zaterdag 15 mei 2021

Ấn Độ sống trong địa ngục Covid-19, láng giềng bị Trung Quốc “ve vãn”

 

Ấn Độ sống trong địa ngục Covid-19, láng giềng bị Trung Quốc “ve vãn”

Lễ hỏa táng người qua đời vì Covid-19 tại Jammu, Ấn Độ, ngày 12/05/2021.
Lễ hỏa táng người qua đời vì Covid-19 tại Jammu, Ấn Độ, ngày 12/05/2021. AP - Channi Anand

Một bên là lửa từ một tên lửa Trung Quốc cất cánh, một bên là lửa từ những giàn hỏa thiêu thi thể chết vì Covid-19 tại Ấn Độ. Bức ảnh ghép, được một trang web trực thuộc đảng Cộng Sản Trung Quốc đăng trên mạng xã hội Weibo để kích động tinh thần dân tộc và so sánh thế ưu việt với nước láng giềng đang sống trong địa ngục Covid-19, lại gây phản cảm.

Dù đã được rút xuống nhưng sự cố trên cho thấy mong muốn của Bắc Kinh lợi dụng để vượt mặt đối thủ, theo nhận định của nhà báo Cyrille Pluyette, trong bài viết “Bắc Kinh tăng tốc ngoại giao vac-xin quanh Ấn Độ” trên tuần báo L’Express (12-19/05/2021). New Delhi đang chứng kiến Bắc Kinh “củng cố mối quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có Afghanistan, Bangladesh, Nepal, Pakistan và Sri Lanka với lời hứa hỗ trợ khẩn cấp để chống dịch”, theo nhận định của nhà nghiên cứu Karthik Nachiappan, thuộc Đại học Quốc gia Singapore.

Nếu như New Delhi xây dựng ảnh hưởng dựa trên mối quan hệ văn hóa và chính trị với những nước này, thì Trung Quốc có những nguồn tài chính lớn mạnh hơn nhiều. Sự cạnh tranh thêm gia tăng trong bối cảnh đại dịch. Trước khi rơi xuống địa ngục vì làn sóng dịch thứ hai, đích thân thủ tướng Modi mang vac-xin do Ấn Độ sản xuất để tặng cho nhiều nước, như 1,2 triệu liều AstraZeneca cho Bangladesh, giúp Bhutan tiêm chủng cho phần lớn dân cư…

Thế nhưng Ấn Độ, nước cạnh tranh lớn nhất trong chiến lược ngoại giao vac-xin với Trung Quốc, buộc phải bớt hào phóng để ưu tiên tiêm chủng trong nước. “Ngược lại, Bắc Kinh vẫn có thể tiếp tục xuất khẩu vac-xin phục vụ chính sách đối ngoại”, theo đánh giá của Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc của Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi ở Luân Đôn. Trung Quốc tặng 800.000 liều vac-xin cho Nepal, hứa giao hàng cho Bangladesh, Sri Lanka, Afghanistan, Pakistan và thậm chí đề xuất trợ giúp Ấn Độ hôm 30/04.

Ngoài cạnh tranh ảnh hưởng với New Dehli, theo nhà nghiên cứu Singapore Karthik Nachiappan, chiến lược ngoại giao vac-xin của Bắc Kinh còn nhằm một mục tiêu rõ ràng khác : “dập dịch trong vùng để không tràn qua biên giới Trung Quốc, qua ngả các nước láng giềng như Nepal”.

Khi tỏ ra hào hiệp với các nước láng giềng Ấn Độ, Bắc Kinh còn muốn chế giễu sự ích kỉ của Washington vì từng hạn chế xuất khẩu sang khu vực các thành phần để sản xuất vac-xin.

Trong địa ngục Ấn Độ

Làm thế nào Ấn Độ, từng vượt qua làn sóng dịch thứ nhất không mấy khó khăn và tự hào là nhà sản xuất vac-xin hàng đầu thế giới, lại sống trong cảnh kinh hoàng như vậy ? Ba thông tín viên tại Ấn Độ của tuần báo L’Obs tường thuật “Trong địa ngục Ấn Độ” của những người chạy đôn chạy đáo khắp nơi để cứu người thân.

Những lời cầu khẩn “mẹ tôi sắp chết” hay thất vọng và kiệt sức “đây là bệnh viên thứ ba chúng tôi đến”“điều mà tôi cần là một giường điều trị cho vợ tôi”… miêu tả rất rõ tình trạng hỗn loạn tại bệnh viện Guru Teg Bahadur ở đông bắc New Delhi. Giống như ở nhiều nơi khác, ở đây không còn bình dưỡng khí, hết giường… Từ giữa tháng Tư, hệ thống y tế công sụp đổ hoàn toàn dưới làn sóng dịch thứ hai. Ngày 09/05, Ấn Độ có thêm 400.000 ca nhiễm mới, chiếm một nửa tổng số ca nhiễm trong ngày trên khắp thế giới.

Lỗi tại ai ? Phải chăng do cả người dân lẫn chính quyền đều không lường trước làn sóng dịch thứ hai nên không chuẩn bị ? Người dân tưởng đã miễn dịch được với loại virus lây lan cách đây hai tháng nên coi thường các biện pháp phòng dịch. Chính phủ tự hào “dịch đã hết ở Ấn Độ” nên yên tâm tổ chức hai sự kiện lớn.

Sự kiện thứ nhất là cuộc bầu cử cấp vùng ở 5 bang nơi có 250 triệu người sinh sống với các cuộc mit-tinh rầm rộ diễn ra trong tháng Tư, đặc biệt là trong những buổi mit-tinh của thủ tướng Modi với đỉnh điểm số người tham dự được ví như “cơn thủy triều người” vào ngày 17/04. Cũng trong ngày này, số ca nhiễm mới tăng đột biến, với 147.000 ca, cao hơn 50% mức đỉnh dịch lần thứ nhất.

Điều khủng khiếp thực sự đến từ cuộc hành hương khổng lồ Kumbh Mela (giữa tháng Ba đến giữa tháng Tư) của hàng triệu người theo Ấn Độ Giáo đến tắm ở sông Hằng chảy qua thành phố Haridwar (miền bắc Ấn Độ) với hy vọng dòng sông linh thiêng giúp họ tránh được virus. Thủ tướng Modi, theo Ấn Độ Giáo, vẫn giảm thiểu nguy cơ : “Tại sao lại phải gây ồn ào quanh cuộc hành hương Kumbh Mela khi chỉ có 970 ca nhiễm trên 100.000 ca cả nước ?”

Thực ra, chính phủ hoàn toàn biết được các nguy cơ. Biến thể Anh xuất hiện ở Ấn Độ từ ngày 05/10/2020. Vào tháng 03/2021, một nhóm gồm 10 phòng thí nghiệm, được chính phủ thành lập để nghiên cứu bộ gien của virus, đã cảnh báo sự xuất hiện của biến thể Ấn Độ mới (B1.617), rất lo ngại, “có đột biến kép khiến virus có thể lây lan nhanh hơn và dễ dàng thoát khỏi cơ chế miễn dịch”. Từ một tháng nay, hai đột biến mới từ biến thể B1.617, được đặt tên là B1.617.1 và B1.617.2, đã được phát hiện trong 69% mẫu phân tích.

Thiếu chuẩn bị, hệ thống y tế Ấn Độ bị sập, người bệnh không được chăm sóc, ô-xy không được sản xuất kịp cho số người bệnh quá lớn khiến nhiều người bị chết ngạt. Chính phủ không chủ trương phong tỏa toàn quốc vì sợ người nghèo càng bần cùng hơn. Hy vọng duy nhất hiện nay là tiêm chủng, chiến dịch được tăng tốc từ ngày 01/05 và dành cho tất cả người trưởng thành. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 2,5% dân số được tiêm chủng. Hai loại vac-xin đang được sử dụng, gồm AstraZeneca, Covaxin của Ấn Độ. Sputnik V sẽ trở thành vac-xin nước ngoài đầu tiên được New Delhi cấp phép.

Ngày 12/05, Ấn Độ vượt ngưỡng 250.000 người chết. Nhưng mọi thống kê đều thấp hơn so với thực tế. Theo bác sĩ Hemant Shewade, được L’Obs trích dẫn : “Chính quyền lẽ ra phải công bố những con số thật để đưa ra biện pháp chính xác về thảm họa và thức tỉnh mọi người. Tuy nhiên, chính phủ mờ ám này chỉ muốn một điều : Giữ thể diện”.

Cuộc cách mạng của ARN thông tin

Công nghệ được sử dụng cho vac-xin Pfizer/BioNTech và Moderna là “kết quả của sự kiên nhẫn” trong 40 năm nghiên cứu, bắt đầu từ một nhà nữ khoa học gốc Hungary. Tuần báo Courrier International (12-19/05) dành trang nhất và nhiều trang trong để nói về “Cuộc cách mạng của ARN thông tin”, được trích từ nguyệt san Mỹ The Atlantic (Washington), với mốc lịch sử là ngày 14/12/2020 khi liều vac-xin đầu tiên sử dụng công nghệ này được tiêm tại Mỹ.

ARN thông tin (ARNm) dựa trên một nguyên tắc cơ bản đơn giản và được coi như là “một người lính được huấn luyện tốt” : Con người phụ thuộc vào protein cho tất cả mọi chức năng của cơ thể. Thế nhưng, ARNm (axit ribonucleic thông tin) chỉ cho cơ thể sản sinh ra chúng. Với một ARN thông tin được con người “viết lại” thì về lý thuyết, chúng ta có thể ra lệnh cho cỗ máy sản xuất tế bào sản xuất ra bất kỳ loại protein nào. Trong trường hợp virus corona gây bệnh Covid-19, vac-xin dùng ARN thông tin gửi đi những hướng dẫn cụ thể cho các tế bào của con người sản xuất ra “Spike protein” (protein gai, còn gọi là protein S - chìa khóa cho virus xâm nhập vào tế bào cơ thể). Khi cơ thể nhận ra sự hiện diện của kẻ lạ, ở đây là các protein, thì cơ thể sẽ nhắm đến chúng để phá hủy mà không cần loại ARNm. Sau này, khi bị virus tấn công, cơ thể sẽ nhận ra protein S và sẽ nhắm tấn công chuẩn xác như một người lính được huấn luyện tốt, nhờ đó sẽ làm giảm được nguy cơ nhiễm bệnh hoặc tránh được bệnh nặng.

Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể dùng công nghệ này để chống các bệnh cúm mùa, sốt rét, kể cả bệnh ung thư. John Mascola, giám đốc trung tâm nghiên cứu về vac-xin của Viện Quốc gia về các bệnh dị ứng và bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ cho biết : “Trong giới khoa học, công nghệ ARN có thể là sự kiện nổi bật nhất trong năm. Chúng tôi từng không rõ là có hiệu quả không, nhưng giờ chúng tôi đã biết”.

“Bên trong hậu trường sản xuất vac-xin BioNTech” là một bài viết khác được Courrier International trích dịch từ phóng sự của báo Financial Times (Luân Đôn). Chỉ trong vài tháng, nhà máy Marbourg gần Frankfurt (Đức) đã thay đổi. Năm 2021, nhà máy này sản xuất đến 1/4 số liều vac-xin sử dụng ARNm. Ví dụ, 50 lít vật liệu di truyền được sản xuất ở đây trong 2 ngày là đã đủ sản xuất 8 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19.

Trung Quốc : Mạnh về đất hiếm, chật vật vì chip điện tử

Trung Quốc giữ thế mạnh về đất hiếm nhưng lại đang chật vật vì chip điện tử. Đây là nhận định của nhà nghiên cứu Bruno Tertrais, Viện Montaigne, trong bài viết về “Chip điện tử, đất hiếm : Phương Tây hành động” trên tuần báo L’Express.

Công luận được biết đến sự phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc cách đây khoảng 10 năm khi Bắc Kinh thông báo giảm 40% xuất khẩu, tiếp theo là quyết định trừng phạt Nhật Bản vào năm 2010 vì có tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Kết quả là giá đất hiếm tăng chóng mặt nhưng Bắc Kinh cũng lĩnh hậu quả : không còn giữ thế gần như độc quyền và từ giờ bị cạnh tranh ở khắp nơi.

Đất “hiếm” gồm 15 kim loại hiếm, nguyên tố scandi và (scandium) và yttri (yttrium) nhưng không phải là hiếm vì có ở khắp nơi trên thế giới. Hoa Kỳ thức tỉnh trước sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã cho mở một mỏ khai thác mới trên lãnh thổ và đa dạng hóa nguồn nhập khẩu. Mục tiêu đề ra là giảm ít nhất 50% phụ thuộc vào Trung Quốc. Nga và Nhật Bản cũng mở rộng nguồn cung.

Đẩy thế giới vào thế lao đao vì đất hiếm, nhưng Trung Quốc cũng đang gặp hoàn cảnh tương tự về chip điện tử. Trung Quốc chỉ sản xuất được 16% số chip điện tử mà nước này tiêu thụ. Từ khi bị Mỹ trừng phạt, khối lượng mua từ Đài Loan và Hàn Quốc cũng bị giảm. Bắc Kinh sẽ phải cần vài năm để bắt kịp cạnh tranh và bảo đảm nguồn cung cho nhu cầu trong nước, với mục tiêu là đáp ứng 70% nhu cầu vào năm 2025. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng sẽ khó hoàn thành mục tiêu này và chỉ đạt ở mức 20%.

Người làm chủ chip điện tử sẽ làm chủ thế giới

Sau nhiều năm là công xưởng của thế giới, Trung Quốc tự hào vì Hoa Vi gia nhập hàng ngũ những nhà khổng lồ công nghệ cao. Tuy nhiên, những trừng phạt kinh tế của Mỹ cho thấy Hoa Vi phụ thuộc như thế nào vào chip điện tử của nước ngoài. “Trung Quốc hứng cay đắng của Hoa Vi” là nhận định trong bài viết “Người làm chủ chip điện tử sẽ làm chủ thế giới” của tuần báo Le Point (13-20/05).

“Hoa Vi lao đao lại là một tin tốt cho Samsung”, theo nhà nghiên cứu Douglas Fuller, đại học Hồng Kông. Cuộc chiến chống Hoa Vi của Mỹ trước tiên là nhằm loại một đối thủ nặng kí. Châu Âu, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan, Hàn Quốc… ai đang làm chủ ngành chip điện tử để làm chủ thế giới ? Le Point lần lượt lược qua lịch sử từng bên.

Con chip nhỏ xíu là thành công của Marcian Hoff từ thập niên 1970 với sự hỗ trợ từ những công trình nghiên cứu của nhà vật lý học người Ý Federico Faggin. Intel 2004 ra đời là bộ vi xử lý đầu tiên trong lịch sử. Thung lũng Santa Clara ở Mỹ thu hút đông đảo các công ty sản xuất chất bán dẫn.

Còn tại châu Á, Đài Loan được coi là “chúa tể của nano”. Le Point lật lại lịch sử hình thành TSMC (Taiwan Semiconducteur Manufacturing Company), nhà khổng lồ thống trị thị trường chip điện tử thế giới nhờ đầu tư ồ ạt lợi nhuận vào nghiên cứu, phát triển và mở rộng năng lực sản xuất (hơn 80 tỉ đô la cho ba năm tới).

Châu Âu, nơi sản xuất đến 40% chip bán dẫn trong thập niên 1990, giờ chỉ là 10%, bắt đầu ý thức được việc “làm chủ sản xuất trở thành một thách thức về chủ quyền” trong khi “chuỗi cung ứng bị rối loạn vì những mục đích địa chiến lược”. Bruxelles đề ra mục tiêu trở lại với những bộ xử lý tiến bộ nhất thông qua một liên minh châu Âu về vi điện tử nhờ lợi thế có được những phòng nghiên cứu tầm cỡ thế giới, như Viện vi điện tử và linh kiện (Louvain, Bỉ), Viện Fraunhofer (Munich, Đức) hay nhóm Leti-CEA Grenoble (Pháp).

Vấn đề ở chỗ phải cần khoản đầu tư 20 tỉ euro. Nhưng Liên Hiệp Châu Âu quyết đi theo hướng làm chủ chip bán dẫn vì theo lời ủy viên châu Âu về thị trường nội địa Thierry Breton, “liệu châu Âu có sẵn sàng trở thành thủ lĩnh công nghệ hay chỉ bằng lòng phụ thuộc vào lựa chọn của những bên khác”.

Ba gương mặt tiêu biểu trong phác họa của L’Obs và Le Point

L’Obs chú ý đến "định mệnh tuyệt vời" của Amanda Gorman, nữ thi sĩ trẻ người Mỹ đọc bài thơ do cô sáng tác trong lễ nhậm chức của tổng thống Joe Biden ngày 20/01/2021.

Valérie Pécresse, đương kim chủ tịch vùng Ile-de-France và sẽ ra tái tranh cử vào tháng 06/2021, được Le Point phác họa chân dung. Bà cũng được cho là chuẩn bị ra tranh cử tổng thống Pháp vào năm 2022. Cũng tại vùng Ile-de-France, l’Obs phân tích về dự án “Vùng Paris, một giấc mơ cho ngày mai?” có khả năng cạnh tranh với các đô thị lớn như Luân Đôn, New York. Tuy nhiên, l’Obs cho rằng không được quên một yếu tố là tạo được niềm vui sống ở đó.

Người thứ ba được phác họa chân dung là thủ tướng Ý “Mario Draghi, người cuối cùng trong số những nhà cải cách” nhân 100 ngày cựu giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu, được bổ nhiệm đứng đầu chính phủ Ý. Hiện ông đứng trước thách cải cách, đặc biệt là với một liên minh không vững chắc.

Ấn Độ sống trong địa ngục Covid-19, láng giềng bị Trung Quốc “ve vãn” (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten