Ủy ban điều tra vụ tấn công Quốc Hội Mỹ : Cái bóng Donald Trump quá lớn
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Ngày 19/05/2021 Hạ Viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép thành lập một « Ủy ban đặc nhiệm » điều tra vụ tấn công Điện Capitol hôm 06/01/2021. Gần như chắc chắn văn bản này sẽ bị Thượng Viện bác bỏ. Ảnh hưởng của cựu tổng thống Donald Trump vẫn còn rất lớn trên chính trường và trong công luận Hoa Kỳ.
Trả lời đài RFI hôm Thứ Sáu 21/05/2021 từ thủ đô Washington, nhà báo Phạm Trần trước hết trở lại với cuộc biểu quyết hai ngày trước đó tại Hạ Viện.
Phạm Trần : « Hạ Viện đã thông qua văn bản này với 252 phiếu thuận và 175 phiếu chống. Tất cả những phiếu chống đều là của bên đảng Cộng Hòa. Tuy nhiên, trong số các dân biểu của đảng đối lập, thì đã có 35 người ủng hộ sáng kiến của bên đảng Dân Chủ. Dự luật này sau đó đã được trình lệ Thượng Viện. Theo các tin mới nhất, lãnh đạo đảng Dân Chủ ở Thượng Viện (Chuck Schumer) cho biết là văn bản này dự trù được xem xét, biểu quyết sau ngày lễ Truy Điệu các tử Sĩ Hoa Kỳ, Memorial Day 31/05/2021. Như vậy chúng ta có thể dự đoán là Thượng Viện sẽ chỉ bắt đầu xem xét dự luật nói trên vào đầu tháng 6/2021 ».
RFI : Vai trò của « Ủy ban đặc nhiệm » về vụ tấn công Điện Capitol hôm 06/01/2021 là gì ?
Phạm Trần : « Thứ nhất, nhiệm vụ của Ủy ban này là điều tra tại sao lại xảy ra vụ tấn công hôm đầu tháng Giêng, đâu là nguyên nhân ? Thứ nhì là tìm hiểu xem tại sao lực lượng bảo vệ an ninh cho Điện Capitol lại để xảy ra vụ việc trong lúc mà trước đó, các tin tình báo đã cho biết có thể các nhóm bạo động cực đoan biểu tình. Số này đã công bố chương trình nhưng không cho biết rõ địa điểm biểu tình mà thôi cho đến khi họ tập hợp trước Tòa Bạch Ốc. Khi đó họ đã được tổng thống Donald Trump, và một số nhân vật chủ chốt trong đảng Cộng Hòa khuyến khích tiến về Quốc Hội biểu tình, đòi Quốc Hội công minh công bố kết quả bầu cử hồi tháng 11/2020. Cần nhắc lại ngày 06/01/2021 là ngày mà Quốc Hội Mỹ chính thức thông báo danh tính tổng thống Hoa Kỳ thứ 46. Quốc Hội cũng phải tuyên bố là bầu cử đã có bị gian lận hay không như những lời tố cáo của ông Donald Trump và một phần những người bên đảng Cộng Hòa ủng hộ ông. Vụ tấn công vào Điện Capitol đã gây xúc động rất lớn khi mà người biểu tình không chỉ đứng ngoài tòa nhà Quốc Hội mà họ đã thâm nhập vào bên trong. Họ xua đuổi, uy hiếp nghị sĩ, đe dọa hành hung dân biểu và thượng nghị sĩ, kể cả đe dọa ông phó tổng thống của Donald Trump là Mike Pence. Tình hình khi đó hết sức nguy hiểm. Bây giờ cần điều tra tại sao lại có chuyện đó, ai cho phép người biểu tình bạo động đi vào Quốc Hội như chỗ không người. Nhiệm vụ của Ủy ban điều tra là tìm hiểu về trách nhiệm của tổng thống Trump đến đâu ? Của những người bên đảng Cộng Hòa ủng hộ biểu tình ? Mục tiêu của những người biểu tình là gì ? Hậu quả ra sao ? Tất cả những câu trả lời sẽ cho phép ngăn ngừa những kịch bản tương tự về sau này ».
RFI : Lãnh đạo đối lập của đảng Cộng Hòa ở Thượng Viện Mitch McConnell báo trước là ông sẽ ngăn chận dự luật thành lập Ủy ban điều tra.
Phạm Trần : « Ở Thượng Viện có tất cả 100 thượng nghị sĩ, hiện tại là 50-50 mỗi bên do đó thắng bại là hết sức khó khăn. Bên đảng Dân Chủ phải tính luôn cả hai lá phiếu của hai thượng nghị sĩ độc lập mới hội đủ 50 phiếu nói trên và chỉ có được đa số nhờ 1 lá phiếu của bà phó tổng thống mà thôi. (…) Vấn đề bây giờ là muốn thông qua dự luật thành lập Ủy ban điều tra vụ tấn công hôm 06/01/2021 bên đảng Dân Chủ cần có được 10 lá phiếu của các thượng nghị sĩ Cộng Hòa. Hiện tại mới chỉ có ba người chính thức thông báo sẽ ủng hộ văn bản này với một điều kiện duy nhất. Điều kiện đó là báo cáo của Quốc Hội về vụ tấn công Điện Capitol phải được công bố trễ nhất là vào cuối năm 2021 tránh để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữa kỳ, dự trù vào tháng 11/2022. Sở dĩ ba thượng nghị sĩ Cộng Hòa đặt ra điều kiện này, là vì họ sợ rằng, nếu thủ tục kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của cử tri và cử tri sẽ đi bỏ phiếu cho bên đảng Dân Chủ, bất lợi cho phe Cộng Hòa ».
RFI : Như vậy liệu rằng dự luật thành lập một Ủy ban điều tra về trách nhiệm của đảng Cộng Hòa, của cựu tổng thống Donald Trump có nguy cơ bị khai tử ?
Phạm Trần : « Chưa phải là dự luật này sẽ bị khai tử. Chủ tịch Hạ Viện, bà Nancy Pelosi đã tuyên bố thẳng thừng rằng nếu gặp trở ngại ở Thượng Viện, thì Hạ Viện sẽ biểu quyết thành lập một Ủy Ban Chọn Lọc –Select Committee để điều tra về vụ hôm mồng 6 tháng Giêng. Như vậy thì đằng nào, phe Dân Chủ cũng muốn kéo dài vụ này để tạo ảnh hượng trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào mùa thu năm tới. Khi đó cử tri Mỹ được kêu gọi bầu lại Hạ Viện và 1/3 Thượng Viện ».
RFI : Câu hỏi chót : Vượt lên trên khuôn khổ tranh cãi chung quanh dự luật thành lập Ủy ban đặc nhiệm điều tra về vụ tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ bị tấn công hồi tháng Giêng, công luận và chính trường Mỹ vẫn còn bị chia rẽ sâu đậm vì Donald Trump ?
Phạm Trần : « Đúng là như vây. Cho đến tận sáng Thứ Sáu 21/05/2021 tất cả những tin tức về hoạt động của Quốc Hội và khả năng hợp tác giữa bên đảng Dân Chủ và Cộng Hòa càng ngày càng bị chia rẽ. Dư luận Mỹ cũng thế. Phe ủng hộ cựu tổng thống Trump – vì ông Donald Trump hoàn toàn không im lặng cho dù không còn là tổng thống nữa, vẫn tiếp tục thúc giục các thượng nghị sĩ và dân biểu ở Quốc Hội lưỡng viện phối hợp chặt chẽ để bằng mọi giá chống đối dự luật này. Bản thân ông Trump thấy cần có một sự cộng tác giữa Thượng và Hạ Viện để chận đứng những hành động của phe Dân Chủ. Ảnh hưởng của Donald Trump và phe ủng hộ ông vẫn còn rất lớn ».
Ủy ban điều tra vụ tấn công Quốc Hội Mỹ : Cái bóng Donald Trump quá lớn (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten