vrijdag 8 januari 2016

Bom H có sức mạnh khủng khiếp hơn so với quả bom ở Hiroshima + 70 năm Hiroshima: Ngọn lửa hạt nhân vẫn ám ảnh Nhật Bản

Bom H có sức mạnh khủng khiếp hơn so với quả bom ở Hiroshima

mediaVụ nổ thử bom H đầu tiên, "Ivy Mike", ngày 01/11/1952, gần đảo Bikini, giữa Thái Bình Dương.Wikimedia
Bom H hay bom khinh khí, bom nhiệt hạch mà Bắc Triều Tiên khẳng định đã thử thành công hôm qua 06/01/2016, là loại bom có sức công phá mãnh liệt hơn nhiều so với hai quả bom A đã thả xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945.
Bom A giải thoát ra năng lượng nhờ kỹ thuật phân hạch các nhân nguyên tử uranium hay plutonium. Còn bom H sử dụng trước hết là kỹ thuật phân hạch, rồi đến kỹ thuật hợp hạch theo phản ứng dây chuyền. Cho đến nay, chưa có quả bom H nào được dùng đến trong chiến tranh, mà chỉ cho nổ thử nghiệm.
Cụ thể hơn, bom H hay bom khinh khí, dựa trên nguyên tắc hợp nhất các nhân nguyên tử, giải thoát ra khối năng lượng còn lớn hơn cả nhiệt độ và áp suất ở trung tâm Mặt Trời. Khi một quả bom H nổ tung, thì các vụ nổ hóa học, nguyên tử và nhiệt hạch liên tục diễn ra trong một thời gian cực ngắn. Một quả bom phân hạch đầu tiên làm cho nhiệt độ tăng lên vô cùng cao, gây ra quá trình hợp hạch tiếp theo.
Ngày 01 tháng 11 năm 1952, Hoa Kỳ đã bí mật cho nổ loại bom mới này tại quần đảo Marshall ở giữa Thái Bình Dương. Một năm sau đó, đến lượt Liên Xô loan báo thử bom nhiệt hạch. Sức mạnh của quả bom H lớn nhất từ trước đến nay của Nga, mang tên « Tsar Bomba » được thử nghiệm vào ngày 30 tháng 10 năm 1961 ở trên bầu trời Bắc cực, là 57 mégatonne tức 57 triệu tấn. Về mặt lý thuyết, quả bom H này mạnh gấp 4.000 lần quả bom A thả xuống Hiroshima.
Còn bom A, được gọi chung là bom nguyên tử, sử dụng nguyên tắc phân rã các nhân nguyên tử. Có hai dạng, một là bom nguyên tử dùng uranium được làm giàu, dạng thứ hai dùng plutonium. Vụ nổ thử quả bom A đầu tiên diễn ra vào tháng Bảy năm 1945 tại vùng sa mạc New Mexico của Hoa Kỳ, cho thấy sức mạnh hủy diệt của bom nguyên tử.
Năng lực của quả bom uranium thả xuống Hiroshima là 15 kilotonne, tức 15 ngàn tấn. Còn quả bom ở Nagasaki dùng plutonium, có sức mạnh gần tương đương là 17 kilotonne, tức ngang với 17 ngàn tấn thuốc nổ TNT. Bốn năm sau, Liên Xô cho nổ quả bom Á đầu tiên của mình vào ngày 29 tháng Tám năm 1949 tại sa mạc vùng Kazachstan.
Kỹ thuật thu nhỏ quả bom là giai đoạn quyết định, vì giúp gắn đầu đạn nguyên tử vào hỏa tiễn. Theo Bình Nhưỡng, quả bom H cho nổ hôm qua đã được « thu nhỏ ». Hồi tháng 05/2015, Bắc Triều Tiên cũng đã khẳng định có khả năng bắn ra các đầu đạn nguyên tử từ các hỏa tiễn tầm xa có độ chính xác cao. Nhưng Nhà Trắng cho là không mấy tin Bình Nhưỡng có thể thu nhỏ vũ khí hạt nhân.
Hiện nay trên thế giới có ít nhất 9 nước sở hữu vũ khí nguyên tử. Năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc được chính thức coi là các cường quốc nguyên tử : Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp. Theo các chuyên gia, tất cả năm quốc gia này đều sở hữu bom khinh khí.
Theo nhà phân tích Hans Kristensen của Federation of American Scientists (FAS), thì kho vũ khí của Mỹ, Anh và Pháp hiện nay hầu hết là vũ khí nhiệt hạch. Nga cũng có bom H, nhưng vẫn còn loại bom A. Ấn Độ (1974) và Pakistan (1998) đã gia nhập nhóm các cường quốc nguyên tử, cũng như Israel, nhưng chưa bao giờ được nhìn nhận. Cả ba nước này chỉ có các bom A, theo các chuyên gia.
Bắc Triều Tiên hôm qua loan báo thử nghiệm quả bom H đầu tiên, đã ba lần thử bom A vào các năm 2006, 2009, 2013, dẫn đến việc bị Liên Hiệp Quốc ra nhiều nghị quyết trừng phạt. Cuối cùng, Iran hồi tháng 07/2015 đã ký kết với các cường quốc (Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và Đức) một thỏa thuận hạt nhân quy định hạn chế chương trình nguyên tử Iran, để đổi lấy việc dỡ bỏ một phần các trừng phạt của nguyên tử, và việc dỡ bỏ này vẫn có thể xem xét lại.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160107-bom-h-hiroshima-qt-vk-hn

70 năm Hiroshima: Ngọn lửa hạt nhân vẫn ám ảnh Nhật Bản

mediaĐèn lồng được thả trên sông Motoyasu tưởng niệm các nạn nhân bom nguyên tử Hiroshima cách đây 70 năm, ngày 06/08/2015.REUTERS/Thomas Peter
"Little Boy" đó là cách người Mỹ gọi tên quả bom mà họ thả xuống Nhật Bản ngày 06/08/1945 dẫn đến thảm họa Hiroshima và ba ngày sau đó là Nagasaki. 70 năm sau, đúng 8 giờ 15, giờ quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới phát nổ, những hồi chuông đã vang lên tại Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima cử hành lễ tưởng nhớ các nạn nhân.
Khi quả bom nguyên tử do chiếc máy bay ném bom B-29 Enola Gay thả xuống và phát nổ ở độ cao 600 m phía trên thành phố Hiroshima , 300.000 người dân đã bị đập mạnh bởi 16 ngàn tấn TNT. Quả cầu lửa khổng lồ do quả bom nguyên tử Little Boy phát ra đã tỏa một sức nóng 1 triệu độ Celsius. Trên mặt đất, nhiệt độ lên đến 4000 độ C, đủ để làm tan chảy các tảng băng.
Nỗi đau đớn khiếp hãi
Ngay đúng thời điểm đó 75.000 người, đàn ông, phụ nữ và trẻ con, đã bỏ mạng tại chỗ. 50.000 khác chết dần chết mòn những tháng sau đó. 70 năm sau ngày thảm họa này, những người sống sót vẫn luôn bị ám ảnh bởi những thi thể bị cháy xém, bị nung chảy, những gương mặt phồng rộp, những mụn da đang rớt khỏi tứ chi... Rồi đến những cơn đau nhức không thể nào chịu nỗi mà những người đã trải qua nỗi khiếp hãi đó giờ vẫn còn cảm nhận được.
Mức độ phát xạ cao đeo bám theo nhiều người sống sót. Rất ít các bác sĩ và y tá những người đã thoát được địa ngục nhanh chóng nhận ra mức tàn phá do sự nhiễm xạ gây ra trên cơ thể. Một loại bệnh mới làm cho tóc và răng rụng, chảy máu lợi, và làm vỡ các mạch máu. Hiện tượng nhiễm trùng liên tiếp xảy ra, không thể nào chữa trị được. Tiếp đến là chứng rối loạn mạch máu rồi dẫn đến tử vong. Đàn ông bị vô sinh, phụ nữ mang thai phải phá thai hoặc cho ra đời những đứa trẻ bị biến dạng...
Trước những vết thương cho đến giờ chưa từng biết đến, rất nhiều người sống sót quá hãi sợ đến mức tự cô lập mình, vì sợ bị lây nhiễm cơn đau bí ẩn đó. Những 'hibakusha' theo như cách gọi bằng tiếng Nhật những người còn sống sót bị nhiễm xạ từ bom nguyên tử, có thể đã gặp khó khăn trong việc lập gia đình hay tìm kiếm việc làm những năm sau 1945. Người ta ước tính hiện vẫn còn gần 200.000 hibakusha vẫn còn sống tại Nhật.
Vào ngày 09/08/20145, đến lượt Nagasaki. Một quả bom plutonium còn mạnh hơn cả quả bom thả xuống Hiroshima. 74.000 người bị giết. Bằng hai quả bom nguyên tử của Mỹ vào hai ngày 06 và 09 tháng 8 năm 1945 tại Nhật Bản, tổng cộng có 250.000 người chết. Hai quả bom nguyên tử này, hai quả đầu tiên trong lịch sử và cũng là cuối cùng đã được sử dụng trong một cuộc xung đột mang đến một đòn chí mạng cho "Đế chế Mặt trời mọc", vốn dĩ cũng đã bắt đầu hụt hơi. Ngày 15/08/1945, Nhật hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng trước các đồng minh đặt dấu chấm hết cho Đệ Nhị Thế Chiến.
Từ Hiroshima đến Fukusshiam, mối quan hệ không rõ ràng của Nhật Bản với hạt nhân
Hai quả bom nổ chỉ cách nhau có ba ngày, hàng trăm ngàn người đã mất mạng do chính những thử nghiệm của quân đội Mỹ. Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt nhưng sự kiện cũng đã làm thay đổi sâu sắc xã hội Nhật Bản. Nhưng có lẽ tạo hóa trêu ngươi, đất nước Nhật Bản có lẽ cũng khó mà kết thúc được với hiểm họa. Bởi lẽ một lần nữa, xứ sở Hoa anh đào lại bị giáng một cú mạnh vào năm 2011. Và lần này là tại Fukushima.
Việc sử dụng bom A, thả xuống từ một chiếc máy bay của Hoa Kỳ vào ngày 06/08/1945 tại Hiroshima nhất thời đã chuyển Nhật Bản từ vị thế kẻ gây hấn thành nạn nhân. Sau chiến tranh, những tội ác phạm phải kể từ những năm 1930 của quân đội Nhật Bản tại Tiều Tiên và Trung Quốc chưa từng là đối tượng của một công trình tưởng niệm nào, trái với trường hợp nước Đức sau cú sốc phiên xử Nuremberg. Nhưng chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản vẫn tồn tại sau Đệ Nhị Thế Chiến, đến mức vẫn có thể gây căng thẳng trong khu vực.
Tuy vậy, nước Nhật cũng rất bám chặt với chủ nghĩa hiếu hòa, sản sinh từ chấn thương do quả bom nguyên tử gây ra. Người dân Nhật Bản hiện có cái nhìn nghi kỵ những ý đồ của Thủ tướng muốn sửa đổi Hiến Pháp, vốn được thụ thai từ chủ nghĩa hiếu hòa đó. Nhưng điều đó cũng không đủ ngăn cản Nhật Bản tự trang bị cho mình hàng chục trung tâm khai thác hạt nhân dân sự từ năm 1954. Lý do thật đơn giản: ngay từ năm 1945, bom nguyên tử nổ tại hai thành phố Nhật Bản được giới cầm quyền nhìn như là bằng chứng của một sự chậm trễ công nghệ đáng xấu hổ. Hoa Kỳ thắng Nhật Bản nhờ vào những tiến bộ khoa học.
Trước hết các nạn nhân của Hirosshima và Nagasaki đã biết thế nào là kiểm duyệt dưới sự chiếm đóng của Ho Kỳ, do Washington không muốn người ta nói về hai thành phố này. Rồi 10 năm sau đó, cuộc đua tăng trưởng kinh tế còn đẩy họ ra xa hơn nữa. Do đó, họ tụ tập lại, họ lên tiếng. Mộ số nạn nhân đã tìm cách kiện việc sử dụng bom nguyên tử nhưng bất thành. Thông điệp của họ đã trở thành tiếng nói cho những phong trào chống hạt nhân, tại một đất nước trong sâu thẳm, đã ưu tiên cho tiến bộ hơn là ký ức. Cho đến lúc mà những rủi ro hạt nhân, dù đó là dân sự lại bám lấy họ một lần nữa.
Fukushima cũng đã nếm mùi hạt nhân
Ngày 11/03/2011, trận động đất ngoài khơi Nhật Bản trên Thái Bình Dương, tạo ra một cơn sóng thần khủng khiếp. Cơn sóng này đã gây ra một tai nạn công nghiệp quan trọng (cấp 7, mức cao nhất) tại trung tâm khai thác hạt nhân Fukushima – Daichi, nằm cạnh bờ biển.
Gần 20.000 người đã bỏ mạng, cả khu vực buộc phải sơ tán khẩn cấp và các hoạt động hạt nhân của Nhật sau đó đã bị chỉ trích mạnh mẽ. Một chấn thương mới với một tầm mức lớn chưa từng có. Đối với những nạn nhân mới của nguyên tử, kỷ niệm Hiroshima mang đến một cơ hội để chỉ trích chính sách ủng hộ hạt nhân của chính phủ hiện nay.
Về lễ tưởng niệm 70 năm quả bom A được thả xuống Hiroshima, thông tín viên RFI tại khu vực Đông Á Frederic Ojardias đã có dịp xuống tận vùng Fukushima. Nhất là anh đã gặp Hasegawa Hiroshi, nhà khoa học và cũng là nhà đấu tranh chống hạt nhân. Ông Hiroshi còn là người điều hành « phòng thí nghiệm công dân » để đo lường nồng độ chất phóng xạ ngay tại thành phố Fukushima. Không những ông chỉ trích mạnh mẽ chính sách ủng hộ hạt nhân của chính quyền Shinzo Abe, ông còn lên án cách thức tổ chức âm thầm lặng lẽ lể tưởng niệm 70 năm vụ nổ Hiroshima của chính phủ.
Ông Hasegawa Hiroshi giải thích : « Người dân Nhật Bản rất dị ứng với hạt nhân, kể từ khi hai thành phố Hiroshima và Nagasaki là nạn nhân của hai quả bom nguyên tử. Nhưng từ 40 năm nay, các chính khách vẫn cố gắng thuyết phục người dân là việc sử dụng hoàn bình năng lượng hạt nhân là một điều tốt. Điều đó cũng tác động trong giáo dục : bởi vì chính phủ kiểm duyệt cả sách giáo khoa. Họ muốn hạn chế việc giảng dạy về chủ đề bom nguyên tử (tại Hiroshima). Bởi vì nếu như bạn nghiên cứu từng chi tiết những gì xảy ra trong quá khứ, bạn sẽ suy nghĩ gì về ngành công nghiệp hạt nhân và các trung tâm hạt nhân đó ? ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150808-hiroshima-nb

Geen opmerkingen:

Een reactie posten