zaterdag 18 december 2021

Việt Nam : Tập đoàn Tân Hoàng Minh ký hợp đồng mua lô đất Thủ Thiêm 24.500 tỷ đồng + BBC : Vì sao đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm gây kinh ngạc, khó hiểu?

 

Tân Hoàng Minh ký hợp đồng mua lô đất Thủ Thiêm 24.500 tỷ đồng

7 min read
0
 0
 130


Trong ngày 17/12, công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã ký hợp đồng mua tài sản lô đất 3-12 thuộc khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Chia sẻ với Zing, đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết hợp đồng được ký kết 3 bên gồm TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM (đại diện sở hữu các lô đất) và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM.

Như vậy, trong hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày trúng đấu giá, doanh nghiệp trúng đấu giá đã ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá theo đúng quy chế.

Theo đó, lô đất với ký hiệu 3-12 có diện tích 10.059,7 m2 thuộc khu chức năng số 3, trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TP.HCM.

Tập đoàn Tân Hoàng Minh là đơn vị trúng đấu giá lô đất 3-12 rộng hơn 10.000 m2 với hệ số sử dụng đất là 8.95. Ảnh: Hà Bùi.

Mục đích sử dụng đất là đất ở tại đô thị, khu nhà ở chung cư hỗn hợp kết hợp chức năng thương mại – dịch vụ. Hình thức sử dụng đất là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Thời hạn sử dụng đất là 50 năm tính từ thời điểm có hiệu lực của Quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài.

Giá khởi điểm đấu giá của lô đất 3-12 là 2.942,2 tỷ đồng. Như vậy, lô đất đã được bán đấu giá thành công với mức giá cao gấp 8,3 lần so với giá khởi điểm.

Phương thức thanh toán tiền mua tài sản trúng đấu giá được chia làm 2 đợt. Đợt 1, trong thời hạn 30 ngày kể từ khi ngày cơ quan thuế ký thông báo, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp 50% số tiền mua tài sản cho ngân sách Nhà nước. Đợt 2 là trong vòng 60 ngày tiếp theo, công ty phải nộp 50% số tiền mua tài sản còn lại.

Theo hợp đồng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện tối đa trong vòng 5 ngày kể từ khi có Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá của UBND TP.HCM.

Doanh nghiệp liên hệ Văn phòng Đăng ký Đất đai TP để thực hiện thủ tục hoàn tất nghĩa vụ tài chính và thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.


https://timesnewsgo.com/tan-hoang-minh-ky-hop-dong-mua-lo-dat-thu-thiem-24-500-ty-dong.html?fbclid=IwAR1ETYR1xPlmgqDKaAWb3uuI53yhMvtvO7hDAbQSYxlIJoq40OGmP_8Ffok


Vì sao đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm gây kinh ngạc, khó hiểu?

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Thủ Thiêm

NGUỒN HÌNH ẢNH,THUTHIEM.HOCHIMINHCITY.GOV.VN/

Chụp lại hình ảnh,

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Thủ Thiêm

Dư luận và báo chí tại Việt Nam rất quan tâm giá kỷ lục trong phiên đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/12.

Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM hôm ấy cho biết 4 khu đất có vị trí đẹp, nằm cạnh Đại lộ vòng cung, trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh.

Bốn lô đất có ký hiệu là 3-5, 3-8, 3-9 và 3-12.

Giá mua kỷ lục

Lô đất 3-5 được đấu giá đầu tiên, diện tích 6.446m² với giá khởi điểm 578,042 tỷ đồng.

Đơn vị trúng đấu giá lô đất 3-5 là Công ty cổ phần Dream Republic với mức giá đấu thành công 3.820 tỷ đồng, gấp 6,6 lần giá khởi điểm.

Lô 3-8, diện tích hơn 8.568m² có giá khởi điểm 1.018,594 tỷ đồng. Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá với mức 4.000 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với giá khởi điểm.

Lô 3-9 diện tích hơn 5.000m² có giá khởi điểm hơn 728,6 tỷ đồng. Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh mua với giá 5.026 tỷ đồng.

Lô 3-12, diện tích 10.059,7m2, giá khởi điểm hơn 2.942 tỷ đồng. Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt mua với giá 24.500 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 5/2020, tin cho hay UBND TPHCM chấp thuận đấu giá quyền sử dụng đất đối với bốn lô đất này thuộc Khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phường An Khánh, quận 2.

Thông báo Đấu giá Quyền sử dụng đất đối với 04 lô đất có ký hiệu 3-5, 3-8, 3-9, 3-12

NGUỒN HÌNH ẢNH,DONRE.HOCHIMINHCITY.GOV.VN/

Chụp lại hình ảnh,

Thông báo Đấu giá Quyền sử dụng đất đối với 04 lô đất có ký hiệu 3-5, 3-8, 3-9, 3-12

Tổng diện tích của các lô đất này là 30.082,9m2. Mục đích sử dụng các khu đất là đất ở tại đô thị (khu nhà ở chung cư hỗn hợp kết hợp chức năng thương mại - dịch vụ). Hình thức sử dụng đất là nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Thời hạn sử dụng đất 50 năm, tính từ thời điểm có hiệu lực của quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

Người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài. Sở TN-MT sẽ xác định giá khởi điểm để đưa ra đấu giá. Trung tâm Phát triển quỹ đất TP tổ chức thực hiện và giám sát quá trình bán đấu giá.

Bao lâu thì tiền vào ngân sách nhà nước?

Bốn lô đất Thủ Thiêm sẽ đem về cho ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh 37.346 tỉ đồng, trong vòng 100 ngày sau khi đấu giá.

Báo Tuổi Trẻ giải thích về quy chế cuộc đấu giá tài sản:

"Kể từ thời điểm đấu giá viên công bố người trúng đấu giá, người trúng đấu giá được coi như chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

Chậm nhất không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày đấu giá thành, người trúng đấu giá phải ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Hợp đồng được ký kết 3 bên gồm: người trúng đấu giá, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM (đại diện sở hữu các lô đất) và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM.

Sau thời hạn trên, nếu người trúng đấu giá không thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá thì xem như từ chối kết quả đấu giá và mất tiền đặt trước (20% giá khởi điểm lô đất), quyền và nghĩa vụ các bên sẽ được giải quyết theo quy định pháp luật liên quan.

Tiếp đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải thanh toán (hình thức chuyển khoản) 50% số tiền mua tài sản cho ngân sách nhà nước theo thông báo của cơ quan thuế. Trong hạn 60 ngày tiếp theo, người trúng đấu giá thanh toán đủ số tiền còn lại.

Trường hợp quá thời hạn thanh toán các đợt 1, đợt 2 mà người trúng đấu giá chậm thanh toán tiền mua tài sản thì phải nộp tiền chậm nộp theo quy định pháp luật về quản lý thuế.

Quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế mà người trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá thì vi phạm hợp đồng mua bán. Khi đó, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM sẽ thông báo về việc không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá để Trung tâm Phát triển quỹ đất báo cáo Sở Tài nguyên và môi trường trình UBND TP hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.

Người trúng đấu giá không nộp hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá theo thời gian trên sẽ không được nhận lại tiền đặt trước. Tiền đặt trước này sẽ nộp vào ngân sách nhà nước."

Khả năng công ty Tân Hoàng Minh?

Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt mua lô 3-12 với giá 24.500 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD, khiến lô 3-12 nay có giá trị tương đương khoảng 2,43 tỷ đồng/m2.

Đây là một thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Tân Hoàng Minh Group, Đỗ Anh Dũng, sinh năm 1961.

Trong khoảng 100 ngày sau ngày trúng đấu giá, công ty con của Tân Hoàng Minh sẽ phải hoàn tất nộp số tiền 24.500 tỷ đồng vào ngân sách TPHCM.

Trang Cafeland đặt câu hỏi Tân Hoàng Minh lấy tiền đâu để trả tiền mua đất khi tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản trên sổ sách của Tân Hoàng Minh là 20.052 tỷ đồng, không đủ 1 tỷ USD.

Với Công ty Ngôi Sao Việt, tổng tài sản là 7.605 tỷ đồng, vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng.

Tờ Ngày Nay nói hành trình thâu tóm khu "đất vàng" ở số 23 Lê Duẩn (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) của Tân Hoàng Minh vào năm 2015 có "một kịch bản tương tự".

Năm 2015, Tân Hoàng Minh thắng đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn với số tiền kỷ lục vào thời điểm đó, lên tới 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với mức giá khởi điểm.

Nhưng sau đó, công ty chậm chạp trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền.

Cuối cùng, Tân Hoàng Minh đã thực hiện nghĩa vụ tài chính khoảng 1.694 tỷ đồng để sở hữu khu đất 23 Lê Duẩn vào tháng 4/2017.

Nhưng hiện nay khu đất 23 Lê Duẩn lại đang là công trình xây dựng dự án Techcombank Sai Gon Tower.

Tờ Ngày Nay ghi nhận: "Đến nay, cả Tân Hoàng Minh và Techcombank chưa có thông tin chính thức nào về thương vụ chuyển nhượng này nhưng từ thực tế có thể thấy khu đất 23 Lê Duẩn đã thuộc về Techcombank."

Tân Hoàng Minh, Masterise Group và Techcombank?

Có những câu hỏi trong giới đầu tư là phải chăng Tân Hoàng Minh có quan hệ mật thiết với ngân hàng Techcombank.

Trang VietTimes cho hay thông tin về một dự án tại Hà Nội. Vào ngày 3/2/2021, Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Masterise Homes (Masterise Homes), thành viên của CTCP Tập đoàn Masterise (Masterise Group), đã thay thế Tân Hoàng Minh làm nhà phát triển dự án 22 - 24 phố Hàng Bài (Hà Nội).

VietTimes nói việc chuyển nhượng dự án giữa hai tập đoàn kể trên có thể đã diễn ra từ nửa cuối năm 2017.

Theo báo chí Việt Nam, giai đoạn từ 2011-2013 ông Hồ Anh Ngọc là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thảo Điền, tiền thân của Masterise Group ngày nay.

Vào tháng 7/2021, trong một loạt bài, báo Thanh Tra cho hay ông Hồ Anh Ngọc (sinh năm 1982) là em trai ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank.

Báo Thanh Tra cho hay bà Nguyễn Hương Liên (sinh năm 1985) từng có vai trò làm người đại diện thành lập hàng loạt công ty con trong hệ sinh thái Masterise Group. Bản thân bà Liên là cổ đông tại Techcombank.

Trang InfoNet vào tháng 4/2021 cho biết: "Đáng chú ý, các dự án do Masterise Group và các công ty con đầu tư đều có bóng dáng của Techcombank trong vai trò ngân hàng tài trợ vốn. Điều này khiến thị trường từ lâu đã đồn đoán hệ sinh thái Masterise là "sân sau" của ông Hồ Hùng Anh."

GRDP bình quân năm 2020 tại TPHCM ước đạt 6.799 USD

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

GRDP bình quân năm 2020 tại TPHCM ước đạt 6.799 USD

Bóng dáng Vạn Thịnh Phát?

Lô đất 3-5 được Công ty cổ phần Dream Republic mua với mức giá đấu thành công 3.820 tỷ đồng, gấp 6,6 lần giá khởi điểm.

Lô 3-8 được Công ty cổ phần Sheen Mega mua với mức 4.000 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với giá khởi điểm.

Báo Nhà báo & Công luận, cơ quan của Hội Nhà báo Việt Nam, hôm 13/12 cho rằng "CTCP Dream Republic và CTCP Sheen Mega đều có những mối liên hệ mật thiết tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - Tập đoàn bất động sản hàng đầu TPHCM".

Tờ báo này viết: "Nhìn vào kết quả kinh doanh "èo uột" của hai doanh nghiệp vừa bỏ hàng nghìn tỷ để thâu tóm hai lô đất vàng tại Thủ Thiêm với giá trên trời, các chuyên gia cho rằng, hai doanh nghiệp này khó có tiềm lực để thực hiện dự án. Liệu hai doanh nghiệp này chỉ là vỏ bọc của một tập đoàn lớn không tiện xuất hiện trong quá trình từng bước thâu tóm hàng loạt các vị trí vàng tại TP. HCM?"

Tương tự, ngày 15/12, trang Zing News cho rằng hai công ty này "có liên quan đến Vạn Thịnh Phát".

Trang Soha cũng cho rằng: "Riêng 2 doanh nghiệp Dream Republic và Sheen Mega đều có liên quan đến hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát."

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 23% GDP, 27% ngân sách quốc gia

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 23% GDP, 27% ngân sách quốc gia

Về Công ty TNHH Thương mại Bình Minh

Lô 3-9 do Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh mua với giá 5.026 tỷ đồng.

Theo tạp chí điện tử Đầu tư tài chính, "tổng tài sản của Bình Minh biến động rất thất thường, cụ thể giai đoạn 2016 - 2020 lần lượt ở mức 1,4 tỷ đồng, 1 triệu đồng, 4,39 tỷ đồng, 100 triệu đồng và 100 triệu đồng".

Trang này tường thuật: "Chủ tịch HĐTV kiêm giám đốc Bình Minh là ông Trần Kiên, cũng là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp. Dưới sự chèo lái của ông Trần Kiên, Bình Minh đem về nhiều nhất 2,5 tỷ đồng doanh thu vào năm 2016, giảm về còn 1,9 tỷ đồng ở năm 2018. Dù vậy, 2 năm trở lại đây (2019 - 2020) doanh nghiệp như "đóng băng" khi còn không ghi nhận doanh thu nào."

Hôm 11/12, trang Nhà quản lý cho biết: "Theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh có địa chỉ ở phố Yên Phụ, P.Yên Phụ, Q.Tây Hồ, Hà Nội do bà Thân Thị Liên (SN 1992) làm Giám đốc.

"Công ty này đăng ký thành lập vào ngày 24/9/2021 với tổng vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là "Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính".

"Thật khó lý giải vì sao một doanh nghiệp mới thành lập với tiềm lực tài chính như trên lại "mạnh dạn" đưa ra con số hơn 5.000 tỷ đồng để sở hữu lô đất "vàng" ở Thủ Thiêm?!"

Trang VietStock nhận xét: "Lô đất còn lại 3-9 có diện tích hơn 5.000m2 do Công ty TNHH Thương mại Bình Minh trúng đấu giá với mức 5.026 tỷ đồng, gấp 6,9 lần giá khởi điểm. Đây là công ty khá kín tiếng tại Hà Nội, mới chỉ được thành lập từ tháng 9 nên không loại trừ khả năng đứng tên hộ cho một doanh nghiệp khác."

TPHCM hy vọng vào năm 2045, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

TPHCM hy vọng vào năm 2045, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD

Viễn cảnh tương lai?

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - nhận định: Dù đây chỉ là một hiện tượng nhưng có khả năng tác động đến giá của thị trường BĐS tại TP.HCM nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung.

"Nếu đẩy giá tăng quá cao sẽ tạo ra bong bóng thị trường BĐS và nguy cơ dẫn đến đổ vỡ hay đóng băng của thị trường này sẽ gây ra bất ổn cho nền kinh tế. Còn trong trường hợp DN trúng đấu giá rồi nhưng không hoàn thành hợp đồng, ngoài việc bị mất tiền cọc thì tác động nói trên vẫn còn. Do vậy, đối với những DN đã trúng đấu giá trong vụ đất Thủ Thiêm, nếu không hoàn thành nghĩa vụ tài chính sau đấu giá thì phải bị xử lý nghiêm để tránh các trường hợp tương tự xảy ra vì đã gây ra hậu quả lớn. Đó là phải cấm các đơn vị trên và kể cả những DN liên quan tham gia các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất trên cả nước trong nhiều năm hoặc thậm chí vĩnh viễn. Đồng thời cũng không giao các dự án BĐS cho những DN đó thực hiện trong một thời gian dài", ông Đính đề xuất.

Trên VnExpress, ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC), cho rằng bất lợi sẽ nghiêng về các nhà đầu tư mới đang có ý định muốn cập bến Thủ Thiêm để kiến thiết đô thị giai đoạn sau này.

"Nếu nhìn xa hơn, giá đất tăng thẳng đứng gấp 8 lần sẽ triệt tiêu sức hấp dẫn của Thủ Thiêm, trì hoãn quá trình phát triển của đô thị mới và khiến nơi này bị lũng đoạn giá", ông Nghĩa nói.

Nhưng ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa - nói với báo Kinh tế & Đô thị rằng kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm mang nhiều ý nghĩa tích cực.

"Một khi doanh nghiệp chấp nhận bỏ ra số tiền rất lớn để đấu giá đất, đồng nghĩa họ đã nhìn ra được vị trí đắc địa và những tiềm năng tương lai của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

"Không thể phủ nhận tính minh bạch, khách quan của chương trình đấu giá 4 lô đất vàng ngày 10/12 vừa qua, vì thông qua đó đã phản ánh giá trị thật của BĐS TP Hồ Chí Minh, mà cụ thể là ngay tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thực tế, giá đất ở đây cao vì doanh nghiệp đánh giá được giá trị thật của BĐS khu vực này chứ không phải thổi giá mà không có cơ sở.

"Song, việc đẩy giá đất lên quá cao, cũng sẽ mang đến những mặt không thuận lợi cho thị trường BĐS. Điển hình là kết quả đấu giá của những lô đất còn lại ở Thủ Thiêm sẽ gặp khó khăn, vì nếu thấp hơn cũng khó mà cao hơn cũng khó. Tức là trong tương lai, chính quyền TP Hồ Chí Minh sẽ phải xem xét lại công tác định giá đất.

"Chưa kể, hậu đấu giá đất vừa qua có thể ảnh hưởng lâu dài đến thị trường BĐS vì quá trình đấu giá đất tại Thủ Thiêm dự kiến vẫn còn kéo dài trong thời gian tới. Vô hình chung sẽ hình thành một mặt bằng giá mới do hiệu ứng "té nước theo mưa", gây ra cú sốc giá trên toàn thị trường.

"Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những bất cập này để kết luận rằng, phân khúc nhà ở bình dân sẽ bị bỏ trống là thiếu hợp lý. Bởi vì, thị trường BĐS tự do về giá, có giá cao và có giá thấp. Với khu vực Thủ Thiêm, đây là phân khúc chủ yếu dành cho nhà đầu tư, chỉ phù hợp với các dự án từ trung cấp trở lên," ông Quang nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59682690?at_campaign=64&at_custom3=BBC+Vietnam&at_custom2=facebook_page&at_custom4=C66D8928-5E78-11EC-8764-1A7696E8478F&at_medium=custom7&at_custom1=%5Bpost+type%5D&fbclid=IwAR2g8MSYB__8mQy7YYdkusH1QZAzGGdp2yxjYyAhCVWWaX329e-Vgg8AWqU

Geen opmerkingen:

Een reactie posten