zondag 25 december 2011

10 nhân vật quyền lực nhất ngành ôtô 2012

22/12/2011

Hyundai xuất sắc có tới 2 gương mặt trong top 10. Trong khi nhà lãnh đạo của Toyota tụt xuống vị trí thứ 26.


Giống như mọi năm, tạp chí Motor Trend đánh giá và xếp hạng các ông chủ của các hãng xe sau một năm điều hành, quản lý, đồng thời dự đoán khả năng thăng tiến trong năm tới. Danh sách này cũng phản ánh phần nào xu hướng phát triển của các hãng xe trên thế giới.

Bảng xếp hạng năm nay có sự thay đổi lớn ở những vị trí đầu tiên. Đặc biệt trong số đó có hai nhân vật của Hyundai, hãng châu Á duy nhất có tên trong top 10. Từ vị trí thứ 17 trong năm 2011, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Toyota, Akio Toyoda tụt xuống số 26.

Một nhân vật nằm ngoài top 10 nhưng rất nổi bật là Peter Schreyer, Giám đốc thiết kế của Kia. Từ số 13 năm 2011, nhà thiết kế người Đức được xếp đứng thứ 11 trong danh sách 2012. Peter mang tới cho Kia ngôn ngữ thiết kế "điển trai" và được đánh giá giúp Kia trở thành một Honda mới. Dấu ấn mới nhất của ông là Kia GT concept sử dụng hệ dẫn động cầu sau được giới thiệu tại triển lãm Frankfurt hồi tháng 9.

1. Sergio Marchionne: CEO Fiat Auto/Chrysler Group



Từ vị trí thứ 9 năm 2011, CEO của Fiat và Chrysler có bước tiến ngoạn mục khi chiếm ngôi quán quân năm 2012.

Có lợi nhuận ít ỏi trong năm 2011, nhưng dưới triều đại của Sergio, Chrysler từ một hãng đang co cụm với thị phần nghèo nàn đang nhanh chóng hồi sinh với những mẫu mới như Jeep Wrangler và Chrysler 200 nâng cấp. Trước đó, Chrysler từng có những ngày tháng đen tối ở Daimler cùng Dieter Zetsche, sau đó là thời kỳ buồn thảm ở Cerberus. Và từ nguy cơ phá sản năm 2009, Chrysler đã trả mọi khoản nợ ở Mỹ và Canada.

2. Chung Mong Koo: Chủ tịch Hyundai Motor



Hyundai và thương hiệu mà họ sở hữu 70%, Kia, đã đạt gần như mọi mục tiêu mà ông Chung đặt ra trong những năm qua. Trong tương lai, đích nhắm của vị Chủ tịch hãng phải đuổi kịp Ford. Hiện Hyundai chỉ còn kém Ford 27.000 xe trong doanh số bán hàng toàn cầu.

Dưới sự điều hành của Chung Mong Koo, mẫu Sonata trở nên khan hàng bởi sản xuất không kịp đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Trong danh sách năm 2011, ông Chung đứng vị trí thứ 5.

3. Alan Mulally: CEO Ford Motor



Từ ngôi quán quân năm 2011, Giám đốc điều hành của Ford tụt xuống thứ 3. Nhưng Alan Mulally vẫn đầy quyền lực: giúp lợi nhuận tăng trong khi vẫn duy trì dòng sản phẩm nâng cấp đều đặn và xuất hiện trong chương trình Late Night with David Letterman.

Rắc rối của của Alan Mulally là hộp số PowerShift bị lỗi và phải để Microsoft đọc lỗi của phần mềm MyFordTouch.

Thu nhập của vị CEO là 33,4 triệu USD sau khi đã trừ thuế, cao nhất trong số thu nhập từng được công bố của các ông chủ hãng ôtô.

4. Martin Winterkorn: Chủ tịch ban điều hành Volkswagen


Martin Winterkorn

Vị Chủ tịch này có cách tiếp cận hợp lý với các dòng sản phẩm. VW có thể sớm bắt kịp Toyota với doanh số toàn cầu. Ông cũng là người đấu tranh cho các nhà máy tại Chattanooga (Tennessee, Mỹ). Với mẫu Passat dành riêng cho Bắc Mỹ, Martin Winterkorn đi ngược lại chiến lược của Ford với mẫu Fusion/Mondeo toàn cầu, đối thủ cạnh tranh của Passat.

5. Mark Reuss: Chủ tịch General Motors



Các sản phẩm nổi bật dưới triều đại của Mark Reuss gồm Chevrolet Malibu, Spark, Cadillac ATS và XTS, nâng cấp cho Chevy Traverse, GMC Acadia và Buick Enclave. Mục tiêu của Cadillac ATS là BMW serie 3.

Với Mark Reuss, Cadillac sẽ chứng minh xe hạng sang Mỹ có thể chiến thắng các đối thủ trên thế giới. Ông nói: "Tôi đã lái ATS và XTS, cả trên đường công cộng và đường đua, và hãy tin tôi khi tôi nói rằng, những chiếc xe này là tất cả và hơn thế".

Năm 2011, Mark Reuss đứng ở vị trí thứ 6.

6. Ferdinand Piech: Chủ tịch Volkswagen



Tụt xuống từ vị trí thứ 2 trong danh sách 2011, người đứng đầu hãng xe Đức vẫn là một trong 10 nhân vật quyền lực nhất. Số đông của 20 thành viên ban giám đốc VW đã ủng hộ nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 3 chức Chủ tịch của Ferdinand. Nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc vào ngày 19/4, hai ngày sau khi ông bước sang tuổi 75.

Ferdinand Piech đã đặt ra mục tiêu vượt Toyota và GM để trở thành hãng xe lớn nhất thế giới vào năm 2018.

7. Walter de Silva: Giám đốc thiết kế Volkswagen


Walter de Silva

Là chỉ đạo thiết kế của VW, Walter de Silva đảm bảo vô số hình ảnh thương hiệu của hãng xuất hiện khắp nơi qua thiết kế xe, giống như "bộ mặt" mới của Volkswagen trên một loạt mẫu xe gia đình và crossover. Khi VW mở rộng sản xuất và thị trường, mọi mẫu xe của hãng đều phải trông rất VW, dù được bán ở đâu.

8. John Krafcik: Chủ tịch/CEO Hyundai Mỹ


John Krafcik

Trong khi phần lớn ngành công nghiệp ôtô tranh đấu để đạt doanh số như vào giữa những năm 2000, Hyundai lại lập kỷ lục. Đi theo nguồn cảm hứng của Chủ tịch Chung Mong Koo, John Krafcik biến Hyundai tại Mỹ thành một thương hiệu mang tới nhiều tính năng nổi bật mà khách hàng không phải chi quá nhiều tiền.

Năm 2011, John đứng cuối top 10.

9. Dan Akerson: Chủ tịch/CEO GM


Dan Akerson

Lúc đầu xuất hiện như một kẻ khoác lác, sau đó tận tụy khôi phục thân thế của Cadillac, đồng thời biến Chevrolet thành một thương hiệu toàn cầu. Những điều này giúp Dan Akerson từ vị trí 27 năm 2011 nhảy lên đứng thứ 9.

Ông phát biểu: "Chúng ta có cơ hội lớn để nắm bắt vị trí hàng đầu trong công nghệ, trong thiết kế, chất lượng, an toàn, năng suất, sự trung thành của khách hàng và cuối cùng, trong việc tái định nghĩa về sự chuyển động của con người".

10. Norbert Reithofer: Chủ tịch BMW AG


Norbert Reithofer

Vượt lên từ vị trí 25 trong năm 2011 lên đứng số 10 là Chủ tịch của hãng xe Đức. Ông từng dự đoán năm 2011 của BMW sẽ kết thúc với doanh số kỷ lục và khoản lợi nhuận trước thuế mới.

Sự thành công của serie 3 với biên lợi nhuận cao hơn khiến đối thủ Mercedes E-class phải ghen tị. Tuy nhiên, serie 3 giống như một điểm nối khi được thiết kế để hướng khách hàng tới serie 5 cao cấp hơn.

Minh Thủy

Geen opmerkingen:

Een reactie posten