EuroCham cảnh báo nguy cơ ‘tụt hậu’, đề nghị VN cho tư nhân tự tiêm chủng COVID-19
Các lãnh đạo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa lên tiếng thúc giục Hà Nội cho phép các công ty tư nhân mua vaccine ngừa COVID-19 và tự tiêm chủng cho nhân viên của họ, giữa bối cảnh Việt Nam đang vật lộn chống chọi với đợt bùng phát dịch lớn nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.
“Điều này sẽ làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng của chính phủ”, các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu nói trong thông cáo đưa ra hôm 28/5.
EuroCham cho biết hiệp hội vừa tổ chức lấy ý kiến của các doanh nghiệp thành viên về cách thức khu vực tư nhân có thể hỗ trợ cho chương trình tiêm chủng của chính phủ, đồng thời khảo sát về ảnh hưởng của đại dịch trên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Kết quả cho thấy 4 trong 5 lãnh đạo doanh nghiệp (79%) được hỏi đồng ý rằng các doanh nghiệp nên có khả năng tiêm chủng cho nhân viên của họ.
Yêu cầu của các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu được đưa ra giữa lúc Việt Nam đang cố gắng ngăn chặn đợt dịch lớn nhất từ trước tới nay, với số người bị lây nhiễm lên đến hơn 3.200 người ở 30 trong số 63 tỉnh thành của Việt Nam kể từ cuối tháng 4.
Cho tới nay, Việt Nam đã tiêm hơn 1 triệu liều vaccine COVID-19 trong tổng số 2,9 triệu liều đã nhận được. Với dân số hơn 98 triệu người, tỉ lệ tiêm chủng của Việt Nam được xem là thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ tiêm chủng ở một số quốc gia láng giềng, theo Reuters.
“Trong khi biên giới Việt Nam đóng cửa, các quốc gia khác đang triển khai tiêm chủng và mở cửa lại với thế giới”, Chủ tịch EuroCham Alain Cany nói trong tuyên bố, đồng thời cảnh báo Việt Nam đang đối diện với một “nguy cơ thực sự” là có thể bị “tụt hậu” nếu không triển khai nhanh và trên quy mô lớn chương trình tiêm chủng đại trà.
Theo lãnh đạo của EuroCham, mặc dù Việt Nam được xem là một trong những nước đi đầu trên thế giới trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, nhưng “đây không phải là một giải pháp lâu dài và nó không thể tiếp tục lâu hơn nữa mà không làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế”.
EuroCham cũng khuyến khích chính phủ Việt Nam nới lỏng các quy định phòng chống dịch đối với các nhà đầu tư và chuyên gia đã được tiêm vaccine ở quốc gia của họ, vì quy định hiện nay về thời gian cách ly ba tuần đối với người nước ngoài khi đến Việt Nam sẽ dẫn đến việc ít chuyên gia sang Việt Nam hơn, gây ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài và hoạt động của các công ty phụ thuộc vào các kỹ thuật viên nước ngoài.
Đầu tuần này, Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội cũng thúc giục Việt Nam giảm bớt thời gian cách ly kéo dài đối với những du khách đã tiêm chủng và cho phép khu vực tư nhân giúp mua vaccine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 27/5 nói với báo chí rằng Việt Nam đang “nghiên cứu, xây dựng” một bộ hướng dẫn cách ly mới “phù hợp và hiệu quả” đối với người nhập cảnh vào Việt Nam.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten