maandag 3 december 2018

Việt Nam lún sâu hơn trong thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc : tăng 13% lên tới 21.6 tỷ USD

Việt Nam lún sâu hơn trong thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc


Việt Nam có 24 cửa khẩu quốc tế với các nước láng giềng, hàng nhập cảng lậu đi công khai.(Hình: DTnews)
HÀ NỘI (NV) – Việt Nam tiếp tục thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc nặng hơn nữa, theo các con số thống kê về tình hình xuất nhập cảng giữa Việt Nam với Trung Quốc của 11 tháng trong năm 2018.
Theo các con số của Tổng Cục Thống Kê của Bộ Công Thương CSVN, trong 11 tháng của năm 2018, Việt Nam đã xuất cảng sang Trung Quốc một số lượng hàng hóa trị giá khoảng $38.1 tỷ, tăng 23.2% so với cùng kỳ năm ngoái. và nhập cảng $59.7 tỷ, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017. So ra Việt Nam bị thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc $21.6 tỷ.
Gần đây, bản thống kê của Tổng Cục Hải Quan CSVN cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất cảng sang Trung Quốc một số lượng hàng hóa các loại trị giá $33.48 tỷ, tăng 26.8% so với cùng thời gian năm ngoái và chiếm 16.6% trong tồng số hàng hóa xuất cảng đi khắp nơi. Trong khi đó, Việt Nam nhập cảng từ Trung Quốc một số lượng hàng hóa trị giá $53.39 tỷ, chiếm tỷ lệ 27.4% trong tống số trị giá hàng hóa nhập cảng và gia tăng 13.4% so với cùng thời kỳ của năm ngoái. Như vậy, thâm thủng mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc là 18.81 tỷ trong 10 tháng vừa qua.
Theo tài liệu của Tổng Cục Thống Kê nói trên, Mỹ vẫn là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam với với số lượng hàng hóa các loại trị giá $43.7 tỷ, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, đáng nói nhất lại là đồ điện tử giá trị cao như điện thoại di động của Samsung đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Thống kê cho thấy, xuất cảng mặt hàng điện thoại và linh kiện có mức tăng trưởng cao nhất, lên đến gần 50%.
Tháng trước, Tổng Cục Hải Quan CSVN cho hay trong 9 tháng đầu của năm 2018, xuất cảng hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt $28.8 tỷ, tăng 29.9% và nhập cảng hàng hóa của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc đạt 47.25 tỷ, tăng 12.8%. Như vậy, thâm thủng mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc trong 9 tháng đầu của năm 2018 là $18.45 tỷ.
Con số thâm thủng mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc mỗi ngày một phình to hơn theo từng tháng chứ không hề giảm.
Đầu Tháng Mười Một, khi sang Thượng Hải tham dự “Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc 2018 và Diễn đàn Kinh tế Thương mại Quốc tế Hồng Kiều,” ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Dịp này, theo TTXVN, ông Phúc “đề nghị Trung Quốc mở cửa, tạo điều kiện cho hàng hoá Việt Nam vào Trung Quốc; có chính sách và biện pháp thiết thực để giảm mức nhập siêu lớn hiện nay của Việt Nam, hướng tới thương mại song phương tăng trưởng ổn định, bền vững.”
TTXVN cũng thuật lời ông Tập Cận Bình “nhấn mạnh, Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu với Việt Nam và sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam để thương mại hai nước phát triển theo hướng cân bằng, bền vững.”
Không phải lần đầu tiên Hà Nội thúc giục Bắc Kinh mở cửa rộng hơn để gia tăng nhập cảng hàng hóa từ Việt Nam. Các quan chức hàng đầu của Hà Nội lập đi lập lại điều này mỗi khi gặp đối tác Bắc Kinh suốt nhiều năm qua.
Hồi giữa Tháng Năm 2018, Bộ Tài Chính Hà Nội kêu rằng Việt Nam “chi hơn $250 tỷ để nhập khẩu hàng từ Trung Quốc nhưng ở chiều ngược lại Việt Nam chỉ xuất khẩu được trị giá hơn $100 tỷ, điều này dẫn đến thâm hụt thương mại nặng nề gần $150 tỷ giữa Việt Nam với Trung Quốc trong thời gian gần 6 năm qua” mà “lượng nhập khẩu vẫn gia tăng hàng năm.”
Thời gian nổ ra vụ kình chống giữa Việt Nam với Trung Quốc khi Bắc Kinh đưa giàn khoan khổng lồ HD981 tới phía Nam quần đảo Hoàng Sa dò tìm dầu khí hồi năm 2014 làm quan hệ giữa hai nước Cộng Sản anh em chùng xuống thật thấp, có nhiều lời kêu gọi “thoát Trung” ở trong nước. Nhưng những con số thống kê vẫn cho thấy thực tế khác hẳn.
Nếu kinh tế của Việt Nam vẫn càng ngày càng lún sâu vào vòng lệ thuộc Trung Quốc, người ta cũng từng thấy có những lời cảnh báo Trung Quốc có thể dùng thương mại như một võ khí khi tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo giữa Việt Nam với Trung Quốc trở nên nghiêm trọng hơn.
Hà Nội nhập cảng phần lớn nguyên phụ liệu để sản xuất hàng dệt may, các chế phẩm tiêu dùng, máy móc trong khi xuất cảng sang Trung Quốc phần lớn là nông sản và quặng mỏ thô. Xuất cảng sang Trung Quốc đồ điện tử, công nghệ cao lại từ các công ty ngoại quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Thống kê đưa ra các con số thâm thủng mậu dịch giữa Việt Nam với Trung Quốc không kể đến một lượng hàng hóa khổng lồ nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam từ đường biển đến các cửa khẩu trên đất liền có dịch vụ “biên mậu.” Người ta từng thấy có những tranh cãi về thống kê xuất nhập cảng giữa hai nước “vênh nhau” tới $20 tỷ.
Hồi Tháng Tư, người ta thấy nêu ra tại “Hội thảo nâng cao hiệu quả phối hợp giữa doanh nghiệp và lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” do “Cục Quản Lý Thị Trường (Bộ Công Thương CSVN) tổ chức là hàng lậu, hàng giả vẫn tràn lan trên thị trường. (TN)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/viet-nam-lun-sau-hon-trong-tham-thung-mau-dich-voi-trung-quoc/
Úc và Mỹ dùng đảo nhỏ chống Trung Quốc trên Biển Đông
Copyright © 2018, Người Việt Daily News
Bài liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten