Biển Đông : Việt Nam lên án Trung Quốc vi phạm chủ quyền tại hội nghị ASEAN
Một hòn đảo không có người ở thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Không ảnh chụp ngày 21/04/2017.REUTERS/Erik De Castro/File Photo
Trong hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc về việc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM-DOC) lần thứ 18 tổ chức tại Đà Lạt hôm qua 15/10/2019, Việt Nam tố cáo Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, gây tác động tiêu cực cho an ninh khu vực.
Tuổi Trẻ và VnExpress dẫn lời thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, nhấn mạnh « những diễn biến phức tạp » trên Biển Đông đã cho thấy sự cấp thiết cần có Bộ quy tắc ứng xử ASEAN-Trung Quốc (COC) để ngăn ngừa những hành động tương tự trong tương lai. Theo ông, các hành vi của Trung Quốc gây bất lợi cho cuộc đàm phán về COC.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng khẳng định lập trường của Việt Nam về Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Tuyên bố trên được đưa ra trước các quan chức cấp cao của 9 nước ASEAN và Trung Quốc. Tuy không giữ vai trò chủ tọa (Trung Quốc và Philippines đồng chủ trì hội nghị), nhưng đoàn Việt Nam thẳng thừng tố cáo các hành vi đơn phương của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Như vậy đã Hà Nội bắt đầu mạnh dạn hơn, sau khi phó thủ tướng Phạm Bình Minh trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 28/9 đã bày tỏ lo ngại về việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, nhưng không nêu đích danh Trung Quốc.
Từ đầu tháng 7/2019, Bắc Kinh đã đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với các tàu hải cảnh xâm nhập bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn không phải là vùng tranh chấp.
Nhóm tàu này vẫn liên tục hoạt động bất chấp các phản đối của Việt Nam. Trên thực địa hôm nay, theo trang Đại sự ký Biển Đông, tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã vào cách đất liền Việt Nam chỉ có 70 hải lý, và khi một tàu cảnh sát biển Việt Nam ngăn chận, đã bị hai tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát đe dọa.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20191016-bien-dong-viet-nam-len-an-trung-quoc-vi-pham-chu-quyen-tai-hoi-nghi-asean
Biển Đông: Trung Quốc lại kêu gọi đối thoại sau khi bị Việt Nam tố cáo
Ảnh vệ tinh ngày 12/05/2018 phát hiện điều được cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI (CSIS) cho là triển khai các loại vũ khí mới tại căn cứ quân sự của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) ở Biển Đông.Courtesy CSIS Asia Maritime Transparency Initiative/DigitalGlobe
Trung Quốc hôm 16/10/2019 lại kêu gọi đối thoại hòa bình, sau khi bị Việt Nam tố cáo vi phạm chủ quyền tại Biển Đông.
South China Morning Post và Global Times dẫn lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong cuộc họp báo hôm qua cho biết : « Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục giải quyết bất đồng trên biển thông qua đối thoại và thương lượng, nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông qua các hành động thiết thực ».
Tuyên bố hôm qua của Bắc Kinh được đưa ra sau khi tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc cử tri tại Hà Nội ngày 15/10 đã khẳng định Việt Nam sẽ « không bao giờ nhân nhượng » trong vấn đề chủ quyền, tuy nhiên cũng cần « một môi trường hòa bình » để duy trì sự phát triển. Cũng theo ông Trọng, việc xử trí mối quan hệ giữa hai nước không hề đơn giản, nhưng không có nghĩa là nhượng bộ bất cứ thứ gì một cách vô nguyên tắc.
Cùng ngày, trong hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc về việc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM-DOC) lần thứ 18 tổ chức tại Đà Lạt, Việt Nam tố cáo Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, gây tác động tiêu cực cho an ninh khu vực.
Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, nhấn mạnh « những diễn biến phức tạp » trên Biển Đông đã chứng tỏ sự cấp thiết cần có Bộ quy tắc ứng xử ASEAN-Trung Quốc (COC) để ngăn ngừa những hành động tương tự trong tương lai. Theo ông, các hành vi của Trung Quốc gây bất lợi cho cuộc đàm phán về COC.
Trên Twitter, chuyên gia Derek J.Grossman của RAND Corporation bình luận : « Việt Nam tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc về COC – một dự thảo đã bị trì hoãn từ 2002 ! Hà Nội muốn Bắc Kinh chấm dứt việc xây dựng đảo nhân tạo, không đưa ra bất kỳ vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nào trong tương lai, không triển khai vũ khí tác chiến và tuân thủ luật pháp quốc tế (chứ không phải là đường lưỡi bò). Tốt ! »
Đây là lần thứ hai, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đưa ra lời kêu gọi « đối thoại ». Trước đó hôm 18/9, khi được hỏi về việc phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tố cáo Bắc Kinh đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 xâm phạm bãi Tư Chính, Cảnh Sảng khẳng định các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông là « hợp pháp, chính đáng, không thể chê trách ». Ông nói : « Chúng tôi mong muốn tiếp tục làm việc với phía Việt Nam để giải quyết một cách đúng đắn vấn đề thông qua tham vấn hữu nghị ».
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20191017-bien-dong-trung-quoc-keu-goi-doi-thoai-sau-khi-bi-viet-nam-to-cao
Nguyễn Phú Trọng: “Không nhân nhượng”, nhưng “khôn khéo” về Biển Đông
Ảnh tư liệu: Ông Nguyễn Phủ Trọng chủ trị hội nghị Trung ương 10 của đảng Cộng Sản Việt Nam, Hà Nội, ngày 16/05/2019.copy d'ecran
Trong buổi tiếp xúc với cử tri tại Hà Nội hôm qua, 15/10/2019, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại nói về Biển Đông, vấn đề mà theo ông, Việt Nam nên giải quyết một cách “kiên quyết”, nhưng “khôn khéo”.
Theo báo chí trong nước, khi nói về Biển Đông, ông Nguyễn Phú Trọng, lưu ý, “cần phải đặt vấn đề trong tổng thể, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập, nhưng phải giữ được môi trường hòa bình để phát triển”.
Vẫn tránh nêu tên Trung Quốc, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, cho rằng xử lý mối quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh “không hề đơn giản”, “ phải khôn khéo, mềm dẻo”, đồng thời tuyên bố “ không nhân nhượng” về độc lập chủ quyền dân tộc.
Nhân dịp này, ông Nguyễn Phú Trọng cho biết là Hội nghị Trung ương vừa rồi đã dành một buổi nghe báo cáo vấn đề Biển Đông “để tạo sự thống nhất”.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương hôm 07/10, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam đã kêu gọi Ban Chấp hành Trung ương “ phân tích, dự báo tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra, những thời cơ, thuận lợi, những khó khăn, thách thức », nhưng không nói cụ thể đến vụ tàu Trung Quốc xâm nhập khu vực Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị hôm 12/10, ông Trọng chỉ nêu lên yêu cầu chung chung là“ kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ cở luật pháp quốc tế.”
Ngày 14/10 vừa qua, chính quyền Việt Nam đã cho tổ chức tại Hà Nội cuộc tọa đàm thứ hai về Biển Đông, cụ thể là về “Quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông theo luật pháp quốc tế”. Theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ, trong buổi tọa đàm, tổng cục trưởng Tổng cục Biển đảo Tạ Đình Thi nhấn mạnh rằng nhận thức của dư luận Việt Nam về biển cũng còn hạn chế. Cho nên tọa đàm chủ yếu nói về thực trạng tự nhiên, pháp lý, kiến thức về những quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982…
Trước đó, ngày 06/10, một cuộc tọa đàm về « Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật Pháp Quốc tế », quy tụ nhiều nhân sĩ trí thức tên tuổi ở Việt Nam, cũng đã diễn ra tại Hà Nội. Các nhân sĩ, trí thức tham gia một buổi tọa đàm đều cho rằng đã đến lúc chính quyền Việt Nam phải kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.
vi.rfi.fr/viet-nam/20191016-nguyen-phu-trong-khong-nhan-nhuong-ve-bien-dong
Geen opmerkingen:
Een reactie posten