Israel : « Vòm sắt » hiệu quả nhưng giá phải trả là bao nhiêu ?
Đăng ngày:
Hệ thống lá chắn tên lửa của Israel được Mỹ hỗ trợ phát triển đã cho thấy được khả năng bắn chặn tuyệt với những quả rốc-kết do phe Hamas bắn đi từ dải Gaza.
Từ hôm 10/05/2021, « Vòm Sắt » - hệ thống phòng không chống rốc-kết và trái phá của Israel, đã cho phép bắn chận hàng trăm quả pháo do phe Hamas phóng đi từ dải Gaza nhắm vào Israel. Được phát triển trong những năm 2000 và đã được cải thiện rất nhiều sau những khởi đầu khó khăn năm 2011, hệ thống này cho thấy hiệu quả đến 95% để bảo vệ những vùng dân cư khỏi những tên lửa tầm ngắn và tầm trung (bắn xa đến 70km).
Khi ra-đa phát hiện một quả rốc-kết hay trái phá, hệ thống này xác định quỹ đạo đe dọa một vùng dân cư rồi ra lệnh cho hệ thống bắn một trong số 20 tên lửa bắn chặn. Rất dễ thao tác, những chiếc tên lửa bắn chặn có thể định vị chính xác trên đường bay tên lửa cần phá hủy, đôi khi thực hiện những cú ngoặt trên không ngoạn mục.
Một kỳ tích công nghệ cho phép Israel không bị công luận chỉ trích trước những chiến dịch nã pháo từ Hamas… ít ra cho đến lúc này. « Vòm Sắt » dường như còn có khả năng bắn chặn các loại drone có trang bị vũ khí, nếu như Hamas quyết định sử dụng ồ ạt loại vũ khí này.
Một quả tên lửa bắn chặn đắt hơn rốc-kết đến 100 lần
Khó bị vô hiệu hóa, tiện lợi và đáng tin cậy, hệ thống này được hai hãng Rafael (Israel) và Raytheon (Mỹ) đồng chế tạo và dường như đã chín muồi. Dù vậy, « Vòm Sắt » vẫn còn ẩn chứa một điểm yếu : Đắt tiền. Nỗi kinh hoàng của chiến tranh khiến hàng chục người chết ở cả hai phía càng cho thấy sự thất vọng cay đắng trước những chi phí tốn kém mà vẫn có nhiều người chết, và những chi phí này cũng không kém phần quan trọng đối với cuộc xung đột trong tương lai.
Nếu như Hamas tiếp tục nã hàng trăm quả pháo, không phải chỉ nhằm hy vọng một vài quả có thể vượt qua hàng phòng thủ lá chắn. Mà chính là vì cứ mỗi quả rốc-kết bị bắn chặn, Israel phải chi ra hàng chục ngàn đô la.
Ngoài chi phí thiết kế Vòm Sắt (con số được Israel giữ bí mật nhưng chỉ riêng phần đóng góp của Mỹ đã lên đến 205 triệu đô la), Israel phải chịu chi phí đạn dược. Một chiếc tên lửa bắn chặn Tamir giá khoảng 50 ngàn đô la so với vài trăm đô la của một quả « rốc-kết » do Hamas tự chế tạo, chủ yếu từ các loại phân bón nông nghiệp.
Như vậy, trong hai ngày 10-11/05/2021, khi 480 quả rốc-kết đã được bắn đi và 200 quả đã bị bắn chặn, phe Hamas đã đầu tư khoảng 250 ngàn đô la cho cuộc tấn công, trong khi Israel đã phóng đi hơn khoảng 10 triệu đô la tên lửa bắn chặn.
Tiêu hao tài chính
Cuộc chiến bất cân xứng này, trong đó những quả đạn giá rẻ và dễ chế tạo bị bắn chặn bằng những loại vũ khí công nghệ cao đắt đỏ, có thể được ví như là một cuộc chiến tiêu hao. Khi phóng đi những quả rốc-kết, phe Hamas tin rằng việc đầu tư là quan trọng cho cả hai phía, dù rằng nguồn tài chính của họ không dồi dào bằng Tsahal – quân đội Israel.
Đương nhiên, Israel đầu tư ồ ạt để bảo vệ người dân nhưng cứ mỗi quả rốc-kết bị chặn đều tác động xấu đến nguồn tài chính của Nhà nước Do Thái. Khi gộp thêm những khoản chi phí to lớn về phát triển và cải thiện thường trực lâu dài, cùng với giá cả đạn dược, hàng tỷ đô la xem như bay biến.
Các nhà công nghiệp vũ khí Mỹ hiện đang phát triển một hệ thống bắn chặn bằng tia laser, bắt nguồn từ một dự án bị Israel bỏ dở vào đầu những năm 2000. Mô hình mẫu mới về hệ thống Northrop Grumman dường như cho thấy có hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm thực hiện từ năm 2018, và mỗi lần bắn chỉ tốn khoảng 1000 đô la.
Nhưng chính phủ Israel vẫn chưa khởi động thủ tục đặt mua, do vậy chúng chưa thể được triển khai trước năm 2023, dù hệ thống này sẽ được hoàn chỉnh.
(Le Point ngày 13/05/2021)
Israel : « Vòm sắt » hiệu quả nhưng giá phải trả là bao nhiêu ? (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten