donderdag 26 juni 2014

Việt Nam:Quán ăn hai ngàn đồng : Lòng nhân ái vẫn như mạch nước ngầm

THỨ TƯ 25 THÁNG SÁU 2014
Quán ăn hai ngàn đồng : Lòng nhân ái vẫn như mạch nước ngầm
Ông John Kelly, tình nguyện viên người Mỹ nguyên là giám đốc bưu điện, đang phục vụ tại một quán Nụ Cười ở Saigon.
Ông John Kelly, tình nguyện viên người Mỹ nguyên là giám đốc bưu điện, đang phục vụ tại một quán Nụ Cười ở Saigon.
DR
Thụy My
Trong xã hội vẫn còn những tấm lòng, thậm chí như mạch nước ngầm. Nếu mình khai đúng mạch thì sẽ tuôn chảy, thành thác, thành sông. Cho nên gần hai năm rồi, mà quán tôi vẫn còn và sắp sửa mở mấy quán nữa, thành thử có được niềm tin vào lòng nhân ái của con người...Những hôm Ngày Thứ Năm Hạnh Phúc, mình bán bún bò, hủ tiếu, phở… một ngàn đồng một tô. Có những gia đình bà vợ lượm ve chai, ông chồng chạy xe ôm chở hai đứa con lại, đem theo 8 ngàn đồng mua 8 tô phở, họ nói là trong đời chưa bao giờ cả gia đình đi ăn phở...
Hai ngàn đồng Việt Nam, món tiền lẻ nhiều khi không đủ để gởi xe, nhưng cũng đủ cho một bữa cơm tươm tất, sạch sẽ nơi các quán mang tên Nụ Cười ở Saigon. Với số tiền nhỏ bé này, người nghèo khi bước vào các quán cơm từ thiện trên được phục vụ cơm trưa có ba món đầy đủ chất dinh dưỡng cùng với món tráng miệng.
Giá trị thật của bữa ăn là từ 15 đến 20 ngàn đồng, nhưng được bán với giá hai ngàn đồng thay vì cho không để tôn trọng những người nghèo khổ nhưng giàu lòng tự trọng : họ bỏ tiền ra mua, chứ không phải đi xin. Bên cạnh đó cứ mỗi tuần vào ngày thứ Năm lại có bán những món nước như bún bò, phở…là những món xa xỉ đối với nhiều người lao động, chỉ với giá một ngàn đồng.
Bà Quỳnh Đông, nguyên là thành viên hội đồng biên tập báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh, hiện là người phụ trách quán Nụ Cười 2 giải thích về ý tưởng ban đầu của nhà báo Nam Đồng, người sáng lập hệ thống các quán Nụ Cười :
Thật ra anh Năm (Nam Đồng) có cái ý tưởng này lâu lắm rồi, vì thời xưa thời còn là sinh viên hồi trước giải phóng, anh cũng đã từng ăn những quán cơm như vậy. Vì vậy cho nên sau giải phóng, anh cùng với một số người như ông Mười Thôn, giám đốc Sở Tư pháp có ý định là sau này về hưu thì sẽ mở - không chỉ tính chuyện quán cơm, mà còn nghĩ đến việc mở phòng khám miễn phí, giống như nhà thương thí hồi xưa.
Nhưng khả năng huy động để mở ra được một nhà thương miễn phí như vậy thì quá trời tiền, to tát quá nên chưa được. Vì vậy cho nên mới có ý định mở quán cơm từ thiện, hai ngàn đồng thôi.
Khi nói ý tưởng đó với anh Chính bên công ty Sơn Ca, cũng là người rất quan tâm tới công tác xã hội, tới người nghèo, anh đã hưởng ứng rất tích cực. Anh Chính có một công ty truyền thông, anh em làm ngoài giờ để dành được 400 triệu, lấy số tiền đó để mở ra hoạt động lúc đầu, trong khi anh Năm vẫn tiếp tục đi xin giấy phép hoạt động. Anh xin bạn bè, rồi nhiều người khác ủng hộ…chắc cũng may là anh sống cũng liêm khiết, có uy tín nên người ta hỗ trợ tích cực.
Số tiền mà công ty Sơn Ca định nếu không vận động được tốt thì họ sẽ yểm trợ tạm thời để sống qua ngày. Nhưng từ đó tới bây giờ không phải đụng đến số tiền đó, mà từ một quán thành lập vào tháng 8/2012, đã có được năm quán rồi.
Nhà báo Nam Đồng, nguyên là Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ rồi Tổng biên tập báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thêm cụ thể :
Giá thành (mỗi phần ăn) là 15 ngàn, đó là không tính công lao động, vì tất cả đều làm không lương, bán 2 ngàn thì bù lỗ13 ngàn. Hiện giờ ở thành phố này có năm quán, ở Quảng Ngãi có một quán nữa là sáu quán, mà mỗi ngày có quán bán 400, có quán bán 500 phần. Nhân số tiền bù lỗ lên thì ít nhất mỗi tháng hệ thống năm quán ở Saigon này phải khoảng nửa tỉ.
Thế số tiền nửa tỉ ở đâu ra ? Ban đầu một số anh em đóng góp lại trong Quỹ từ thiện Tình Thương để làm vốn khởi đầu nộp cho Nhà nước. Muốn làm một quỹ từ thiện NGO ở đây, trước đây là phải có nửa tỉ, bây giờ tỉ rưỡi, hai tỉ, đó là tiền ký quỹ. Tất nhiên Nhà nước không có lấy, nhưng mà Nhà nước bắt đóng, theo luật lệ thì mỗi năm phải tiêu hết số tiền ấy.
Ban đầu lấy tiền đó ra, nhưng sau khi quán hình thành rồi thì mọi người góp lại cho, người cho gạo, cho rau, cho gia vị, người đưa tiền. Đúng là lòng nhân ái, từ thiện của người dân rất rộng lớn, rất là mạnh mẽ. Cho nên tháng 10 năm nay là được hai năm kể từ khi quán số 1 ra đời, hình như chưa bao giờ phải thiếu hụt cả, mà vấn đề là phải lo lâu dài. Có quán hông đủ, nhưng mà bù qua sớt lại thì đủ.
Lâu nay người ta chỉ biết đến các quán Nụ Cười ở Saigon, nay lại mở thêm ở miền Trung ?
Khai trương vào ngày 20 tháng Ba năm 2014, lấy tên là Nụ Cười Sông Trà - Sông Trà là Trà Khúc đó.
Quán ở Quảng Ngãi xa xôi, liệu có được nhiều mạnh thường quân như ở Saigon không thưa ông ?
Ôi chao ôi, mấy « đại gia » Quảng Ngãi nhiều lắm, hoặc là người Quảng Ngãi làm ăn ở nơi khác, hoặc là nhân dân ở đó đóng góp : tiểu thương, người lao động…Người nghèo thì góp ít, mà mình chủ trương là không đi xin ai, tự động người ta nghe người ta tới góp. Mà hay lắm, sự đóng góp là của mọi người đủ thành phần hết.
Thưa ông, các quán Nụ Cười tồn tại được hai năm rồi, có lẽ là rất nhiều chuyện vui buồn ?
Gần hai năm hình thành, biết bao nhiêu chuyện. Chuyện buồn nói chung là ít, nhưng mà chuyện vui thì nhiều. Ví dụ có đứa bé cỡ 11 tuổi đến xin làm tình nguyện viên. Tôi hỏi cháu biết làm gì, rửa chén được hông, nó nói được ; lau bàn, bưng bê thức ăn cho khách được hông, trả lời được. Tôi hỏi bà mẹ, cháu có làm được không chị, chị có đồng ý cho làm không. Bà nói đó là một cách để tôi dạy cho nó hiểu biết về cuộc sống. Tôi thử biểu lau bàn, trời ơi cháu lau rất kỹ, lau hết chân bàn, chân ghế…
Một bà đi làm « ô-sin » theo giờ, đem lại góp một chai nước tương. Tôi hỏi sao chị có chai nước tương mà đem lại. Trả lời tôi đi làm ô-sin buổi sáng từ 6 giờ rưỡi cho tới 11 giờ, tới đây ăn thấy bà con như vậy tôi muốn góp một chút, góp chai nước tương 23 ngàn. Rất là dễ thương.
Rồi có bà bán vé số đi xe lăn, ăn rồi nói tôi không có gì để góp hết, thôi cho tôi góp hai tờ vé số, coi như tôi đóng cho quán. Thế mà hai tờ vé số đó chiều xổ trúng mỗi tờ 100 ngàn đồng, hai tờ 200 ngàn, trúng an ủi. Ghi lên mạng là người bán vé số ủng hộ hai vé, giờ đã trúng, đưa vô quỹ.
Có những hôm thứ Năm, gọi là Ngày Thứ Năm Hạnh Phúc, mình bán bún bò, hủ tiếu, phở… một ngàn đồng một tô. Có những gia đình bà vợ lượm ve chai, ông chồng chạy xe ôm chở hai đứa con lại, đem theo 8 ngàn đồng. Bốn người ngồi một góc, đem ra 8 tô phở, họ nói là trong đời chưa bao giờ cả gia đình đi ăn phở. Cần nhớ là phở mình bán 1 ngàn đồng là phở ngon bằng 30 ngàn ở ngoài.
Còn nhiều, nhiều lắm…Người nước ngoài đến, rồi mình đem tới cho những người khuyết tật, ốm đau, già cả…Có ông Mỹ đi tới đây, về Mỹ rồi một thời gian trở qua lại. Ban đầu là du lịch, nhưng thấy hay lại bị thuyết phục ở lại tham gia hai tháng xong rồi về Mỹ, lại trở qua hai tháng nữa và bây giờ về viết thư nói là Tết này ổng sẽ qua. Ông đó tên là John Kelly, ở San Jose, Cali.
Khách thường xuyên có lẽ đa số là người lao động ?
À, có thống kê, có đi tìm hiều - một cách xác suất nhưng tỉ lệ, cơ cấu này không thay đổi lắm, chỉ thay đổi vài phần trăm ở quán này, quán kia thôi. Đa số khoảng 25% là bán vé số, 30% là ve chai, 20% là xe ôm, 20% là những người mua bán linh tinh – có những người ở miền Trung vô, đeo một cái khung gỗ to mỗi bề cỡ thước, thước rưỡi, trên đó treo móc khóa, chìa khóa, bông ráy tai v.v…Rồi học sinh sinh viên, có nơi vào khoảng 20% nữa.
Có một vấn đề mà người ta hay e ngại, đó là sự lợi dụng. Tức là những người trung lưu trở lên, họ lại ăn. Tại vì ăn ở đây tuyệt đối sạch sẽ, nguyên liệu đều có nguồn gốc hết, và chỗ ngồi cũng bật quạt mát mẻ, ly uống nước dùng một lần rồi vứt ; cho nên có người nghĩ vậy thì sẽ bị lợi dụng chăng.
Ban đầu tôi cũng lo vậy, nhưng thực tế số đó có tuy nhiên rất ít, chưa tới 5%. Làm sao tôi biết được con số đó ? Có rất nhiều bữa tôi đếm thử số người, xem những ai đi giày và ăn mặc tươm tất, thì đếm được mỗi bữa chưa tới bảy, tám người, nghĩa là chưa tới 5%. Nhưng mà trong số đó có người đi ăn vì tò mò, họ muốn coi thử có thật như báo đăng không. Và ăn xong rồi họ ra đóng gấp mấy trăm lần số tiền hai ngàn đồng một bữa. Có người đóng một triệu, 500 ngàn, vài triệu v.v…
Nhưng cũng có vài trường hợp – mà đây là số rất ít và bây giờ đã chấm dứt rồi, như ở quán số 6 dưới Thủ Đức. Có một cơ sở sản xuất bìa kẹp giấy để làm sơ-mi, họ thuê công nhân bao ăn trưa. Nhưng từ khi quán mình mở ra gần đó, họ đưa hết công nhân tới đó ăn. Sau hai tuần tôi phát hiện ra, lại nói với ông giám đốc, sau đó thì chấm dứt. Nếu nói chuyện buồn thì chỉ có một chuyện duy nhất đó thôi, còn chuyện vui nhiều lắm và chuyện xúc động cũng nhiều lắm.
Như ông có nói, thỉnh thoảng cũng có những tình nguyện viên là người nước ngoài ?
Có những người khách nước ngoài đi du lịch để làm thiện nguyện, thế là họ đăng ký với một công ty ở Thái Lan, công ty này móc ráp với chúng tôi. Họ đưa người tới để làm thiện nguyện, mỗi bữa bốn năm người hoặc năm sáu người, đủ quốc tịch hết, thường là lớp trẻ. Người ta tới Nụ Cười 1, 2 hay 3,4, tháng nào cũng có. Rồi có những người đi du lịch tới đây thấy vậy nhảy vào làm, tất cả mình đều nhận hết.
Mà những người đó có đặc tính như thế này : làm việc hết sức nghiêm túc, lúc nào cũng tới đúng giờ, làm rất chăm chỉ và đặc biệt lúc nào cũng vui tươi, nở nụ cười.
Ông John Kelly là một ví dụ, có một chuyện xúc động về ông. Vô đó là phải đeo khẩu trang hết và phải mặc đồng phục. Một hôm ông hỏi tôi là cho ông cởi khẩu trang ra được không. Tôi hỏi tại nóng quá hay sao, ông nói không phải. Tại vì mấy người ăn ở đây họ cười với ổng, cho nên ông muốn cởi khẩu trang ra để cười lại với người ta.
Còn tình nguyện viên người Việt thì sao ?
Tình nguyện viên 70% là sinh viên các trường đại học, 30% còn lại gồm đủ thành phần : công chức, các bà nội trợ, những người làm ngành y…nhưng phần lớn là nội trợ. Họ làm việc, nói chung là về tình nguyện viên tôi chưa phải chê ai hết.
Có lẽ là do họ làm việc vì tự giác chứ không vì động cơ nào khác ngoài động cơ mong muốn phục vụ người nghèo, cho nên thái độ phục vụ rất tốt. Có những người làm việc cả năm rồi nhưng ngày nào cũng tới đúng giờ. Không có lương bổng gì hết, chỉ có điều ai tình nguyện thì 10 giờ rưỡi ăn cơm trưa tại chỗ, vậy thôi.
Hồi trước năm 1975 có quán cơm xã hội bán giá rẻ cho người nghèo. Các « quán cơm hai ngàn đồng » mới xuất hiện một hai năm gần đây nhưng cũng đã được ủng hộ, có lẽ cũng khiến người ta còn có được một ít hy vọng vào xã hội hiện nay – mà lâu nay vẫn bị phê phán về tính thực dụng, vô cảm…
Trước năm 1975 có những quán cơm xã hội, hồi đó bán 5 đồng hay 10 đồng tôi không nhớ rõ nhưng rất rẻ. Có điều là chính quyền Saigon cũ « tàn ác, bóc lột » bằng cách là cung cấp gạo ! Gạo thì Bộ Xã hội thời đó cho không, còn những người hảo tâm đứng ra tổ chức thì họ lấy rau, mắm muối, củ cải…từ các chợ, tiểu thương cho chẳng hạn. Còn bây giờ rất là « ưu việt », nghĩa là tôi đi xin cái giấy phép để mở quán ba tháng mà chưa xong. Hiện nay có mấy quán đương thương thảo thuế.
Tôi nói với cô, tình hình không đến nỗi bi quan. Tất nhiên có một số đối tượng phần nào đó họ vô cảm, không quan tâm đến người nghèo, không có lòng nhân ái. Nhưng đa số vẫn còn tấm lòng, thậm chí như mạch nước ngầm. Nếu mình khai đúng mạch thì sẽ tuôn chảy, thành thác, thành sông. Cho nên cô thấy gần hai năm rồi, mà quán tôi vẫn còn và sắp sửa mở mấy quán nữa, thành thử có được niềm tin vào lòng nhân ái của con người.
Có một điều lạ như thế này : tôi định mở ở Hà Nội nhưng không được – hồi đó đã tính hết rồi. Có ba nguyên nhân, tôi không phân biệt Bắc Nam theo nghĩa cực đoan đâu, nhưng do quá trình lịch sử xã hội hình thành nên như thế này. Tức là lòng nhân ái và ý thức công tác xã hội ở miền Bắc hiếm hơn, ít hơn miền Nam nhiều, bởi vì ba lý do.
Rất nhiều năm trong cái xã hội gọi là « xã hội chủ nghĩa » đó, mọi thứ người ta đều quan niệm là Nhà nước bao cấp lo hết. Tất cả những chuyện đó không phải chuyện của dân, cho nên họ không có thói quen làm. Thứ hai là niềm tin của họ đối với các tổ chức làm công tác xã hội không có. Họ nói, góp cái gì cho nó là nó ăn hết !
Còn ở miền Nam từ lịch sử, quá trình xây dựng xã hội Nam bộ - nói chung từ những lưu dân, họ phải câu kết lại với nhau, giúp đỡ lẫn nhau từ hồi xưa khi mới hình thành. Rồi qua nhiều năm tháng, ý thức về lòng nhân ái, quan tâm tới người khác, giúp đỡ, đã thành thói quen tự nhiên. Thêm nữa, người Nam bộ là người bộc trực, thẳng thắn, thấy chuyện gì phải thì làm ngay.
Cho nên thấy rõ nhất là mỗi lần bão lụt ở miền Trung – tôi đã đi làm công tác này nhiều năm, ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Tây Nguyên…Mỗi lần thiên tai như thế là ùn ùn hàng trăm, hàng ngàn chiếc xe mang biển số miền Nam hết. Từ đoàn Phật tử, đoàn tiểu thương chợ An Đông, chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối, đoàn công tác xã hội của Thiên Chúa giáo…đủ hết, nhưng nhìn cái bảng số xe thì biết, không có bảng số xe nào của miền Bắc chở vô hết.
Điều đó, tôi đã suy nghĩ vì cái gì ? Thì những cái hồi nãy tôi nói đó. Cho nên niềm tin vào con người, sự quan tâm, lòng nhân ái… thì không nên thất vọng. Riêng tôi thì tôi rất tin, qua thực tiễn đã gần hai năm rồi và sắp tới còn làm nữa đây.
Nhưng nói với cô điều ấy, tôi cũng hơi ngại ngùng một chút. Bởi vì nếu mà cô đăng báo cô nên viết sao đó, chứ không thôi người ta nói dư quá rồi, hổng giúp đỡ nữa, thì quán phải đóng cửa !
Nhưng thưa ông, ngược lại nhiều người vẫn sợ rằng những quán cơm từ thiện không duy trì được bao lâu…
Thì ráng thôi, nhưng mà duy trì tốt. Cô biết, mỗi ngày như thế một quán ít nhất mất cũng hơn 5 triệu, nếu tính đủ vô thì 6 triệu mỗi quán. Mỗi một người khách vô ăn là coi như quán mất 13 ngàn đồng. Còn riêng Ngày Thứ Năm Hạnh Phúc, thì mất khoảng 17 ngàn, vì ngày đó là ngày « hạnh phúc », tức là ngày phở, bún, mì quảng, hủ tiếu…giá đều 1 ngàn đồng.
Nói chung hễ có khách bước vào là thấy « lỗ lã » ngay phải không ạ ?
Tất nhiên. Mục đích của mình mở ra là để « lỗ » mà. Thành ra theo thói quen người ta hỏi, sao, bữa nay quán đông khách không, mình cười, « mừng » là ít khách, nhiều khách thì càng tốn tiền.
Nói thì nói vậy, nhưng bây giờ chỉ có quán Nụ Cười 6 ở Thủ Đức, không ai giúp đỡ gì thì đáng lo thôi, nhưng cũng san sẻ qua lại được. Do một là ở trong hẻm ít người biết, hai là khu vực đó là khu xóm lao động, ba nữa là truyền thông ít ai nói tới, tìm cũng khó.
Dù số tiền tiết kiệm được khi ăn trưa ở các quán Nụ Cười không lớn, nhưng đối với người nghèo chạy ăn từng bữa, có lẽ cũng giúp được phần nào cho họ ?
Một bà bán ve chai thường xuyên ăn ở đó cả năm rồi, có bữa tôi hỏi, mấy bữa bình thường không có quán này chị ăn ở đâu. Bả nói ăn ở ngoài, cơm bình dân rẻ nhất là 15 ngàn, nhưng mà hổng ngon, hổng sạch sẽ bằng ở đây. Rồi dư ra tôi bỏ ống hết, mỗi ngày tôi bỏ 13 ngàn. Ông chồng tôi cũng ăn ở đây, cũng bỏ vô (bà đó quê ở Phú Yên). Trong vòng sáu tháng qua, toàn bộ học phí của con tôi học đại học từ tiền tiết kiệm được ở quán ăn này mà ra.
Rồi một bà khác ở Đồng Tháp nói phải vay nóng người ta, cứ kéo dây dưa và phải trả lãi, trả chậm lãi lại chồng lên. Bây giờ từ hồi ăn ở đây là bả trả được hết nợ, cứ hàng tuần bà để ra trả góp, nên hết được nợ.
Xin chân thành cảm ơn các nhà báo Nam Đồng và Quỳnh Đông ở Saigon đã vui lòng tham gia tạp chí xã hội hôm nay của RFI Việt ngữ.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140625-quan-an-hai-ngan-dong-long-nhan-ai-van-nhu-mach-nuoc-ngam

QUÁN CƠM NỤ CƯỜI 1


Quán cơm xã hội Nụ Cười 1 là quán cơm 2.000đ đầu tiên nằm trong dự án trợ giúp suất ăn giá rẻ của Quỹ từ thiện Tình Thương TP.HCM. Quán khai trương ngày 12/10/2012. Thời gian đầu quán bán khoảng 300 suất ăn vào các buổi trưa thứ 2, 4, 6 trong tuần. Hiện nay quán phục vụ khoảng 500 suất ăn các ngày từ thứ 2 đến thứ 7. Quán Nụ Cười 1 ghi dấu những ngày đầu khó khăn nhất khi BQL Quỹ khởi động dự án trợ giúp suất ăn giá rẻ, bắt tay thực hiện những khâu chuẩn bị đầu tiên.

Quán cơm xã hội Nụ Cười 1 thành công là bước đệm quan trọng cho chuỗi các quán cơm Nụ Cười khác ra đời sau này.

Chủ nhiệm quán: Ông Nam Đồng

Địa chỉ: Số 6, Hồ Xuân Hương, P.6, Q.3, TP.HCM

Liên hệ: Ông Nam Đồng ( 0903.817.567) hoăc chị Yến Nhi (0908.068.180)

Email: quancomnucuoi1@gmail.com



http://tuthientinhthuong.org/tro-giup-suat-an-gia-re/Quan-com-Nu-cuoi-1_215.html

John Kelly và ngày trở lại với quán cơm Nụ Cười 2
ketoanNC2
#1 Đã gửi : Tuesday, March 18, 2014 8:32:53 AM(UTC)
Danh hiệu: Advanced Member

Nhóm: Registered 
Gia nhập: 5/25/2013(UTC)
Bài viết: 448
Đến từ: TP.HCM

Cảm ơn: 6 lần
Được cảm ơn: 1 lần trong 1 bài viết
        
       Chắc hẳn chúng ta chưa thể quên được hình ảnh một ông tây vẫn ngày ngày đi đưa cơm cho những người già neo đơn và khuyết tật tại quận Tân Phú. Ông John Kelly đã một lần nữa trở lại Việt Nam cũng với mục đích từ thiện, nhìn bà con ăn cơm trong vui vẻ thì đó là niềm hạnh phúc của ông chứ không nhất thiết phải là một chuyến đi ngắm cảnh đâu đó. Nhìn ngắm những nụ cười đó là tất cả với ông. Ông trở về vào ngàythứ bảy dự tính xuống sân bay là sẽ tới phụ quán liền nhưng vì chuyến bay dài nên cơ thể không được khỏe, từ sân bay ông tới thẳng quán để thăm hỏi mọi người hẹn ngày quay lại rồi mới trở về khách sạn.
       Vào ngày đầu tiên tới làm cùng mọi người ông cũng tới sớm phụ lặt rau, bóc trứng,lau muỗng nĩa .... Nhìn mét mặt hoan hỉ của ông khi làm việc cũng đủ thấy ông hạnh phúc tới chừng nào...... ông cũng đã đi giao cơm cho bà con già, neo đơn và khuyết tật. Những người nhận cơm cũ vẫn nhớ ông còn những người mới thì nhìn ông với anh mắt cảm mến nhưng vẫn thấy làm ngạc nhiên là vì sao một ông tây lại đi giao cơm cho họ. Khi giao cơm về ông xúc động nói với chúng tôi :"Thật buồn, họ nghèo quá người thì già mà không có ai nuôi, người thì bị bệnh và không có nổi một  ngôi nhà nhỏ để tránh nắng, mưa và cũng chẳng thể làm gì kiếm tiền......" 
Gặp lại những bà con này ông vui lắm, cứ cười suốt thôi. Hãy cùng xem một vài hình ảnh John đi đưa cơm cho họ:
 
Bà chỉ có thể dựa vào đứa cháu gái nhỏ phải đi làm thuê kiếm tiền nhưng công việc không ổn định nên cuộc sống cũng rất bấp bênh.
 
'Ngôi nhà " của một người được nhận cơm
      Gia đình ông Hùng thì có đến 3 người bị bệnh, anh con trai thì bị tai biến hai năm nay,bà thì nằm đó đã 20 năm, ông cũng gần 70 nhưng bị tim, thận....Tất cả mọi việc trong nhà giao phó lại cho cô con dâu làm nghề may đồ, công việc lúc có lúc không tthu nhập bất ổn định.
Bà cũng nằm đó một mình không người chăm sóc...
Hai ông bà không có con và đều có bệnh nhưng bà avn64 phải đi bán vé số kiếm tiền xoay sở. Hai ông bà rất vui khi gặp lại John- người bạn thân thiết từ năm trước.

http://forum.tuthientinhthuong.org/default.aspx?g=posts&t=705

Quán cơm Nụ Cười 4 gặp khó khăn

Hồng Phúc
Thứ Ba,  11/2/2014, 19:40 (GMT+7)
Phóng to

Thu nhỏ

Add to Favorites

In bài

Gửi cho bạn bè
(TBKTSG Online) - Quán cơm Nụ Cười 4 - một trong năm quán cơm bán giá 2.000 đồng/suất thuộc chuỗi quán cơm xã hội Nụ Cười - tại địa chỉ 132 Bến Vân Đồn, quận 4, TPHCM đang gặp nhiều khó khăn về tài chính. Theo tính toán của ban điều hành, với nguồn tồn quỹ hiện nay, quán chỉ có thể hoạt động khoảng một tháng nữa. Nhưng các quán cơm khác thuộc chuỗi Nụ Cười vẫn duy trì tài chính ổn định và hoạt động bình thường. 
Quán cơm Nụ Cười 4 tại quận 4, TPHCM vẫn còn nghỉ Tết. Ảnh: Uyên Viễn
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Lê Văn Chính - thành viên Ban chủ nhiệm quán Nụ Cười 4 cho biết, lượng người ăn quá lớn và nhà hảo tâm đóng góp ít là hai nguyên nhân chính làm quán Nụ Cười 4 “hết gạo”. Mặc dù quán đã khởi động nhiều chương trình vận động kinh phí nhưng vẫn chưa tìm kiếm được nguồn thu đáng kể. Ngoài một số mạnh thường quân cố định đã đóng góp cho quán trên 50% chi phí hàng tháng từ khi mở ra chưa có nhiều nhà hảo tâm mới có khả năng đóng góp lớn trong khi lượng người tới ăn tại đây quá lớn.
Từ việc đang phục vụ khoảng 800 - 900 suất ăn/ngày, 6 bữa trưa/tuần, Nụ Cười 4 vừa quyết định giảm số bữa ăn xuống còn 3 bữa/tuần từ ngày 18-2.
“Chúng tôi giảm số bữa ăn xuống còn 3 bữa 1 tuần, hy vọng sẽ không phải giảm quá lâu”, ông Chính nói, “Làm từ thiện về nguyên tắc càng nhiều người đóng góp tâm sức, càng nhiều tấm lòng bá tánh càng bền vững. Nhưng voi thì quá đông mà cỏ kiếm không ra”.
Theo thông tin được công bố trên trang web của Quỹ Từ thiện tình thương, Nụ Cười 4 ra đời ngày 9-9-2013 với ngân sách khởi đầu khoảng 700 triệu đồng. Điều bất ngờ mà ban chủ nhiệm quán không dự liệu là lượng người vào ăn quá đông (800 đến 900 suất mỗi ngày, suốt 6 ngày trong tuần), nguồn đóng góp lại rất ít, các kênh truyền thông gần như không có đã đẩy quán vào tình trạng khó khăn sau hơn 3 tháng hoạt động.
“Các quán cơm Nụ Cười khác tồn quỹ vài trăm triệu đồng, chỉ riêng Nụ Cười 4 tồn quỹ chỉ còn vài chục triệu đồng”, ông Chính cho hay, “Công tác truyền thông kém nên nguồn đóng góp ít. Các hoạt động tạo nguồn thu cho quán do Quỹ Từ thiện Tình thương đã và đang nỗ lực đưa ra như chạy bộ, dự án văn nghệ gây quỹ, hát rong đường phố, bán tranh, bán bánh mì và mới đây nhất là “cơm treo"... chưa có hiệu quả”.
Chuỗi quán cơm Nụ Cười thuộc dự án hỗ trợ suất ăn giá rẻ cho sinh viên và người lao động nghèo của Quỹ từ thiện tình thương TPHCM. Về nguyên tắc, các quán cơm Nụ Cười hoạt động độc lập với nhau về tài chính. Khi nhà hảo tâm đóng góp cho các dự án suất ăn 2.000 đồng họ có quyền chỉ định đóng góp cho quán cơm nào. Ban chủ nhiệm mỗi quán cơm đều nỗ lực vận động tài chính dựa và các kênh thông tin, các mối quan hệ riêng của mình; Tuy nhiên khi cần thiết các quán cơm vẫn hỗ trợ nhau để chia sẻ nguồn đóng góp.
Khi có quán gặp khó khăn, Quỹ mẹ (Quỹ Từ thiện Tình thương) sẽ hỗ trợ thêm một thời gian nữa cho đến khi nguồn ngân sách duy trì quán đó tiến về số 0. Quán khó khăn sẽ được đưa vào "diện cảnh báo" và bắt đầu "chế độ đếm ngược" để công khai khó khăn tài chính cho mọi người cùng chia sẻ.
Thông báo thời gian hoạt động sau Tết tại quán cơm Nụ Cười 4. Ảnh: Uyên Viễn
Ngày 5-11-2013, Nụ Cười 4 lần đầu tiên bị đưa vào diện cảnh báo sắp hết tiền và bắt đầu chế độ đếm ngược chỉ còn hoạt động 29 ngày. Ngày 21-11-2013, Nụ Cười 4 được Quỹ mẹ chi viện thêm và đồng hồ đếm ngược thông báo quán còn 33 ngày. Lộ trình đóng cửa của Nụ Cười 4 nếu có, sẽ diễn ra theo thứ tự cung cấp suất ăn từ 6 ngày/tuần giảm còn 3 ngày/tuần, rồi từ từ 2 ngày 1 tuần cho đến khi dừng hẳn.
Tham khảo mô hình các quán cơm Nụ Cười hiện nay, chúng tôi được biết Nụ Cười 4 cũng khác các quán Nụ Cười khác ở cách làm. Các quán Nụ Cười 1, 2, 3, 6 ngay từ đầu đã tổ chức theo mô hình tự nấu ăn, huy động sức lao động gần như miễn phí từ các tình nguyện viên, các nguồn thực phẩm được đóng góp từ nhiều nhà hảo tâm nên giảm thiểu được chi phí cho suất ăn. Trong khi đó, Nụ Cười 4 thuê công ty ngoài nấu theo kiểu suất ăn công nghiệp và chở về quán, tổ chức bán cho người dân.
Ông Chính giải thích rằng việc tổ chức nấu ăn ở quán Nụ Cười 4 gặp khó khăn vì mặt bằng được nhà hảo tâm cho mượn thuộc một kho hàng điện tử có giá trị lớn tới hàng chục tỉ đồng nên không được nấu nướng vì đề phòng nguy cơ cháy nổ. Chi phí cho một suất ăn tại Nụ Cười 4 khoảng 15.000 đồng, với giá bán 2.000 đồng, mỗi suất ăn phải bù lỗ 12.000 - 13.000 đồng.
Trong khi đó, theo một người tham gia tổ chức nấu ăn ở một quán Nụ Cười khác, khi tổ chức nấu ăn và huy động nhân lực, thực phẩm từ nhiều nguồn thì chi phí cho mỗi suất ăn sẽ thấp hơn khá nhiều nhờ tận dụng được kênh cung ứng thực phẩm, nước mắm, nước tương, dầu ăn, gạo… từ nhà hảo tâm. Đặc biệt, với 500-800 suất ăn mỗi ngày, việc nấu một nơi và chở đến một nơi để phân phối rất phức tạp và giá thành sẽ cao hơn nấu và phân phối suất ăn tại chỗ.
Nụ Cười 4 và Ban điều hành Quỹ Từ thiện tình thương đang nỗ lực vượt qua khó khăn và kêu gọi sự đóng góp của những nhà hảo tâm. Nhưng về lâu dài, những người đang tham gia vận hành chuỗi quán cơm vẫn đang tìm cách tổ chức hiệu quả nhất để làm sao với nguồn lực ít nhất mà giúp đỡ được nhiều người nhất.
Hơn thế nữa, cần làm sao để mô hình từ thiện này không bị phá sản, được kéo dài nhiều năm và nhân rộng tại Việt Nam.
Các quán cơm Nụ Cười lần lượt mở tại TPHCM từ 10-2012 và tính tới nay đã cung cấp khoảng 350.000 suất ăn trưa cho người gặp khó khăn.
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/109909/Quan-com-Nu-Cuoi-4-gap-kho-khan.html
Huan Tran
Mọi người có thể tham khảo thống kê dưới đây (tính đến ngày 30/11/2013): - Từ ngày 8/10/2012 quán Nụ Cười Nụ 1 đã hoạt động được gần 14 tháng và cung cấp được 138.270 suất ăn giá rẻ, bình quân quán đã cung cấp được 9.876 suất/1 tháng. - Từ ngày 6/3/2013 quán Nụ Cười Nụ 2 đã hoạt động được gần 9 tháng và cung cấp được 74.318 suất ăn giá rẻ, bình quân quán đã cung cấp được 8.258 suất/ 1 tháng. - Từ ngày 7/5/2013 quán Nụ Cười Nụ 3 đã hoạt động được gần 7 tháng và cung cấp được 34.318 suất ăn giá rẻ, bình quân quán đã cung cấp được 4.903 suất/ 1 tháng. - Từ ngày 9/9/2013 quán Nụ Cười Nụ 4 đã hoạt động được gần 3 tháng và cung cấp được 55.017 suất ăn giá rẻ, bình quân quán đã cung cấp được 18.339 suất/ 1 tháng. - Từ ngày 19/10/2013 quán Nụ Cười Nụ 6 đã hoạt động được gần 2 tháng và cung cấp được 4.096 suất ăn giá rẻ, bình quân quán đã cung cấp được 3.080 suất/ 1 tháng. Nói thêm, dù các quán Nụ Cười được tổ chức độc lập để tránh ảnh hưởng dây chuyền, dưới góc độ truyền thông vẫn cần phải được giới thiệu như một "thương hiệu" chung (do đó các quán ra sau và xa trung tâm có thể nhận được đóng góp ít hơn).

Huong Tran
nấu - hay mua hay thuê người nấu, nhìn đơn giản nhưng là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Mô hình cơm từ thiện từ nguồn đóng góp cả về tiền của lẫn công sức của cộng đồng đã được thực hiện thành công và duy trì bền vững trong hơn 20 năm qua bắt đầu từ bệnh viện Sa Đéc, Đồng Tháp, lan ra nhiều tỉnh thành khác.... Điểm chung của những nơi thành công là các nhóm phục vụ tình nguyện có tính tổ chức rất cao, được điều hành phiên nhau một cách hợp lý, các tiểu thương và người dân của từng vùng cam kết và thay phiên nhau đóng góp đều đặn tiền, gạo, rau củ..., và quản lý tài chính minh bạch. Người ta chỉ cam kết với người họ tin tưởng, và cũng bỏ công sức ra. Khi phải thuê người nấu là đã nhìn thấy thất bại trong nỗ lực tổ chức, và thấy được hạn chế trong việc kêu gọi tình nguyện

Geen opmerkingen:

Een reactie posten