dinsdag 3 juni 2014

Việt Nam : Ngư dân sẽ được trang bị tàu sắt để bám biển

Thứ bảy, 17/5/2014 | 16:01 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|

Ngư dân sẽ được trang bị tàu sắt để bám biển

Ông Cao Đức Phát cho biết đang tính toán chính sách hỗ trợ vốn, trang bị tàu sắt cho ngư dân trên biển, đặc biệt sau sự việc 3 tàu Việt Nam hư hỏng nặng do tàu sắt Trung Quốc đâm hôm 16/5.
Bên lề Hội nghị sơ kết đề án tái cơ cấu nông nghiệp ngày 17/5, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã phản đối việc tàu sắt Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam đang khai thác thủy sản gần giàn khoan Hải Dương 981. "Chúng tôi sẽ có những biện pháp để bảo vệ ngư dân, tiếp tục hỗ trợ họ bám biển, vừa để sản xuất vừa tham gia bảo vệ chủ quyền", ông Phát nhấn mạnh. 
taugo-VN-ngdong-6640-1400303788.jpg
Tàu sắt Trung Quốc chặn ngang mũi tàu của cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định sẽ tính toán phương án để đẩy mạnh dự án hỗ trợ đóng tàu sắt cho ngư dân trên biển. Trên thực tế, dự án trang bị tàu sắt thay thế tàu gỗ đã được làm thí điểm tại tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, sau một vài năm, dự án vẫn triển khai chậm. Trong khi đó tàu gỗ của ngư dân Việt Nam ngày càng tỏ ra mong manh và yếu thế trên biển, đặc biệt so với tàu sắt của Trung Quốc. 
Lý giải về việc thực hiện dự án chậm trễ, ông Cao Đức Phát cho biết Bộ đang tổng kết lại các kinh nghiệm sau thời gian thí điểm để tìm giải pháp, chính sách hỗ trợ tín dụng cho ngư dân với nhiều ngành nghề khác nhau. "Với những nghề khác nhau, kết cấu của con tàu sẽ khác nhau nên các chính sách hỗ trợ để đóng tàu sắt sẽ không thể giống nhau", ông Phát cho biết thêm. 
Ngoài việc giúp ngư dân đóng tàu sắt, Bộ Nông nghiệp đang tăng cường trang bị thông tin liên lạc cho các tàu cá như gắn chip thông qua vệ tinh cho hàng nghìn tàu cá, tổ chức nông dân theo tổ đội sản xuất để bà con giúp nhau ở trên biển.
Tại Hội nghị sơ kết Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng cũng nhiều lần khẳng định vai trò giữ gìn biển đảo đối với ngành đánh bắt xa bờ hiện nay. Ông Cao Đức Phát cho biết sắp tới sẽ điều chỉnh lại việc sử dụng vốn đầu tư thay vì chỉ tập trung vào thủy lợi, trồng lúa như trước đây. Một trong những ưu tiên theo ông là đầu tư cho thủy sản, hạ tầng nghề cá. "Đánh bắt ngoài biển cần hiểu không chỉ là đánh cá mà còn là để giữ chủ quyền của đất nước", đại diện Bộ nhấn mạnh.
Thanh Thanh Lan
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ngu-dan-se-duoc-trang-bi-tau-sat-de-bam-bien-2992115.html
Thứ sáu, 31/5/2013 | 09:59 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|

Cho ngư dân vay 80% tiền đóng tàu để bám biển

Chính phủ đang thí điểm cho ngư dân vay 70-80% kinh phí đóng tàu với lãi suất thấp để khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Chương trình có thể sẽ nhân rộng cho cả nước trong thời gian tới.
Dù chỉ chiếm số ít trong các phát biểu phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 30/5, đại biểu Quốc hội đã thể hiện nhiều tâm tư, lo lắng trước tình hình bất ổn trên biển Đông thời gian qua. Theo đại biểu Lê Nam, qua nhiều kỳ tiếp xúc, cử tri luôn bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến chủ đề này. Với những diễn biến được cho là ngày càng phức tạp, đại biểu Nam đề nghị Chính phủ thông tin kịp thời đầy đủ về công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên niển Đông cho người dân.
Bên cạnh đó Chính phủ cần nói rõ cơ chế, chính sách và những giải pháp thiết thực để thường xuyên đảm bảo hoạt động đánh bắt hải sản bình thường của hơn 4 triệu ngư dân trên các vùng biển của đất nước. Ông Nam nhấn mạnh, đây là chủ trương phải đặc biệt ưu tiên. “Ngư dân còn rất nhiều khó khăn, tàu bè, phương tiện nhỏ bé, cách thức khai thác lạc hậu. Chúng tôi rất mong Chính phủ có những chương trình, có sự quan tâm đặc biệt để tạo điều kiện cho ngư dân bám biển”, ông Nam đề nghị.
Vị Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh tới việc tiếp tục tăng cường sức mạnh quốc phòng và khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang, dứt khoát không để bị động bất ngờ.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh
Theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Chính phủ đã đóng tàu cảnh sát biển, cho đóng tàu kiểm ngư để vừa giúp cho bà con sản xuất kinh doanh bám biển nhưng đồng thời cũng vừa giữ chủ quyền trên biển đảo. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Nhắc đến lệnh cấm đánh bắt cá được Trung Quốc áp đặt hàng năm từ giữa tháng 5 đến tháng 8 cùng những hành động đâm tàu, xua đuổi tàu cá Việt Nam…, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân cho biết, cử tri và ngư dân các tỉnh ven biển rất bức xúc. Ông đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu thuyền có công suất lớn, xây dựng cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá ở các đảo, quần đảo Trường Sa, khu vực ở quần đảo Hoàng Sa; hình thành các trung tâm nghiên cứu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu ngay tại ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa.
“Chính phủ cần tiếp tục có chính sách đưa dân ra đảo lập nghiệp, hình thành các mô hình làng thanh niên lập nghiệp, mô hình đánh bắt tàu mẹ con, hoàn chỉnh cơ sở trường lớp, bệnh viện, đảm bảo xây dựng các đảo của chúng ta có cuộc sống ổn định và phát triển”, đại biểu Tuân đề nghị.
Giải đáp một số băn khoăn của đại biểu, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay, đối với ngư dân, bên cạnh các chính sách đã có, Chính phủ đã ban hành quyết định để thí điểm cho ngư dân được thay tàu mới và tàu này công suất rất lớn, từ 400 cho đến trên 1.000 mã lực. “Với mức cho vay 70-80% kinh phí đóng tàu và lãi suất cố định 3%/một năm trả trong 10 năm, đây là mức hỗ trợ rất lớn. Sắp tới đây Chính phủ sẽ tổng kết chương trình này và có thể sẽ nhân rộng cho cả nước”, Phó thủ tướng nói.
Theo ông, khi nhân rộng cho cả nước thì Chính phủ sẽ cho vay để đóng tàu mới cả tàu gỗ và tàu sắt 90 đến trên 1.000 mã lực, trong đó bao gồm cho cả những tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Đồng thời, Chính phủ cũng đã đóng tàu cảnh sát biển, cho đóng tàu kiểm ngư để vừa giúp bà con sản xuất kinh doanh bám biển, vừa giữ chủ quyền trên biển đảo.
“Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu phương án tổ chức lại sản xuất nghề cá làm sao cho có hiệu quả nhất”, Phó thủ tướng thông tin.
Nguyễn Hưng



Geen opmerkingen:

Een reactie posten