao đổi với cô về giai đoạn này, Hà Mỹ Liên tâm sự là khi ấy cô « nhớ nghề không chịu được » nên đã cố gắng hết sức để trở lại với cải lương.
Trên đất Pháp, nghệ sĩ cải lương đi hát chủ yếu là để thỏa lòng mong nhớ cải lương và để mang lại một chút hơi ấm quê hương cho bà con xa xứ, chứ đâu có được những sân khấu chuyên nghiệp dành cho cải lương như cái thuở vàng son của sân khấu cải lương. Thế mà, Hà Mỹ Liên đã tham gia hát cải lương một cách không mệt mỏi.
Cô đã tham gia nhiều vở tuồng như Chiều Về Trên Sông Lạnh, Nước mắt Người Đi, Thuyền Ra Cửa Biển, Biên Giới Mọt Chiều Mưa, Huyền Trân Công Chúa, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Đi Biển Một Mình, Tấm Lòng Của Biển, Con Gái Chị Hằng, Bông Hồng Cài Áo, Ông Cò Quận 9, Mạnh Lệ Quân, Máu Nhuộm Sân Chùa, Tây Thi Gái Nước Việt, Khi Hoa Anh Đào Nở… Với các nghệ sĩ thuộc hàng gạo cội như Hữu Phước, Dũng Thanh Lâm, Phương Thanh, Kiều Lệ Mai, Minh Đức, Hương Lan, Chí Tâm, Phượng Mai, Tài Lương…và dĩ nhiên và còn với người em gái thân thương của cô là nữ nghệ sĩ tài danh Hà Mỹ Xuân.
Có một điều đáng trân trọng ở Hà Mỹ Liên là cô không bao giờ kén vai. Cô mê cải lương nên được giao vai nào cô cũng nhận mà không câu nâu nệ vai lớn hay vai nhỏ. Và đáng chú ý là cô nhận vai nhưng không phải nhận cho có mà là nhận để hát rất nghiêm túc. Cô đóng đủ các vai từ chánh đến phụ, từ đào lẳng đến đào thương, từ đào võ đến vai tiểu thơ đài các, từ vai hài quậy tung sân khấu đến những bà mẹ thân phận đau thương lấy nước mắt khán giả … Và cứ thế, mấy chục năm nay trên đất Pháp, Hà Mỹ Liên vẫn cứ đóng cải lương một cách « không kèn không trống », với một tấm lòng yêu cải lương ngày một mãnh liệt, cứ như một con tằm cứ miệt mài lặng lẽ nhả tơ.
Sân khấu nhỏ, tình cảm lớn
Trên đất Pháp gần 40 năm nay, cải lương tuyệt đối không phải là cái nghề kiếm sống của Hà Mỹ Liên. Để tìm kiếm cuộc mưu sinh, cô đã phải làm nhiều việc khác, từ kinh doanh nhà hàng, làm MC, đóng hài kịch, ca tân nhạc…Thế nhưng, khi nói về mình, Hà Mỹ Liên bao giờ cũng khẳng định rằng cô là nghệ sĩ cải lương. Cô khẳng định « chắt nịch » như thể như là cái nghề hát cải lương đã là máu, là hơi thở, là cái không bao giờ cô thiếu được. Thế mới biết Hà Mỹ Liên tự hào về cái nghiệp cải lương đến dường nào.
Gần đây có dịp thấy chị em Hà Mỹ Liên-Hà Mỹ Xuân tập dợt chuẩn bị cho buổi Lễ Phật Đản tại một ngôi chùa ở ngoại ô Paris. Được biết, sân khấu cho buổi trình diễn là một sân khấu « dã chiến » ngoài trời do điều kiện vật chất của nơi biểu diễn còn thiếu thốn. Thế nhưng, khi theo dõi quá trình tập dợt của chị em Hà Mỹ Liên thì chắc có lẽ ai cũng nghĩ rằng hai cô đang chuẩn bị cho một sân khấu đại bang hay một chương trình thi cải lương quy mô nào đó.
Trong buổi Lễ Phật Đản nói trên, Hà Mỹ Liên và Hà Mỹ Xuân sẽ tham gian một trích đoạn trong vở Quan Âm Thị Kính, trong đó Hà Mỹ Liên sẽ thủ hai vai : mẹ chồng nàng Thị Kính và vai Thị Mầu. Trích đoạn tuy không dài, nhưng có khá nhiều tình tiết cùng với lời văn rất khó nhớ, đòi hỏi người nghệ sĩ phải bỏ nhiều công sức để học tuồng. Ở cái tuổi trên 60, Hà Mỹ Liên và Hà Mỹ Xuân dĩ nhiên không dễ dàng gì để có thể học thuộc một kiểu tuồng như vậy. Thế nhưng, hai cô đã không ngại tuổi tác và đã cố gắng đến mức đáng nể trong việc học tuồng.
Chưa hết, chỉ một trích đoạn ngắn như vậy, thật lòng mà nói, với tuổi nghề của hai cô, thì chỉ cần học tuồng sơ sơ rồi có người nhắc tuồng là hát được ngay. Ấy thế mà, Hà Mỹ Liên và Hà Mỹ Xuân đã bất chấp tuổi tác để bỏ công bỏ sức cùng đến tập với anh em nghệ sĩ liên tục hàng tháng trời. Mà mỗi lần đến tập thì hai cô phải vượt 70 cây số tính cả đi lẫn về để có thể đến nơi tập.
Trên sân khấu khi tập tuồng, Hà Mỹ Liên và Hà Mỹ Xuân dường như quên đó là sân khấu tập. Hai cô không hề ỷ vào thâm niên nghề nghiệp để hát qua loa, mà hai cô tỉ mỉ từng nét diễn, từng lời thoại, từng cách nhả chữ, từng cách lấy hơi. Mỗi khi ca « chinh dây » một chút là hai cô yêu cầu được ca lại ngay.
Hiện tại, ngay cả nghệ sĩ trẻ trong nước, những người sống bằng nghề hát cải lương, mà khi tập tuồng cũng hiếm thấy có ai tập cho nghiêm túc đến mức như vậy. Thế mà, đối với chị em Hà Mỹ Liên và Hà Mỹ Xuân, đây là đi hát cho chùa, mà hát cho chùa thì làm công đức là chủ yếu, thế mà hai cô lại phải bỏ nhiều công sức đến như vậy. Điều đó chỉ có thể lý giải bằng một niềm đam mê không bờ bến đối với cái nghiệp cải lương.
Thần nữ Hà Mỹ Liên ngày ấy
Bàn về nghệ thuật ca diễn của Hà Mỹ Liên, ta thấy rằng cô có một bộ nhịp thuộc hàng thượng thừa. Một điểm đáng chú ý là có những bài bản lâu quá rồi cô không có dịp ca, thế mà khi tập tuồng, nhạc sĩ chỉ cần đàn cho cô nghe qua là lập tức cô bắt vào ca ăn song lang « cốp cốp ». Điều đó cho thấy các bài bản cải lương hoặc là đã thấm vào máu của cô hoặc là lúc nào cũng được cô nhớ thương da diết.
Hà Mỹ Liên tâm sự rằng, thế mạnh của cô là diễn xuất, thế nhưng nghe cô ca thì mới thấy được cô không chỉ giỏi diễn mà ca cũng thuộc hàng điêu luyện. Trước đây, giọng ca Hà Mỹ Liên khỏe lắm. Cô có giọng rất cao, và ca rất mùi. Bộ nhịp của cô thì khỏi phải chê, cô ca rất chắc nhịp. Cô đặc biệt ca hay các bài bản lẻ, và tôi đặt biệt thích nghe cô ca bài Phú Lục, nghe mà sướng tai.
Nói về bản vọng cổ, Hà Mỹ Liên ca vọng cổ không sắp chữ theo khuôn, cô có lối ca rải đều chữ, người nghe không biết là cô đã đi tới đâu, đôi khi sợ cô rớt nhịp, thế mà cô về cuối câu vọng cổ hồi nào mà người nghe cũng không hay, khi chợt nhận ra cô về cuối câu thì nhịp nhàng lại đâu vào đó, cứ đúng song lang như đặt sẳn vậy. Phải chắc nhịp và điêu luyện lắm thì người nghệ sĩ mới dám ca theo lối này.
Nói về diễn xuất, Hà Mỹ Liên diễn theo lối tự nhiên, không màu mè kiểu vẽ, có sao diễn vậy. Bởi thế, cô đi vào nhận vật rất tự nhiên. Được biết khi mới vào nghề, cô nổi tiếng với các vai đào võ. Hồi ấy, cô từng lừng danh với vai Thần Nữ trong vỡ tuồng Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ, đến mức mà đoàn Trăng Mùa Thu đăng bảng quảng cáo trước rạp Hưng Đạo ở Sài Gòn là « Thần Nữ Hà Mỹ Liên » bên cạnh « Kiều Nữ Bích Sơn ».
Trên đất Pháp, Hà Mỹ Liên thành công với các vai người mẹ bất hạnh trong Bông Hồng Cài Áo, Con Gái Chị Hằng, Tấm Lòng của Biển. Cô diễn các vai này cũng theo lối tự nhiên, nhẹ nhàng và thiên về thể hiện nội tâm, một lối diễn xuất rất có chiều sâu như của Thanh Nga hay Ngọc Giàu vậy.
Năm ngoái đuợc dịp xem cô diễn vai bà mẹ trong Tấm Lòng Của Biển với nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân tại một sân khấu dựng tạm ngoài trời tại một buổi cơm kiến thiết của một ngôi chùa ở ngoại ô Paris. Thường thì khi hát cải lương ở những sân khấu như vậy, nghệ sĩ rất khó lấy được nước mắt khán giả bởi mọi người bị chi phối bởi nhiều thứ khác. Ấy thế mà, hôm ấy, không ít khán giả đã phải bỏ đũa hướng mắt về sân khấu và để cho những giọt nước mắt lăn dài. Thế mới biết, nếu người nghệ sĩ ca diễn hết lòng thì khán giả cũng đáp lại bằng cách thưởng thức hết lòng vậy.
Để tìm hiểu thêm về nghệ sĩ Hà Mỹ Liên thuở vàng son của sân khấu cải lương, RFI Việt Ngữ trao đổi với nghệ sĩ Lệ Thủy tại Việt Nam-người từng chia sân khấu với Hà Mỹ Liên hồi những năm 1960 tại đoàn Kim Chung. Sau đây là tâm tình của Lệ Thủy về nghệ sĩ Hà Mỹ Liên :
« Lệ Thủy và Hà Mỹ Liên vừa là bạn đồng nghiệp vừa là đôi bạn thân. Hai đứa có cùng tuổi. Hồi về đoàn Kim Chung thì cũng còn nhỏ chừng 15-16 tuổi, nên rất thân thiết. Sau giờ tập tuồng hay giờ diễn thì thường rủ nhau đi chợ Sài Gòn chơi, đi mua sắm, đi xem phim…Lúc về đoàn Kim Chung, Lệ Thủy và Hà Mỹ Liên hát chung một vai trong vỡ tuồng Thương Về Quê Mẹ, Hà Mỹ Liên đóng màn đầu còn Lệ Thủy đóng màn sau.
Rất tiếc là Hà Mỹ Liên do có gia đình và phải đi xa nên không hát nhiều như Lệ Thủy. Nhưng phải nói về nghệ thuật thì Hà Mỹ Liên diễn đào võ rất hay, rất duyên dáng trên sân khấu. Gia đình Hà Mỹ Liên toàn là nghệ sĩ, như anh Thanh Điền hay Hà Mỹ Xuân cũng đều là những tay diễn rất hay. Lệ Thủy thấy rằng, Hà Mỹ Liên là một nghệ sĩ rất duyên dáng trên sân khấu, đẹp và diễn hay. Tiếc là một thời gian dài không đi hát, nên bà con như muốn quên Hà Mỹ Liên, chứ thật ra Hà Mỹ Liên cũng là một nhân tài đó ».
Cùng sống và hoạt động nghệ thuật trong mấy mươi năm qua trên đất Pháp với Hà Mỹ Liên là nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân. Sau đây là đôi điều nhận xét của Hà Mỹ Xuân về người chị và người đồng nghiệp Hà Mỹ Liên của mình :
« Nói về nghề, thì chị Hà Mỹ Liên cũng có tầm cỡ lắm. Hồi trước chị Liên ca hay lắm, bây giờ thì ca không còn như hồi xưa nữa, nhưng về diễn xuất thì như dân trong nghề hay nói là chị Liên là người rất « rộng xài », vì chị có thể diễn được nhiều loại vai, từ đào mùi, đào đào độc, đào lẳng…Loại vai nào chị diễn cũng trọn vẹn. Chị Liên diễn xuất rất có chiều sâu. Chị Liên ca rất chắc nhịp. Nói về ca quăng bắt nhịp nhàng thì chị Liên hơn Hà Mỹ Xuân rất nhiều. Thêm vào đó, chị Liên đạt rất cao về độ tự nhiên trên sân khấu. Chị Lệ Thủy và các chị nghệ sĩ lớn cùng thời, thì chị Liên có tầm cỡ như các chị em lúc đó.
Về đóng góp của Hà Mỹ Liên trên đất Pháp, phải nói là chị Liên đóng góp rất nhiều, nhiều hơn Hà Mỹ Xuân. Chị Liên có chồng sớm nên việc hát bị giáng đoạn. Nhưng sau khi sang Pháp chị đã hát trở lại và chị đóng góp cho cải lương trên đất Pháp rất nhiều.  Hà Mỹ Xuân còn nhớ, anh Thanh Điền và chị Hà Mỹ Liên đi theo hát trước, sau đó mới tới Hà Mỹ Xuân. Và chính chị Liên đã đặt nghệ danh cho Hà Mỹ Xuân ».
Ai ơi đừng có phụ nghề
Hà Mỹ Liên là một nghệ sĩ rất nghiêm túc và yêu nghề. Khi có dịp trò chuyện với cô, thì lúc nào cũng vậy, một niềm sung sướng luôn hiện rõ trong đôi mắt của cô mỗi khi cô kể về những tháng ngày gạo chợ nước sông ở cái thời vàng son của sân khấu cải lương. Cô không ngại xa xôi hay vất vã để được hát cải lương như trường hợp tập tuồng vừa kể bên trên.
Trong đôi lần đi hát vất vã nhưng thù lao thì chẳng bao nhiêu, có người trong nhóm diễn phàn nàn và tỏ ra chán nghề, thì lập tức Hà Mỹ Liên không ngại mất lòng mà nói ngay : «Bây ơi đừng có phụ nghề ». Một câu nói ngắn như thế nhưng tưởng chừng không còn có gì có thể cho thấy rõ ràng hơn tấm lòng tha thiết đối với cải lương của nghệ sĩ Hà Mỹ Liên.

http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20130518-ha-my-lien-kiep-tam-lang-le-nha-to

Geen opmerkingen:

Een reactie posten