Thứ ba, 21/10/2014 | 17:21 GMT+7
Hồi chuông cảnh tỉnh người muốn chinh phục 'Nóc nhà thế giới'
Trận bão tuyết quét qua dãy Himalaya, ập xuống khu vực miền núi phía bắc Nepal, làm chết hàng chục người, là hồi chuông cảnh báo nhà chức trách cũng như người leo núi về tầm quan trọng của công tác chuẩn bị và cảnh báo thiên tai.
Một binh sĩ quân đội Nepal hôm 19/10 đang tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp trong tuyết tại đèo Thorong La. Ảnh: AP
|
Ít nhất 39 người chết sau khi trận bão tuyết, là phần đuôi của cơn bão nhiệt đới Hudhud, quét qua tuyến leo núi nổi tiếng Annapurna Circuit, thuộc Nepal, trên dãy Himalaya hôm 15/10. Vụ việc trở thành "hồi chuông cảnh tỉnh" đối với ngành công nghiệp du lịch leo núi cũng như du khách, những người liều lĩnh chinh phục "nóc nhà của thế giới" khi chưa chuẩn bị kỹ càng, đặt tính mạng của bản thân vào tình thế nguy hiểm.
Hàng trăm người đã được giải cứu và đưa đến nơi an toàn bằng máy bay. Nhiều nạn nhân ở tình trạng tê cóng sau những ngày chống chọi với trận bão tuyết mà không có đủ quần áo ấm, trang thiết bị hay nơi trú ẩn phù hợp.
Khác với trận lở tuyết từng xảy ra ở đỉnh Everest hồi tháng 4, cướp đi sinh mạng của 13 người, giới chuyên gia cho rằng mức độ nghiêm trọng của thảm họa lần này có thể giảm nhiều lần nếu các cảnh báo về tình trạng thời tiết xấu được quan tâm đúng mức.
"Đây là hồi chuông thức tỉnh chúng ta. Ta cần thiết lập hệ thống cảnh báo thời tiết và nơi trú ẩn khẩn cấp cho những người leo núi trong trường hợp bị mắc kẹt", AFP dẫn lời Sharad Pradhan, phát ngôn viên Tổng cục Du lịch Nepal, nói tại hiện trường, nơi nhân viên cứu hộ đang kéo thi thể các nạn nhân ra khỏi lớp tuyết dày, gần một tuần sau khi trận bão ập tới.
"Đó cũng là lời nhắc nhở hàng nghìn nhà leo núi, những người nghĩ mình có thể tự thám hiểm ở độ cao 4.000 đến 5.000 mét, rằng họ cần chịu trách nhiệm cho sự an toàn của bản thân", ông Pradhan nói thêm. "Nếu họ lên đường cùng hướng dẫn viên, số người chết sẽ thấp hơn nhiều".
Mỗi năm đều có hàng nghìn du khách từ khắp nơi tham gia hành trình leo núi Annapurna. Hầu hết các chặng ở đây đều được đánh dấu rõ ràng với độ cao tương đối thấp, phù hợp cho người leo núi ít kinh nghiệm.
Tuy nhiên, chặng đèo Thorong La, gần nơi có nhiều nạn nhận thiệt mạng nhất, ở độ cao gần 5.500 mét, lại rất nguy hiểm bởi người leo núi dễ gặp tình trạng say độ cao, thiếu dưỡng khí hay tuyết lở. "Leo đèo Thorong La không phải là một chuyến đi thông thường", Kunda Dixit, biên tập viên của Nepali Times, nhận xét.
Paul Sherridan, một người sống sót đến từ Anh, khẳng định, người leo núi "bị đưa đến cái chết" bởi những hướng dẫn viên Nepal thiếu chuyên môn trong xử lý các tình huống khó khăn. "Quan điểm của tôi là sự cố lần này đáng lẽ có thể được ngăn chặn", ông nói với kênh BBC.
Hệ thống cảnh báo
Thủ tướng Nepal từng hứa thiết lập hệ thống cảnh báo thời tiết ở những vùng núi hẻo lánh, đặc biệt là nơi nổi tiếng với du khách. Nhưng các chuyên gia cho rằng, cần nhiều nỗ lực hơn nữa mới có thể xây dựng nhận thức của khách du lịch về mối nguy hiểm khi leo núi ở những nơi có địa thế quá cao mà không chuẩn bị kỹ lưỡng.
Anna Solander, 21 tuổi, người Thụy Điển, từng lên kế hoạch leo núi trên tuyến Annapurna vào cuối tháng này nhưng hiện tại cho biết cô cần cân nhắc lại liệu có nên tiếp tục hay không. "Tôi thậm chí còn không biết leo núi lại nguy hiểm đến vậy. Tôi đã nghĩ chỉ nguy hiểm khi bạn tới đỉnh Everest hay những nơi tương tự mà thôi", AFP dẫn lời cô nói.
Theo ông Pradhan, khoảng 30% trong số 200.000 người leo núi ở Nepal hàng năm thực hiện hành trình mà không có hướng dẫn viên. Một số người sống sót kể lại rằng họ không hề biết có bão đang tới lúc khởi hành, ngay cả khi bão đã được các nhà khí tượng dự báo.
Giới phê bình thì cho rằng phần lớn trách nhiệm thuộc về những hãng hướng dẫn du lịch leo núi. Các đơn vị này cần thực hiện tốt hơn trong khâu chuẩn bị. Tashi Sherpa, giám đốc đại lý du lịch Seven Summit Treks ở thủ đô Kathmandu, đã hoãn chuyến leo núi của khách hàng khi nhận được thông tin dự báo thời tiết. Ông cho rằng người ta sẽ cứu được nhiều mạng sống hơn nếu thực hiện các biện pháp đề phòng phù hợp.
"Chúng tôi mang theo rất nhiều thiết bị hỗ trợ khi tham gia hành trình trên tuyến Annapurna Circuit. Chúng tôi có bình dưỡng khí khẩn cấp, mặt nạ, thuốc, điện thoại vệ tinh, áo khoác, ủng đi trên tuyết và kính bảo hộ. Cơ bản là tất cả những gì cần thiết trong trường hợp thời tiết chuyển xấu", Sherpa nói.
Sherpa cho hay Nepal không đưa ra yêu cầu cụ thể nào đối với người muốn mở hãng du lịch leo núi. Ông kêu gọi chính quyền cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. "Không có tiêu chí nào trong việc mở công ty du lịch leo núi. Ai cũng có khả năng làm điều đó, bất kể có ít hay nhiều kinh nghiệm", ông nói. "Nếu bạn đủ vốn tiếng Anh để thuyết phục khách hàng thì bạn đã trở thành một phần của ngành kinh doanh này".
Bên cạnh đó, Dixit cho rằng việc nâng cao chất lượng hệ thống thông tin liên lạc ở vùng núi nên là ưu tiên hàng đầu. "Tinh thần của người leo núi ở Nepal là tự do đi đến bất cứ nơi đâu dù có người hướng dẫn hay không", ông cho biết. "Nếu bạn bắt đầu kiểm soát việc đó, bạn sẽ mất đi sự tự do".
Địa thế của tuyến leo núi Annapurna Circuit. Đồ họa: Telegraph
|
Vũ Hoàng (theo AFP)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/hoi-chuong-canh-tinh-nguoi-muon-chinh-phuc-noc-nha-the-gioi-3096240.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten