zaterdag 29 mei 2021

Người đưa công nghệ ARNm vào vac-xin Covid và tai tiếng "đặc vụ Cộng sản" : nữ khoa học gốc Hungary Tiến sĩ Karikó Katalin

 

Người đưa công nghệ ARNm vào vac-xin Covid và tai tiếng "đặc vụ Cộng sản"

Phần âm thanh 09:25
Khoa học gia người Hungary, bà Katalin Karikó, chuyên gia về công nghệ ARNm, ứng cử viên sáng giá giải Nobel Y khoa 2021.
Khoa học gia người Hungary, bà Katalin Karikó, chuyên gia về công nghệ ARNm, ứng cử viên sáng giá giải Nobel Y khoa 2021. © Wikipedia

Người đưa công nghệ ARNm vào phát triển vac-xin ngừa Covid « vướng » tai tiếng đặc vụ ở Hungary thời Cộng sản ; Hàn Quốc kí hợp đồng sản xuất 4 loại vac-xin phục vụ tiêm chủng trong nước ; Trung Quốc phản đối điều tra lại nguồn gốc virus corona, nếu mang động cơ chính trị ; Ấn Độ lo « bệnh nấm đen » ở bệnh nhân Covid-19 điều trị sai cách. Trên đây là một số chủ đề của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.


Công nghệ ARN thông tin được sử dụng cho vac-xin Pfizer/BioNTech và Moderna là « kết quả của sự kiên nhẫn » trong 40 năm nghiên cứu, bắt đầu từ một nhà nữ khoa học gốc Hungary. Tiến sĩ Karikó Katalin - phó chủ tịch cấp cao của BioNTech hiện nay, là một trong những chuyên gia hàng đầu về công nghệ này, nhưng mới đây, bà bị cáo buộc là có hợp tác với Cơ quan An ninh Quốc gia thời Cộng sản tại Hungary. 

Bóng ma của Chủ nghĩa Cộng sản vẫn không tha cho quốc gia Đông Âu này, theo tường trình của thông tín viên Hoàng Nguyễn tại Budapest :

« Cụ thể, thông tin này xuất phát từ một cuốn sách ra đời cách đây 4 năm, và khi đó chưa được ai quan tâm, nói rằng bà Karikó Katalin, vào năm 1978, khi vừa tốt nghiệp đại học tại thành phố Szeged, đã được tuyển dụng, với biệt danh “Lengyel Zsolt”, tại bộ phận phản gián của an ninh quốc gia cộng sản trên cương vị “đặc vụ bí mật”.

Người tuyển dụng bà cũng là một nhân vật có tiếng tăm : Salgó László, lúc đó là sĩ quan an ninh quốc gia tại Trụ sở Cảnh sát tỉnh Csongrád. Sau khi thay đổi thể chế năm 1990, ông này đã leo tới cương vị cao nhất của sự nghiệp cảnh sát : cảnh sát trưởng của tỉnh, và cảnh sát trưởng Quốc gia Hungary thời kỳ 2002-2004.

Là một trong số 800 nhân viên được tuyển dụng ở tỉnh Csongrád, theo hồ sơ lưu trữ, bà Karikó Katalin nhận nhiệm vụ hợp tác với cơ quan mật vụ trong vấn đề phản gián, vì nơi bà nghiên cứu khi đó - cũng là nơi bà lấy bằng tiến sĩ sau này, Trung tâm Sinh học thành phố Szeged - là một cơ sở quan trọng xét về mặt an ninh quốc gia.

Điều đáng chú ý là trong hồ sơ lưu trữ, không tìm được bất cứ báo cáo nào của bà Karikó Katalin và từ giữa thập niên 1980, bà được coi là tạm ngừng công việc này. Đó cũng chính là khoảng thời gian bà cùng gia đình di cư qua Mỹ, sau khi bị sa thải vì lý do “giảm biên chế” vào năm 1985 vào đúng sinh nhật lần thứ 30 của mình.

Tin trên bùng nổ đúng vào lúc tiến sĩ Karikó Katalin có chuyến thăm nhà kéo dài 1 tháng, và bà đã nhận được sự tiếp đón trọng thị cùng sự tưởng thưởng xứng đáng từ quê hương. Nhiều “cư dân mạng” Hungary căm phẫn, cho rằng đây là sự tàn ác “đặc thù” của Hungary, đối với người con xuất chúng nhất hiện tại của dân tộc này.

Trả lời các cáo buộc, tiến sĩ Karikó Katalin cho hay khi bà bắt đầu công tác nghiên cứu, bà đã bị cơ quan mật vụ tìm gặp và cưỡng bức làm công việc này. Cha bà tham gia cuộc cách mạng dân chủ 1956, ông bị mất việc, tù treo và cơ quan mật vụ cũng đặt cho bà một lựa chọn : hoặc hợp tác, hoặc phải chịu số phận như thân phụ bà.

Do lo sợ bị mất việc và không theo được con đường nghiên cứu, bà chấp nhận ký hồ sơ tuyển dụng, nhưng không cung cấp bất cứ văn bản báo cáo và không làm hại bất cứ ai. Về sau, để tiếp tục sự nghiệp khoa học, bà đã phải rời quê hương và sau đó, trong 36 năm ròng, đã cống hiến hết mình cho nhân loại, theo lời tiến sĩ Karikó Katalin.

Được coi là người đã cứu vãn nhân loại khỏi hiểm họa Covid-19, bà Karikó Katalin hiện là ứng viên sáng giá của Giải Nobel Sinh lý học và Y khoa năm nay. Tuy nhiên, với “phát hiện” gây sốc nói trên, bà thuộc hàng rất nhiều nhân vật nổi tiếng của Hungary được xem là có quan hệ với mật vụ Cộng sản, và đây là nỗi đau xót lớn của đất nước này ».

Hàn Quốc : Sản xuất 4 loại vac-xin cho tiêm chủng trong nước

Kết thúc thượng đỉnh Mỹ-Hàn tại Washington, tổng thống Joe Biden đã « tặng » cho đồng nhiệm Moon Jea In hai « món quà lớn », trong đó có hợp đồng sản xuất vac-xin Moderna tại Hàn Quốc, đúng theo lời hứa của nguyên thủ Mỹ là hỗ trợ vac-xin cho Seoul.

Hợp đồng mới này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh và quyết định tăng tốc tiêm chủng ở Hàn Quốc ? Thông tín viên Trần Công tường trình từ Seoul :

« Theo như cập nhật cho tới ngày 27/05/2021, đã có khoảng 4 triệu người được tiêm một mũi vac-xin và khoảng 2 triệu người được tiêm đủ 2 mũi. Hiện tại số người nhiễm mới tại Hàn Quốc luôn dao động trong khoảng 500 - 700 ca mới một ngày. Nơi tập trung số ca nhiễm mới là khu vực Seoul và Gyeonggi-do. Toàn Hàn Quốc vẫn áp dụng giãn cách xã hội cấp độ 2 cho các tỉnh thành phố, và 2,5 cho khu vực Seoul - Gyeonggi-do. Quy định của giãn cách cấp độ 2 là không tụ tập 5 người trong một phòng, các nhà hàng không được nhận 5 khách cho một bàn ăn. Và để kết thúc tình trạng này thì cách duy nhất và an toàn nhất là tạo miễn dịch cộng đồng bằng vac-xin.

Hàn Quốc chia ra 3 giai đoạn lớn để tiêm vac-xin : Giai đoạn 1 là tiêm cho người khỏe mạnh trên 30 tuổi ; Giai đoạn 2 bắt đầu tiêm cho những người già từ 65-74 tuổi và sau đó là tiêm cho toàn cộng đồng. Các bước đi của chính phủ Hàn với quá trình tiêm vac-xin được đánh giá là thân trọng và chắc chắn. Mặc dù có một số trường hợp tử vong, nhưng đã được giải thích là do bệnh lý nền. Và hiện tại nếu tử vong do vac-xin, (gia đình) sẽ được chính phủ trợ cấp 50 triệu won, nếu phát sinh bệnh sau khi tiêm vac-xin sẽ được hỗ trợ 10 triệu won.

Như chúng ta cũng đã biết, chuyến đi Mỹ vừa qua của tổng thống Moon được xem là rất thành công vì đã ký được hợp đồng sản xuất vac-xin với Moderna và Novanax, cho lần lượt Samsung Biologic và SK Bioscience. Như vậy Hàn Quốc sẽ có được sự chủ động trong việc sản xuất 4 loại vac-xin mạnh nhất của thế giới là AstraZenesca (Anh), Sputnik V (Nga), Moderna và Novanax (Mỹ). Chính phủ Hàn đã tuyên bố sẽ đạt mức 1 triệu mũi vac-xin/ngày cho nhân dân và áp dụng đặt lịch tiêm chủng trên điện thoại cho người dân Hàn. Với những người tiêm mũi đầu sẽ được phép bỏ khẩu trang khi đi ra ngoài, với người tiêm mũi 2 sẽ được cấp hộ chiếu vac-xin và được tham dự tiệc cưới, và vào nhà hàng không giới hạn số người tham dự. 

Phản ứng của dân Hàn trong thời điểm này là khá mệt mỏi, vì người dân Hàn ưa di chuyển, hội họp. Hiện tại một số nhà hàng lách luật bằng cách chia đôi nhóm người vào nhà hàng, xếp hai bàn ăn gần nhau để giúp tăng thu nhập chống dịch. Tuy rằng việc tạo miễn dịch cộng đồng có thể không được nhanh như các nước châu Âu, nhưng tôi thấy rằng chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực hết mình để đem về những hợp đồng đắt giá trong mùa dịch này cho người dân Hàn Quốc »

Nguồn gốc Covid-19: Trung Quốc sẽ bác điều tra, nếu có dụng ý chính trị

Giả thuyết virus corona lọt ra từ Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc), một lần nữa lại nổi lên từ khi Wall Street Journal tiết lộ hôm 23/05 thông tin từ tình báo Mỹ, theo đó có ba nhà nghiên cứu ở Viện Virus học Vũ Hán đã mắc những « triệu chứng vừa giống bệnh Covid-19, vừa giống cúm mùa » ngay từ tháng 11/2019 và phải nhập viện. Tổng thống Mỹ Joe Biden đẩy tầm quan trọng của giả thuyết này thêm một nấc, khi yêu cầu cơ quan tình báo Mỹ « tăng gấp đôi nỗ lực » để báo cáo lại về nguồn gốc Covid-19 và lấy làm tiếc vì Bắc Kinh thiếu hợp tác và minh bạch.

Liệu Bắc Kinh có chấp nhận một cuộc điều tra khoa học mới, nhưng có dụng ý chính trị không ? Trả lời đài RFI ngày 27/05, nhà nghiên cứu Thierry Kellner, Đại học Tự do Bruxelles (Université Libre de Bruxelles) nhận định :

« Đúng là có một lời kêu gọi từ một số nhà khoa học trên tạp chí Sciences, tôi nghĩ là khoảng 15 người, để chúng ta có thể làm sáng tỏ đại dịch một cách đầy đủ hơn. Dĩ nhiên đây là tính chính đáng khoa học mà theo tôi là phục vụ cho lợi ích chung, kể cả về phía Trung Quốc.

Ngoài ra, cũng có nhu cầu rất lớn về việc có những thông tin về nguồn gốc đại dịch, để tìm hiểu có phải là xuất phát từ động vật, từ những con vật nào và trong những điều kiện nào... Về những câu hỏi kiểu như vậy, tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tương đối mở. Nhưng ngay khi cảm thấy có chút gì đó chính trị hóa hoặc sử dụng vì mục đích chính trị của kiểu điều tra như vậy, thì Bắc Kinh có lẽ sẽ sập cửa rất nhanh, sẽ không đón nhận phái đoàn điều tra quốc tế và sẽ lập luận rằng đã làm rồi ».

Vẫn theo nhà nghiên cứu người Bỉ, cuộc điều tra mới nên được tiến hành kín đáo hơn, tránh truyền thông rộng rãi, vì có nguy cơ phản tác dụng. Ngày 27/05, Hoa Kỳ kêu gọi Tổ Chức Y Tế Thế Giới mở cuộc điều tra thứ hai, chỉ gồm những chuyên gia độc lập và những người này phải được truy cập toàn bộ dữ liệu và mẫu được thu thập ở Trung Quốc.

Ấn Độ lo « bệnh nấm đen » ở bệnh nhân Covid-19 điều trị sai cách

Ngày 28/05, chính quyền Ấn Độ thông báo nới lỏng một số biện pháp phong tỏa, áp dụng từ 6 tuần nay ở thủ đô New Delhi do số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày giảm đáng kể trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã khỏi Covid-19 đang mắc một loại bệnh lạ, được gọi là « bệnh nấm đen », tấn công khuôn mặt của người bệnh, thậm chí gây chết người.

Thông tín viên Sébastien Farcis tại New Delhi giải thích :

« Triệu chứng đầu tiên là từ đau đầu hoặc đỏ mắt. Rồi một đốm đen xuất hiện và lan xung quanh mắt : đó là một loại nấm, hiện được gọi là mucormycosis và chỉ trong vài ngày, loại nấm này có thể tấn công khắp mặt, đến mức các bác sĩ phải loại bỏ một bên mắt, thậm chí là một phần quai hàm. 

Tại Ấn Độ, vài trăm trường hợp « nấm đen » được thống kê trong những ngày gần đây ở những người mới được chữa trị không phù hợp chống bệnh Covid-19. Bác sĩ phẫu thuật Arvind Singh Soin, làm việc tại bệnh viện Medanta, ở Gurgaon, giải thích :

« Lý do chính là việc lạm dụng chất steroid và tiêm kháng sinh, vì khi giết các loại vi khuẩn kiểu như này thì người ta cũng lại tạo điều kiện cho nấm phát triển. Một lý do khác là tình trạng vệ sinh kém trong quá trình truyền ô-xy, ví dụ qua việc sử dụng mặt nạ và ống dẫn bẩn. Cuối cùng, loại nấm này chủ yếu phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường không được theo dõi ». 

Những ca này còn hiếm, hiện Ấn Độ có vài trăm trường hợp trên 10 triệu ca nhiễm Covid-19 được thống kê từ một tháng nay. Nhưng số bệnh nhân mắc loại nấm này đang tăng nhanh khiến giới bác sĩ lo ngại, nhất là khi thuốc chống nấm được sử dụng để chữa bệnh này không còn sẵn ở nhiều thành phố lớn của Ấn Độ ».

Người đưa công nghệ ARNm vào vac-xin Covid và tai tiếng "đặc vụ Cộng sản" - Tạp chí đặc biệt (rfi.fr)

Katalin Kariko, nhà khoa học Hungary đứng sau vac-xin Pfizer/ BioNTech

Nhà khoa học người Mỹ gốc Hungary, tác giả công nghệ vật liệu di truyền ARN thông tin, cơ sở để chế vac-xin ngừa Covid-19.
Nhà khoa học người Mỹ gốc Hungary, tác giả công nghệ vật liệu di truyền ARN thông tin, cơ sở để chế vac-xin ngừa Covid-19. © AFP - (Gia đình cung cấp)

Trong vài tuần lễ, Katalin Kariko đã trở thành cái tên gắn liền với vật liệu di truyền ARN thông tin, công nghệ giúp Pfizer và BioNTech phát triển thành công vac-xin phòng Covid-19 đang được đưa vào tiêm chủng rộng rãi. Chạy khỏi Hungary trong những năm 1980, nhà nghiên cứu sinh hóa đến định cư tại Pennsylvania, Hoa Kỳ. Bà đã phải đấu tranh để các nghiên cứu của bà được thừa nhận. Vài nét chân dung về nhà khoa học ở phía sau vac-xin của Pfizer/ BioNTech

« Cứu thế ! Tôi hít một hơi thở thật mạnh, tôi phấn khích đến mức sợ mình chết mất .» Katalin Kariko đã kể lại với nhật báo The Telegraph về những phản ứng của mình khi thông báo kết quả công hiệu của loại vac-xin do Pfizer và BioNTech triển khai bào chế.

Sau gần bốn mươi năm nỗ lực, các nghiên cứu của bà về vật liệu di truyền ARN thông tin, được dùng để bào chế vac-xin phòng Covid-19, cuối cùng đã được công nhận và sẽ giúp thế giới chống đại dịch virus corona. « Tôi không tưởng tượng được công nghệ này lại được quan tâm như vậy. Tôi không chuẩn bị để xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu », bà nói thêm.

Trong vòng vài tuần, nhà khoa học người Hungary, đang sống ở Pennsylvania, từ một người còn xa lạ với công chúng đã trở thành một ngôi sao mới trong thế giới khoa học.

Tuy nhiên Katalin Kariko là một người từ rất xa đến. Sinh ra cách nay 65 năm tại Szolnok, miền trung Hungary, giữa chế độ Cộng Sản. Bà lớn lên tại Kisújszállás, có cha làm nghề bán thịt. Là người say mê khoa học, bà bắt đầu sự nghiệp từ tuổi 23 tại Trung tâm nghiên cứu sinh học của đại học Szeged, nơi bà đã bảo vệ luận án tiến sĩ. Chính tại đó bà bắt đầu quan tâm đến vật liệu di truyền ARN thông tin, những phân tử dưới hình thức mã di truyền tạo cho tế bào khả năng sản sinh ra các protein có lợi cho cơ thể người.

Nhưng trong các phòng thí nghiệm Hungary, các phương tiện thiếu thốn. Hơn thế, ở tuổi 30, nhà khoa học bị sa thải khỏi trung tâm nghiên cứu. Và thế là bà chọn nhìn sang bên kia bờ Đại Tây Dương. Năm 1985 bà được nhận làm việc tại Temple University, Philadelphia. Khi đó tại Hungary cũng như các nước XHCN khác, chuyển ngoại tệ ra khỏi nước bị cấm. Mặc dù vậy, Katalin Kariko đã bán chiếc xe hơi của gia đình và giấu tiền vào trong con gấu nhồi bông của đứa con gái Susan Francia, khi đó mới 2 tuổi. « Đó là chuyến đi một chiều. Chúng tôi không hề quen biết ai », bà đã kể lại với Business Insider.

Giấc mơ Mỹ đã có thể bắt đầu

Thế nhưng không phải mọi chuyện đều diễn ra như dự định. Cuối những năm 1980, cộng đồng khoa học chỉ tập trung nghiên cứu ADN mà họ cho rằng có khả năng chuyển hóa các tế bào và việc đó có thể chữa trị các loại bệnh như ung thư hay bệnh tràn dịch nhầy phổi (mucoviscidos).

Nhà nghiên cứu Hungary vẫn tiếp tục chú tâm đến ARN thông tin, với hy vọng vật liệu di truyền này sẽ cung cấp cho tế bào những chỉ dẫn để có thể tự sản sinh ra các loại protein trị liệu. Giải pháp này cho phép tránh phải thay đổi gien đơn bội của các tế bào. Nhưng công nghệ này lại làm dấy lên các chỉ trích vì nó kéo theo các phản ứng viêm nhiễm mạnh, ARN thông tin được hệ miễn dịch coi như thành phần xâm nhập lạ.

Năm 1990, đơn xin học bổng đầu tiên của bà bị từ chối. Trong những năm tiếp theo, các đơn xin học bổng của bà vẫn liên tiếp không được xét. Năm 1995, đại học Pennsylvania, nơi bà sắp được công nhận hàm giáo sư, đã làm tham vọng của bà bị dừng lại khi hạ bà xuống hàng các nhà nghiên cứu thông thường. Trả lời trang y học Stat bà nói : « Bình thường đến giai đoạn đó, mọi người nói tạm biệt và ra đi. Tôi đã nghĩ đi nơi khác hay làm một việc gì đó khác. Tôi tự hỏi có phải mình chưa đủ giỏi hay chưa đủ thông minh chăng ? Giới khoa học cũng phải đối mặt với tình trạng phân biệt giới."

Mặc dù khó khăn, Katalin Kariko vẫn bám trụ và cống hiến quên mình cho đam mê khoa học. « Nhìn từ ngoài vào có vẻ như chuyện điên rồ khó hiểu, nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc khi ở trong phòng thí nghiệm », bà thổ lộ với Business Insider. « Chồng tôi luôn nói đó là cách giải khuây với tôi. Tôi không nói là tôi đi làm. Với tôi, công việc như là trò chơi. »

Trong cùng lúc, bà phải vật lộn để có tiền trang trải học hành của cô con gái. Bà là người đã truyền cho con gái quyết tâm vượt qua mọi thử thách. Cô bé cầm con gấu nhồi bông giấu ngoại tệ của mẹ năm nào đã tốt nghiệp đại học Pennsylvania và sau đó đã giành huy chương vàng Olympic 2008 và 2012 trong đội đua thuyền của Hoa Kỳ.

Cuộc gặp gỡ mang tính bước ngoặt 

Năm 1997, một cuộc gặp gỡ đơn thuần bên chiếc máy sao chụp (photo-copie) cuối cùng đã thay đổi số phận Katalin Kariko.

Bà quen biết nhà miễn dịch học Drew Weissman, khi đó đang nghiên cứu một loại vac-xin ngừa HIV. Họ đồng ý hợp tác và triển khai nghiên cứu cách để giúp cho ARN tổng hợp không bị hệ miễn dịch nhận biết.

Phát hiện của họ được công bố năm 2005 và được cộng đồng khoa học khen ngợi. Cặp đôi tiếp tục các nghiên cứu và họ đã thành công đặt được phân tử ARN quý giá vào trong những hạt nano lipide, một dạng vỏ bọc tránh cho phân tử ARN bị suy thoái quá nhanh và dễ dàng xâm nhập vào tế bào.

Từ những kỹ thuật đó mà các phòng thí nghiệm Moderna và BioNTech/Pfizer đã có thể triển khai các cách thức phản ứng với Covid-19. Cả hai loại vac-xin đều dựa trên một chiến lược nhằm đưa những mệnh lệnh di truyền vào trong tế bào để kích hoạt phản ứng sản sinh ra một loại protein tương tự như protein của virus corona và để gây ra phản ứng miễn dịch.

Nhờ công trình nghiên cứu và ứng dụng đó của họ, Dew Weissma, và Katalin Kariko giờ đây được cho là có thể nhận giải Nobel. Sau bao nhiêu năm ở bên lề, nhà khoa học Hungary giờ đây nắm giữ một vị trí cao trong phòng thí nghiệm Đức BioNTech.

Sau khi biết tin vac-xin của Pfizer và BioNTech được chấp nhận, Katalin Kariko có thể tận hưởng thành công của mình, nhưng giờ chưa phải lúc mở sâm banh ăn mừng như bà bày tỏ với CNN : « Chúng ta sẽ ăn mừng mọi việc khi những nỗi đau khổ của nhân loại đã lùi lại sau chúng ta, khi những thử thách và thời kỳ kinh hoàng này kết thúc. Ngày đó sẽ tới, tôi hy vọng vào mùa hè tới, khi chúng ta quên đi virus và vac-xin. Khi đó, tôi sẽ ăn mừng thực sự ».

(Theo AFP và France 24.com)

Katalin Kariko, nhà khoa học Hungary đứng sau vac-xin Pfizer/ BioNTech (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten