zondag 19 mei 2013

969 : Cơn ác mộng của người Hồi giáo Miến Điện

Chủ nhật 19 Tháng Năm 2013

969 : Cơn ác mộng của người Hồi giáo Miến Điện

Khu tỵ nan của người Rohingyas, ngày 11/10/2012, tại ngôi làng Theik Kayk Pyim, ở ngoại ô Sittwe,thủ phủ bang Rakhine.
Khu tỵ nan của người Rohingyas, ngày 11/10/2012, tại ngôi làng Theik Kayk Pyim, ở ngoại ô Sittwe,thủ phủ bang Rakhine.
AFP PHOTO/Christophe ARCHAMBAULT

Arnaud Dubus / Trọng Nghĩa
Tháng Ba vừa qua, các nhóm Phật giáo cực đoan tại Miến Điện đã tấn công dữ dội vào người Hồi giáo ở các thành phố miền Trung và miền Đông nam, giết hại hàng chục người và phá hủy nhiều khu phố và đền thờ Hồi giáo. Như trong các cuộc đụng độ năm ngoái giữa người Rakkhine theo đạo Phật và người Rohingya theo đạo Hồi ở miền Tây Miến Điện, lực lượng an ninh đã không can thiệp, thậm chí còn giúp những kẻ tấn công. Phong trào mang tên 969 là một trong những động lực của chiến dịch chống người Hồi giáo này.


Thông tín viên Arnaud Dubus - Bangkok
 
19/05/2013
 
 
Arnaud Dubus, thông tín viên RFI tại khu vực Đông Nam Á đã tìm hiểu rõ hơn về sự ra đời cũng như cách thức tổ chức của phong trào 969 :
Arnaud Dubus : 969 là một chuỗi số tương ứng với Tam bảo của đạo Phật là Phật, Pháp (tức là lời dạy của Đức Phật), Tăng (tức là cộng đồng tu sĩ). Đối với người Miến Điện vốn rất mê tín và đam mê số học, con số 969 được dùng để đối kháng với con số 786 của Hồi giáo mà theo họ, phản ánh ý chí của người Hồi giáo là thống trị thế giới trong thế kỷ XXI.
Một cách cụ thể , phong trào 969 đã được hình thành vào đầu năm nay, ngay sau các vụ bạo động tại bang Rakkhine, miền Tây Miến Điện vào tháng Mười năm ngoái. Lãnh đạo phong trào là một số nhà sư theo xu hướng dân tộc cực đoan như tu sĩ Wiratu nổi tiếng, có trụ sở tại Mandalay. Hệ tư tưởng của phong trào này nói rằng người Hồi giáo muốn kiểm soát Miến Điện, kể cả thông qua kinh tế.
Phong trào 969 được tổ chức tốt với các ủy ban địa phương tại hầu hết các thành phố. Các ủy ban này phân phát tờ rơi và đĩa CD truyền đạt các bài giảng nặng mùi dân tộc chủ nghĩa cực đoan và bài ngoại của các nhà sư. Họ khuyến khích các Phật tử chủ nhân các cửa hiệu, hàng quán, tiệm cà phê dán biểu tượng của phong trào 969 trong cơ sở của mình.
Phong trào 969 muốn phát động một cuộc tẩy chay tất cả các doanh nghiệp của người Hồi giáo tại Miến Điện. Với biểu tượng 969 được dán lên, khách hàng có thể xác định là các cửa hàng do Phật tử hay người Hồi giáo điều hành. Cuộc tẩy chay này có vẻ có hiệu quả bởi vì theo nhiều lời chứng, nhiều thương nhân Hồi giáo đã mất đi phần lớn khách hàng của họ. Chiến lược của phong trào 969 là xua đuổi người Hồi giáo ra khỏi đất nước, ngay cả những người dân có quốc tịch Miến Điện, bằng cách làm cho những người này bị phá sản.
RFI : Trong tháng Sáu và tháng Mười năm ngoái, đã có tình trạng bất ổn chết người giữa người Rakkhines Phật giáo và người Rohinyas Hồi giáo tại Bang Rakkhine. Các sự cố đó có liên quan gì đến phong trào 969 ?
Arnaud Dubus : Phong trào 969 đã hình thành vào đầu năm nay và bắt đầu được các phương tiện truyền thông quốc tế biết đến nhân các vụ người Phật giáo cực đoan tấn công người Hồi giáo ở thành phố Meiktila vào cuối tháng Ba.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch ngày 22/04 đã ban hành một bản báo cáo, tố cáo làn sóng bạo động thứ hai đó. Báo cáo mang tên: "Tất cả những gì mà bạn có thể làm là cầu nguyện : Tội ác chống  nhân loại và thanh lọc chủng tộc nhắm vào người Hồi giáo Rohingya."
Báo cáo cho biết cách thức theo đó các lực lượng an ninh đã cùng với các tổ chức Phật giáo địa phương, tham gia vào các vụ thảm sát người Hồi giáo. Các nhà điều tra của Human Rights Watch đã phát hiện bốn ngôi mộ tập thể chôn thi thể các nạn nhân vụ thảm sát.
Phong trào 969 đã không được chính thức nêu tên trong báo cáo của Human Rights Watch, nhưng có vẻ như là đã được các nhà sư cực đoan trong khu vực Mandalay thành lập. Những kẻ này muốn phát tán sự căng thẳng giữa Phật giáo và người Hồi giáo ra những nơi khác.
Nhân vật như nhà sư Wiratu đã từng hô hào chống Hồi giáo vào đầu thập niên 2000. Tình hình rối loạn tại Rakkhine đã là một cơ hội cho ông và các đồng minh khôi phục chiến dịch của họ.
RFI : Liệu cuộc xung đột này có khả năng có thể gây bất ổn cho toàn bộ đất nước?
Arnaud Dubus : Thống kê khác nhau, nhưng người Hồi giáo dường như chiếm khoảng 6% dân số Miến Điện. Mặc dù tỷ lệ này tương đối thấp, nhưng các chiến dịch chống Hồi giáo đầy thù hận rất nguy hiểm, đặc biệt là trong bối cảnh sắp đến cuộc bầu cử năm 2015.
Thật vậy, những căng thẳng này khơi dậy tình cảm dân tộc chủ nghĩa Miến Điện, trong thời điểm này thì nhằm vào các tín đồ Hồi giáo, nhưng mai kia có thể nhắm vào các dân tộc thiểu số khác, chẳng hạn như cộng đồng Chin theo Thiên chúa giáo, hay cộng đồng Karen.
Đấy là những gì đã xảy ra ở Indonesia sau khi chế độ Suharto sụp đổ vào năm 1998. Khi nắp độc đoán được nới lỏng, căng thẳng giữa các tôn giáo và sắc tộc có dịp bùng nổ. Tại Miến Điện, càng đến gần cuộc tổng tuyển cử năm 2015, các căng thẳng này sẽ càng trở nên gay gắt, với nguy cơ làm đất nước bất ổn định.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130519-969-con-ac-mong-cua-nguoi-hoi-giao-mien-dien

Geen opmerkingen:

Een reactie posten