Sài Gòn: Cả triệu công nhân ‘sống kham khổ, thiếu hạnh phúc’
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ngoài việc làm nhiều nhưng thu nhập ít, hàng triệu công nhân ở các tỉnh đang sống và làm việc tại Sài Gòn còn chịu sức ép từ sự khác biệt về văn hóa, thiếu thốn tình cảm, điều kiện sinh hoạt bí bách…
Ngày 10 Tháng Mười, 2019, tại hội thảo “Chất Lượng Cuộc Sống Của Công Nhân ở Sài Gòn Hiện Nay” do Viện Nghiên Cứu Phát Triển Sài Gòn tổ chức, Thạc Sĩ Lê Văn Thành, nguyên trưởng “Phòng Nghiên Cứu Văn Hóa Xã Hội, Viện Nghiên Cứu Phát Triển,” cho biết có khoảng 1 triệu 400 ngàn công nhân ở các tỉnh đang sống và làm việc tại Sài Gòn “có chất lượng cuộc sống khá thấp, chỗ ở chật chội, thu nhập không cao dù đã tăng ca nhiều, thiếu các hoạt động sinh hoạt giải trí.”
Hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Kim Thoa (43 tuổi, quê Quảng Nam), làm công nhân may của một công ty Đài Loan (quận 12) đã 23 năm. Hơn hai thập niên làm công nhân ở Sài Gòn “cày” mỗi ngày từ sáng đến tận 9 giờ tối, tài sản lớn nhất vợ chồng bà có được là… hai đứa con khá ngoan.
Nói với báo Pháp Luật TP.HCM ngày 11 Tháng Mười, bà Thoa cho biết: “Ngay cả lương hưu chúng tôi cũng sẽ không có, bởi mỗi lần nghỉ việc hoặc cần mua những thứ thiết yếu như xe gắn máy, tủ lạnh, chúng tôi đã phải rút khoản bảo hiểm xã hội một lần để xài.”
Hết năm nay, vợ chồng bà dự định sẽ về quê vì cuộc sống tạm bợ ở Sài Gòn quá mệt mỏi lại không có gì chắc chắn trong tương lai.
Theo Thạc Sĩ Tô Thị Thùy Trang, cảnh sống bấp bênh như gia đình bà Kim Thoa là tiêu biểu cho hàng trăm ngàn gia đình công nhân có con cái đang sống ở Sài Gòn. Tuy nhiên xem ra hoàn cảnh như bà Thoa “vẫn còn khá,” bởi có nhiều gia đình còn khó khăn hơn do thiếu nợ vì thu nhập quá ít.
Vợ chồng chị Lê Thị Kim Huyền (34 tuổi, quê Trà Vinh), đang làm việc tại Khu Công Nghiệp Tân Bình, cùng con gái sống trong phòng trọ chín mét vuông với giá thuê chỉ gần hai triệu đồng ($86)/tháng, trong khi lương vợ chồng chị cộng lại chỉ khoảng hơn tám triệu đồng ($344). Mỗi lần lãnh lương, chị Huyền phải đi trả nợ tiền học phí cho con, tiền vay sinh hoạt trước đó và thế là trắng tay.
Cũng theo bà Thùy Trang, thời gian làm việc mỗi ngày của công nhân quá dài, thường bắt đầu từ 7 giờ sáng và làm tăng ca đến tối. Họ không có thời gian lẫn tiền bạc cho các hoạt động văn hóa tinh thần. Ngủ là ưu tiên hàng đầu khi có chút thời gian rảnh. Thú vui của công nhân là nằm dài ở nhà trọ xem tivi.
Riêng nam công nhân, nhậu nhẹt trở thành loại hình giải trí nhiều hệ lụy. Cuộc sống tinh thần thiếu thốn khiến họ dễ bị dẫn dụ đến tệ nạn xã hội, dễ bị kích động, lôi kéo, tụ tập…
Tan ca trở về nhà trọ, nhiều công nhân chỉ ăn uống qua loa để đi ngủ, còn khi ở công ty thì họ ăn uống ra sao?
Ông Nguyễn Đại Ngọc, phó trưởng Phòng Quản Lý Ngộ Độc Thực Phẩm, Ban Quản Lý An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm Sài Gòn, cho biết nhiều công ty “chưa bảo đảm chất lượng bữa ăn trong ca làm việc cho công nhân. Hơn 90% suất ăn có giá chỉ từ 15,000- 20,000 đồng ($0.64 – $0.86), thậm chí có nơi cho ăn dưới 15,000 đồng ($0.64).”
Tại hội thảo, Thạc Sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, Viện Khoa Học Xã Hội Vùng Nam bộ, cho biết thêm do lương thấp, nhiều gia đình công nhân không đủ lo cho con ăn học ở Sài Gòn, đành phải gởi về quê cho ông bà chăm sóc, để rồi có lúc con cái xa cách luôn cha mẹ.
“Vợ chồng em làm công nhân ở Sài Gòn đã 10 năm. Khi em về thăm nhà, con không nhận ra em. Bà nội đưa con lên Sài Gòn thăm mẹ, con cũng không theo mẹ, mẹ cũng bận không có thời gian cho con,” chị Huỳnh Thị Chi (35 tuổi, quê Bạc Liêu), công nhân may tại Công Ty FDI buồn bả nói.
Chưa hết, nhiều gia đình công nhân đã bất hòa, không hạnh phúc, đổ vỡ bởi nữ công nhân không có thời gian chăm sóc gia đình. Thậm chí, nhiều nữ công nhân khi được phỏng vấn cho biết họ không dám kết hôn vì cuộc sống luôn thiếu hụt, tù túng, bế tắc. (Tr.N)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/sai-gon-ca-trieu-cong-nhan-song-kham-kho-thieu-hanh-phuc/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten