Thứ ba, 28/5/2013 09:31 GMT+7
Nhận diện rau củ Trung Quốc
Hành tây vỏ xanh, cà chua to, bóng loáng, không có cuống; cà rốt to, gốc đen xỉn vì để lâu ngày... đích thị là rau củ Trung Quốc.
Tuy cơ quan chức năng phát hiện hàm lượng thuốc sâu trong gừng Trung Quốc ít có khả năng gây ngộ độc song các bà nội trợ cũng nên chú ý. Ảnh trái là gừng Trung Quốc trơn, bóng, mọng nước, ruột vàng, ít xơ. Gừng ta (phải) tuy xấu mã nhưng rất thơm.
Theo những người bán hàng, hành tây Trung Quốc (trái) có vỏ xanh, còn hành tây Đà Lạt (phải) thường bóng, có hình dạng tròn đều hoặc bầu dục, có màu vàng, tím hoặc trắng.
Tuy mùa này cà rốt trong nước chiếm đa số song vẫn có không ít cà rốt Trung Quốc và không khó để phân biệt hai loại này. Cà rốt ta củ nhỏ, đậm màu, tươi mới, thường có cuống (phải), không như cà rốt Trung Quốc (trái) bóng loáng, đều củ, to, không có cuống hay đầu thường bị đen do để lâu.
Mặc dù bí đỏ Việt Nam được trồng rất nhiều và có nhiều chủng loại từ quả tròn, hồ lô hay bầu dục song ở các chợ đầu mối vẫn có rất nhiều bí đỏ Trung Quốc và giá cả tương đương nhau. Để tránh nhầm lẫn hãy chọn những quả bí đỏ nhỏ, sần sùi là hàng ta. Còn giống bí đỏ Trung Quốc thường có kích thước gấp đôi, gấp 3 bí ta, quả dài, bóng và đẹp hơn (trái).
Bắp cải Trung Quốc thường được bọc trong túi lưới, dạng tròn, to bằng nắm tay, xanh nhạt, lá xoăn (trái). Còn bắp cải ta to, màu trắng.
Phân biệt cà chua có vẻ khó khăn, song nếu để ý bạn sẽ thấy cà chua Trung Quốc (trái) bao giờ quả cũng to, bóng đều, không cuống vì sử dụng chất bảo quản rất lâu. Cà chua ta thường có cuống, tươi hơn. Trong ảnh (phải) là cà chua Vĩnh Phúc quả nhọn, nhỏ hơn hẳn.
Khoai tây Trung Quốc có vài loại, trong ảnh (trái) là giống khoai ruột trắng ăn nhạt, sượng. Khoai tây Đà Lạt (phải) vỏ mỏng, dễ bong tróc, mắt khoai nhỏ, ruột vàng, ăn bở.
Hành Trung Quốc (trái) củ to, chỉ có một tép, không thơm, vỏ mỏng. Hành ta thường cỏ vài tép trên một củ, rất thơm, lớp vỏ dày.
Tỏi Trung Quốc (trái) thường nhiều tép, củ to, vỏ mỏng, rất dễ bóc, có vị hăng, the. Tỏi ta có nhiều loại song củ nhỏ, khó bóc, vị thơm rất đặc trưng.
Phan Dương
226,716
Tin liên quan
Thứ năm, 23/5/2013 07:54 GMT+7
Nhận diện gừng Trung Quốc và Việt Nam
Gừng ta củ nhỏ, da sần sùi, chia làm nhiều nhánh, nhiều đường vân, có bám đất xung quanh. Gừng Trung Quốc thường không dính đất, củ to, tròn, da trơn láng, mịn màng, thân mọng nước, ít đường vân, rất dễ bóc vỏ.
Thông tin gừng Trung Quốc
nhiễm chất trừ sâu cực độc được bán tràn lan tại nhiều chợ Việt Nam khiến các bà nội trợ hoang mang khi chọn mua gừng. "Mình thường không để ý xuất xứ, nguồn gốc của gừng khi mua. Mấy hôm nay nghe thông tin gừng độc, ra chợ mình có quan sát kỹ hơn trước khi mua nhưng thường hàng nào cũng bán một loại, không biết lấy cơ sở nào mà so sánh chọn lựa", chị Mai ở quận Bình Thạnh, TP HCM, lo lắng.
Gừng Trung Quốc (bên trái) có kích cỡ to, thân tròn, ít nhánh con, thân mọng nước hơn gừng ta (phải) rất nhiều. Ảnh: Lê Phương.
Chị Hà, tiểu thương tại chợ quận 2, cho biết chị thường nhập gừng ta về bán vì giá rẻ hơn và người tiêu dùng ưa chuộng hơn. "Hai loại gừng này rất dễ phân biệt với nhau, nhìn bề ngoài là đã biết rồi. Gừng Trung Quốc mẫu mã đẹp nhưng khó để lâu, gừng ta vị thơm đậm đà nên bán lẻ chạy hàng hơn", chị Hà chia sẻ.
Gừng ta có da sần sùi, chia làm nhiều nhánh, nhiều đường vân, có bám đất xung quanh. Ảnh: Lê Phương.
Gừng Trung Quốc thường không dính đất, da trơn láng, mịn màng, ít đường vân, rất dễ bóc vỏ. Ảnh: Lê Phương
Theo chị Hà, chỉ cần nhìn vào bề mặt củ gừng là thấy ngay sự khác biệt. Gừng trong nước có củ nhỏ, da sần sùi, chia làm nhiều nhánh, nhiều đường vân, có bám đất xung quanh. Gừng Trung Quốc thường không dính đất, củ to, tròn, da trơn láng, mịn màng, thân mọng nước, ít đường vân, rất dễ bóc vỏ. Gừng ta có vị thơm đậm, cay nồng, gừng Trung Quốc không có mùi vị. Phần lõi, gừng ta có nhiều xơ, đường vân tròn rõ nét. Lõi gừng Trung Quốc ít xơ, đường vân nhợt hơn.
Lõi gừng Trung Quốc (bên trái) mọng nước hơn gừng ta (phải). Ảnh: Lê Phương.
Lõi gừng Trung Quốc ít xơ, đường vân nhợt hơn. Ảnh: Lê Phương.
Gừng ta có phần lõi nhiều xơ, đường vân tròn rõ nét, thơm nồng đặc trưng. Ảnh: Lê Phương.
Anh Hạnh, tiểu thương tại chợ Văn Thánh, quận Bình Thạnh, TP HCM, cho biết mấy ngày nay, khi mua gừng người tiêu dùng thường gặng hỏi rất kỹ càng. "Gừng Việt nếu càng to, càng trơn láng, sạch sẽ thì càng khó bán vì nhiều chị em e ngại là hàng Trung Quốc", tiểu thương này cho biết.
Tại chợ đầu mối Hóc Môn, mỗi tháng khoảng 185 tấn gừng Trung Quốc tiêu thụ ra thị trường, tức 6 tấn một ngày. Đại diện ban quản lý chợ cho biết gần đây lượng hàng tiêu thụ vẫn không giảm, hoạt động mua bán diễn ra bình thường. Nhiều thùng hàng tại chợ ghi rõ nguồn gốc xuất xứ là Sơn Đông, Trung Quốc - nơi phát hiện gừng sử dụng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép 3-6 lần.
Giá gừng Trung Quốc 20.000 đồng một kg, gừng Việt Nam rẻ hơn với khoảng 16.000 đồng mỗi kg. Sau thông tin gừng Trung Quốc độc, giá gừng ta tăng lên xấp xỉ hàng ngoại. Tiểu thương chợ đầu mối Hóc Môn cho biết khách mua gừng Trung Quốc đa phần là để chế biến, nấu nướng tại những nơi sử dụng số lượng nhiều như
nhà hàng, quán ăn vì nó trơn láng, sạch sẽ, dễ lột vỏ, gột rửa.
Lê Phương - Lệ Quyên
http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/am-thuc/bi-quyet/nhan-dien-gung-trung-quoc-va-viet-nam-2758459.html
Thứ ba, 7/5/2013 09:40 GMT+7
Gừng Trung Quốc bảo quản bằng thuốc sâu cực độc
Truyền hình Trung Quốc vừa phát đi phóng sự về việc nông dân trồng gừng lạm dụng một loại thuốc trừ sâu có độc tính cao và bị cấm.
Một báo cáo điều tra do Đài truyền hình Trung ương Trung quốc (CCTV) phát sóng vào thứ 7 tuần qua phát hiện các nông dân ở thành phố Duy Phường (tỉnh Sơn Đông) đã sử dụng thuốc trừ sâu aldicarb, vượt mức cho phép 3-6 lần.
Theo
SCMP , Aldicarb là một trong những loại thuốc trừ sâu cực độc chỉ được sử dụng cho 5 loại cây ở Trung Quốc là cây bông vải, thuốc lá, hoa hồng, đậu phộng và khoai tây với điều kiện phải được sự cho phép và kiểm soát nghiêm ngặt của Bộ Nông nghiệp. Chất độc aldicarb có thể gây tổn thương hệ hô hấp, mờ mắt, đau đầu, nôn mửa và run rẩy ở người. Chỉ cần 50mg aldicarb có thể giết một người có cân nặng 50kg.
Gừng được bảo quản bằng thuốc trừ sâu có độc tính cao tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
Theo điều tra của CCTV, các hộ trồng gừng ở Duy Phường đã dùng 120-300kg thuốc trừ sâu aldicarb cho một ha gừng nhằm chống sâu rầy và bảo quản củ lâu hỏng.
Một nông dân nói bà biết độc tính cao của thuốc trừ sâu này và không dùng nó cho gừng để gia đình ăn. Một người khác cho biết đã sử dụng thuốc aldicarb hơn 20 năm, khi loại này mới được giới thiệu trên thị trường.
"Ai chẳng sử dụng loại này để diệt côn trùng. Ai mà không dùng nó để đảm bảo thu hoạch tốt. Nếu không dùng thuốc này, sản lượng của chúng tôi có thể giảm một nửa", một nông dân cho biết.
Chính quyền Duy Phường đang có kế hoạch khởi động một "cuộc trừng trị thẳng tay" với thuốc trừ sâu aldicarb bắt đầu bằng thu hồi hết số gừng đã tiếp xúc với thuốc. Các quan chức Sơn Đông cũng cử một nhóm điều tra vụ việc này.
Hóa chất aldicarb đã thu hút sự chú ý của truyền thông tại Trung Quốc vào năm 2012 sau vụ việc dưa chuột bị tẩm thuốc trừ sâu độc hại khiến 13 người chết tại tỉnh An Huy. Loại thuốc này được bán tại Mỹ với tên thương mại là Temik, được coi là loại thuốc trừ sâu độc hại nhất sử dụng trong lĩnh vực trồng trọt.
Năm 2010, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA)và công ty Bayer đã ký một thỏa thuận cấm hoàn toàn việc sử dụng aldicarb vào năm 2018. Một đánh giá rủi ro vừa được thực hiện bởi EPA cho thấy aldicarb không còn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và đặt ra "rủi ro không thể chấp nhận được trong ăn uống", đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Vương Linh
32,001
http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/song-khoe/nhip-song/gung-trung-quoc-bao-quan-bang-thuoc-sau-cuc-doc-2745029.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten