Tập đoàn dầu khí Total của Pháp sa lầy tại Miến Điện
Đăng ngày:
Là một trong những tập đoàn dầu khí quan trọng trên thế giới, hãng Total của Pháp đang lúng túng vì cuộc đảo chính Miến Điện. Là một trong những công ty khai thác dự án Yadana, công ty dầu khí của Pháp bị cáo buộc gián tiếp tài trợ cho cuộc đảo chính tại Miến Điện.
Đâu là những cáo buộc nhắm vào tập đoàn Total ? Công ty dầu khí này của Pháp liên hệ ra sao với các chính quyền liên tiếp tại Rangoon rồi Napyidaw ? Cũng có giả thuyết cho rằng quân đội Miến Điện đã tiến hành đảo chính để tiếp tục kiểm soát các mỏ dầu khí. Giáo sư kinh tế Htwe Htwe Thein, đại học Curtin - Perth, tây nam nước Úc, phân tích những chủ đề này.
Ngày 01/02/2021, tập đoàn quân sự Miến Điện lật đổ chính quyền dân sự do đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Tiếp theo là các đợt đàn áp đẫm máu những cuộc biểu tình phản đối đảo chính. Trong bối cảnh đó, nhiều hội đoàn, tổ chức nhân quyền kêu gọi công ty dầu khí Total « ngừng tiếp tay với quân đội » gây thêm tang tóc cho quốc gia Đông Nam Á này.
Total, nguồn thu nhập chính của giới tướng lĩnh Miến Điện
Tập đoàn của Pháp đã hiện diện tại Miến Điện từ đầu thập niên 1990 và từ năm 1998, Total cùng với Chevron của Mỹ và MOGE của Miến Điện khai thác dự án Yadana ở ngoài khơi biển Andaman. Chỉ với dự án này « Total đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu thụ về điện lực của hơn một nửa thành phố Rangoon ». Nhưng không chỉ có thế : Năng lượng khai thác từ dự án Yadana chủ yếu để cung cấp cho Thái Lan qua trung gian tập đoàn MGTC.
MGTC của Thái Lan « sở hữu » dự án Yadana, còn tập đoàn Total của Pháp thì vừa là « công ty khai thác » vừa là một trong những cổ đông của dự án.
Theo điều tra của Le Monde ấn bản 04/05/2021, dự án Yadana là một đường ống dài 346 km nằm dưới lòng đại dương đưa thẳng khí đốt vào đất liền Thái Lan. Đường ống này không chỉ trung chuyển khí đốt mà còn là « con đường huyết mạch của cả một hệ thống nơi mà hàng trăm triệu đô la thay vì được rót vào công quỹ của Nhà nước thì được chuyển thẳng đến tay tập đoàn MOGE, một công ty Nhà nước do quân đội kiểm soát ».
Tờ báo ví MOGE như một chiếc hộp đen không biết có những gì trong đó. Tuy nhiên, theo các tài liệu bị lộ ra ngoài và đến tay báo Le Monde, trong thời gian từ 2017 đến 2019, trước khi phải nộp thuế cho chính quyền Miến Điện, nhờ dự án này, lãi rót vào các toài khoản của MGTC lên tới 1,23 tỷ đô la, tỷ lệ lãi so với vốn đầu tư của tập đoàn lên tới 98% : Một kỷ lục hiếm đại tập đoàn quốc tế nào có thể sánh kịp.
Về phần Total kiểm soát đến 31% tổng số vốn của dự án (Chevron là 28% và MOGE là 15%) vậy mà hãng dầu khí Pháp chỉ khai báo lời số tiền lời rất khiếm tốn (13%). Thêm vào đó, về mặt chính thức, Total khai hàng tháng đóng thuế 4 triệu đô la cho chính quyền Miến Điện, nhưng nhiều tài liệu mà Le Monde có được lại đưa ra con số cao hơn như vậy đến hơn 10 lần.
Hộp đen MOGE
Làm sao giải thích được cách biệt quá lớn đó ? Giới trong ngành kết luận : Total đã dùng những thủ thuật về thuế khóa để kín đáo rót tiền cho quân đội Miến Điện, chủ yếu qua trung gian đối tác địa phương là MOGE.
Trả lời phóng viên đài RFI Clea Broadhurst, giáo sư kinh tế Htwe Htwe Thein, đại học Úc Curtin, khẳng định thuế mà Total và các đối tác đóng góp cho Miến Điện nhờ khai thác khí đốt từ dự án Yadana là « nguồn thu nhập chính của tập đoàn quân sự » nước này. Theo bà, nếu Total cắt nguồn thu nhập đó, điều này sẽ góp phần đưa Miến Điện ra khỏi bế tắc chính trị hiện nay :
« Khác biệt vô cùng to lớn. Chính vì thế mà tất cả những nhà đấu tranh vì dân chủ, những tiếng nói chống đối cuộc đảo chính của quân đội, các tổ chức nhân đạo… yêu cầu các doanh nghiệp ngừng tài trợ cho tập đoàn quân sự. Quyết đinh liên quan đến những món tiền rất lớn. Đây là một trong những nguồn thu nhập quan trọng nhất của tập đoàn quân sự và những số tiền không phải là nhỏ.
Thêm vào đó, hiện tại bên quân đội đang có nhiều nguồn thu nhập quan trọng vào thời điểm này. Kể từ khi cộng đồng quốc tế ban hành lệnh trừng phạt, các ngân hàng của Miến Điện trong tầm ngắm, thành thử nếu như các tập đoàn dầu khí ngừng chi tiền cho bên quân đội, tình thế sẽ thay đổi ngay.
Các khoản tài trợ từ phía những tập đoàn dầu khí, đặc biệt là từ dự án Yadana bảo đảm đến 70% thu nhập cho giới tướng lĩnh Miến Điện. Đây là một dự án đã đi vào hoạt động từ những năm 1990 và từ lâu nay các hãng của châu Âu, Mỹ đã khai thác tài nguyên của Miến Điện và họ đã thu về biết bao nhiêu lợi nhuận. Thêm vào đó Total và Chevron bán nguyên liệu cho một tập đoàn của Thái Lan và đây cũng là một nguồn thu nhập khác của bên quân đội nữa ».
Total bị cáo buộc chối bỏ nguyện vọng dân chủ của người dân
Vài ngày sau bài báo điều tra của Le Monde, chủ tịch tổng giám đốc Total, Patrick de Pouyanné đã bác bỏ khả năng hãng Pháp ngừng đóng thuế cho chính quyền Naypyidawn vì đó là một hành động « bất hợp pháp ». Tuy nhiên, ông Pouyanné khá lúng túng khi phải trả lời về khác biệt giữa khoản đóng thuế thực sự được khai báo là 4 triệu đô la hàng tháng với con số 45 triệu một tháng mà các phóng viên của Le Monde đã nêu lên trong bài điều tra.
Sau cùng, vào lúc nhiều tập đoàn Pháp đã tạm dừng các dự án tại Miến Điện sau cuộc đảo chính, rồi ngay cả tập đoàn dầu khí Malaysia là Petronas cũng thông báo ngưng khai thác lô Yetagun, sát cạnh các khu vực mà Total đang hoạt động, thì chủ tịch tổng giám đốc Total đã bác bỏ mọi khả năng công ty dầu khí này « rút lui » khỏi Miến Điện và giải thích « tiếp tục khai thác dự án Yadana là một nghĩa vụ để tiếp tục cung ứng năng lượng cho dân chúng tại Miến Điện và Thái Lan ».
Total cũng như Chevron sợ rằng nếu họ bỏ đi thì các đối thủ Trung Quốc sẽ nhanh chóng lấp vào chỗ trống ? Giáo sư Htwe Htwe Thein đại học Úc trả lời :
« Mối đe dọa đó luôn luôn hiện hữu và Trung Quốc sẽ dễ dàng và nhanh chóng thay thế. Đương nhiên là những hãng Trung Quốc sẽ không bận tâm nhiều và cũng không tôn trọng nhiều những chuẩn mực nhân quyền. Đây vừa là một khả năng vừa là một mối đe dọa hoàn toàn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, khi mà các nhà đấu tranh vì dân chủ của Miến Điện đòi đình chỉ dự án không có nghĩa là các tập đoàn của phương Tây phải ra đi hay rồi đây sẽ bị thay thế. Hơn thế nữa đây chỉ là một giải pháp mang tính nhất thời, cho tới khi nào quyền lực tại Miến Điện được tái lập và trao trả cho nhân dân. Không ai đòi Total hay Chevon đi khỏi Miến Điện cả. Chỉ là về mặt tượng trưng thôi : nếu như Total ngừng đóng thuế cho chính quyền quân sự, thì đây sẽ là một bước ngoặt đáng kể, và điều đó sẽ khuyến khích phe dân chủ Miến Điện ở cả trong nước lẫn hải ngoại tiếp tục đấu tranh để tái lập chế độ dân chủ. Một cách cụ thể hơn, ở đây chúng ta đang nói đến những khoản tiền rất lớn mà Total rót cho bên quân đội dưới hình thức đóng thuế liên quan đến dự án Yadana khai thác dầu và khí đốt ở ngoài khơi.
