dinsdag 4 mei 2021

35 năm sau vụ nổ Tchernobyl : Điện hạt nhân - lá bài địa chính trị của Nga

 

35 năm sau vụ nổ Tchernobyl : Điện hạt nhân - lá bài địa chính trị của Nga

(Ảnh minh họa) - Thiết bị Geiger đo mức độ phóng xạ tại một điểm cháy trong khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl, bên ngoài làng Rahivka, Ukraina, ngày 05/04/2020.
(Ảnh minh họa) - Thiết bị Geiger đo mức độ phóng xạ tại một điểm cháy trong khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl, bên ngoài làng Rahivka, Ukraina, ngày 05/04/2020. REUTERS/Yaroslav Yemelianenko

Là một thảm họa nhân đạo, xã hội và môi trường, vụ nổ nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl cách nay 35 năm đã có tác động mạnh đến ngành công nghiệp hạt nhân toàn cầu, dẫn đến việc Ý ngừng khai thác điện nguyên tử, phong trào chống điện hạt nhân ở Đức, Mỹ ngừng xây dựng các nhà máy điện nguyên tử mới trong 1/3 thế kỷ … Và đương nhiên, Tchernobyl cũng hủy hoại danh tiếng ngành công nghiệp hạt nhân của Liên Xô.

Tuy nhiên, nước Nga, vươn lên từ đống đổ nát sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, ngày càng coi trọng nguồn năng lượng này. Trên đây là nhận định của Anastasiya Shapochkina, giảng viên địa chính trị trường Khoa học Chính trị Sciences Po, trong bài viết « 35 năm sau vụ nổ Tchernobyl, Nga táo bạo chơi lá bài điện hạt nhân » đăng trên trang mạng nghiên cứu The Conversation ngày 23/04/2021.

35 năm sau thảm họa hạt nhân Tchernobyl, 20% sản lượng điện của Nga là điện hạt nhân. Tỷ trọng này trong cơ cấu năng lượng Nga không ngừng tăng trong những năm 2000. Trên thế giới, Nga là nhà sản xuất năng lượng hạt nhân lớn thứ tư, chỉ sau Hoa Kỳ, Pháp và Trung Quốc, là nhà sản xuất uranium lớn thứ 7 và sản xuất 17% tổng nhiên liệu hạt nhân.

Không chỉ giữ vai trò then chốt trong chiến lược năng lượng của Nga, hạt nhân còn là một đòn bẩy thực sự để Nga gây ảnh hưởng địa kinh tế trên thế giới. Bên cạnh không gian và quốc phòng, hạt nhân là một trong số ít lĩnh vực xuất khẩu công nghệ cao của Nga, và được hưởng sự hỗ trợ tài chính và chính trị của Nhà nước. Matxcơva coi đây là phương tiện hữu hiệu để mở rộng ảnh hưởng của Nga tại châu Âu và các nơi khác, để tăng cường khả năng hội nhập của nền kinh tế Nga với thế giới và cải thiện hình ảnh đất nước, vốn đã xấu đi nghiêm trọng do các cuộc phiêu lưu địa chính trị của điện Kremlin cũng như tình hình tự do chính trị và nhân quyền trong nước.

Vai trò trung tâm của Rosatom

Động cơ của sự tăng trưởng công nghiệp này là tập đoàn Nhà nước về năng lượng hạt nhân Nga Rosatom, đại diện cho lợi ích của Nga ở nước ngoài trong lĩnh vực hạt nhân dân dụng và quân sự. Rosatom được thành lập vào năm 2007 và do cựu thủ tướng (nay là phó chánh văn phòng điện Kremlin) Sergei Kirienko lãnh đạo cho đến năm 2016. Quan chức này đã thành công trong việc củng cố và gộp cả ngành công nghiệp hạt nhân vào một tập đoàn duy nhất, nay là một trong số hiếm hoi “thương hiệu" của Nga được công nhận ở nước ngoài.

Hiện giờ, Rosatom kiểm soát hơn 400 công ty và sử dụng hơn 275.000 lao động, đóng góp một khoản thuế đáng kể - khoảng 3 tỷ euro năm 2019. Rosatom cũng là một trong những tập đoàn được Nhà nước tài trợ nhiều nhất, để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới ở Nga cũng như ở nước ngoài. Đó còn là một « cánh tay vũ trang » : chiết xuất uranium, sản xuất thanh nhiên liệu, xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và sản xuất trang thiết bị, khai thác và bảo trì, tháo dỡ và xử lý chất thải hạt nhân.

Rosatom khai thác cả công nghệ hạt nhân dân dụng và quân sự, kiểm soát « nút hạt nhân » của điện Kremlin và nắm giữ việc đưa ra các quy định của ngành. Tập đoàn này giám sát hoạt động của hạm đội tàu hạt nhân phá băng của Nga và quản lý sự phát triển của Tuyến đường biển phương Bắc, bao gồm cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực. Rosatom cũng phụ trách hợp tác hạt nhân ở nước ngoài, đại diện cho nước Nga tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Các đại sứ quán Nga trên khắp thế giới đều có đại diện của Rosatom để phát triển quan hệ song phương dựa trên cơ sở hợp tác khoa học và công nghệ.

Cho dù Nga không thể cạnh tranh với Trung Quốc về tốc độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới, nhưng nhịp độ đều đặn cứ sau 2-3 năm lại xây dựng được một lò phản ứng hạt nhân mới là điều mà châu Âu và Mỹ không thể làm được. Sự tăng trưởng này nước Nga có được là nhờ chính sách hỗ trợ phát triển hạt nhân của Nhà nước. Trong khi nhiều quốc gia lần lượt ngưng khai thác điện nguyên tử sau sự cố Fukushima Nhật Bản năm 2011, điện Kremlin không ngừng trợ giúp ngành công nghiệp hạt nhân quốc gia, đặc biệt vì lý do địa chính trị : Các quốc gia đặt nhà máy điện hạt nhân của Nga phải phụ thuộc vào Matxcơva trong lĩnh vực này, nên sẽ ít chỉ trích điện Kremlin hơn về các hồ sơ quốc tế cũng như các về đề trong nước.

Hồi đầu năm 2021, Rosatom xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân ở Nga và 10 lò phản ứng hạt nhân ở nước ngoài : Thổ Nhĩ Kỳ (4), Belarus (2), Hungary (2) và Bangladesh (2). Ngoài ra còn có 4 lò hạt nhân khác đang trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng : Phần Lan (1) và Ai Cập (4). Rosatom cũng có tổng cộng 35 dự án mới ở các giai đoạn phát triển khác nhau, bao gồm cả ở Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Ả Rập Xê Út.

Vai trò của ngành công nghiệp hạt nhân Nga đối với hình ảnh đất nước ở nước ngoài

Năng lượng hạt nhân Nga tô bóng hình ảnh của Matxcơva ở ngoại quốc nhờ 3 điều thiết yếu. Thứ nhất, các khoản cho vay và bảo lãnh tài chính của Nhà nước Nga cho các nhà máy điện hạt nhân do Rosatom xây dựng đã mang lại cho tập đoàn này một lợi thế cạnh tranh quyết định, ngay cả ở châu Âu. Ví dụ như chính phủ Nga đã cho Hungary vay 10 tỷ euro để xây dựng Paks-2, hoặc mua 34% dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân Hanhikivi ở Phần Lan. Đối với các nước nghèo lần đầu tiên chuyển đổi sang sử dụng điện hạt nhân, việc Matxcơva tài trợ cho các dự án xây dựng hoặc nghiên cứu cho phép điện Kremlin mở rộng phạm vi địa chính trị ra ngoài phạm vi ảnh hưởng truyền thống (đặc biệt là ở châu Phi, châu Mỹ Latinh hoặc Đông Nam Á).

Yếu tố thứ hai bắt nguồn từ khả năng Rosatom cung cấp đầy đủ các dịch vụ năng lượng hạt nhân : thiết kế và kỹ thuật xây lò phản ứng, xây dựng, vận hành, bảo trì, cung cấp nhiên liệu hạt nhân, thu hồi uranium đã qua sử dụng, đào tạo các chuyên gia địa phương … Đây là yếu tố cần thiết đối với các quốc gia bắt đầu chuyển đổi sang điện hạt nhân và mong muốn là về lâu dài có thể tự vận hành các nhà máy điện hạt nhân, chẳng hạn Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Bangladesh. Ngoài ra, với tư cách là chủ sở hữu công nghệ, Rosatom là nhà tư vấn chính cho các quốc gia khách hàng về khung quy định cho ngành công nghiệp đang được hình thành tại nước sở tại.

Yếu tố thứ ba là sự thống trị mang tính lịch sử của công nghệ hạt nhân Nga ở một số thị trường, nhất là tại châu Âu, nơi công nghệ lò phản ứng VVER và RBMK của Liên Xô đã được áp dụng cho các nước Đông - Trung Âu và các quốc gia Baltic thời Chiến tranh Lạnh. Chính sự hiện diện lịch sử này, với sự tài trợ của Nhà nước Nga, đã giúp Rosatom dễ dàng ký được hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Hungary.

Ngoài việc gia tăng ảnh hưởng chính trị của Nga tại Liên Hiệp Châu Âu, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới còn củng cố mối quan hệ kinh tế giữa nhà cung cấp Nga và các nước khách hàng châu Âu trong nhiều thập kỷ tới, với hiệu ứng tương tự như đường ống dẫn khí đốt. Các giai đoạn hậu xây dựng (cung cấp nhiên liệu và thiết bị hạt nhân, bảo trì) là nguồn thu nhập và việc làm thực sự của Nga trong nhiều năm tới đây. Ngoài ra, năng lượng hạt nhân còn cho phép Matxcơva đồng xác định cơ cấu năng lượng trong tương lai của châu Âu, có thể mang lại cho Nga cơ hội đi các quân cờ trong các hồ sơ khác, nhất là về khí đốt.

Tchernobyl, một chấn thương đã bình phục ?

Cuối cùng, thông qua các dự án hạt nhân ở châu Âu, chẳng hạn dự án Hanhikivi ở Phần Lan, điện Kremlin đang tìm cách cải thiện hình ảnh thương hiệu "hạt nhân Nga" trong mắt Liên Âu, bởi Tchernobyl đã gây tổn hại sâu sắc đến hình ảnh điện hạt nhân « made in Russia », cho dù vụ tai nạn đã xảy ra cách đây 35 năm ở Ukraina, thuộc Liên Xô cũ chứ không phải ngay tại Nga và dù rằng Rosatom cũng không xuất khẩu công nghệ lò phản ứng RBMK (công nghệ sử dụng ở Tchernobyl).

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy người dân đã vượt qua được chấn thương sau thảm họa và muốn sử dụng trở lại năng lượng hạt nhân. Ngay trong năm xảy ra thảm họa Fukushima 2011, theo Viện khảo sát độc lập Levada của Nga, 40% số người được hỏi cho rằng cần loại bỏ dần điện hạt nhân. Tuy nhiên, sự hoài nghi không kéo dài : tỉ lệ người ủng hộ điện nguyên tử đã tăng lên thành 72% vào năm 2013 và 74% vào năm 2018.

35 năm sau vụ nổ Tchernobyl : Điện hạt nhân - lá bài địa chính trị của Nga (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten