Vụ ‘thổi giá’ test kit ở Việt Nam: Ai trục lợi trên xương máu người dân?
Hiếu Chân/Người Việt
Vụ scandal bộ xét nghiệm (test kit) COVID-19 ở Việt Nam càng lúc càng lộ ra nhiều chi tiết động trời, một trong vô số khối ung nhọt trong hệ thống cai trị đang bị vỡ ra, bốc mùi thối hoắc và phơi bày bộ mặt kinh tởm của guồng máy cầm quyền, gây xôn xao dư luận.
Vụ việc bắt đầu vào hôm 17 Tháng Mười Hai khi Bộ Công An Việt Nam bắt giữ ông Phan Quốc Việt, chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty cổ phần Công Nghệ Việt Á, và ông Phạm Duy Tuyến, giám đốc Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh (CDC) tỉnh Hải Dương, cùng với năm người khác. Họ bị cáo buộc đã câu kết với nhau nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 do Việt Á phối hợp với Học Viện Quân Y sản xuất.
Thông tin ban đầu cho biết, Việt Á đã bán cho CDC Hải Dương một số bộ xét nghiệm trị giá 151 tỷ đồng ($6.58 triệu), và để thương vụ được trót lọt, công ty này đã “lại quả” cho ông Tuyến 30 tỷ đồng ($1.3 triệu), tương đương 20% giá trị lô hàng.
Từ nguồn tin của công an, báo chí nhà nước loan báo cho đến nay, Việt Á đã cung cấp bộ xét nghiệm cho CDC của 62/63 tỉnh thành, thu về khoảng 4,000 tỷ đồng ($174.3 triệu). Theo suy luận thông thường, không chỉ ông giám đốc CDC Hải Dương được nhận tiền “lại quả” mà tất cả các CDC cấp tỉnh thành khác cũng phải được đối xử như vậy, số tiền hối lộ cho các cơ sở địa phương có thể lên tới khoảng 800 tỷ đồng ($34.8 triệu).
Đáng chú ý, theo đài Truyền Hình Việt Nam (VTV), để sản xuất ra lượng bộ xét nghiệm trị giá ngàn tỷ đó, Việt Á chỉ có một “xưởng bào chế” diện tích chưa tới 10 mét vuông với một chục nhân viên không hề có kiến thức chuyên môn gì về y sinh học. Hình ảnh từ các cuộc khám xét của công an tại các cơ sở của công ty Việt Á ở Sài Gòn và Bình Dương được chiếu trên truyền hình khiến mọi người ngỡ ngàng, cứ tưởng đó là chỗ chứa đồ phế thải chứ không thể là nơi bào chế y dược. Thế nhưng Việt Á được gần như độc quyền cung cấp bộ xét nghiệm cho ngành y tế cả nước với giá trên trời. Việt Á lấy nguồn hàng ở đâu, do ai sản xuất, để bán ra thị trường là một câu hỏi chưa có lời đáp.
“Ba bộ đồng tình…”
Sở dĩ Việt Á bán được bộ xét nghiệm giá cao và có tính chất cưỡng bức, bắt buộc phải mua, là nhờ sự chống lưng của ba bộ quan trọng trong chính phủ Hà Nội.
Một là, Bộ Quốc Phòng đã đưa Học Viện Quân Y ra hợp tác với Việt Á để bào chế bộ xét nghiệm COVID-19 dù chưa rõ sự hợp tác này như thế nào và tại sao một cơ sở nghiên cứu quan trọng như Học Viện Quân Y lại bắt tay với một công ty vô danh tiểu tốt, không có cơ sở, thiết bị và nhân lực thích hợp để nghiên cứu bào chế một sản phẩm y tế tinh vi và có ý nghĩa lớn với sức khỏe cộng đồng. Không loại trừ khả năng Học Viện Quân Y chỉ làm bình phong, hợp thức hóa việc kinh doanh của Việt Á, kiểu như dược sĩ cho người khác thuê bằng để mở tiệm thuốc tây – chuyện rất phổ biến ở Việt Nam.
Hai là, Bộ Khoa Học và Công Nghệ công nhận và quảng bá gian dối về bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á, có cái tên dài dòng “LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR.” Trang web của bộ này nói việc nghiên cứu, bào chế bộ xét nghiệm COVID-19 của Học Viện Quân Y và công ty Việt Á là “một trong bốn nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đột xuất góp phần phòng chống dịch bệnh” được bộ trưởng thời điểm đó, ông Chu Ngọc Anh – nay là chủ tịch thành phố Hà Nội, ký phê duyệt vài ngày sau dịp Tết Nguyên Đán 2020, tức cuối Tháng Giêng, 2020. Hôm 3 Tháng Ba, 2020, bộ này thông báo “8/8 (100%) thành viên Hội Đồng Khoa Học Và Công Nghệ Cấp Quốc Gia do bộ trưởng Bộ Khoa Học và Công Nghệ thành lập đồng ý thông qua và nhất trí kiến nghị Bộ Y Tế cấp phép sử dụng” đối với sản phẩm trên.
Ngay sau đó, ngày 6 Tháng Ba, 2020, Bộ Khoa Học và Công Nghệ loan báo bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á có “các tiêu chí tương đương bộ sinh phẩm do US CDC và WHO sản xuất”; ngày 26 Tháng Tư, 2020, website của Bộ Khoa Học và Công Nghệ đăng tải thông tin có tiêu đề “Bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ Chức Y Tế Thế Giới chấp thuận.” Ngay sau đó báo chí của nhà nước Việt Nam đồng loạt đăng bài “tự hào hàng nội”: “Sản phẩm bộ xét nghiệm COVID-19 do công ty Việt Á và Học Viện Quân Y phối hợp nghiên cứu sản xuất được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, với sự phê duyệt từ Tổ Chức Y Tế Thế Giới và Bộ Y Tế và Chăm Sóc Xã Hội của Anh.”
Thông tin này là hoàn toàn bịa đặt nhằm hợp thức hóa việc sử dụng bộ xét nghiệm của Việt Á. Trên trang web chính thức của WHO, sản phẩm bộ xét nghiệm của Việt Nam nằm trong danh sách các sản phẩm “KHÔNG được chấp thuận (not accepted) để sử dụng khẩn cấp.”
Ba là, ngày 4 Tháng Ba, 2020, Bộ Y Tế Việt Nam cấp phép lưu hành bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á, cho phép công ty này độc quyền cung cấp bộ xét nghiệm cho ngành y tế tất cả các tỉnh thành theo hình thức “chỉ định thầu rút gọn.” Sau đó bộ này ấn định chi phí cho mỗi ca xét nghiệm RT-PCR là 734,000 đồng ($32); trong đó tiền mua bộ xét nghiệm của Việt Á là 470,000 đồng/bộ ($20). Căn cứ vào quyết định của Bộ Y Tế, các cơ sở y tế trong cả nước đã ký hợp đồng mua bộ xét nghiệm của Việt Á với mức giá kể trên, và được nhận lại những khoản “tiền hoa hồng” rất lớn như đã nói trên.
Một thông tin đáng chú ý là tại thời điểm đầu Tháng Ba và Tháng Tư, 2020, Việt Nam chỉ mới ghi nhận 16 ca nhiễm COVID-19, trong đó có hai người Trung Quốc và bốn người từ Vũ Hán trở về. Công ty Việt Á lấy đâu ra bệnh nhân để thử hiệu quả của bộ xét nghiệm?
Một âm mưu tàn độc
Vụ nâng giá bộ xét nghiệm, bán với giá trên trời chưa phải là ghê gớm mà đáng sợ hơn là việc lưu hành một sản phẩm y tế với phẩm chất đáng ngờ đã gây ra những tai hại khủng khiếp cho người dân giữa lúc dịch bệnh hoành hành. Biết bao nhiêu người dân bị bắt buộc phải xét nghiệm, bị dán nhãn F0, F1 (bị nhiễm virus Corona) dù thực chất có thể họ không bị bệnh, bị nhốt chung với người mắc bệnh trong các khu cách ly chật chội để rồi từ người lành biến thành người bệnh và tử vong một cách oan ức? Bao nhiêu người mang mầm bệnh trong người nhưng xét nghiệm “âm tính” chỉ vì bộ xét nghiệm không chính xác, làm cho họ vô tình trở thành người truyền virus cho thân nhân, cho cộng đồng khiến dịch bệnh lây lan không kiểm soát nổi? Bao nhiêu người lao động bị giam chặt trong nhà, không thể đi ra đường làm việc, kiếm sống, gặp gỡ thân nhân… chỉ vì không đủ tiền xét nghiệm, không đáp ứng đòi hỏi về xét nghiệm COVID-19 của nhà cầm quyền? Không ai thống kê được.
Scandal bộ xét nghiệm phơi bày một thực tế kinh khủng: Chỉ vì đồng tiền, vì lòng tham vô hạn độ mà cả một hệ thống từ trên xuống dưới rắp tâm thực hiện một mưu đồ gian manh, trục lợi trên xương máu người dân.
Âm mưu đã được dàn dựng rất kỹ lưỡng. Ông Phan Quốc Việt, tổng giám đốc công ty Việt Á, vừa bị bắt giam, từng được báo chí trong nước ca tụng là một “doanh nhân thành đạt mà kín tiếng.” Tháng Ba, 2020, ông Việt được chủ tịch nước khi ấy là ông Nguyễn Phú Trọng tặng Huân Chương Lao Động Hạng Ba vì “đã có thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19!” Ông Nguyễn Công Khế, cựu tổng biên tập báo Thanh Niên, đã không tiếc lời ca ngợi ông Việt như một chú em đồng hương “âm thầm làm việc lớn, không khoe khoang, không hưởng thụ mà chăm vào việc lớn, sống có khát vọng…” Tất cả nhằm tạo một vỏ bọc “lung linh” cho kẻ sẽ đứng ra đầu trò một âm mưu lừa đảo người bình thường khó hình dung nổi.
Mọi con đường đều dẫn tới Phạm Minh Chính
Nhưng mưu đồ của những kẻ ác trong đường dây lừa đảo bộ xét nghiệm sẽ không thể gây tác hại cho toàn xã hội nếu không có sự đồng ý và thúc đẩy của cấp cao nhất trong guồng máy cai trị: Ông Phạm Minh Chính, thủ tướng chính phủ kiêm trưởng Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Phòng Chống COVID-19. Với quyền hành của người đứng đầu chính phủ, ông Chính đã rất nhiều lần “chỉ đạo” hệ thống chính trị, hệ thống công quyền phải “thần tốc xét nghiệm trên diện rộng,” bắt buộc mọi người dân phải xét nghiệm COVID-19, những người có việc cần ra đường đi làm phải xét nghiệm hai ngày một lần.
Có những người lên mạng xã hội than thở họ đã phải xét nghiệm tới 70 lần trong vài tháng. Người dân không chấp hành yêu cầu xét nghiệm của chính quyền thì bị đám sai nha công an, dân phòng tới tận nhà, phá cửa xông vào bắt lôi đi xét nghiệm như trường hợp một cô giáo dạy nhạc HTPL ở chung cư Ehome 4, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, hôm 28 Tháng Chín, 2021. Những quan chức địa phương chần chừ, không tích cực bắt buộc người dân đi xét nghiệm thì bị ông Chính lên truyền hình mắng nhiếc, sỉ vả như lãnh đạo tỉnh Kiên Giang!
Yêu cầu của ông Chính đã mở ra một thị trường tiêu thụ khổng lồ cho sản phẩm bộ xét nghiệm gian trá của công ty Việt Á, giúp công ty này vơ vét đến 4,000 tỷ đồng ($174.3 triệu) của xã hội.
Và như đã nói trên, âm mưu trục lợi qua việc cung cấp bộ xét nghiệm COVID-19 liên quan đến ba bộ trong chính phủ; sự câu kết của ba bộ này sẽ khó có thể thực hiện nếu không có “chủ trương” từ cấp cao hơn, tức là văn phòng của ông Chính.
Có hai khả năng xảy ra, hoặc ông Chính là người có vai trò chủ yếu trong đường dây tội phạm bộ xét nghiệm trải rộng từ chính phủ xuống tới công ty Việt Á, phủ khắp các tỉnh thành; hoặc ông ta bị cấp dưới lừa gạt, bị các bộ “thầy dùi” xúi dại ký chỉ thị đòi thực hiện một việc mà ông ta không hiểu biết. Khả năng ông Chính bị lừa là rất thấp vì đã có khá nhiều tiếng nói từ các y bác sĩ, chuyên gia và cả từ quan chức cao cấp như ông Vũ Đức Đam, phó thủ tướng, phản đối việc “xét nghiệm diện rộng” vì cho rằng làm như thế là lãng phí, tăng nguy cơ lây nhiễm.
Dù chủ mưu hay bị lừa thì ông Chính vẫn phải là người chịu trách nhiệm chính; nếu coi vụ scandal này như một con bạch tuộc khổng lồ thì các bộ và công ty Việt Á chỉ là những chiếc vòi hút máu dân lành, đầu bạch tuộc chính là Thủ Tướng Phạm Minh Chính.
Và cấp trên duy nhất của ông Chính, ông Nguyễn Phú Trọng, đảng trưởng đảng Cộng Sản Việt Nam, chủ cái “lò đốt tham nhũng” không thể vô can. Ông Trọng thường dạy đàn em phải “nâng cao đạo đức cách mạng,” “danh dự mới đáng quý,” “miếng ăn là miếng tồi tàn,” nhưng những ung nhọt tham nhũng khủng khiếp trong hệ thống chứng tỏ lời của ông ta chẳng có ý nghĩa gì, hoặc chỉ là những lời đầu môi chót lưỡi che đậy những mưu đồ bẩn thỉu.
Cú ra đòn của Tô Lâm?
Đến đây sẽ nảy ra câu hỏi: Một vụ áp-phe từ thượng tầng quyền lực như vậy mà sao công an Cộng Sản dám phanh phui? Chẳng lẽ sau khi ăn được miếng bít-tết dát vàng ở Anh trở về, ông Tô Lâm, bộ trưởng Công An, đột ngột trở nên liều lĩnh dám “mò dái ngựa,” dám chơi cả cấp trên của ông ta là ông Chính và ông Trọng?
Vấn đề ở đây là ăn chia miếng bánh tham nhũng. Không khó để đoán ra rằng, các quan chức công an cao cấp đã không xơ múi được nhiều trong vụ bóc lột khủng khiếp qua bộ xét nghiệm COVID-19, vốn là lãnh địa của các ngành y tế và khoa học công nghệ. “Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu,” ngành công an phải ra tay trừng trị những kẻ dám ăn riêng, đánh lẻ, “chôn vùi uy tín của đảng và nhà nước,” và nhất là không đoái hoài tới vai trò “thanh kiếm và lá chắn của chế độ” của lực lượng “còn đảng còn mình!”
Bộ máy Công An Cộng Sản đang lúng túng vì công luận trong và ngoài nước liên tục chĩa mũi dùi vào cuộc đàn áp dã man những tiếng nói đối lập bằng những vụ án khắc nghiệt trong những ngày gần đây. Bộ này cần tung hê ra một scandal để lái dư luận sang hướng khác và vụ bộ xét nghiệm COVID-19 được chọn trong số rất nhiều vụ tham nhũng cỡ bự mà công an đã theo dõi và lập hồ sơ. Cũng có thể vụ này là một đòn “tiên hạ thủ” của Tô Lâm để làm “đối trọng,” ngăn chặn khả năng Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính dùng kỷ luật đảng để ra đòn với Tô Lâm vì vụ đớp thịt bò nhục quốc thể vừa qua.
Sau khi ông Phan Quốc Việt và một số đồng phạm bị bắt, Bộ Khoa Học và Công Nghệ tuyên bố ráo hoảnh: việc thông báo bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á được WHO công nhận và cho phép sử dụng chỉ là do “sơ suất!”
Tất cả những thông tin bịa đặt về bộ xét nghiệm của Việt Á trên trang web của Bộ Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam đã âm thầm bị gỡ bỏ.
Bộ Y Tế ra thông báo nói việc phê chuẩn và cho phép sử dụng bộ xét nghiệm của Việt Á “thực hiện đúng quy trình.”
Một cuộc đua tranh chối bỏ trách nhiệm, đổ tội cho công ty Việt Á và các quan chức y tế địa phương đã bắt đầu. Và theo thông lệ, sẽ có rất nhiều tiền được đổ ra cho các cuộc chạy án lén lút; các quan chức công an làm nhiệm vụ điều tra, truy tố sẽ được dịp vớ bẫm, một số cá nhân tép riu như ông Phan Quốc Việt sẽ rũ tù nhưng các đầu bạch tuộc ở các bộ, ở chính phủ vẫn bình chân như vại để tiếp tục bàn bạc những âm mưu khủng khiếp hơn nữa trong tương lai.
Chỉ có người dân Việt Nam tiếp tục khốn khổ, không biết bao giờ dứt được tai ách Cộng Sản! (Hiếu Chân) [qd]
Vụ ‘thổi giá’ test kit ở Việt Nam: Ai trục lợi trên xương máu người dân? (nguoi-viet.com)
Vụ Việt Á: Mặt trận Tổ quốc đòi truy trách nhiệm 2 bộ y tế, khoa học-công nghệ
Một số ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm 27/12 đề nghị làm rõ trách nhiệm của hai bộ y tế và khoa học-công nghệ liên quan đến vụ bê bối về bộ xét nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á.
Báo chí Việt Nam cho biết tại một hội nghị của Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vấn đề tham nhũng, tiêu cực trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 là chủ đề được thảo luận nhiều, trong đó, đã có những lời đánh giá nặng nề về vụ công ty Việt Á bị cáo buộc đã bắt tay với các cơ quan y tế để thao túng giá các bộ xét nghiệm.
Mặt trận Tổ quốc là cánh tay của đảng cộng sản quản lý các tổ chức chính trị, xã hội ở Việt Nam.
Các báo trong nước dẫn lời ông Lê Bá Trình, ủy viên Đoàn Chủ tịch của Mặt trận, lưu ý rằng thời gian gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đặc biệt là trong các hoạt động phòng, chống COVID-19, và những diễn biến đó làm cho nhân dân hoang mang, lo lắng.
Ông Trình, từng là Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, liệt kê một loạt các vụ việc đã xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, và mới đây nhất là vụ của Công ty Việt Á bị cáo buộc là “thổi giá” và “hối lộ” để bán các bộ xét nghiệm, dính líu đến nhiều cơ quan y tế và CDC các tỉnh, thành phố, cũng như một số bộ, ngành ở cấp trung ương.
Vị quan chức của Mặt trận Tổ quốc gọi đó là hành vi “lấy cả nỗi đau, cái chết con người để làm phương tiện tham nhũng”, theo tường thuật của báo chí trong nước.
Vẫn ông Trình đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học-Công nghệ và Bộ Y tế liên quan tới việc Công ty Việt Á “nâng khống” giá kit xét nghiệm và “trục lợi”.
Bên cạnh đó, vị ủy viên Đoàn Chủ tịch của Mặt trận cũng đòi phải làm rõ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã đề xuất việc khen thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho Việt Á. Ông Trình lập luận rằng động thái đó có thể được xem như là “một sự thừa nhận”, “bao che”, “tạo điều kiện” cho Việt Á làm những việc sai trái, lừa dối nhân dân, tham nhũng tiền của nhà nước.
Báo chí dẫn lời ông Trình cáo buộc rằng các CDC, bệnh viện, trung tâm y tế đã câu kết với Việt Á để tham nhũng hàng tỉ tới hàng chục tỉ đồng của nhà nước.
Như VOA đã đưa tin, công an Việt Nam bắt giữ lãnh đạo của công ty Việt Á cách đây 1 tuần với cáo buộc “thổi giá”, “trục lợi” trong việc sản xuất, kinh doanh bộ xét nghiệm COVID-19.
Công an nói doanh thu của Việt Á từ bán test kit lên tới 4.000 tỷ đồng. Một số nhà quan sát đưa ra tính toán rằng nếu các quan chức liên quan được hưởng ít nhất 20% giá trị hợp đồng khi các cơ quan, đơn vị của họ mua hàng của Việt Á, số tiền chia chác, đút túi cá nhân phải lên đến 800 tỷ đồng.
Tính toán này dựa trên thông tin từ điều tra ban đầu của công an cho thấy Việt Á đã chi “tiền phần trăm hợp đồng” cho lãnh đạo các bệnh viên, các CDC của các tỉnh, thành. Trong đó, chỉ riêng với CDC của tỉnh Hải Dương, Việt Á có các hợp đồng đạt tổng giá trị 151 tỷ đồng và lãnh đạo Việt Á đã chi riêng gần 30 tỷ cho vị giám đốc của CDC này, tương đương 20% giá trị hợp đồng.
Trong cuộc họp của Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm 27/12, ông Lê Bá Trình, ủy viên Đoàn Chủ tịch, phát biểu rằng nhân dân “mong muốn đảng, nhà nước làm rõ vi phạm, đến mức phải xử lý theo quy định pháp luật thì phải xử lý nghiêm minh với những cơ quan, tổ chức có liên quan tới vụ việc này”.
Một ủy viên khác, ông Lê Truyền, đưa ra quan sát rằng khi nhà chức trách càng điều tra thêm về vụ việc, càng thấy rằng nó “lớn” và “nguy hại”.
Báo chí trong nước trích lời ủy viên Truyền nói “Đây là một thứ lừa đảo nhân dân, lừa đảo ngay trong cơ quan nhà nước”, và ông nhấn mạnh rằng người dân phản ứng rất dữ dội, vì vậy, Mặt trận cần phải đưa các thông tin đó vào bản báo cáo tổng hợp tình hình nhân dân 2021.
Tham gia cuộc họp, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim đề nghị rằng Mặt trận Tổ quốc phải có ý kiến ngay về vụ Việt Á chứ không chờ tới khi mọi việc xong xuôi rồi mới lên tiếng.
Theo quan sát của VOA, dư luận Việt Nam trong hơn 1 tuần qua bày tỏ họ rất phẫn nộ về vụ Việt Á, gọi đây là tội ác, là vụ bê bối thế kỷ, do những kẻ táng tận lương tâm gây ra, lừa đảo và móc túi người dân cũng như ngân sách nhà nước, làm hại đến sức khỏe và tính mạng của hàng triệu người dân.
Lần ngược thời gian, không ít người đặt câu hỏi phải chăng vì những lợi lộc, chia chác mà ngành y tế nhiều lần đặt ra yêu cầu phải xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng, thậm chí áp dụng các biện pháp cưỡng chế xét nghiệm trong một năm qua, dẫn đến một số vụ việc gây bất bình to lớn và bị lên án là “dã man”, “phi nhân tính”, “vi phạm tự do thân thể” hoặc “xâm phạm tư gia” của công dân.
Một số người am hiểu luật pháp đề nghị nhà chức trách lưu ý đến yếu tố “lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi”, phải xem đó là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, nếu như nhà chức trách thực sự nghiêm túc trong việc điều tra, xử lý vụ Việt Á và các quan chức liên quan, đặc biệt là người thuộc hai bộ y tế và khoa học-công nghệ.
Vụ Việt Á: Mặt trận Tổ quốc đòi truy trách nhiệm 2 bộ y tế, khoa học-công nghệ (voatiengviet.com)
Vụ án cung đình Kit Việt Á: Vì sao Thủ tướng chỉ đạo “mở hẹp” điều tra?
2021.12.26
Thủ Tướng anh minh vốn sốt sắng tận tụy mướt mồ hôi lo việc dân việc nước và luôn thần tốc trong chỉ đạo ngoáy mũi dân từ TP.HCM đến các tỉnh. Ấy vậy mà vụ Kit Việt Á nổ ra như quả bom nguyên tử nhưng Thủ Tướng vẫn vô tư đi ăn sinh nhật mồ ma Võ Đại Tướng (Võ Nguyên Giáp) và thăm thú nơi mô mãi bốn ngày sau mới có ý kiến chỉ đạo mở rộng việc điều tra. Quả Kit thối này thối toàn diện từ đầu tư nghiên cứu, nghiệm thu, cấp phép, đưa tin giả, môi giới bán hàng bằng quyền lực, hậu quả liên quan đến tính mạng hàng vạn người dân, thể diện quốc gia, Thủ tướng nói mở rộng nhưng chỉ đạo đóng hẹp trong chuyện nâng giá thu tiền lại giao cho một số nghi phạm như Bộ Y tế tham gia xử lý. Vì sao 'lọa' rứa? Mở rộng kiểu ấy là mở đường cho bọn hút máu dân tiếp tục hoành hành!
Bốn ngày sau khi vụ án được khởi tố, phóng viên VTV đã phỏng vấn ghi hình các nhân viên của Việt Á, nêu danh tính các đơn vị mua hàng và nhận tiền lót tay cứ như là vụ án đã được kết thúc điều tra thì Văn phòng Chính phủ mới ra văn bản muộn màng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á. Báo chí đưa thông tin có tiêu đề nóng hổi “Thủ tướng yêu cầu mở rộng điều tra, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, xử sớm vụ án tại Công ty Việt Á”. (1)
Nhưng đọc qua nội dung thì chỉ đạo thực chất chỉ đóng khung việc điều tra trong việc cấu kết nâng giá chia tiền giữa bên bán hàng là Việt Á và bên mua hàng là các Sở Y Tế, CDC và các bệnh viện địa phương.
Bỏ lọt chính phạm Bộ Khoa Học và Công nghệ
Qua sự bùng nổ thông tin từ mấy ngày qua trên báo chí lề phải và mạng xã hội cho thấy vụ án này có liên quan trách nhiệm của rất nhiều ngành, ở cấp rất cao đã chủ ý tác động tạo điều kiện để Kit Việt Á ra đời, độc quyền cung ứng cho ngành y tế. Kit Việt Á được các Bộ cấp đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo đúng quy trình nhưng chất lượng của nó thật đáng ngờ. Muốn điều tra đến đầu đến đũa tránh cho người dân những thảm hoa tương tự, làm trong sạch guồng máy phải xem xét trách nhiệm của nhiều ngành.
Chuyện tung tóe như bom nguyên tử nhưng Thủ Tướng mở rộng thành phát đạn K54 là “Lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu xét nghiệm COVID-19 tại các địa phương trong cả nước, Công ty cổ phần công nghệ Việt Á đã có dấu hiệu cấu kết với các tổ chức, cá nhân liên quan, vi phạm nghiêm trọng quy định sản xuất, đấu thầu kit xét nghiệm COVID-19 nhằm trục lợi”.
Với nhận định đơn giản như là 'đang giỡn' của Thủ Tướng, nhiều ông lớn thở phào, phủi tay yên vị chuẩn bị cho các thương vụ mới. Rõ nhất là Bộ Khoa Học và Công Nghệ.
Với sự thật tung tóe hiện nay, xưởng sản xuất Việt Á ở Bình Dương chỉ rộng 10m2, vệ sinh nhếch nhác, không có máy móc thiết bị sản xuất, trụ sở văn phòng công ty ở TP HCM chỉ là tấm bảng hiệu, hàng triệu Kit Việt Á được sản xuất ở đâu? Từ cơ sở nào Bộ trưởng bộ Khoa Học- Công Nghệ chỉ định, đầu tư cho Việt Á nghiên cứu đề tài khoa học cấp quốc gia và nghiệm thu thần tốc trong vòng nửa tháng? Ngân sách đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân nghiên cứu sản xuất sinh phẩm để kinh doanh có hợp pháp không? Giá trị đầu tư là bao nhiêu?
Vào thời điểm tháng 2 đến tháng 3 năm 2020, cả nước chỉ mới có 16 người bị nhiễm COVID thì lấy cơ sở nào để đánh giá lâm sàng tính chính xác của Kit Việt Á?
Việc Bộ Khoa Học Công Nghệ tung tin giả Kit Việt Á được WHO công nhận không thể là sự nhầm lẫn như quan chức bộ này lý giải vì vào tháng 10- 2020, WHO đã có thông báo chính thức không công nhận và không cho phép sử dụng Kit Việt Á. Nếu nhầm lẫn thì vì sao Bộ này không cập nhật thông tin, đính chính ngay thời điểm ấy?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc Hội Hoàng Thanh Tùng đã ghi nhận ý kiến cử tri về vấn đề này "Báo chí, dư luận rất quan tâm chất lượng kit xét nghiệm. Truyền hình đưa lên nơi sản xuất như nhà kho hợp tác xã, rồi WHO không công nhận chất lượng để áp dụng chung thì cử tri quan tâm chất lượng kit xét nghiệm có đáp ứng chuyên môn hay không, vì hiện dùng đại trà kit xét nghiệm do công ty này (Việt Á) sản xuất. Trách nhiệm cơ quan liên quan, kể cả một số bộ. Chưa nói sai - đúng, nhưng rất nhiều địa phương đấu thầu giá rất cao", (2)
Chắc hẳn rằng công sức đầu tư khai sinh và chắp cánh cho Việt Á của Bộ Khoa Học và Công nghệ không thể nào miễn phí. Đóng khung việc điều tra án chỉ trong việc thổi giá rõ là Thủ Tướng đã bỏ lọt chính phạm.
Giao nghi phạm xử lý hậu quả
Qua thông tin báo chí, vai trò của Bộ Y Tế trong vụ án này cũng quan trọng không kém. Theo trùng điệp thủ tục hành chính của Việt Nam việc xin phép cho một nhà thuốc tư nhân be bé cũng phải năm dài chầy tháng. Vắc-xin Nano Covax đã được Thủ Tướng nhiều lần nhắc nhở nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép. Ấy vậy mà giấy phép cho Kit Việt Á chỉ mất vỏn vẹn một ngày sau khi Bộ Khoa học- Công Nghệ đề nghị, Bộ Y tế đã cấp ngay giấy phép sử dụng.
Với xưởng sản xuất đơn sơ thua quán phở, với hồ sơ khoa học bị WHO bác bỏ vì thiếu an toàn, chất lượng Kit Việt Á đương nhiên phải có vấn đề và gây hậu quả. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã nhận định “Không ai biết đã có bao nhiêu người bị dương tính oan, và bao nhiêu người đã bị bỏ sót vì âm tính giả. Con số có thể lên đến hàng triệu. Và, bao nhiêu người đã bị bắt đi cách ly tập trung và chết? Nhưng chúng ta đã thấy có quá nhiều người bị ép đi làm xét nghiệm y như là bắt tội phạm. Biết bao nhiêu bi hài kịch đã xảy ra trên cả nước. Số tiền người dân bỏ ra cho xét nghiệm chắc là hàng vạn tỉ đồng” (3)
Bộ Y Tế còn ân cần ra công văn giới thiệu Kit Việt Á cho các địa phương kèm theo giá (đã được thổi là 470.000 đồng), số điện thoại của Phó Tổng giám đốc. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thì liên tục ra công điện, công văn chỉ đạo xét nghiệm thần tốc. Các Sở Y tế, CDC không mua Kit Việt Á mới là chuyện lạ.
Bộ Y Tế vừa là người khai sinh vừa là trình dược viên dùng quyền lực và uy tín nhà nước để quảng bá khuyến mãi cho Việt Á, lẽ ra những cá nhân của Bộ này cần phải được đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Cần làm sáng tỏ chất lượng của Kit Việt Á chính xác đến mức độ nào, tỉ lệ gây sai sót làm chết bao nhiêu người. Giá bán giấy phép và các công văn là bao nhiêu?
Ấy thế nhưng, ngược lại, Bộ Y Tế tiếp tục được Thủ Tướng anh minh giao quyền “Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan khẩn trương, chủ động rà soát, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh công tác đấu thầu, mua sắm và sử dụng thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định pháp luật”.
Khuyến khích hệ thống truyền thông dối trá!
Quy định pháp luật Việt Nam xử phạt rất nghiêm với hành vi đưa tin giả liên quan đến dịch COVID-19. Người đưa tin giả về COVID-19 trên mạng có thể bị phạt tù bảy năm, Theo đó “Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch COVID-19 có thể bị phạt tiền tối đa 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ Luật Hình sự năm 2015. (Mức phạt tù tối đa bảy năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm).” (4)
Nhiều người đưa những thông tin có thực nhưng không vừa ý với chính quyền về tình trạng kém cỏi, vô trách nhiệm hoặc hà khắc với người dân cũng bị phạt tiền, phạt tù,
Thế nhưng như đã dẫn trong bài “Cú lừa cung đình mang tên Kit Việt Á, Tô Thượng Thư có dám khai đao chính phạm?” quả bom thối mang tầm quốc tế mang tên Việt Á này từ Báo Nhân Dân, báo điện tử Chính Phủ, Website Đảng Cộng Sản Việt Nam, báo CAND, QĐND đã dẫn đầu cho 800 tờ báo lề đảng đăng hàng loạt tin giả nào là WHO công nhân Kit Việt Á, Bộ Y Tế xã hội Anh cấp phép Kit Việt Á, xuất khẩu sang 20 nước, giá Kít Việt Á bằng /4 giá thế giới…. (5)
Những tin giả này gây tác hại rất nghiêm trọng với người dân trọng nước. gây nhầm lẫn cho người dân, là dung môi cực tốt để các bên bán mua dễ dàng thổi giá.
Với bình diện quốc tế, việc WHO phải ra văn bản khẳng định sự dối trá, sai lệch của Bộ Khoa Học Công Nghệ cũng có tác dụng “nâng cao” vị thế khoa học và chất lượng truyền thông Việt Nam tương đương với miếng thịt bò dát vàng.
Ấy vậy mà công văn Thủ Tướng anh minh lại không hề nhắc đến việc xử lý vi phạm dối trá khổng lồ cả hệ thống đó. Ngược lại, Thủ Tướng khuyến khích “Các bộ Thông tin và truyền thông, Y tế, Công an và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan đẩy mạnh thông tin truyền thông, …..đưa tin đầy đủ, công khai kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan theo quy định của pháp luật, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân”.
Chỉ đạo mở rộng mà thu hẹp của Thủ tướng quả là khó hiểu. Với chỉ đạo này Tộ Thượng Thư dù có muốn khai đao rửa hận vụ thịt bò cũng phải bó tay. Vì sao người hết lòng vì dân vì nước, mướt mồ hôi xây pháo đài chống dịch, quản lý sâu sát đến tận xã phường lại mở cửa sổ lồng cho các khủng long tội phạm quả là điều khó hiểu.
Nhưng điều dễ hiểu, dễ nhớ nhất là các mệnh lệnh thần tốc, kiên trì ngoáy mũi của Thủ Tướng đã góp phần rất lớn cho Việt Á đạt doanh thu 4000 tỷ đồng.
______________
Tham khảo
1-https://tuoitre.vn/thu-tuong-yeu-cau-mo-rong-dieu-tra-thu-hoi-tai-san-bi-chiem-doat-xu-som-vu-an-tai-cong-ty-viet-a-20211222195516777.htm
2-https://tuoitre.vn/vu-an-kit-xet-nghiem-o-viet-a-cu-tri-quan-tam-trach-nhiem-cac-co-quan-lien-quan-20211221123328257.htm
3-https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1383079338806046
4-https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/dua-tin-gia-ve-covid-19-tren-mang-co-...
5-https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/test-kit-fraud-122...
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Vụ án cung đình Kit Việt Á: Vì sao Thủ tướng chỉ đạo “mở hẹp” điều tra? — Tiếng Việt (rfa.org)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten