Anh cáo buộc TQ ngược đãi thô bạo người Uighurs ở Tân Cương

A Uighur woman waiting with children on a street in Kashgar in China's northwest Xinjiang region.

NGUỒN HÌNH ẢNH,AFP

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền một cách "kinh tởm và quá đáng" đối với người Uighur, và nói không loại trừ việc áp lệnh trừng phạt đối với những người phải chịu trách nhiệm trong chuyện này.

Các tường thuật về tình trạng triệt sản bắt buộc và đàn áp rộng khắp đối với nhóm người Hồi giáo này "gợi nhớ lại những điều chưa từng chứng kiến từ lâu rồi", ông nói với BBC.

Anh sẽ làm việc với các đồng minh để có hành động thích hợp, ông nói.

Đại sứ Trung Quốc tại Anh nói trong chương trình phỏng vấn của phóng viên BBC Andrew Marr rằng tin nói có những trại tập trung là "giả".

Ông Lưu Hiểu Minh nói với Andrew Marr rằng người Uighurs được đối xử giống như bất kỳ các nhóm sắc tộc nào khác ở Trung Quốc.

Khi được cho xem các hình ảnh do camera bay ghi được cho thấy có vẻ như có người Uighurs bị bịt mắt dẫn tới tàu hỏa, và hình ảnh này đã được cơ quan an ninh Úc xác thực, ông Lưu nói ông "không biết" là đoạn video đó chiếu hình ảnh gì, và "đôi khi quý vị phải di chuyển tù nhân, ở nước nào cũng vậy thôi".

"Không có cái gọi là các trại tập trung ở Tân Cương," ông nói thêm. "Có rất nhiều cáo buộc giả nhằm chống lại Trung Quốc."

Người ta tin rằng có khoảng một triệu người Uighur và các nhóm người khác hầu hết là theo Hồi giáo bị giam giữ ở Trung Quốc, tại những nơi mà nhà nước gọi là các trại "cải tạo".

Trước đây Trung Quốc từng bác bỏ việc có các trại này tồn tại, nhưng sau nói việc xây dựng các trung tâm đó là biện pháp cần thiết để chống khủng bố, sau khi có tình trạng bạo lực đòi ly khai ở vùng Tân Cương.

Gần đây, giới chức bị cáo buộc là đã cưỡng bức phụ nữ phải triệt sản hoặc phải đặt vòng tránh thai, nhằm hạn chế dân số, và điều này đã dẫn đến việc có những lời kêu gọi Liên Hiệp Quốc phải điều tra.

'Rất có vấn đề'

Khi được hỏi liệu việc đối xử với người Uighurs như vậy có đáp ứng với định nghĩa pháp lý về diệt chủng hay không, ông Raab nói cộng đồng quốc tế cần phải "cẩn thận" trước khi đưa ra các cáo buộc như vậy.

Nhưng ông nói: "Bất kể là mang nhãn hiệu pháp lý là gì, thì rõ ràng là sự vi phạm nhân quyền kinh tởm, quá đáng đang diễn ra.

"Nó rất, rất có vấn đề, và các tường thuật về khía cạnh nhân đạo của chuyện này, từ việc buộc triệt sản cho đến các trại cải tạo - đang gợi nhớ lại những điều mà chúng ta đã từ rất lâu rồi không còn phải thấy.

"Chúng ta muốn có một mối quan hệ tích cực với Trung Quốc, nhưng chúng ta không thể chứng kiến cách hành xử như thế mà không lên tiếng."

File photo taken in 2019 shows a woman walking in an ethnic Uighur neighbourhood in Aksu in China's northwest Xinjiang region

NGUỒN HÌNH ẢNH,AFP

Chụp lại hình ảnh,

Phụ nữ Uighur phải đối diện với chương trình "thô bạo" kiểm soát sinh nở, các tường thuật nói

Đang ngày càng có nhiều lời kêu gọi là Anh cần phải áp các lệnh trừng phạt như phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc đàn áp người Uighurs.

Anh Quốc gần đây đã có hành động đối với các tướng lĩnh cao cấp của Myanmar, những người tổ chức chiến dịch bạo lực chống lại người Rohingya, và với các tổ chức của Bắc Hàn đứng sau các trại cải tạo lao động cưỡng bức.

Ông Raab nói điều này cho thấy Anh sẵn sàng có hành động đơn phương cũng như thông qua các tổ chức như Liên Hiệp Quốc.

Các dân biểu đảng Bảo thủ ở Anh cũng đang gây áp lực để chính phủ có hành động đối với các quan chức cao cấp của chính quyền Hong Kong, sau khi Trung Quốc ra luật an ninh mới, điều mà Anh gọi là vi phạm các thỏa thuận quốc tế về bảo vệ quyền tự do.

'Ăn miếng trả miếng'

Nói trong chương trình The Andrew Marr Show của BBC, ông đại sứ Trung Quốc nói rằng nếu Anh - nước đã đề nghị trao cho ba triệu người Hong Kong đủ điều kiện cơ hội nhập tịch Anh - nhắm vào các quan chức Hong Kong thì nước ông sẽ trả đũa.

"Nếu như Anh đi tới mức áp lệnh trừng phạt lên bất kỳ cá nhân nào tại Trung Quốc, thì Trung Quốc chắc chắn sẽ có phản ứng quyết liệt," ông nói.

Ông nói các cáo buộc "thanh lọc sắc tộc" đối với người Uighurs là vô căn cứ, và nói họ "đang sinh sống yên bình, hòa hợp với các dân tộc khác".

Ông nói rằng các số liệu theo đó nói mức tăng dân trong các khu vực có người Uighurs sinh sống giảm 84% trong thời gian 2015 đến 2018 là "không đúng", và nói dân số Uighurs ở toàn vùng Tân Cương là cao "gấp đôi" trong thời gian bốn thập kỷ qua.

"Không có cái gọi là cưỡng bức triệt sản lan tràn, hàng loạt trong cộng đồng người Uighur ở Trung Quốc," ông nói thêm. "Chính sách của nhà nước hoàn toàn phản đối điều đó."

Tuy ông "không thể loại trừ là có các vụ đơn lẻ" bị triệt sản, nhưng ông nói "chúng tôi đối xử với mọi sắc tộc bình đẳng như nhau".

Anh cáo buộc TQ ngược đãi thô bạo người Uighurs ở Tân Cương - BBC News Tiếng Việt