Cuối cùng về mặt tâm lý đòn tài chính sẽ tác động đến tính chính đáng hay không của chính quyền quân sự nước này. Bên quân đội vẫn muốn khoe khoang là họ được cộng đồng quốc tế, được các doanh nghiệp ngoại quốc công nhận. Nếu Chevron và Total ngừng bơm thêm tiền cho tập đoàn quân sự thì đây là bước đầu để lên án cuộc đảo chính Miến Điện và sẽ có một tiếng vang lớn».
Cũng giáo sư Htwe Htwe Thein lấy làm tiếc rằng thái độ « khăng khăng trụ lại Miến Điện của hãng Total như thể chối bỏ quyết tâm dân chủ của người dân nước này ». Bà không che giấu thất vọng về thái độ của cộng đồng quốc tế nói chung và của Pháp nói riêng :
« Nhiều chính phủ phương Tây lên tiếng và ban hành các biện pháp trừng phạt Naypyidawn. Đó là điều hết sức khích lệ. Nhưng bước kế tiếp có lẽ còn quan trọng hơn nữa đó là trừng phạt tập đoàn MOGE. Đây là đại công ty dầu khí liên kết chặt chẽ với quân đội, với hãng Total của Pháp, Chevron của Mỹ và một công ty rất lớn của Thái Lan trong dự án Yadana.
Giờ đây áp lực càng lớn, đặc biệt là sức ép đối với chính quyền của tổng thống Joe Biden, đòi Hoa Kỳ trừng phạt MOGE. Nếu như MOGE bị trừng phạt thì tập đoàn quân sự Miến Điện sẽ lâm vào thế kẹt và điểm này hết sức quan trọng. Quốc tế có trừng phạt MOGE hay không, đây sẽ là một bài toán trắc nghiệm để xem rằng chúng ta đứng về phía các hoạt động kinh doanh hay nhân quyền.
Về phía Pháp, hiện tại những quyết định của nước này là chưa đủ. Liên Hiệp Châu Âu thường xuyên bị chậm trễ và luôn luôn theo gót Hoa Kỳ. Nhìn lại trong quá khứ lịch sử, Liên Âu không có thói quen ban hành các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên lần này, chúng ta đang đứng trước một khúc quanh cực kỳ quan trọng và đã đến lúc Bruxelles cần suy nghĩ lại về chính sách của châu Âu ».
Kinh doanh là trên hết
Ngoài tập đoàn Total, chuỗi khách sạn Accor của Pháp cũng trong thế kẹt không kém : từ 2015 nhóm này đã hợp tác với Max Myanmar Group, cũng là một cánh tay nối dài của giới tướng lĩnh Miến Điện trong ngành khách sạn, du lịch. Trong lĩnh vực năng lượng, công ty điện lực Pháp EDF cũng đang triển khai nhiều dự án tại quốc gia Đông Nam Á này.
Trong năm 2019/2020 tổng đầu tư của Pháp vào Miến Điện lên tới 6 triệu đô la, thua rất xa so với Trung Quốc hay Nhật Bản, Singapore và Thái Lan. Bài toán của các nhà đầu tư Pháp càng thêm nan giải từ khi Naypyidaw bị quốc tế trừng phạt sau khủng hoảng nhân đạo nhắm vào cộng đồng người Rohingya theo đạo Hồi.
Một điều thú vị là sau bài báo điều tra của Le Monde, Total thông báo hủy một hợp đồng 50.000 euro mà tập đoàn này dự trù với tờ báo để quảng bá cho hình ảnh của Total. Số tiền nói trên không lớn. Le Monde hiện tại không quá lệ thuộc vào các ngân sách quảng cáo để hoạt động nhưng quyết định của tập đoàn dầu khí Pháp làm lộ rõ những giới hạn của cái được gọi là quyền tự do báo chí, bất luận ở nơi nào.
Tập đoàn dầu khí Total của Pháp sa lầy tại Miến Điện - Tạp chí kinh tế (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten