woensdag 19 mei 2021

Xung đột Israel - Palestine : Khi Trung Quốc tham vọng làm trung gian hòa giải

 

Xung đột Israel - Palestine : Khi Trung Quốc tham vọng làm trung gian hòa giải

(Ảnh minh họa) - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại một sự kiện ở bộ Ngoại Giao, Bắc Kinh, ngày 12/04/2021.
(Ảnh minh họa) - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại một sự kiện ở bộ Ngoại Giao, Bắc Kinh, ngày 12/04/2021. AFP - WANG ZHAO

Khi cộng đồng quốc tế tập trung nỗ lực để tìm lối thoát cho cuộc xung đột vũ trang giữa Israel và Palestine, hôm Chủ Nhật 16/05, tại Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã đề nghị làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột. Đề xuất bất ngờ của Bắc Kinh không khỏi khiến giới quan sát đặt câu hỏi Trung Quốc có ý định gì và làm được gì ở nơi được ví như thùng thuốc súng đang bén lửa.

Trước đó, trong vai trò chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, siêu cường châu Á đã tỏ ý « lấy làm tiếc » về việc Hoa Kỳ liên tục ngăn cản việc thông qua một tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột ngày càng dữ dội giữa quân đội Israel và phong trào Hamas của Palestine từ hai tuần qua.

Trong nỗ lực quảng bá cho sáng kiến trên, truyền thông chính thức Trung Quốc liên tục đăng các bài báo tán dương vai trò tích cực của Bắc Kinh trong hồ sơ nóng Israel-Palestine. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times), cơ quan ngôn luận đối ngoại của đảng Cộng Sản Trung Quốc, không ngớt lời ca ngợi « các lãnh đạo Trung Quốc có tầm nhìn xa, nắm được tầm quan trọng của cuộc khủng hoảng", đồng thời chê trách Washington « coi nhẹ vấn đề Palestine ».

Việc Trung Quốc nhảy lên tuyến đầu ngoại giao, muốn đóng vai trò quan trọng dàn xếp cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đang có nguy cơ lan thành cuộc chiến tranh mở rộng, là một động thái bất ngờ. Theo các chuyên gia về Trung Cận Đông, từ trước tới nay, Bắc Kinh luôn thận trọng, không muốn can dự vào các cuộc xung đột ở khu vực nóng này. Cho đến tận năm 2016, khi mà nhu cầu trao đổi kinh tế với khu vực này tăng mạnh, Trung Quốc vẫn không hề có chính sách đặc biệt nào với thế giới  Ả Rập. Trong mắt Bắc Kinh, Trung Đông là nguồn dầu lửa, là đối tác kinh tế để Trung Quốc đầu tư và đa dạng hóa thị trường buôn bán. Tuyệt nhiên không có chuyện nhúng vào tranh chấp Israel-Palestine.

Về mặt truyền thống, Trung Quốc có phần thiện cảm với người Palestine hơn. Bắc Kinh đã từ chối xếp Hamas vào diện tổ chức khủng bố khi Phong trào Hồi giáo này giành thắng lợi trong tuyển cử ở Palestine năm 2006. Tuy nhiên, cùng với đà vươn lên thành cường quốc kinh tế thế giới và tham vọng bành trướng địa chính trị, từ năm 2013, Trung Quốc đã nhìn thấy ở Israel một tầm quan trọng trong trao đổi mậu dịch.

Quốc gia Do Thái nhanh chóng chiếm vị trí quan trọng trong số các đối tác của Trung Quốc ở vùng Trung Đông. Israel là nước duy nhất hưởng « quy chế đối tác trong lĩnh vực sáng chế », bà Canan Atilgan, chuyên gia về Trung Đông của Quỹ Korad Adenauer nhấn mạnh. Quy chế này bao quát các trao đổi giữa Trung Quốc và Israel trong lĩnh vực công nghệ mới, một lĩnh vực mà Israel đang ở thế mạnh.

Những tham vọng kinh tế ngày càng lớn ở trong vùng đã thúc đẩy Trung Quốc quan tâm nhiều hơn các vấn đề an ninh và dần dần muốn đóng một vai trò tích cực trong các nỗ lực ngoại giao ở vùng Trung Cận Đông. Năm 2017, Bắc Kinh đã đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Ả Rập Xê Út - Iran và đã không ít lần « mon men » đến hồ sơ Syria.

Nhưng nhìn vào tổng thể, « tìm ra những giải pháp chính trị cho các cuộc xung đột ở Trung Đông không phải là ưu tiên của Trung Quốc, vì Bắc Kinh hoàn toàn không có kinh nghiệm gì trong các cuộc khủng hoảng ở vùng này », chuyên gia Canan Atilgan khẳng định.

Phần đông giới quan sát cho rằng cuộc tấn công ngoại giao hiện nay vào một hồ sơ nhạy cảm và phức tạp như khủng hoảng Israel-Palestine có thể là bước khởi đầu cho một thời kỳ mới của Bắc Kinh.

Theo bà Erzsébet Rózsa, chuyên gia Trung Đông thuộc viện nghiên cứu EuroMeSCo, tác giả nghiên cứu « Tiến triển sự can dự của Trung Quốc vào Trung Đông », sáng kiến đứng ra làm trung gian hòa giải trước hết là tín hiệu muốn nói rằng « về lâu dài Trung Quốc đang chuẩn bị đầu tư sâu về ngoại giao trong vùng ». Bắc Kinh thử bắt đầu hướng ra trường quốc tế qua cuộc khủng hoảng này, như một tác nhân có khả năng thay thế Hoa Kỳ, vốn đã bị các nước Ả Rập coi là quá thiên vị Israel.

Vẫn theo chuyên gia Erzsébet Rózsa, với việc chìa bàn tay với cả người Israel và Palestine, Bắc Kinh chủ yếu muốn tất cả các nước trong vùng thấy rằng Trung Quốc sẵn sàng gánh vác vai trò « một cường quốc công minh », không chỉ chăm chăm nhìn vào nguồn dầu mỏ nhập từ Ả Rập Xê Út hay phát triển đối tác công nghệ với Israel.

Dù tham vọng rất lớn, Trung Quốc vẫn chưa đủ lực và có lẽ sẽ không bao giờ có thể là nhân tố thay thế Hoa Kỳ để trở thành "sen đầm" mới trong vùng Trung Đông. Tuy vậy, hành động mới này của Bắc Kinh càng làm cho Washington thấy rõ Trung Quốc là đối thủ toàn cầu và lâu dài của Mỹ.

Xung đột Israel - Palestine : Khi Trung Quốc tham vọng làm trung gian hòa giải (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten