donderdag 20 mei 2021

Biển Đông : Mỹ điều tàu chiến đến gần quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc tố cáo hành vi “bất hợp pháp” + Việt Nam kêu gọi châu Á hỗ trợ để sớm có Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông

 

Biển Đông : Mỹ điều tàu chiến đến gần quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc tố cáo hành vi “bất hợp pháp”

Ảnh do Hải quân Mỹ cung cấp: Khu trục hạm USS Curtis Wilbur (DDG 54) tiến hành các chiến dịch bình thường tại vùng eo biển Đài Loan ngày 18/05/2021.
Ảnh do Hải quân Mỹ cung cấp: Khu trục hạm USS Curtis Wilbur (DDG 54) tiến hành các chiến dịch bình thường tại vùng eo biển Đài Loan ngày 18/05/2021. AP - Zenaida Roth

Hạm Đội 7 Hải Quân Hoa Kỳ trong thông cáo đề ngày 20/05/2020 cho biết khu trục hạm USS Curtis Wilbur đang thực hiện hoạt động tuần tra nhằm “khẳng định quyền tự do hàng hải gần khu vực quần đảo Hoàng Sa”, nơi có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Trung Quốc mạnh mẽ phản đối.

Tàu khu trục USS Curtis Wilbur có trang bị tên lửa dẫn đường, “hoạt động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế” và chiến dịch FONOP nhằm “khẳng định các quyền tự do lưu thông trên biển chiếu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982". Thông cáo của Hạm Đội Thái Bình Dương nhấn mạnh : “Những đòi hỏi bất hợp pháp và triệt để về chủ quyền ở Biển Đông là một mối đe dọa đáng lo ngại đối với các quyền tự do trên biển, từ tự do lưu thông trên biển, quyền tự do bay trên vùng biển này, đến quyền tự do mậu dịch, đồng thời cản trở các quốc gia trong vùng nắm bắt những cơ hội kinh tế”.

Sự hiện diện của tàu chiến Hoa Kỳ trong vùng biển này đã khiến Trung Quốc phẫn nộ. Phát ngôn viên Bộ Tư Lệnh Chiến Khu Phương Nam của quân đội Trung Quốc, tướng Điền Quân Lý (Tian Junli) ngày 20/05/2021 tuyên bố hành động của Hải Quân Hoa Kỳ “gây thêm rủi ro đối với an ninh trong khu vực”, đồng thời mạnh mẽ lên án thái độ “thiếu chuyên nghiệp và vô trách nhiệm” của phía Mỹ. Theo quan chức này, Mỹ đã “xâm nhập trái phép vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Tây Sa ( Hoàng Sa ) trong vùng Biển Đông”, khiến Bắc Kinh đã phải điều tàu “trục xuất” tàu chiến Mỹ, tương tự hồi đầu tuần khi chiếc USS Curtis Wilbur bị truy đuổi khỏi eo biển Đài Loan.

Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters, Hạm Đội 7 Hải Quân Hoa Kỳ đã bác bỏ tin trên và khẳng định “tàu khu trục USS Curtis Wilbur không bị trục xuất khỏi bất kỳ một khu vực nào”. Các sự kiện nói trên diễn ra trong bối cảnh tổng thống Joe Biden hôm 19/05/2021 khẳng định “Hoa Kỳ phải bảo vệ các tuyến đường biển rộng mở tại Biển Đông và Bắc Cực”. 

Biển Đông : Mỹ điều tàu chiến đến gần quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc tố cáo hành vi “bất hợp pháp” (rfi.fr)

Việt Nam kêu gọi châu Á hỗ trợ để sớm có Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông

Bản đề minh họa yêu sách chủ quyền của các quốc gia ven Biển Đông.
Bản đề minh họa yêu sách chủ quyền của các quốc gia ven Biển Đông. RFI

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm nay 20/05/2021 kêu gọi thúc đẩy thương mại, duy trì hòa bình tại Biển Đông và đặc biệt là sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Bên cạnh đó ông cũng cổ vũ các nước “gác lại một bên những bất đồng” để chống đại dịch Covid.

Theo báo Nikkei, trong Hội nghị quốc tế vì tương lai châu Á lần thứ 26 được tổ chức trực tuyến, ông Phạm Minh Chính, vừa nhậm chức thủ tướng Việt Nam vào tháng Tư, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định tại Biển Đông, nơi Việt Nam và Trung Quốc vẫn căng thẳng trong vấn đề chủ quyền.

Ông Phạm Minh Chính tuyên bố "cần phải giải quyết các khác biệt bằng các giải pháp hòa bình", tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Nhắc đến các cơ chế hợp tác đa phương, ông đề nghị "có sự phối hợp chặt chẽ để sớm ký kết được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)". Thủ tướng Việt Nam cũng khẳng định cần bảo vệ "quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông".

Báo Nhật Nikkei nhấn mạnh là "các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông đã bế tắc từ nhiều năm qua", trong khi Trung Quốc tiếp tục các hành động bành trướng, quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Trường Sa, tiến hành nhiều cuộc tập trận, đe dọa láng giềng trên vùng biển chiến lược này.

Song song đó, ông Phạm Minh Chính cũng cho rằng sự phục hồi của châu Á sau đại dịch Covid tùy thuộc phần lớn vào khả năng duy trì đầu tư thương mại trong và ngoài khu vực. Theo ông, các hiệp định thương mại quốc tế như CPATPP, RCEP sẽ giúp đẩy nhanh hồi phục kinh tế và tiến trình phát triển của khu vực.

Việt Nam đã đối phó hiệu quả trước đại dịch, giúp tăng trưởng tiếp tục 2,9% trong năm 2020, nhưng chính quyền đang lo ngại trước các ca nhiễm biến chủng mới gia tăng. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là đảm bảo nguồn cung vac-xin.

Hội nghị quốc tế vì tương lai châu Á là diễn đàn chính sách thường niên được Nhật Bản tổ chức. Hội nghị năm nay, có sự tham dự của lãnh đạo các nước Việt Nam, Singapore, Malaysia, Pakistan, Nepal, Sri Lanka, Lào, Thái Lan, Cam Bốt.

Việt Nam kêu gọi châu Á hỗ trợ để sớm có Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten