donderdag 27 mei 2021

Covid-19 : Việt Nam có gần 3.000 ca nhiễm trong vòng một tháng + Việt Nam khẩn trương dập dịch, duy trì sản xuất để giữ uy tín với đối tác nước ngoài

 

Covid-19 : Việt Nam có gần 3.000 ca nhiễm trong vòng một tháng

Nhân viên y tế kiểm tra các cửa hàng ăn buộc phải đóng cửa do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 25/05/2021.
Nhân viên y tế kiểm tra các cửa hàng ăn buộc phải đóng cửa do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 25/05/2021. AFP - NHAC NGUYEN

Chỉ trong vòng một tháng, Việt Nam ghi nhận 2.913 ca nhiễm mới và 4 ca tử vong từ khi đợt dịch tái bùng phát ngày 27/04/2021. Virus corona đã lan ra 30 tỉnh thành, trong đó có nhiều nơi phát hiện biến thể B.1.617 (biến thể Ấn Độ). Trong khi đó, chỉ có khoảng 1% trên tổng số hơn 96 triệu dân được tiêm chủng.

Trong đợt dịch này có nhiều điểm đặc biệt hơn so với những lần trước. Thứ nhất, về kỷ lục số ca nhiễm trong một ngày, có lúc lên đến 444 ca nhiễm mới, gấp hơn ba lần đỉnh của đợt trước xảy ra ở Hải Dương vào dịp Tết Nguyên đán. Thứ hai, Covid-19 cũng gây nhiều ca tử vong trong cộng đồng, con số này sẽ còn tăng trong những ngày tới vì có đến 20% số bệnh nhân mới có triệu chứng nặng, nhiều ca tiên liệu xấu, còn 80% số ca nhiễm chỉ biểu hiện ít triệu chứng, theo báo VnExpress ngày 26/05.

Về chiến lược tiêm chủng, ngày 26/05, Việt Nam nhận được thêm 288.000 liều vac-xin AstraZeneca, bổ sung thêm cho hơn 1,6 triệu liều mới nhận hôm 16/05. Trước nhu cầu tiêm chủng cao, nhưng số vac-xin do Hà Nội đặt mua không được giao nhanh chóng, nhiều công ty ở Việt Nam cho Reuters biết sẵn sàng trả tiền để tiêm chủng cho nhân viên vì nếu căn cứ theo diện ưu tiên, sẽ còn lâu đến lượt họ.

Hiện tại, Việt Nam chưa áp dụng « hộ chiếu vac-xin », nên người nước ngoài nhập cảnh, dù đã được tiêm chủng, vẫn phải bị cách ly tập trung 3 tuần và theo dõi y tế tại địa phương thêm hai tuần. Ngày 24/05, Phòng Thương Mại Hoa Kỳ (AmCham) ở Hà Nội đã đề nghị chính phủ Việt Nam rút ngắn thời hạn cách ly đối với người nhập cảnh đã tiêm chủng, đồng thời cho phép lĩnh vực tư nhân tự mua vac-xin ngừa Covid-19 để tiêm chủng cho nhân viên của họ. Hiện tại, bộ Y Tế Viện Nam chưa trả lời đề nghị bình luận của hãng tin Reuters.

Covid-19 : Việt Nam có gần 3.000 ca nhiễm trong vòng một tháng (rfi.fr)

Covid-19 : Việt Nam khẩn trương dập dịch, duy trì sản xuất để giữ uy tín với đối tác nước ngoài

Một quán ăn tại Hà Nội phải đóng cửa vì dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam, ngày 25/05/2021.
Một quán ăn tại Hà Nội phải đóng cửa vì dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam, ngày 25/05/2021. AFP - NHAC NGUYEN

Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi đạt được tăng trưởng 2,9% trong năm 2020. Được liên tục ca ngợi chống dịch thành công, Việt Nam hiện giờ đang phải đối mặt với « làn sóng dịch thực sự », theo nhận định của báo Singapore Straits Times.

Điểm đặc biệt lần này là virus đánh vào những khu công nghiệp, trong khi Việt Nam cần duy trì hoạt động sản xuất để vừa bảo đảm về kinh tế, vừa giữ vững hình ảnh của một đối tác tin cậy, an toàn cho các nhà đầu tư quốc tế.

Việt Nam đã khống chế thành công ba đợt dịch trước, được báo Straits Times nhận định chỉ như những « đòn phủ đầu ». Đợt thứ tư, « phức tạp » hơn do tốc độ lây nhiễm cao của biến thể B.1.617 (biến thể Ấn Độ), mới là thời điểm để Việt Nam tái khẳng định khả năng dập dịch nhanh chóng, tránh để « sập » hệ thống y tế và bảo đảm nguồn sản xuất cho các nhà công nghiệp trong và ngoài nước.

Ba trong bốn khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang phải đóng cửa, tạm ngừng sản xuất, có nhiều cơ sở của Foxconn của Đài Loan, nhà sản xuất chip điện tử và gia công cho tập đoàn Apple của Mỹ. Chuỗi cung ứng của tập đoàn này và tiến độ lắp đặt những cơ sở mới có nguy cơ bị xáo trộn trong một thời gian, theo nhận định của ông Zhang Zhiwei, kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, với trang CNBC (24/05/2021).

Ngoài ví dụ trên, một vấn đề phức tạp khác liên quan đến việc nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài, phải tuân thủ cách ly tập trung theo quy định là 21 ngày, tiếp theo là hai tuần tại địa phương, trong khi thời gian công tác không phải là nhiều. Vẫn theo nhà kinh tế Zhang Zhiwei, « nếu chuỗi cung ứng (ở Việt Nam, cũng như Ấn Độ) bị xáo trộn trong một thời gian dài », điều này sẽ có lợi cho các nhà máy ở Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung biến Việt Nam thành « miền đất hứa » đối với nhiều tập đoàn đa quốc gia rời Trung Quốc trong những năm gần đây nhờ nhân công hợp lý, ổn định về chính trị, chống dịch thành công. Thế nhưng, dịch bùng phát trong nhiều khu công nghiệp ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang cũng có nguy cơ xảy ra với khoảng 70.000 nhà máy và trên 300 khu công nghiệp tập trung trên cả nước.

Đổi chiến lược phòng dịch

Chính phủ Việt Nam hoàn toàn ý thức được khả năng dịch lây lan « có nguy cơ gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn ». Điều này cũng buộc chính phủ phải điều chỉnh chiến lược chống dịch tại những khu công nghiệp, hiện đang được áp dụng một cách máy móc, theo trang Sức khỏe & Đời sống ngày 25/05. Thứ nhất, sàng lọc F1 nguy cơ cao, để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo trong những khu vực cách ly tập trung. Có nghĩa là chỉ những người cùng bộ phận, hoặc phân xưởng với người bị nhiễm Covid-19 được coi là F1 và phải cách ly tập trung. Những người còn lại, vẫn được coi là F1, nhưng được cách ly tại nhà.

Thứ hai, tại những khu công nghiệp hoạt động trở lại, nhân viên được xếp ca, tổ làm việc theo nơi cư trú, để nơi nào có ca nhiễm thì khoanh vùng ngay lập tức, còn những khu vực khác vẫn tiếp tục duy trì sản xuất.

Thứ ba, đổi phương pháp xét nghiệm, tăng cường xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong những khu vực cách ly tập trung nơi tỉ lệ F1 âm tính chuyển thành dương tính rất cao. Tiếp theo xét định kỳ ba ngày/lần ở những điểm có nguy cơ cao để tách những trường hợp dương tính ra khỏi cộng đồng.

Lãnh đạo Việt Nam cho rằng chiến lược phòng dịch mới này « linh hoạt hơn », kết hợp với sự hỗ trợ, giám sát của ngành y tế, được thí điểm tại Bắc Giang và Bắc Ninh và nếu cho kết quả tốt, sẽ được nhân ra toàn quốc. Trong khi chiến dịch tiêm chủng ở Việt Nam còn rất chậm vì phụ thuộc vào vac-xin nước ngoài, phương án này giúp thực hiện « mục tiêu kép : vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân ».

Theo nhận định của giáo sư Toole với báo Straits Times, trong kịch bản dịch bùng phát mạnh, Hà Nội có thể sẽ phong tỏa toàn quốc nếu thấy cần thiết, cho dù chính quyền hiện rất do dự. Còn ông Nguyễn Quốc Toản, tổng giám đốc Tập đoàn Giáo dục EQuest, nhận xét : « Khá buồn cười khi nghĩ rằng trong tương lai, thế giới trở nên bình thường còn Việt Nam thì lại không thế », dù ông vẫn giữ hy vọng « sẽ không xảy ra tình huống này ».

Covid-19 : Việt Nam khẩn trương dập dịch, duy trì sản xuất để giữ uy tín với đối tác nước ngoài (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten