Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Kurdistan làm thay đổi « thế cờ » tại Syria
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến sang biên giới Syria tại thành phố Tel Abyad. Ảnh ngày 14/10/2019.Reuters
Chiến sự tại Syria lại bước vào một giai đoạn mới. Chủ Nhật ngày 13/10/2019, Damas và lực lượng FDS người Kurdistan tại Syria thông báo đạt được một thỏa thuận liên minh với sự trung gian của Nga. Bước ngoặt này lập lại những thế cờ của một cuộc xung đột dai dẳng kéo dài từ gần chín năm qua.
Đây chính là hệ quả đầu tiên của việc Hoa Kỳ quyết định bỏ rơi đồng minh Kurdistan trong cuộc chiến chống khủng bố. Thông báo quyết định rút quân ra khỏi Syria của Mỹ chẳng khác gì « lộc trời ban » cho Syria.
Tổng thống Bachar al-Assad, mà phương Tây vẫn xem như là « đao phủ » cần phải bị lật đổ, nay « đường đường chính chính » trở lại bàn cờ địa chính trị thế giới. Bị Hoa Kỳ « phản bội » và trước sức tấn công như vũ bão của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng chống thánh chiến người Kurdistan không còn chọn lựa nào khác đành phải thỏa hiệp với chế độ Damas.
Một « thỏa hiệp đau đớn » như tuyên bố của lãnh đạo FDS. Theo đó, Kurdistan phải chấp nhận hai điều kiện chính : Từ bỏ vũ khí và một phần lớn quyền tự trị mà người Kurdistan xây dựng tại vùng đông bắc này.
Với thỏa hiệp này, chế độ Damas có thể tái lập chủ quyền của mình tại vùng lãnh thổ đông bắc, chiếm đến 1/3 diện tích đất nước. Damas thông báo điều hai binh đoàn đến vùng biên giới để ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ « xâm lược ».
Dù vậy, giới quan sát vẫn tỏ ra hoài nghi cho diễn tiến gần đây tại Syria. Chiến sự tại Syria rồi sẽ đi về đâu ? Liệu rằng một cuộc đối đầu trực diện Syria – Thổ Nhĩ Kỳ có thể xảy ra hay không ? Phản ứng của Nga và Iran ra sao ?
Mọi cặp mắt giờ đều đổ dồn về Nga, cho đến lúc này, vẫn làm chủ cuộc chơi tại Syria. Tuy nhiên, với quyết định trên của Mỹ, một câu hỏi được đặt ra : Liệu Matxcơva có thể nào thuyết phục được Ankara hạn chế cuộc tấn công nhắm vào Tall Abyad và Ras al-Ain hay không, tức những vùng có đông người Ả Rập Syria sinh sống ?
Điều này khó xẩy ra. Bởi vì ông Putin cần đến Erdogan trong cuộc chiến mà Damas và Matxcơva tiến hành chống phe nổi dậy đa phần là quân thánh chiến tập trung ở vùng cửa ngõ Idlib, sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở phía tây. Trong khi các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào vùng lãnh thổ do người Kurdistan kiểm soát nằm ở phía đông bắc Syria.
Một hệ quả khác cũng làm cho châu Âu đau đầu : Việc kiểm soát hàng ngàn tù nhân thánh chiến do người Kurdistan giam giữ. Các đợt tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào các khu vực này đã làm phân tán nhiều tên thánh chiến nguy hiểm. Nguy cơ tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo hồi sinh trong khu vực ngày càng lớn. Châu Âu giờ có nguy cơ phải trả giá đắt cho việc phớt lờ lời kêu gọi của đồng minh Kurdistan sớm đưa những tù binh thánh chiến hồi hương.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191014-tho-nhi-ky-tan-cong-kurdistan-syria
Trump bỏ rơi người Kurdistan : Các đồng minh đều lo sợ
Các xe tăng M-60 của Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào thành phố Tukhar (Manbij, miền bắc Syria) ngày 14/10/2019.Aref TAMMAWI / AFP
Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào lực lượng Kurdistan ở miền bắc Syria, hưu chiến thương mại Mỹ-Trung, báo chí Pháp bị hớ trong vụ Dupont de Ligonnès, đó là các hồ sơ chính của báo chí Paris hôm nay 14/10/2019.
Cộng đồng quốc tế bất lực
Trong bài xã luận mang tựa đề « Bất lực », Libération ghi nhận : Pháp đe dọa ngưng giao vũ khí, Donald Trump bóp nghẹt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, bà Angela Merkel kêu gọi ngưng chiến…nhưng ông Recep Tayyip Erdogan lại quyết tâm hơn bao giờ hết.
