vrijdag 7 mei 2021

Liên Âu đề xuất kế hoạch thành lập lực lượng quân sự phản ứng nhanh + Biển Đen : « Chốt chặn chiến lược » của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ?

 

Liên Âu đề xuất kế hoạch thành lập lực lượng quân sự phản ứng nhanh

Đại diện ngoại giao cấp cao Liên Âu Josep Borrell trước khi vào dự cuộc họp các bộ trưởng Quốc Phòng Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 06/05/2021.
Đại diện ngoại giao cấp cao Liên Âu Josep Borrell trước khi vào dự cuộc họp các bộ trưởng Quốc Phòng Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 06/05/2021. AFP - JOHN THYS

Trong cuộc họp ngày 06/05/2021 tại Bruxelles, bộ trưởng Quốc Phòng 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu dự trù thảo luận về kế hoạch thành lập một lực lượng quân sự có khả năng « can thiệp nhanh ». Mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng phòng thủ cho toàn khối để đối phó với mối đe dọa xuất phát từ Nga và khả năng Hoa Kỳ thu hẹp sự hiện diện quân sự tại châu Âu.

Hãng tin Pháp AFP trích dẫn nhiều nguồn tin từ phía các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết kế hoạch thành lập một lực lượng quân sự chung, bao gồm khoảng 5.000 lính cùng nhiều phương tiện vận tải, cho phép nhanh chóng triển khai trang thiết bị quân sự đến hiện trường khi cần thiết.

Lực lượng phòng thủ chung của Liên Âu có thể được « đặt dưới sự điều động của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu ». Tháng 11/2020 Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định tăng cường khả năng can thiệp và đã bắt đầu nghiên cứu về « nhu cầu, những thiếu sót và phương tiện để giảm thiểu mức độ lệ thuộc » của khối này vào đồng minh Hoa Kỳ, đồng thời để đủ sức đối phó với một môi trường càng lúc càng phức tạp hơn. Toàn cảnh chung trở nên phức tạp do « thái độ hung hăng của nước Nga, quan hệ trồi sụt giữa liên minh NATO với một thành viên là Thổ Nhĩ Kỳ ».

Trước mắt, 14 trong số 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ. Trong số này có Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Slovenia, Hy Lạp, Hà Lan…

Một nhà ngoại giao châu Âu nhấn mạnh, hiện tại dự án thành lập một lực lượng quân sự chung châu Âu « mới chỉ là một đề xuất » và « không một quyết định nào được đưa ra » nhân cuộc họp cấp bộ trưởng Quốc Phòng châu Âu tại Bruxelles hôm nay. Cũng trong cuộc họp này, lãnh đạo quốc phòng các nước trong Liên Âu trình bày dự án nói trên với tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg. Lý do là NATO cũng đưa ra một dự án tương tự với mục đích tăng cường khả năng can thiệp vào ngưỡng 2030.

AFP nhắc lại, từ 2005 Liên Hiệp Châu Âu đã thành lập một lực lượng bao gồm khoảng 1.500 lính có khả năng can thiệp nhanh nhưng, vì những lý do « chính trị và tài chính », lực lượng đó từ hơn 15 năm qua chưa bao giờ được « sử dụng ». Vấn đề tài chính một lần nữa sẽ được đề cập đến trong dự án nhằm tăng cường khả năng bảo đảm an ninh cho toàn khối.

Tiến bộ trong dự án phát triển chiến đấu cơ thế hệ mới của Liên Âu

Cũng về khả năng phòng thủ, một nguồn tin của Đức tiết lộ với hãng tin Anh Reuters hôm qua, 05/05/2021, là Pháp, Đức và Tây Ban Nha đạt được đồng thuận về những giai đoạn kế tiếp trong dự án phát triển chiến đấu cơ chung của châu Âu SCAF. Các tập đoàn sản xuất máy bay Dassault Aviation (Pháp), Indra (Tây Ban Nha) và Airbus được mời tham gia dự án. Chiến đấu cơ SCAF nhằm thay thế máy bay Rafale của Pháp và Eurofighter do Đức và Tây Ban Nha đồng sản xuất vào khoảng năm 2040.  

Liên Âu đề xuất kế hoạch thành lập lực lượng quân sự phản ứng nhanh (rfi.fr)

Biển Đen : « Chốt chặn chiến lược » của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ?

Phần âm thanh 10:36
Hải quân Nga tập trận tại Biển Đen ngày 14/04/2021.
Hải quân Nga tập trận tại Biển Đen ngày 14/04/2021. AP

Kể từ khi bán đảo Crimée bị sáp nhập năm 2014, Nga không ngừng củng cố sức mạnh quân sự tại Biển Đen, mà ví dụ gần đây nhất là cuộc tập trận quy mô lớn trong tháng 4/2021. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tùy nghi thích ứng. Là chủ nhân của hai eo biển Bosphore và Dardanelles, Ankara từ lâu đóng vai trò chốt chặn chống sự bành trướng của Nga ra Địa Trung Hải. Cùng căng thẳng với Washington, kể từ giờ, Ankara và Matxcơva ngăn chận các lực lượng hải quân phương Tây đi vào Hắc Hải.


Với diện tích 420.000 km vuông, Biển Đen hay Hắc Hải – vùng biển nửa khép kín – được bao bọc bởi sáu quốc gia : Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari, Rumani, Ukraina và Nga. Vùng đặc quyền kinh tế của 6 nước này được phân chia theo những cách như sau : Một số ranh giới được phân định theo những thỏa thuận ký kết dưới thời Xô Viết, như giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Xô. Những ranh giới giữa Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari – Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina – Rumani, được quyết định sau khi Liên Xô sụp đổ.

Biển Đen : Cánh cổng ra Địa Trung Hải

Là điểm giao thoa giữa các nền văn minh Đông – Tây, giữa phía nam châu Á và phía bắc Slav, vùng biển này là khu vực có một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Ngay từ thế kỷ XVIII, nước Nga, thời nữ hoàng Catherine II (1762-1796), luôn xem Biển Đen như là một thách thức địa chiến lược lớn, từng vạch ra kế hoạch thống trị Biển Đen.

Để đánh dấu bản sắc đế chế Nga và để mở rộng vùng ảnh hưởng, chế độ Nga hoàng ao ước kiểm soát nhiều thành phố mới như Sebastopol hay Istanbul. Đế chế Sa Hoàng cho rằng nhất thiết phải nắm lấy quyền kiểm soát hai eo biển Bosphore và Dardanelles để nước Nga có thể vươn ra Địa Trung Hải.

Trận chiến Sebastopol năm 1855 là một sự kiện đáng nhớ trong lịch sử nước Nga, đồng thời đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cách nhìn của Tây Âu về một vùng biển mà trước đó họ luôn cho là vùng « sân sau » của Địa Trung Hải.

Trong chương trình phát thanh của France Culture, ngày 23/10/2017, nhà nghiên cứu Jean-Sylvestre Mongrenier, giáo sư Sử - Địa Viện Địa lý học của Pháp, trường đại học Paris VIII (Vincennes-Saint- Denis) nhắc lại :

« Cuộc chiến kéo dài từ năm 1853 – 1856 (…) Sự kiện đánh động sự chú ý của Pháp và Tây Âu về vùng Biển Đen. Vào thời điểm đó, Anh Quốc và Pháp đã can thiệp vào cuộc xung đột, nhằm ủng hộ đế chế Ottoman chống lại đế chế Sa Hoàng, vốn dĩ muốn chiếm lấy các eo biển, Constantinople trong một chiến dịch mà người ta gọi là "chiến lược vùng biển ấm" ». Xung đột kết thúc bằng thất bại của nước Nga, buộc nước này phải quay sang châu Á để đi ra những vùng biển khác.

Ba thách thức cho « tầm nhìn Biển Đen » của Nga

Việc sáp nhập bán đảo Crimée (2014) và xây cầu băng qua eo biển Kertch nối liền bán đảo với Nga (2018), đã làm thay đổi hoàn toàn hiện trạng tại Biển Đen. Các sự kiện này, một mặt đe dọa nguyên trạng đồng quản lý biển Azov (phía bắc Biển Đen) giữa Nga và Ukraina trong thỏa thuận ký kết năm 2003, theo hướng có lợi cho Matxcơva. Và mặt khác, cho phép Nga mở rộng thêm ranh giới lãnh hải và tăng cường sự hiện diện quân sự trên bán đảo Crimée như bố trí một hệ thống phòng không S-400 và giàn pháo Bastion chống tầu chiến, cũng như nhiều phương tiện chiến tranh điện tử.

Việc trang bị những loại vũ khí tối tân có khả năng bắn chặn tiêm kích – oanh tạc cơ cũng như là tên lửa đạn đạo đã biến Biển Đen thành một trong những vùng « chống xâm nhập » rộng hàng trăm km vuông, có nguy cơ gây tê liệt các lực lượng quân sự của NATO.

Giới quan sát cho rằng những gì tổng thống Vladimir Putin tiến hành thời gian gần đây chỉ là « cập nhật » một chính sách cũ xưa và theo đuổi một tham vọng có từ hàng trăm năm qua. Các động thái này cũng đặt « tầm nhìn của Nga về Biển Đen » trước ba thách thức lớn, theo phân tích của Igor Delanoë – giám đốc Đài Pháp – Nga.

« Thứ nhất, cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa các tác nhân khu vực (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, NATO và Liên Hiệp Châu Âu) và ngoài khu vực (Hoa Kỳ). Thứ hai, các thách thức về năng lượng, bởi vì vùng biển cầu nối này còn là một hành lang dầu khí chính yếu cho Nga, bắt nguồn từ Novorossiisk và các dự án đường ống dẫn khí (Blue Stream) cũng như là Turkish Stream. Cuối cùng, Biển Đen còn là một điểm nóng của các mối đe dọa xuyên quốc gia (buôn lậu vũ khí và thuốc phiện, phổ biến các thành tố dành cho vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng bố) ».

Bản đồ Biển Đen và 6 nước vùng ven: Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari, Rumani, Ukraina và Nga.
Bản đồ Biển Đen và 6 nước vùng ven: Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari, Rumani, Ukraina và Nga. © Wikipedia

Biển Đen : « Ao nhà » của nước Nga ?

Quả thật, việc khu vực này ngày càng có xu hướng « phương Tây hóa » từ khi Liên Xô sụp đổ khiến Matxcơva lo ngại. Ba trong số 6 nước xung quanh vùng Biển Đen là thành viên khối NATO : Bulgari, Rumani và Thổ Nhĩ Kỳ, và hai nước đầu tiên cũng đã trở thành thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Và hai nước khác là Gruzia và Ukraina thì có những thỏa thuận đối tác với liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong bối cảnh này, tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra một tầm nhìn rất rõ ràng về việc sử dụng các vùng biển để xây dựng những hạm đội pháo đài « nhằm ngăn chận phương Tây sử dụng các vùng Biển Đen và biển Baltic chống lại nước Nga ». Về điểm này, ông Jean-Sylvestre Mongrenier có lưu ý thêm như sau :

« Đây không chỉ đơn giản là một tầm nhìn về pháo đài hạm đội để bảo vệ nước Nga, mà ở đây, Biển Đen và biển Baltic còn là những bệ phóng để Nga khuếch trương thế mạnh ra bên ngoài. Từ Baltic, nước Nga có thể đi vào Đại Tây Dương, và từ Biển Đen, Nga có thể đi ra Địa Trung Hải, để rồi từ đó đi qua kênh đào Suez, ra Ấn Độ Dương. Rộng ra hơn nữa, ở đây còn có một ý định tái khẳng định sức mạnh Nga trên toàn bộ vùng biển Địa Trung Hải ».

Từ tầm nhìn này, mục tiêu của Nga trong khu vực là tìm cách biến Biển Đen thành vùng « ao nhà » của mình, theo như cách diễn giải của vị giáo sư Sử - Địa. « Nga thật sự muốn là một cường quốc thống trị, kiểm soát các luồng lưu thông, ngăn chận hay gây phiền phức các nước thành viên khối NATO, nhất là những nước nào muốn đưa tầu chiến tham gia khối liên minh quân sự này ».

Thổ Nhĩ Kỳ : Một chủ nhân khác của Biển Đen ?

Trong mục tiêu này, Nga đã có được một đồng minh có tiếng nói khá quan trọng. Bởi vì, Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên của khối NATO, vốn dĩ lo ngại bị mất thế độc quyền, buộc phải nới lỏng những ràng buộc được quy định trong Công ước Montreux ký kết năm 1936. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ nắm quyền kiểm soát các eo biển Bosphore và Dardanelles, bảo đảm lưu thông các thuyền buôn nhưng cũng có thể hạn chế các di chuyển các tầu chiến, nhất là vào thời điểm có chiến sự.

Điểm quan trọng đối với Nga : Công ước này áp đặt những hạn chế ít nghiêm ngặt hơn cho việc đi lại các tầu chiến Nga, với tư cách là quốc gia ven vùng Biển Đen. Ngoài ra, văn bản còn hạn chế số lượng, trọng tải và số ngày hiện diện cho tầu thuyền các nước không thuộc vùng Biển Đen.

« Nếu như trong quá khứ, những eo biển này của Thổ Nhĩ Kỳ và sự hậu thuẫn của phương Tây đối với Ankara đã có thể cho phép kềm hãm đà bành trướng của các Sa hoàng, rồi sau này là Liên Xô thẳng hướng ra Địa Trung Hải, thì công ước Montreux ngày nay lại gây cản trở cho cường quốc hải quân Mỹ chống lại đà tiến của hạm đội Nga tại Biển Đen », ông Igor Delanoë, ghi nhận trên tờ Le Monde Diplomatique (số ra tháng Giêng năm 2019).

Nhà nghiên cứu Viện Địa Lý học của Pháp, ông Jean-Sylvestre Mongrenier có lý giải như sau :

« Theo truyền thống, trước khi Erdogan lên cầm quyền, Thổ Nhĩ Kỳ lúc nào cũng muốn giữ vai trò bảo đảm hòa bình tại Biển Đen. Trong thực tế, Ankara ưu tiên một kiểu "đồng quản lý" Nga – Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng khi thảo luận về vấn đề mở rộng hoạt động của hạm đội NATO từ Địa Trung Hải sang Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng đến quyền phủ quyết. Ankara thiên về hợp tác đa phương, kể cả với Nga như thành lập Black Sea Forces (lực lượng Biển Đen), chẳng hạn. Đây có thể được xem như là một trong những chiếc chìa khóa cho việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau hơn. »

Bởi vì, nhìn từ Ankara cũng như là Matxcơva, việc nới lỏng công ước Montreux, mở cửa cho một số tác nhân bên ngoài vào can thiệp có nguy cơ gây tổn hại cho thế độc quyền « quản lý chung » về an ninh mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng chia sẻ từ thời Liên Xô sụp đổ.

Thị trấn Amasra, tỉnh Bartin của Thổ Nhĩ Kỳ tại Biển Đen.
Thị trấn Amasra, tỉnh Bartin của Thổ Nhĩ Kỳ tại Biển Đen. © Wikipedia

Những mối quan hệ « lập lờ » của Ankara

Thổ Nhĩ Kỳ luôn tỏ ra cẩn trọng không để biến Biển Đen thành một vùng đối đầu giữa Nga và NATO, khi duy trì một thế cân bằng khôn khéo giữa vị thế thành viên NATO của mình và người láng giềng khổng lồ phương Bắc. Đây cũng chính là điểm Nga luôn tìm cách gây chia rẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước đồng minh phương Tây, ngăn chặn NATO lấy tư cách có nước thành viên trong khu vực, để có thể hiện diện đông đảo tại Biển Đen.

Mối lo này của Nga càng lớn khi Thổ Nhĩ Kỳ có ý định mở thêm kênh đào Istanbul, nhằm giảm tải áp lực cho eo biển Bosphore. Trước nguy cơ dự án kênh đào Istanbul tạo thuận lợi cho tầu chiến các nước ngoài vùng đi vào Biển Đen, điện Kremlin trong một thông cáo hồi giữa tháng Tư năm 2021 nhấn mạnh đến « tầm quan trọng của việc duy trì cơ chế có hiệu lực tại những eo biển của Biển Đen dựa trên cơ sở Công ước Montreux nhằm bảo đảm sự ổn định và an ninh khu vực ».

Điều này giải thích phần nào mối quan hệ mập mờ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây. Chính quyền Ankara muốn có một chính sách quốc gia cho phép tham gia một phần vào một liên minh quốc tế (NATO) nhưng vẫn có khả năng bảo vệ những lợi ích ở cấp độ khu vực. Đồng thời, Ankara cũng có những phạm vi hành động để đối phó với Nga. Ông Jean Marcou, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ, trên TV5 nhấn mạnh : « Ngày nào mà Thổ Nhĩ Kỳ bất đồng với Nga, khi ấy, Ankara sẽ dựa vào mối liên minh với phương Tây để nói với Matxcơva rằng "chúng tôi không đơn độc" ».

Biển Đen : « Chốt chặn chiến lược » của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ? - Tạp chí tiêu điểm (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten