Việt Nam vẫn là yếu tố quan trọng trong chính sách châu Á của Biden
Đăng ngày:
Ngày 30/04/2021, ông Joe Biden đã đánh dấu 100 ngày đầu của nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ bằng một bài phát biểu đọc trước Quốc Hội lưỡng viện vào hôm trước, 29/04. Phần lớn bài phát biểu này nói về những kế hoạch cải tổ và đầu tư mà ông muốn thực hiện để nâng cao tiềm lực của nước Mỹ, với tham vọng giành chiến thắng trong cuộc tranh đua với Trung Quốc.
Về chính sách đối ngoại, tổng thống Biden đã tỏ một thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc ( cũng như đối với Nga), tuy không hoàn toàn khép lại cánh cửa đối thoại với cường quốc số hai thế giới. Thật ra thì chính sách về châu Á của chính quyền Biden hiện vẫn trong giai đoạn được cụ thể hóa, nhưng tổng thống Dân Chủ đã thể hiện sự khác biệt căn bản với người tiền nhiệm Donald Trump, đó là ông sẽ liên kết chặt chẽ với các đồng minh và đối tác trong khu vực để cùng nhau đối đầu với Bắc Kinh. Theo chiều hướng này, Việt Nam vẫn được xem là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong chiến lược về một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trong phần tạp chí hôm nay, mời quý vị nghe ý kiến của luật sư Nguyễn Hoàng Dũng tại Orange County, California, nguyên là ủy viên Ủy ban Cố vấn của Tổng thống George W. Bush về các vấn đề liên quan đến người Mỹ gốc Á và cư dân các đảo thuộc Thái Bình Dương, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ qua điện thoại ngày 05/05/2021.
RFI: Thưa luật sư Nguyễn Hoàng Dũng, kể từ khi ông Biden lên làm tổng thống Hoa Kỳ, chính sách châu Á của ông đã bắt đầu được định hình rõ ràng chưa, hay là trước mắt ông vẫn đi theo đường lối của người tiền nhiệm Donald Trump?
LS Nguyễn Hoàng Dũng: Khi ông Biden đã nhậm chức được 100 ngày thì chính sách về châu Á của ông đã hơi được định hình, nhưng vẫn chưa rõ ràng. Nó cũng có phần rõ và phần chưa rõ. Chiến lược của ông Biden khác với tổng thống Trump ở chổ là ông sẽ kết hợp nhiều với các đồng minh của Hoa Kỳ, cụ thể là ở châu Á thì liên kết với những nước lớn là Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, kế tiếp là với khối ASEAN, mà trong đó có Việt Nam, để cùng đối phó với hai nước, mình không gọi là kẻ thù, mà là hai lực lượng thù địch và xấu đối với Mỹ, đó là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Chính sách của ông Biden khác ở chổ là kết hợp lại chặt chẽ với các đồng minh, chứ không tự đơn độc như ông Trump trong việc đối phó với Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên trong những năm ông còn tại chức.
Tuy nhiên, có những điều vẫn chưa rõ ràng, cụ thể là con đường đó sẽ đi như thế nào. Chỉ có gần đây, cách nay một vài tuần, chiến lược đối phó với Bắc Triều Tiên mới được cụ thể hóa một chút.
Nhưng tổng thống Biden vẫn áp dụng các chính sách mà tổng thống Trump đã đặt ra, chẳng hạn như đặt Trung Quốc vào tình huống khó khăn hơn, hoặc vẫn có những đòi hỏi đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng sẽ không khó khăn như ông Trump.
RFI: Riêng đối với Việt Nam, trước đây chính quyền tổng thống Trump đã thắt chặt thêm quan hệ với Hà Nội, để lôi kéo Việt Nam về phía Hoa Kỳ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, nhất là tại vùng Biển Đông. Theo ông, tổng thống Biden có sẽ tiếp tục chính sách này hay không?
LS Nguyễn Hoàng Dũng: Chắc chắn là có. Việt Nam là một yếu tố quan trọng trong chính sách của nhiều đời tổng thống Mỹ. Từ sau khi ông Clinton bình thường hóa quan hệ với Hà Nội vào năm 1995, cho tới đời tổng thống George W. Bush, tổng thống Obama, tổng thống Trump, Việt Nam lúc nào cũng là một yếu tố quan trọng trong chiến lược của họ, nhất là trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở châu Á -Thái Bình Dương.
Mối quan hệ này càng lúc càng chặt chẽ và càng tốt đẹp hơn, chứ không thể xấu đi được, nhất là tổng thống Biden và những người cộng tác với ông, từ bộ trưởng Ngoại Giao đến bộ trưởng Quốc Phòng, cho đến những chỉ huy các lực lượng Ấn Độ - Thái Bình Dương đều có những phát biểu cho rằng Việt Nam là một yếu tố quan trọng, và nhiều khi họ so sánh vị trí của Việt Nam với Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc đối phó với Trung Quốc.
RFI: Nhưng trong lịch sử Hoa Kỳ, một chính phủ Dân Chủ thường có chính sách đặt nặng với đề nhân quyền hơn đối với các nước đối tác. Theo ông thì chính quyền Biden có sẽ đặt nặng vấn đề nhân quyền hơn so với thời Donald Trump, trong quan hệ với Việt Nam?
LS Nguyễn Hoàng Dũng: Chắc chắn là tổng thống Biden, một người thuộc đảng Dân Chủ, sẽ đặt vấn đề nhân quyền với Việt Nam nhiều hơn là thời Donald Trump. Tuy nhiên, đặt vấn đề là một chuyện, đó là về lý thuyết, còn thực tế sẽ có những biện pháp chế tài gì hay không. Tổng thống Donald Trump xuất thân là một nhà kinh doanh, thành ra đôi khi ông không đặt vấn đề nhân quyền. Thật ra thì tổng thống Trump đã nhấn mạnh vấn đề tự do tôn giáo rất nhiều, bởi vì ông được hậu thuẫn của các nhà hoạt động tôn giáo, nên lúc nào cũng nêu vấn đề đó lên hàng đầu. Nhưng thường thì ông Trump đặt vấn đề thương mại nặng hơn các vấn đề khác, nhất là vấn đề nhân quyền.
Với tổng thống Biden thì chắc chắn là ngược lại, sẽ có những vấn đề nhân quyền được đặt ra, nhưng có lẽ quan trọng hơn vẫn là sự hợp tác với Việt Nam. Thành ra có thể vấn đề nhân quyền sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quan hệ giữa hai nước.
Đặt vấn đề là một chuyện, nhưng giải quyết vấn đề như thế nào thì sẽ cũng không có gì nặng nề, nghiêm trọng, bởi vì dù gì đi nữa Việt Nam vẫn là một yếu tố quan trọng trong chính sách của Mỹ đối với các nước châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là đối với Trung Quốc.
RFI: Riêng về quan hệ kinh tế, gần đây chính phủ của tổng thống Biden đã không còn xếp vào danh sách các quốc gia "thao túng tiền tệ". Như vậy, phải chăng là ông Biden sẽ có một chính sách thương mại và kinh tế mềm dẽo hơn chứ không quá cứng nhắc như tổng thống Trump, trước đây vẫn đòi các nước khác, trong đó có Việt Nam, phải giảm thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ?
LS Nguyễn Hoàng Dũng: Chúng tôi nghĩ là chính quyền Biden sẽ tiếp tục nêu ra vấn đề về thâm thủng mậu dịch. Tuy nhiên, dù mậu dịch có bị thâm thủng, không nhất thiết các nước đối tác là sai luật. Có thể có những yếu tố cho thấy Việt Nam không thao túng tiền tệ, nhưng sẽ có những biện pháp để thay đổi vấn đề đó. Hai bên vẫn có thể thương thuyết để giảm sự thâm thủng mậu dịch, nhưng không có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ kết tội và sẽ có những biện pháp chế tài đối với các nước gây thâm thủng.
Cụ thể là gần đây, bà bộ trưởng Tài Chính của Mỹ đã làm việc với bộ trưởng bộ Công Thương Việt Nam để có những biện pháp làm giảm sự thâm thủng đó. Nói tóm lại, tổng thống Biden sẽ tiếp tục đặt ra vấn đề thâm thủng mậu dịch của Mỹ, nhưng chắc sẽ không có biện pháp chế tài, nếu bên đối phương, mà trong trường hợp này là Việt Nam, có những động tác tích cực để giảm đi thâm thủng đó.
Việt Nam vẫn là yếu tố quan trọng trong chính sách châu Á của Biden - Tạp chí Việt Nam (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten