Quân sự và kinh tế, hai lá bài giúp Nga mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) bắt tay đồng nhiệm Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi sau cuộc họp tại Cairo, ngày 11/12/2017.Reuters
Nga đang trở thành một đối tác quan trọng của châu Phi. Sau Pháp, Trung Quốc và Nhật Bản, đến lượt nước Nga tổ chức trọng thể Thượng Đỉnh Nga - Châu Phi. Tổng thống Vladimir Putin không còn che giấu tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại một vùng đất từng là thuộc địa cũ của nhiều nước châu Âu và đang bị choáng ngợp trước các dự án đầu tư đồ sộ của Trung Quốc.
Điện Kremlin không chỉ hài lòng với những thắng lợi quân sự quan trọng tại Trung Đông, đảo ngược tình thế tại Syria, chia rẽ Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, thắt chặt quan hệ với hai đối thủ của Hoa Kỳ trên bàn cờ quốc tế là Iran và Trung Quốc, vồn vã với những đồng minh của Washington tại châu Á, từ Hàn Quốc đến Philippines ... Chính sách đối ngoại của Nga đã kiên nhẫn khai thác lá bài châu Phi. Đặc biệt là từ năm 2017, các nhà lãnh đạo châu Phi ngày càng thường xuyên đến gõ cửa điện Kremlin : từ tổng thống Công đến Angola, từ nguyên thủ Mozambique thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha đến thống soái Al Sissi, tổng thống Ai Cập... Lần này, tại thượng đỉnh Nga- Châu Phi đầu tiên, tổ chức tại thành phố Sochi từ ngày 22 đến 24/10/2019, tổng thống Putin sẽ đón tiếp trọng thể 35 nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ châu Phi, từ những nước lớn như Nam Phi hay các quốc gia có trọng lượng khiêm tốn hơn như Angola, Rwanda, Ethiopia... Điện Kremlin cho biết, đây là cơ hội để các bên "thảo luận về các vấn đề chính trị và kinh tế" về những ưu thế của nước Nga "qua các chương trình hợp tác có lợi cho cả đôi bên".
Sự hiện diện quân sự
Trên thực tế, sau gần ba thập niên lùi vào bóng tối, để cho phương Tây, rồi Nhật Bản, Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng với các nước châu Phi, nước Nga ngay từ nhiệm kỳ thứ nhì của Vladimir Putin đã quyết định quay trở lại châu lục này. Bởi vì Nga và châu Phi cùng chia sẻ nhiều quyền lợi chung. Điện Kremlin không quên nhắc lại với nhiều lãnh đạo châu Phi rằng không ít người trong số ấy từng được đào tạo tại Liên Xô xưa kia. Một số quốc gia như Ethiopia hay Angola từng là những nước cộng sản và trong thời kỳ chiến tranh lạnh và Matxcơva đã đóng một vai trò quan trọng giúp cho nhiều nước châu Phi thoát khỏi ách độ hộ của các nước phương Tây.
Trên thực tế, chuyên gia Pháp, Arnaud Dubien thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược –IRIS, lưu ý Matxcơva luôn duy trì ảnh hưởng, dù đấy chỉ là một sự hiện diện khiêm tốn tại nhiều nước châu Phi, từ Algeri đến Lybia và đương nhiên là Ai Cập. Gần đây, với Cairo chẳng hạn cuối 2017 đôi bên đã thông báo dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân và rất nhiều các hợp đồng mua bán vũ khí quan trọng. Libya cũng là một vùng đất luôn được Matxcơva quan tâm. Gần đây hơn Nga khiêu khích Pháp tại Trung Phi, công khai gửi hẳn cố vấn an ninh Valeri Zakharov đến Bangui cố vấn cho tổng thống Faustin Archange Touadéra giúp ông này bảo vệ quyền lực. Trung Phi vốn được coi là "sân sau của Pháp" tại châu lục này. Giới quan sát cũng đã trông thấy những toán lính đánh thuê do tập đoàn Wagner, mà chủ nhân là một người rất thân cận với Vladimir Putin đến những vùng hiểm trở như ở Libya để hỗ trợ cho tướng Hafta, hay ở khu vực phía bắc Mozambique, tại Madagascar và cả ở Sudan. Về mặt chính thức, Matxcơva đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự với chính quyền Mali hồi tháng 6/2019, trước đó nữa là với Burkina Faso hay với Cộng Hòa Nhân Dân Côngo...
Đổi vàng và kim cương lấy vũ khí
Một ưu điểm khác của Matxcơva trong mắt các đối tác châu Phi là vũ khí. Nga là nhà xuất khẩu vũ khí thứ hai trên thế giới. Theo báo cáo của Việt Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (SIPRI), 35 % vũ khí của châu Phi do Nga cung cấp. Algeri hay Ai Cập và cả Nigeria, Maroc là những khách hàng luôn được tập đoàn Rosoboronexport đặc biệt chiều chuộng.
Ngoài vế quân sự, hợp tác kinh tế cũng là một ưu tiên trong quan hệ giữa Nga và châu Phi. Có điều trong lĩnh vực này Matxcơva đi chậm mất một nước cờ. Năm 2018, tổng trao đổi mậu dịch hai chiều giữa Nga và các đối tác châu Phi chỉ đạt 17 tỷ đô la, chưa bằng 1/10 so với giao thương giữa châu lục này với Trung Quốc. Về kinh tế, Nga chỉ đứng hạng thứ 12 trên thế giới, thua xa Trung Quốc. Ngoài vũ khí, Nga không có nhiều mặt hàng để chinh phục người tiêu dùng ở châu Phi. Matxcơva cũng không có khả năng tài chính như Bắc Kinh cho phép đưa ra các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Thế nhưng, tựa như Trung Quốc, Nga cung rất quan tâm đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Lục Địa Đen. Trong lĩnh vực này, Nga có thể đề nghị với các đối tác châu Phi cùng thăm dò và khai thác từ đất hiếm đến các mỏ vàng, đồng và cả dầu khí.
Arnaud Kalifa, chuyên gia thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, cho rằng, thượng đỉnh Sochi lần này là cơ hội để nước Nga của tổng thống Putin đẩy mạnh hợp tác, bù đắp lại thời gian đã bỏ lỡ với châu Phi, lôi kéo châu lục này thêm về phía mình để làm đối trọng với ảnh hưởng kinh tế đã quá lớn của Trung Quốc, đồng thời thu hẹp bớt ảnh hưởng chính trị, ngoại giao của phương Tây với châu Phi.
Châu Phi đang trở thành đối tượng mới trên con đường khôi phục hào quang của nước Nga trên trường quốc tế.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191017-quan-su-va-kinh-te-hai-la-bai-giup-nga-mo-rong-anh-huong-tai-chau-phi
Nga đẩy quân cờ xuống châu Phi để phá Tây phương
Một người lính Trung Phi trang bị súng AK47 ở Bangui, 14/03/2018.FLORENT VERGNES / AFP
Khủng hoảng Áo Vàng tạm lắng, chính phủ thoát hiểm nhưng nước Pháp trả giá cao. COP24 kết thúc, nhiệt độ vẫn tăng, nhiều quốc gia vẫn ngủ. Brexit, tuần lễ đầy bất trắc. Chiến lược châu Phi của Putin. Đây là một số chủ đề được chọn lọc trên báo chí Pháp trong thời khắc cuối năm.
Trang nhất các nhật báo Pháp, màu sắc xung đột « Macron-Áo Vàng » không còn nữa mà nhường chỗ cho những tựa có tính hòa giải : Khủng hoảng qua rồi nhưng khó khăn còn tồn đọng, làm cách nào hàn gắn hai nước Pháp, tựa của Le Figaro.
Với tựa « Cuộc nổi dậy ở các giao điểm lưu thông » một đặc phái viên của Le Monde túc trực bên cạnh một nhóm Áo Vàng ghi lại những gì diễn ra trong hơn một tháng huy động. Tuy nhiên, hồ sơ lớn của nhật báo độc lập tập trung vào chiến lược can thiệp của Nga vào sân sau của Tây phương mà đối tượng số một là « nước Pháp ».
Con tốt Trung Phi và chiến thuật « ném sỏi » của Nga
Bài thứ nhất, "Con tốt Trung Phi trên bàn cờ Nga", cho biết từ khi Pháp tập trung quân đối phó với khủng bố ở địa bàn sa mạc Sahara, Matxcơva đưa hàng loạt cố vấn quân sự, vũ khí vào Trung Phi, gia tăng quan hệ với thủ lĩnh các nhóm võ trang và gây rối loạn tiến trình hoà giải của Liên Hiệp Quốc. Phân tâm vì các hồ sơ nóng bỏng trên thế giới, Paris không thấy Nga vào Trung Phi, một nước nghèo chỉ có 5 triệu dân, chìm trong nội chiến, chẳng có trọng lượng nào trên bàn cờ chiến lược quốc tế đang chuyển mình với những cuộc đấu đá từ kinh tế cho đến quân sự. Từ đầu năm 2018, một cách ồn ào và vô trật tự, Nga tung vào thủ đô Bangui từng đoàn quân nhân, công ty bảo vệ , doanh nghiệp, ngoại giao… So với Trung Quốc thì phương tiện của Nga chẳng là bao, nhưng thể hiện quyết tâm trở lại châu Phi sau một thời gian dài vắng bóng vì Liên Xô sụp đổ.
Sự kiện Nga chọn Trung Phi, nơi mà các tướng lãnh Pháp gọi là « tổ vi trùng » mang ý nghĩa gì ? Theo giới phân tích, Nga đã lợi dụng một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An vào cuối năm 2017, cho phép Nga được miễn trừ lệnh cấm vận vũ khí, để cùng với Pháp tái võ trang quân đội Trung Phi. Súng Pháp thì đắt, Paris định sử dụng số súng AK47 tịch thu ở vịnh Aden chuyển cho Trung Phi nhưng bị Nga dùng quyền phủ quyết. Thế là đầu năm sau từng đợt súng Nga đổ vào Trung Phi…với đèn xanh của Liên Hiệp Quốc, rồi cố vấn, rồi huấn luyện viên…
Mục tiêu của Nga là gì ? Theo Arnaud Kalika, nguyên là chuyên gia của an ninh quân đội Pháp và về địa chính trị hậu Liên Xô, trong bài « Nga ném sỏi dò đường và chờ kết quả » cho biết : thứ nhất là Nga trắng tay ở châu Phi từ khi Liên Xô tan hàng. Trong bối cảnh bị cấm vận quốc tế, nhu cầu kinh tế, thị trường xuất khẩu, nhất là vũ khí, và nhập khẩu tài nguyên trở thành cấp bách. Nga cũng thiếu quặng mỏ kim loại và khoáng chất hiếm.
Ngoài lý do kinh tế, sự hiện diện của Nga tại châu Phi mang thông điệp chính trị đối với các lãnh đạo địa phương : hãy xem gương Libya, chơi với Nga an toàn hơn với Tây phương. Trong vòng công du châu Phi hồi tháng 6, giám đốc Hội Đồng An Ninh Nga, Nikolai Patrouchev đề nghị « trợ giúp trọn gói » : chống khủng bố, chống nổi dậy và đề phòng phong trào cách mạng nhung.
Theo chuyên gia Arnaud Kalika, Nga cần có tiếng nói trên trường quốc tế. Vào lúc Mỹ có ý tài giảm binh bị ở châu Phi, Matxcơva không có phương tiện dồi dào nhưng sẵn sàng nhảy vào chiếm chỗ trống, hiện diện khắp nơi.
Đối với Trung Quốc, 200 tỉ đô la trao đổi với châu Phi, thì Nga bị bỏ xa ở phía sau. Từ cuối thập niên 1980, Matxcơva nghiên cứu tìm hiểu hành động của Bắc Kinh, cách thức chinh phục thị trường, qua nhiều tài liệu nghiên cứu hàn lâm đã được phổ biến. Kết luận của Nga như sau : Trung Quốc đưa người sang châu Phi còn chúng tôi đến giúp người châu Phi có công ăn việc làm.
Mũi xung kích của Nga là ai ? Theo Arnaud Kalika, các tổ hợp công nghệ vũ khí, ngoại giao, cơ quan mật vụ GRU hỗ trợ các « phi vụ » chính thức, rồi FSB và an ninh tư nhân bảo vệ quyền lợi riêng của các nhà đầu tư.
Dư luận viên… đánh Pháp
Trong chiều hướng trở lại châu Phi, Nga cũng sử dụng trục tuyên truyền và quyền lực mềm : lập đài Russia Today tiếng Anh, tiếng Pháp phát hình ở châu Phi, các hãng tin tiếng Anh của Itar Tass, Interfax và Sputnik châu Phi cắm dùi tại chỗ. Còn đạo binh « dư luận viên » thì do Evgueni Prigojin điều hành.
Nhân vật này, có biệt danh là « đầu bếp của Putin » : thời Liên Xô, ở tù 9 năm. Thời hậu cộng sản, tham gia vào đường dây buôn súng lậu. Evgueni Prigojin hiện làm chủ công ty an ninh tư nhân Wagner tuyển mộ lính đánh thuê tham chiến ở Syria, Ukrina và châu Phi. Sewa, một chi nhánh của Wagner đang hoạt động tại Trung Phi. Evgueni Prigojin cũng nằm trong danh sách những người Nga bị tư pháp Mỹ truy tố trong nghi án can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Trên mạng Sputnik châu Phi, nước Pháp là mục tiêu bị tấn công nhiều nhất.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181217-nga-day-quan-co-xuong-chau-phi-de-pha-tay-phuong
Geen opmerkingen:
Een reactie posten