Aung San Suu Kyi: Tòa Myanmar xử nhà lãnh đạo bị lật đổ 4 năm tù giam
Xe tải quân đội đâm vào đám đông ở Yangon, cùng lúc quân đội bắn vào người biểu tình.
Có ít nhất ba người bị thương, theo các nhân chứng. Một người bị thương nặng, theo BBC News hôm thứ Hai.
Cùng ngày, cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi bị tuyên án 4 năm tù giam, bản án đầu tiên trong một loạt các tội danh có thể khiến bà bị giam trong tù suốt đời.
Bà bị kết tội kích động bất đồng chính kiến và vi phạm các quy tắc phòng ngừa Covid theo luật thiên tai.
Hiện có tới 11 cáo buộc nhắm vào bà và bà đã phủ nhận tất cả các cáo buộc này.
Bà đã bị quản thúc tại gia kể từ một cuộc đảo chính quân sự nổ ra vào tháng Hai, lật đổ chính phủ do dân bầu ra.
Không rõ khi nào hoặc liệu bà Suu Kyi sẽ bị bắt bỏ tù.
Ông Win Myint, cựu tổng thống và đồng minh của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi, cũng bị bỏ tù hôm thứ Hai với 4 năm cho cùng tội danh.
Amnesty (Tổ chức Ân xá Quốc tế) gọi các cáo buộc này là "giả", nói rằng đây là "ví dụ mới nhất về quyết tâm của quân đội nhằm loại bỏ mọi sự chống đối và bóp nghẹt các quyền tự do ở Myanmar."
'Khó khăn cho Suu Kyi'
Nữ lãnh đạo 76 tuổi bị cáo buộc hàng loạt tội danh, bao gồm nhiều tội danh tham nhũng và vi phạm đạo luật bí mật chính thức của nhà nước.
Trong một vụ án, bà Suu Kyi bị kết tội vi phạm các hạn chế về Covid vì đã vẫy tay chào một nhóm người ủng hộ trong chiến dịch bầu cử năm ngoái khi đeo khẩu trang và kính chống giọt bắn.
Trong vụ án khác, bà bị kết tội kích động bất ổn vì một tuyên bố kêu gọi quần chúng phản đối cuộc đảo chính, do đảng của bà đưa ra sau khi bà đã bị bắt.
Các luật sư của Suu Kyi, những người vốn là nguồn tin duy nhất về quá trình tố tụng pháp lý, cũng đã bị tống đạt lệnh cấm tiết lộ thông tin.
Ít ai trông thấy hay nghe tin về bà trừ những lần bà xuất hiện ngắn ngủi tại tòa.
Một phát ngôn viên của Chính phủ Thống nhất Quốc gia mới vừa thành lập, một nhóm bao gồm các nhân vật ủng hộ dân chủ và những người phản đối cuộc đảo chính, trước đó đã nói với BBC rằng bà Suu Kyi đang gặp khó khăn.
"Bà ấy không ổn...các tướng lĩnh quân đội đang chuẩn bị bản án cho bà ấy ngồi tù 104 năm. Họ muốn bà ấy chết trong tù", Tiến sĩ Sasa nói.
Quân đội đã nắm chính quyền với cáo buộc gian lận cử tri trong cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào năm ngoái, trong đó NLD - Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng trong một cuộc chiến áp đảo.
Tuy nhiên, các nhà quan sát bầu cử độc lập cho biết các cuộc bầu cử phần lớn diễn ra một cách tự do và công bằng.
Cuộc đảo chính đã làm nổ ra các cuộc biểu tình lan rộng và quân đội Myanmar đã đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ, các nhà hoạt động và nhà báo.
Bà Suu Kyi là một trong số hơn 10.600 người đã bị quân đội chính phủ bắt giữ kể từ tháng Hai, và ít nhất 1.303 người khác thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, theo nhóm giám sát Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.
Aung San Suu Kyi là ai?
Aung San Suu Kyi là con gái của Tướng Aung San, người được cho là anh hùng mang đến độc lập cho Myanmar. Ông bị ám sát khi Suu Kyi mới hai tuổi, ngay trước khi Myanmar giành được độc lập khỏi sự thống trị của thực dân Anh năm 1948.
Bà đã trải qua gần 15 năm bị giam giữ dưới trong tay của quân đội từ năm 1989 đến năm 2010, và được trao giải Nobel Hòa bình cho việc mang lại nền dân chủ cho Myanmar.
Đảng của bà, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã giành được chiến thắng vang dội vào năm 2015, nhưng bà đã bị ngăn cản việc tự mình trở thành tổng thống bởi Hiến pháp Myanmar cấm người có con là công dân nước ngoài giữ chức vụ này. Nhưng bà Suu Kyi, được nhiều người coi là nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar.
Tuy nhiên, danh tiếng của bà ở nước ngoài đã bị tổn hại nghiêm trọng do cách bà xử lý cuộc khủng hoảng Rohingya, bắt đầu vào năm 2017.
Giới ủng hộ bà Suu Kyi trên thế giới cáo buộc bà đã không ngăn chặn việc người thiểu số Rohingya bị hãm hiếp, giết và khả năng bị diệt chủng, bằng cách từ chối lên án quân đội vẫn còn nắm nhiều quyền lực, hoặc thừa nhận đó là các hành vi tàn bạo.
Một số người ban đầu cho rằng bà làm thế vì là một chính trị gia thực dụng, đang tìm cách điều hành một quốc gia đa sắc tộc với một lịch sử phức tạp.
Nhưng việc Suu Kyi lên tiếng bào chữa cho các hành động của quân đội tại phiên điều trần Tòa án Công lý Quốc tế năm 2019 được coi là một bước ngoặt mới, làm mất đi những gì ít ỏi còn rớt lại về danh tiếng quốc tế của bà.
Tuy nhiên, ở quê nhà, bà Suu Kyi vẫn rất được đa số tín đồ Phật giáo, những người không mấy có thiện cảm với người Rohingya, ủng hộ.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten