zondag 19 december 2021

Bangladesh tròn 50 tuổi [Phạm Phú Khải]

 

Bangladesh tròn 50 tuổi

Cảnh sát nữ Bangladesh bảo vệ văn phòng Đảng Quốc Gia Bangladesh trong một cuộc biểu tình. Hình minh họa.

Bangladesh, một quốc gia Nam Á, đang ngày càng chiếm được sự quan tâm của các cường quốc Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga lẫn các nước như Nhật, Úc v.v… Lý do? Không phải vì Bangladesh đang chứa gần một triệu người tị nạn Rohingya. Mà là vì Bangladesh đang ngày càng lớn mạnh nhờ tiềm lực dân sự và kinh tế của nước này.

Quan hệ giữa Mỹ và Bangladesh đang đa dạng và có xu hướng tích cực, nhưng trong tháng qua, chính quyền Biden đã có những quyết định gây phiền lòng nước này.

Đầu tiên là vì Bangladesh (chỉ số dân chủ là 39), tuy đa đảng và phần nào tự do, nhưng sự vi phạm nhân quyền của chính quyền hiện nay là điều không thể nào làm ngơ được. Do đó Bangladesh đã không được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ trong hai ngày 9 và 10 tháng 12 vừa qua.

Kế đến, nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ra chỉ định 15 cá nhân và 10 tổ chức liên quan đến việc lạm dụng và đàn áp nhân quyền ở một số quốc gia trên toàn cầu. Ngoài một số cá nhân và tổ chức từ Trung Quốc, Rapid Action Battalion (RAB) và 6 viên chức cao cấp đang hay từng phục vụ cho RAB đã nằm trong danh sách này. Được biết RAB là một lực lượng đặc nhiệm hình thành vào năm 2004, bao gồm các thành viên của cảnh sát, lục quân, hải quân, không quân và lực lượng biên phòng được biệt phái cho RAB từ các đơn vị tương ứng của họ. Kể từ năm 2009, RAB chịu trách nhiệm cho 600 người bị mất tích tại Bangladesh, và kể từ năm 2018 gần 600 vụ giết người phi pháp, và bị tra tấn. Tổ chức quan sát nhân quyền Odhikar tại Bangladesh trình bày khá chi tiết về sự xâm phạm nhân quyền của RAB từ năm 2009 đến nay trong bản báo cáo hàng năm, mới nhất là năm 2020.

Sự trừng phạt này của chính quyền Biden, dựa trên Luật Magnitsky toàn cầu, có nghĩa rằng RAB sẽ không được phép sở hữu bất động sản ở Mỹ cũng như không được tham gia vào bất kỳ giao dịch tài chính nào với cơ quan hoặc nhân viên Mỹ. Các biện pháp trừng phạt cũng cấm 6 quan chức hiện tại và cựu quan chức hàng đầu của RAB, bao gồm cả Benazir Ahmed, Tổng Thanh tra Cảnh sát Bangladesh, nhập cảnh vào Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, khi công bố hình phạt này đối với RAB, nói rằng “Chúng tôi quyết tâm đặt nhân quyền vào trung tâm trong chính sách đối ngoại của mình và chúng tôi tái khẳng định cam kết này bằng cách sử dụng các công cụ và cơ quan chức năng thích hợp để thu hút sự chú ý và thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với các hành vi xâm phạm và lạm dụng nhân quyền.”

Không có gì ngạc nhiên khi chính quyền của Thủ tướng Sheikh Hasina đã triệu tập đại sứ Mỹ để phản đối quyết định này. Tuy nhiên các nhà hoạt động nhân quyền tại Bangladesh hoan nghênh quyết định này, và cho rằng lẽ ra nó phải diễn ra lâu rồi và mô tả lực lượng này như một "đội tử thần" hoạt động mà không bị trừng phạt.

Năm 2021 là một năm đặc biệt đối với Bangladesh. Năm nay đánh dấu 50 năm độc lập, còn được gọi là Đông Pakistan, để phân biệt với Pakistan, hoặc Tây Pakistan, vào thời điểm đó. Bangladesh kỷ niệm sự kiện quan trọng này thông qua lễ kỷ niệm 10 ngày, bắt đầu từ ngày 17 tháng 3 đến ngày 26 tháng 3, trong đó ngày 26 tháng 3 là Ngày Quốc khánh và Độc lập. Còn hôm nay 16 tháng 12 là ngày “giải phóng” của Bangladesh, sau khi quân đội Pakistan đầu hàng vào ngày 16 tháng 12 năm 1971, và thủ đô Dhaka của Bangladesh được trả lại tự do trong cuộc chiến kéo dài 9 tháng.

Khi Bangladesh giành được độc lập từ Pakistan vào năm 1971, nó là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới.

Ngày nay, Bangladesh là một quốc gia tự tin với khoảng 164 triệu dân, với một nền kinh tế phát triển mạnh và định hướng xuất khẩu. Nền kinh tế đã tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 6% trong hai thập kỷ. GDP bình quân đầu người hiện ở mức 2.227 đô la, cao hơn của Ấn Độ (1.947 đô la) và cao hơn nhiều so với Pakistan (1.543 đô la).

Vào cuối tháng 5 năm nay, Bangladesh đã cung cấp khoản hoán đổi tiền tệ trị giá 200 triệu đô Mỹ cho Sri Lanka. Một điều quan trọng nữa là Bangladesh đạt điểm cao so với Ấn Độ và các nước Nam Á khác ở nhiều chỉ số xã hội, bao gồm sức khỏe, tuổi thọ, tỷ lệ sinh sản và việc làm của phụ nữ.

Khi Bangladesh phát triển và lớn mạnh, Bangladesh bắt đầu phát huy ảnh hưởng của mình trong khu vực lân cận. Điều này chỉ đơn giản phản ánh nguồn lực vật chất lớn hơn và niềm tin quốc gia ngày càng tăng.

Quả nhiên ảnh hưởng của Bangladesh trong khu vực đã được ghi nhận. Ví dụ, vào tháng 5 năm nay, Đại sứ Trung Quốc tại Dhaka, Li Jiming, tuyên bố rằng quan hệ song phương (của Trung Quốc) với Bangladesh sẽ bị tổn hại đáng kể nếu Bangladesh tham gia vào các sáng kiến của Bộ Tứ/The Quad (Liên minh của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Úc).

Chỉ trong tháng 9 năm nay, Bangladesh đã ghi nhận thu nhập xuất khẩu trong tháng cao nhất với 4,16 tỷ Mỹ kim do lượng hàng may mặc phục hồi mạnh mẽ. Tổng thu nhập xuất khẩu trong quý đầu tiên của năm tài chính hiện tại, từ tháng 7 đến tháng 9, là 11 tỷ đô la. Và trong số 11 tỷ này, 9 tỷ Mỹ kim đến từ các mặt hàng may mặc (đạt mức tăng trưởng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái). Vì vậy, ngành công nghiệp may mặc thực sự thống trị nền kinh tế của Bangladesh.

Nhưng chúng ta đều biết, bất kỳ nền kinh tế nào phụ thuộc quá nhiều vào một ngành hay lĩnh vực và nếu không đủ đa dạng, sớm muộn sẽ gặp khó khăn.

Về mặt chính trị, Bangladesh là một quốc gia tương đối ổn định, ít nhất là cho đến bây giờ. Kể từ năm 2008, Thủ tướng Sheikh Hasina đã chủ trì một nền hành chính dân sự ổn định. Các đối thủ chính trị của bà, đặc biệt từ phe đối lập Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP), hoặc Jamaat-e-Islami (JI), không còn gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với bà Hasina hoặc đảng của bà là Awami League.

Tuy nhiên, báo cáo nhân quyền vào tháng 10 năm nay của Odhikar nói rằng chính phủ Liên đoàn Awami tiếp tục đàn áp các đảng đối lập và những người bất đồng chính kiến, đặc biệt là các nhà lãnh đạo và nhà hoạt động, với hàng trăm các vụ kiện chống lại họ.

Các nhà chức trách Bangladesh tiếp tục sử dụng các quy định từ Đạo luật An ninh Kỹ thuật số (DSA) để bắt, giam giữ và bỏ tù những người chỉ trích các thành viên chính phủ, thậm chí chỉ là ‘thích’ các bài đăng trên Facebook. Vào cuối tháng 7 năm 2021, Tổ chức Ân xá Quốc tế báo cáo rằng ít nhất 433 người hiện đang bị giam giữ theo DSA. Những người được nhắm mục tiêu bao gồm các nhà báo, họa sĩ hoạt động, nhạc sĩ, nhà hoạt động, doanh nhân và sinh viên, trong số những người khác. '

Bangladesh có quyền tự hào về các thành tựu phát triển, đặc biệt về kinh tế của mình. Sức mạnh vật chất của quốc gia này sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong mặt trận địa chính trị trong những thập niên tới. Tuy nhiên để phát triển bền vững, chính quyền Hasina cần phải cải tổ và dân chủ hóa nền chính trị của mình. Việc chính quyền Biden chỉ định RAB và sáu viên chức hàng đầu của tổ chức này vì xâm phạm nhân quyền để chế tài là rất đúng đắn. Điều quan trọng là Thủ tướng Hasina cần phải chuẩn bị nhân sự chuyển tiếp để người kế nhiệm có sự mạnh mẽ và khả năng chính trị hầu có thể kiềm chế lại khả năng của lực lượng quân sự đã từng khống chế và lũng đoạn nền chính trị tại đây.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn Facebook

Geen opmerkingen:

Een reactie posten