Tại sao ông ta phải sợ, khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã chứng tỏ sự bất lực - không thể thông qua nghị quyết mà chỉ là một bản tuyên bố ? Và sau khi khuyến cáo Erdogan ngưng các hoạt động quân sự, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ lại loan báo rút đi 1.000 quân…
Hiện nay, việc cộng đồng quốc tế trả đũa Ankara chưa mang lại hậu quả nào, trong khi những gì người Kurdistan phải gánh chịu lại rất rõ. Hôm Chủ nhật 13/10, một đoàn xe chở phụ nữ, trẻ em chạy loạn, được dân quân Kurdistan bảo vệ đã bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ oanh kích. Các quản ngục trại Ain Issa cách Raqqa 50 km đã bỏ chạy, để lại những tù nhân trong đó có cả thân nhân thánh chiến, những đơn vị IS (tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, Daech) đang ẩn mình.
Sự bất lực về chính trị và ngoại giao trước cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria đã phải trả giá đắt. Do không ngăn cản được, cộng đồng quốc tế đành phải làm mọi cách để tránh một thảm họa nhân đạo ; và ngoài sự khủng khiếp của chiến tranh, đó còn là một nỗi nhục.
« Kẻ thù » ngay trong lòng NATO
Tương tự, Le Figaro trong bài xã luận « Kẻ thù bên trong » cũng nhận xét, ông Erdogan chẳng đếm xỉa đến lời cảnh báo của bà Merkel, cũng như việc Pháp-Đức cấm vận vũ khí, hay trừng phạt kinh tế của Mỹ.
Trước chuyến thăm Nhà Trắng vào tháng 11, Erdogan cho rằng trong ba tuần lễ có thể lập ra được một vùng đệm 120 km x 35 km, để chuyển phân nửa trong số 3,6 triệu người tị nạn Syria đến. Theo tờ báo, với một đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ, NATO chẳng cần có kẻ thù, mà chính Ankara đang được Liên minh Bắc Đại Tây Dương « nuôi ong tay áo ».
Trên 130.000 thường dân phải di tản (dự báo của Liên Hiệp Quốc sẽ lên đến 400.000), 800 thân nhân của quân thánh chiến - thế hệ tấn công tự sát tương lai đã đào thoát. Le Figaro đặt câu hỏi, sau món quà này, liệu vị « hoàng đế » Thổ Nhĩ Kỳ có đáng được NATO hỗ trợ ?
Thổ Nhĩ Kỳ và NATO : Chưa ly dị nhưng đã ly thân
Le Monde dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên : « Trước hết, ông Erdogan đã cho phép IS di chuyển và tuyển mộ quân thánh chiến trên lãnh thổ của mình, rồi lại mua hỏa tiễn S-400 của Nga, nay lại tấn công vào người Kurdistan. Tư cách thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ phải được xét lại ».
Tướng Pháp Michel Yakovleff trong một hội thảo ở Paris cũng phát biểu tương tự : « Những diễn biến cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ là mối đe dọa có thực cho NATO, một sự xói mòn ngay từ bên trong ». Tuy nhiên, từ Washington đến Paris, Berlin hay Bruxelles đều tỏ ra thận trọng, vì phải cân nhắc đến vai trò chiến lược của Ankara.
Cơ cấu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang rối loạn sau vụ đảo chính hụt năm 2016, khiến sườn phía nam của NATO bị đe dọa. Một nguồn tin cho biết : « Mấy chục tướng lãnh bị trói tay, 500-600 sĩ quan cao cấp xin tị nạn ở nước ngoài, các sĩ quan mới bảo thủ hơn, thân Nga hơn và không thích NATO ».
Nhưng đối với Hoa Kỳ và châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đồng minh không thể thiếu. Một quân đội với 700.000 binh sĩ, vị trí chiến lược của đất nước, các căn cứ không quân trong đó có một căn cứ cho hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử, sự hiện diện của 900 thành viên người Thổ Nhĩ Kỳ trong cơ cấu của NATO, sự tham gia các chiến dịch quân sự ở Afghanistan, Kosovo…Hơn nữa đến năm 2021 Ankara sẽ chỉ huy lực lượng can thiệp nhanh của NATO.
Chuyên gia Dick Zandee của Viện Quan hệ Quốc tế Hà Lan Clingendael nhận xét : « Chưa thể ly dị ngay, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và NATO nay đang ly thân ».
Người dân chạy trốn khỏi khu vực do lực lượng Kurdistan kiểm soát khi quân Thổ Nhĩ Kỳ tấn công ngày 11/10/2019.Delil SOULEIMAN / AFP
Trump bỏ rơi người Kurdistan : Ai còn có thể tin vào Mỹ ?
Bài phân tích trên Les Echos của tác giả Dominique Moïsi nhận định « Trump bỏ rơi người Kurdistan : Tệ hơn tội ác, đó là sai lầm ». Ông Donald Trump theo chân những người tiền nhiệm Barack Obama và Georges W.Bush, hậu quả là làm yếu đi các đồng minh của Mỹ và tăng cường sức mạnh cho các nước thù địch. Rõ ràng kết quả duy nhất khi Thổ Nhĩ Kỳ mở ra mặt trận mới là sự hỗn loạn, và cũng như năm 2013 sau cuộc chiến Irak, nước thủ lợi nhiều nhất là Iran.
Nhưng lần này, không chỉ đồng minh Kurdistan ở Syria bị phản bội, mà cả khái niệm liên minh. Sau khi người Kurdistan bị bỏ mặc, làm thế nào các đồng minh của Mỹ từ châu Âu, châu Á cho đến Trung Đông lại không cảm nhận một sự bất ổn sâu sắc ? Ngay cả tại Israel, vốn luôn nhấn mạnh mối quan hệ thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo Trump và Netanyahu, việc bỏ rơi người Kurdistan một cách thô bạo đã gây bất mãn. Người Israel tự hỏi, liệu mình có sẽ trở thành nạn nhân sắp tới của Washington hay không ? Nay người ta chỉ có thể trông cậy vào chính mình mà thôi.
Sợi dây mà ông Donald Trump vừa giật đứt khó thể kết nối lại. Sự tin cậy được hình thành một cách chậm chạp nhưng lại mất đi rất dễ dàng và đôi khi là vĩnh viễn. Hàng ngàn chiến binh Kurdistan đã hy sinh mạng sống để lãnh địa tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo thu hẹp lại như miếng da lừa và biến mất. Thế nhưng một cựu quan chức Mỹ lại biện minh « Đó chỉ là một liên minh chiến thuật không lâu bền ».
Thời kỳ của luật rừng
Theo tác giả Moïsi, tuy khái niệm đạo lý thường ít có trọng lượng trước chính sách thực dụng, nhưng không thể quá đáng ; nhất là khi sự tai ác lại đi kèm với bất tài, thiếu quyết đoán và sự thiếu vắng tầm nhìn chiến lược. Ông Trump tuần rồi đã đặt câu hỏi : « Người Kurdistan có chiến đấu bên cạnh chúng ta tại Normandie hồi năm 1944 ? ».
Thực tế, khi bật đèn xanh cho ông Erdogan, ông Donald Trump không quan tâm đó có phải là điều tốt cho Trung Đông, thậm chí cho Hoa Kỳ hay không, mà chỉ nhắm đến việc tái đắc cử, trong lúc đang gặp khó khăn vì phe Dân Chủ tiến hành thủ tục truất phế.
Người Kurdistan là nạn nhân của ý định tại vị của hai tổng thống Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự leo thang bạo lực ở Syria là minh họa hoàn hảo cho tình trạng trật tự thế giới hậu chiến bị phá vỡ. Một nước Mỹ gây rối loạn, những nhà lãnh đạo không tôn trọng truyền thống ngoại giao, thường dân trở thành con tin cho những tính toán sai lầm và tham vọng, một tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo có thể tái sinh từ đống tro tàn, và một châu Âu bị bắt bí.
Ông Erdogan đã đe dọa : « Đừng có nói với tôi từ ‘xâm lược’, nếu không tôi sẽ gởi sang châu Âu 3,6 triệu người Syria đang tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ ». Một vụ săng-ta đáng xấu hổ, nhắc nhở rằng chúng ta đang ở vào thời kỳ mà kẻ mạnh làm ra luật lệ.
Thương chiến Mỹ-Trung : Tập Cận Bình chịu thiệt nhưng chưa vội nhượng bộ
Về kinh tế, Les Echos, Le Monde và Le Figaro đều đề cập đến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Các báo cho rằng cuộc hưu chiến hiện nay vẫn chưa thể chấm dứt được những quan ngại.
Le Figaro nhận xét, tuy tổng thống Donald Trump nhắc đi nhắc lại rằng sẽ không chấp nhận một thỏa thuận nửa vời, nhưng từ thứ Sáu tuần trước, ông lại biện minh cho giải pháp tạm thời này mà ông đặt tên là « giai đoạn 1 », vốn là điều mà Trung Quốc vẫn mong muốn.
Tuy vậy Washington vẫn có được một số lợi ích, chủ yếu là mối đe dọa đánh thuế lên 360 tỉ đô la hàng Trung Quốc vẫn còn treo lơ lửng. Một áp lực lớn đối với Bắc Kinh, hiện đang thiệt thòi vì cuộc chiến thương mại nhiều hơn Washington, và cần có « giai đoạn 2 » để dỡ bỏ trừng phạt khiến xuất khẩu của Trung Quốc phải khốn đốn.
Một lợi ích khác là nhượng bộ duy nhất của Donald Trump vẫn còn « ảo » : tạm chưa áp dụng trừng phạt bổ sung từ 25% lên 30% lên 250 tỉ đô la hàng Trung Quốc. Ngoài ra, vấn đề nhạy cảm là việc Hoa Vi bị cấm mua công nghệ Mỹ cũng không nằm trong chương trình đàm phán. Về đối nội, Nhà Trắng cũng ghi điểm với việc Trung Quốc hứa mua 40 đến 50 tỉ đô la nông sản Mỹ, rất cần thiết cho cử tri vùng trung tây.
Bất lợi là ở chỗ thiếu vắng các văn bản cụ thể hóa, mà các vấn đề thường nảy sinh ở những chi tiết. Những người chỉ trích cho rằng những điểm chính trong « giai đoạn 1 » thật ra đã đạt được cách đây hơn một năm, còn lời hứa không lũng đoạn tiền tệ của Bắc Kinh thì không có gì mới. Hơn nữa, « giai đoạn 1 » vẫn không làm rõ về chuỗi cung ứng, đang làm đầu tư sút giảm từ nhiều tháng qua.
Một vấn đề nữa : làm thế nào chuyển sang « giai đoạn 2 », vẫn được cho là sẽ gồm cả nhượng bộ lớn của Bắc Kinh về chuyển giao công nghệ và trợ giá cho những ngành chiến lược – mục tiêu chính của đại diện thương mại Bob Lighthizer. Tập Cận Bình có thể tính toán, chờ xem Donald Trump có tái đắc cử không trước khi nhượng bộ, và như vậy ông Tập không vội vã so với ông Trump để chuyển sang giai đoạn kế tiếp.
Kinh tế Hồng Kông sa sút, người giàu tìm cách ra đi
Còn tại Hồng Kông, « Hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chính trị », theo Le Monde. Tương tự với Les Echos : « Căng thẳng tăng lên khiến kinh tế sa sút ».
Có 200 nhà hàng tại Hồng Kông đã phải đóng cửa, doanh số bán lẻ hàng xa xỉ sụt mất 50%. Hồng Kông đang đối mặt với nạn suy thoái đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, với GDP giảm 0,4% trong quý 2 và sẽ còn tệ hơn trong quý 3.
Những người giàu nhất đang tính đến việc ra nước ngoài định cư. Các nước được nhắm đến nhiều nhất là các quốc gia nói tiếng Anh có cộng đồng người Hoa đông đảo như Úc, Hoa Kỳ, Canada ; nhưng những người mới về hưu và các cặp vợ chồng trẻ thích chọn châu Âu. Gần đây một số nước châu Á cũng được quan tâm như Đài Loan, Malaysia, Thái Lan. Một công ty tư vấn định cư cho biết mỗi tháng nhận được khoảng 1.000 yêu cầu, tăng gấp ba so với đầu năm, và doanh số tăng lên gấp bốn lần.
Bài học cho làng báo Pháp từ vụ bắt lầm một nghi can
Về nước Pháp, các báo đều đề cập đến vụ bắt nhầm một người bị cho là Dupont de Ligonnès, nghi can đã sát hại vợ và bốn đứa con hồi năm 2011 tại Nantes. Đây là một trong những nghi án lớn nhất trong những năm gần đây, đã có đến 800 lần các nhà điều tra phải mừng hụt.
Lần này các báo Paris và nhất là hãng tin AFP đều vội vã đưa tin Dupont de Ligonnès đã bị bắt tại Glasgow khi vừa xuống máy bay. Theo cảnh sát Scotland, dấu vân tay đúng là của nghi can, nhưng phía Scotland chỉ dựa vào 5 điểm giống nhau còn Pháp đòi hỏi đến 12. Xét nghiệm ADN rốt cuộc cho thấy người bị bắt chỉ là một người hưu trí bình thường.
Một nhà báo Le Monde cho biết đã kiểm tra đến hai nguồn tin, thêm vào đó là bản tin AFP nên mới cho đăng, hơn nữa tin này lại được đưa ra vào 21 giờ tối thứ Sáu cuối tuần. Bài học rút ra cho làng báo là phải thận trọng gấp đôi trước những vụ án ly kỳ kiểu này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191014-trump-bo-roi-nguoi-kurdistan-cac-dong-minh-deu-lo-so
Geen opmerkingen:
Een reactie posten