woensdag 19 mei 2021

Bắc Cực: Căng thẳng bao phủ cuộc gặp Mỹ-Nga đầu tiên trước thượng đỉnh Biden-Putin

 

Bắc Cực: Căng thẳng bao phủ cuộc gặp Mỹ-Nga đầu tiên trước thượng đỉnh Biden-Putin

Ngoại trưởng Mỹ  Antony Blinken phát biểu với nhân viên sứ quán Mỹ tại Reykjavik, Iceland, ngày 18/05/2021.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu với nhân viên sứ quán Mỹ tại Reykjavik, Iceland, ngày 18/05/2021. SAUL LOEB POOL/AFP

Bên lề cuộc họp ngoại trưởng các nước thành viên Hội Đồng Bắc Cực tại Reykjavik, thủ đô Iceland, hai lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ và Nga sẽ gặp nhau vào tối nay 19/05/2021. Hai bên được cho là sẽ xác nhận một hội nghị thượng đỉnh Joe Biden-Vladimir Putin dự trù tổ chức vào tháng 6 tới đây. Giới phân tích đặc biệt ghi nhận không khí căng thẳng giữa hai bên, cụ thể là trên vấn đề Bắc Cực.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, phát biểu khi mới đặt chân xuống Iceland, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dường như muốn biến Bắc Cực thành một phòng thí nghiệm cho một công cuộc hợp tác nhằm giải quyết những thách thức chung, như chống lại sự hâm nóng toàn cầu. Nhưng đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov đã làm gia tăng căng thẳng với những phát biểu cứng rắn.

Thứ Hai 17/05 vừa qua, khi đề cập đến vùng Viễn Bắc của Nga, ngoại trưởng Lavrov không ngần ngại xác định: “Mọi người đều biết rõ từ lâu rằng đây là vùng đất của chúng tôi, lãnh thổ của chúng tôi”. Ông đặc biệt tố cáo các khuynh hướng “hiếu chiến” của phương Tây thông qua NATO và Na Uy. Đối với ngoại trưởng Lavrov, các “hoạt động quân sự” của Nga ở Bắc Cực “hoàn toàn hợp pháp và chính đáng”.

Lời cảnh báo của Nga dĩ nhiên đã bị ông Antony Blinken đáp trả. Vào hôm qua, ngoại trưởng Mỹ đã kêu gọi các bên “tránh quân sự hóa” vùng Bắc Cực, cho rằng những “tuyên bố” như vậy làm “suy yếu” mục tiêu “về một tương lai hòa bình” cho vùng lãnh thổ rộng lớn này, vẫn bị thời tiết khắc nghiệt, nhưng giàu tài nguyên thiên nhiên.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Chúng tôi lo ngại về sự gia tăng các hoạt động quân sự nhất định ở Bắc Cực làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố”. Vài giờ trước cuộc họp, ông Antony Blinken cũng tố cáo việc Nga sáp nhập Crimée, nhắc lại đó là bán đảo thuộc Ukraina.

Theo ghi nhận của thông tín viên RFI Daniel Vallot tại Matxcơva, nhân hội nghị của Hội Đồng Bắc Cực khai mạc hôm nay, với tư cách chủ tịch luân phiên, Nga đã không còn che giấu tham vọng của họ đối với vùng Bắc Cực, một tham vọng chiến lược và kinh tế có thể dẫn đến đụng độ với các láng giềng và đồng minh Mỹ của các nước này:

“Ở Bắc Cực hiện có một tuyến đường biển vẫn còn sơ khai, nhưng một ngày nào đó có thể cạnh tranh với kênh đào Suez: Tuyến đường biển phía Bắc sẽ cho phép rút ngắn 15 ngày trong hành trình của những con tàu lớn giữa châu Âu và châu Á. Và Nga hoàn toàn có ý định khai thác tuyến giao thương mới này, đã trở nên khả thi do việc Trái đất bị hâm nóng làm tăng tốc độ tan chảy của băng.

Khí hậu ấm lên đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác lòng đất dưới Bắc Cực, nổi tiếng là giàu nguồn dầu hỏa, thúc đẩy Nga coi sự phát triển của khu vực là một trong những ưu tiên trong 15 năm tới. Để đạt được điều đó, chính quyền Nga muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng cảng, khuyến khích đầu tư tư nhân và xây dựng một hạm đội tàu phá băng lớn chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Chiến lược Bắc Cực của Nga cũng mang tính quân sự: Matxcơva đã nói rõ rằng họ có ý định đánh dấu lãnh thổ của mình, thông qua lời ngoại trưởng Sergei Lavrov đó hôm thứ Hai vừa qua.

Chiến lược đó cũng kèm theo sự gia tăng các cuộc diễn tập quân sự trong khu vực, việc mở cửa hoặc hiện đại hóa một số căn cứ quân sự của Nga và việc triển khai hệ thống phòng không S-400 nổi tiếng.”

Bắc Cực: Căng thẳng bao phủ cuộc gặp Mỹ-Nga đầu tiên trước thượng đỉnh Biden-Putin (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten