G7 tỏ thái độ cứng rắn với Nga, Trung Quốc và Iran
Đăng ngày:
Gặp gỡ trực tiếp lần đầu tiên sau hơn hai năm, ngoại trưởng các nước G7 hôm qua, 05/05/2021, đã thể hiện thái độ cứng rắn đối với Nga, Trung Quốc và Iran.
Một tháng trước hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh Quốc, trong cuộc gặp trực tiếp tại Luân Đôn, các ngoại trưởng của nhóm này cho biết rất lo ngại về thái độ vô trách nhiệm dai dẳng và gây bất ổn của Nga.
Theo AFP, Matxcơva bị nhóm G7 chỉ trích về việc đã tăng cường đáng kể lực lượng quân sự Nga ở vùng biên giới với Ukraina và ở bán đảo Crimée của Ukraina mà Nga đã sáp nhập, cũng như về các hoạt động ác ý nhằm ngầm phá hoại nền dân chủ của các nước khác và làm sai lệch thông tin.
Liên quan đến Trung Quốc, đại diện bảy cường quốc Tây phương kêu gọi Bắc Kinh "tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản". Các ngoại trưởng nhóm G7 bày tỏ lo ngại về tình hình vi phạm nhân quyền, đặc biệt là nhắm vào thiểu số người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Trung Quốc cũng bị G7 tố cáo làm xói mòn nghiêm trọng tính dân chủ của hệ thống bầu cử ở Hồng Kông.
Còn về Iran, các ngoại trưởng G7 hoan nghênh những cuộc thảo luận đang diễn ra nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, mà tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi. Tuy nhiên, G7 đề nghị chính quyền Teheran trả tự do cho các công dân mang hai quốc tịch, đang bị giam giữ một cách "tùy tiện", chẳng hạn trường hợp bà Nazanin Zaghari-Ratcliffe, người Anh gốc Iran, gần đây mới lãnh thêm một án tù.
Liên quan đến chương trình chia sẻ vac-xin Covax, nhóm G7 hứa tài trợ, nhưng không thông báo khoản viện trợ bổ sung theo đề nghị của Tổ Chức Y Tế Thế Giới.
G7 tỏ thái độ cứng rắn với Nga, Trung Quốc và Iran (rfi.fr)
G7 tìm một mặt trận chung đối phó với Trung Quốc
Đăng ngày:
Trung Quốc là hồ sơ lớn tiếp theo, sau chương trình hạt nhân của Iran và Bắc Triều Tiên, được ngoại trưởng các nước nhóm G7 họp bàn ngày 04/05/2021 tại Luân Đôn. Trước một Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế, nhóm G7 đã thảo luận về khả năng hình thành một mặt trận chung để đối phó.
Trước đó, trả lời báo giới ngày 03/05, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhắc lại nhóm G7 “không cố cản trở Trung Quốc”, nhưng muốn Bắc Kinh “tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà các nước (thuộc nhóm G7) đã đầu tư rất nhiều trong những thập niên gần đây, không chỉ vì lợi ích cho công dân nước họ, mà cho mọi dân tộc trên khắp thế giới, kể cả ở Trung Quốc”.
Theo AFP, Hoa Kỳ cam kết “hợp tác chặt chẽ” với Anh Quốc, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của G7, để gây sức ép với Trung Quốc về những hồ sơ trấn áp phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông và đàn áp người thiểu số Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Chính sách này đã bị Washington xếp vào tội “diệt chủng”.
Trung Quốc hiện là một tác nhân kinh tế không thể thiếu, nhưng mong muốn khẳng định là một cường quốc quân sự và gây ảnh hưởng khắp thế giới khiến nhiều nước phương Tây lo ngại. Ngoại trưởng Anh khẳng định trong buổi họp báo ngày 03/05 rằng “cánh cửa luôn rộng mở” cho việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc, để làm việc một cách “xây dựng” với nước này, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu. “Tuy nhiên, điều đó còn tùy thuộc vào thái độ và hành động” của Trung Quốc.
Cho đến thứ Tư 05/05, ngoại trưởng các nước thuộc nhóm G7 (Đức, Canada, Hoa Kỳ, Pháp, Ý, Nhật Bản và Anh) tiếp tục họp để tìm ra những câu trả lời chung trước những mối đe dọa toàn cầu.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten