zaterdag 19 oktober 2019

Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc đạt được thỏa thuận về Brexit

Châu Âu và Anh Quốc đạt được thỏa thuận về Brexit

mediaThủ tướng Anh Boris Johnson (T) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker họp báo tại Bruxelles ngày 17/10/2019 sau khi đạt được thỏa thuận về Brexit.REUTERS
Vài giờ trước cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu ngày 17/10/2019 với trọng tâm là hồ sơ Brexit, Bruxelles và Luân Đôn thông báo đã đạt được một thỏa thuận để Vương Quốc Anh ra khỏi Liên Âu. Văn bản trên còn phải được Nghị Viện Anh thông qua vào ngày 19/10/2019.
Thỏa thuận vừa đạt được hôm nay được trưởng đoàn đàm phán châu Âu thông báo trước vào chiều nay, trước khi nguyên thủ và thủ tướng chính phủ 28 nước trong Liên Hiệp Châu Âu họp lại tại Bruxelles.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker trên mạng xã hội Twitter phấn khởi nói đến "một thỏa thuận công bằng và cân đối". Ông đồng thời kêu gọi lãnh đạo 27 thành viên trong Liên Âu ủng hộ văn bản nói trên. Về phía thủ tướng Anh, ông Boris Johnson khoe đã đạt được một thỏa thuận "mới tuyệt vời" cho phép nước Anh chia tay với châu Âu đúng thời hạn 31/10/2019.
Thỏa thuận mới này còn phải được Nghị Viện Anh và Nghị Viện Châu Âu thông qua trong những ngày sắp tới. Nhưng trước mắt, đảng DUP của Bắc Ai Len có lập trường bài châu Âu và bảo thủ, tuyên bố không ủng hộ thỏa thuận mà các cộng sự của thủ tướng Johnson và Liên Âu đã thương lượng thâu đêm qua.
Tại Luân Đôn, lãnh đạo Công Đảng thuộc phe đối lập, ông Jemery Corbyn, trong một thông cáo chính thức cho biết "thỏa thuận này không tạo được đoàn kết trong công luận và cần phải bị bác bỏ".
Đảng Bảo Thủ, sau khi đã khai trừ 21 đảng viên, không hội đủ đa số để thông qua thỏa thuận vừa đạt được vào trưa nay. Trước đây, văn bản mà chính quyền của cựu thủ tướng Anh Theresa May đạt được với các đối tác châu Âu đã ba lần bị Nghị Viện Anh bác bỏ.
Nội dung thỏa thuận thứ nhì về Brexit giữa Luân Đôn và Bruxelles
Hai điểm đã khiến thủ tục Brexit bị bế tắc từ một năm qua. Điểm thứ nhất liên quan đến đường biên giới giữa Cộng Hòa Ai Len, thuộc Liên Hiệp Châu Âu và Bắc Ailen, một phần lãnh thổ của vương quốc Anh. Trong văn bản Luân Đôn và Bruxelles vừa đạt được ngày 17/10/2019, các bên không còn đề cập tới đường biên giới gây tranh cãi nói trên. Bắc Ailen thuộc về liên minh thuế quan của Vương Quốc Anh. Điều đó có nghĩa là trong trường hợp hàng hóa của bất kỳ một quốc gia ngoài Liên Hiệp Châu Âu xuất khẩu sang Bắc Ailen nhằm phục vụ thị trường này sẽ tuân thủ hệ thống thuế khóa của nước Anh.
Ngược lại nếu Bắc Ailen chỉ là một trạm trung chuyển trước hàng được bán sang 27 nước còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu, thì thuế hải quan của Liên Âu sẽ được áp dụng. Một trở ngại khác liên quan đến tỷ lệ thuế trị giá gia tăng TVA. Trong thỏa thuận thứ nhì về Brexit với Liên Âu được thông báo hôm 17/10/2019, Luân Đôn đồng ý giữ thuế TVA theo quy định của Liên Hiệp Châu Âu tại Bắc Ailen.
Điểm gây tranh cãi thứ nhì trên chính trường Anh, liên quan đến quy chế của toàn thể Vương Quốc Anh trong Liên Minh Thuế Quan Châu Âu. Tương tự như thỏa thuận chính quyền của thủ tướng Theresa May đã đạt được với Bruxelles hồi tháng 11/2018, các bên khẳng định lại Anh Quốc vẫn là thành viên của liên minh thuế quan này và được hưởng các điều khoản ưu đãi dành cho một thành viên trong thị trường chung châu Âu trong giai đoạn chuyển tiếp. Thời hạn giai đoạn chuyển tiếp đó được ấn định tối thiểu là cho đến cuối 2020 và tối đa là cho tới tháng 12/2022. Đây là thời hạn cần thiết để Luân Đôn đàm phán thêm những thỏa thuận về tự do mậu dịch khác với phần còn lại của thế giới.
Riêng về điểm này, phe đòi dứt khoát chia tay với Liên Âu tại Anh chống đối. Trong khi đó thì Bruxelles chỉ yêu cầu chính phủ Johnson bảo đảm là trong tương lai, nước Anh sẽ không là cửa ngõ để hàng rẻ và kém chất lượng của thế giới tràn vào Liên Hiệp Châu Âu.
 vi.rfi.fr/quoc-te/20191017-chau-au-va-anh-quoc-dat-duoc-thoa-thuan-ve-brexit

Brexit : Thỏa thuận mới với LHCA chờ phán quyết của Nghị Viện Anh

mediaThủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc họp báo tại Bruxelles, Bỉ, ngày 17/10/2019REUTERS/Toby Melville
Thỏa thuận mới về Brexit đạt được vào giờ phút chót hôm qua, 17/10/2019, tại Bruxelles đã được Hội Đồng Châu Âu phê chuẩn ngay trong ngày, nhưng còn phải đưa ra Hạ Viện Anh bỏ phiếu vào ngày mai, trong một phiên họp đặc biệt.
Việc thuyết phục được Nghị Viện Anh sẽ không dễ dàng đối với thủ tướng Johnson : Nhiều nghị sĩ đã lên tiếng không tán đồng văn kiện mới, trong số này có đồng minh Bắc Ailen của ông Johnson là đảng DUP ở Bắc Ireland, hay đảng đối lập Công Đảng.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker, hôm qua, đã cảnh báo là tình hình sẽ trở nên « vô cùng phức tạp » trong trường hợp thỏa thuận bị bác bỏ.
Thông tín viên RFI tại Luân Đôn, Muriel Delcroix, lược qua nhận định của báo chí Anh về cuộc bỏ phiếu ngày mai :
« Bây giờ là ván bài tế nhị. Trên đây là tựa của báo trên mạng The i, nói đến tình huống mà ông Boris Johnson đắc thắng ở Bruxelles phải đối mặt khi trở về Luân Đôn, Một thách thức to lớn để thuyết phục được các nghị sĩ bỏ phiếu cho văn kiện, ngày mai thứ Bảy.
ADVERTENTIE
Các báo ủng hộ Brexit rất ý thức về khó khăn và trên các trang nhất đều đã kêu gọi trực tiếp các nghị sĩ là đừng phá hỏng thỏa thuận.
Thủ tướng đã hoàn thành trách nhiệm của ông, bây giờ đến phiên các nghị sĩ, như tờ Daily Mail yêu cầu. Just do it - Hãy làm đi, tờ Daily Express thúc giục trên trang nhất, và nêu lên kết quả một cuộc thăm dò cho thấy 65% dân chúng muốn Nghị Viện ủng hộ thỏa thuận của chính phủ.
Báo Telegraph thì chạy tựa Hoặc là chọn thỏa thuận của tôi, hoặc là không có thỏa thuận gì cả. Tờ báo mà ông Johnson thường xuyên đóng góp lời nhìn thấy là lãnh đạo Bảo Thủ sẽ ra tối hậu thư cho các nghị sĩ, nhưng ông có thể bị những người chống Brexit bắt bí, đưa ra điều kiện là sẽ bỏ phiếu thỏa thuận, nhưng phải tổ chức trưng cầu dân ý để xác nhận.
Tuy nhiên, đối với tờ báo ủng hộ châu Âu, The Guardian, ông Boris Johnson sẽ phải tự lo liệu một mình sau khi châu Âu từ chối gia hạn thêm Brexit, điều mà thủ tướng Anh rất muốn.
Trước mắt, vì thấy mình chưa tập hợp đủ số người ủng hộ, cho nên, theo tờ Times, thủ tướng Johnson sẽ cố tung ra những đòn thuyết phục trong 24 giờ sắp tới đây để thỏa thuận của ông được chấp nhận, nhất là đối với những người ủng hộ Brexit trong Công Đảng đối lập.
Châu Âu họp về ngân sách hậu Brexit
Ngoài Nghị Viện Anh, thỏa thuận còn phải được Nghị Viện Châu Âu thông qua, kế đến được 27 thành viên Liên Âu phê chuẩn.
Vào hôm nay, lãnh đạo quốc gia châu Âu họp bàn về tương lai sau Brexit, tập trung vào vấn đề ngân sách giai đoạn 2021-2027. Đây là vấn đề thường gây tranh cãi, mất nhiều tháng thương lượng.
Phần Lan, chủ tịch luân phiên châu Âu, đề nghị mức 1,03 đến 1,08% Thu nhập quốc dân – GNI - của khối, tức từ 1000 đến 1.100 tỷ euro cho 7 năm. Tuy thấp hơn đề nghị của Ủy Ban và Nghị Viện Châu Âu, đề nghị này đã làm những nước muốn giảm chi tiêu bất bình. Họ nhắc lại rằng ngân sách của châu Âu khi còn đóng góp của Anh Quốc chỉ là 1% GNI.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191018-brexit-thoa-thuan-moi-voi-lhca-cho-phan-quyet-cua-nghi-vien-anh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten