zondag 22 juni 2014

Win Tin : Gương mặt tiêu biểu của nền dân chủ Miến Điện

THỨ TƯ 18 THÁNG SÁU 2014
Win Tin : Gương mặt tiêu biểu của nền dân chủ Miến Điện
U Win Tin tại nhà riêng, 06/06/2013.
U Win Tin tại nhà riêng, 06/06/2013.
AFP
Trọng Thành
Nhà dân chủ Miến Điện Win Tin qua đời ngày 21/04/2014, ở tuổi 84. U Win Tin được biết đến như một biểu tượng lớn của phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài quân sự Miến Điện. RFI mời quý vị khám phá con người nhà tranh đấu Win Tin qua một số trích đoạn phỏng vấn mà Win Tin dành cho RFI vào năm 2009, sau khi ông được trả tự do, cùng các nhận định của nhà nghiên cứu Claude Leveson, chuyên gia về Miến Điện, và nhà báo Sophie Malibeaux, người cộng tác với Win Tin thực hiện cuốn hồi ký « Cuộc đời của một nhà ly khai ».
Là một trong những người sáng lập đảng đối lập chính trị nổi tiếng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, cùng với giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi, nhà tranh đấu bất bạo động, nguyên là phóng viên, bị cầm tù gần 20 năm trời. Ông chỉ được trả tự do ít lâu trước khi tập đoàn quân sự quyết định thay đổi diện mạo nhằm thoát khỏi các trừng phạt quốc tế, với một loạt cải cách gây chấn động của Tổng thống Thein Sein, một cựu tướng lãnh.
Suốt trong thời gian bị tù đày, nhà báo kỳ cựu vẫn cùng những người cùng chí hướng tiếp tục không ngừng nghỉ cuộc đấu tranh, đưa thông tin về thực trạng kinh hoàng của chốn lao tù ra bên ngoài, để đánh động công luận. U Win Tin được những người hoạt động nhân quyền nhìn nhận như « một nhà đối lập trọn vẹn, con người bất khuất ». Ngay sau khi ra tù, ông lại dồn hết tâm lực cho cuộc đấu tranh chính trị đã chuyển sang một tình thế mới.
Qua chuyện đời của Win Tin, chính là một phần lịch sử của giới ly khai, dân chủ Miến Điện. Sau đây là chương trình "Win Tin : Tiếng nói của nền dân chủ Miến Điện" của tạp chí La marche du Monde của RFI do nhà báo Valérie Nivelon thực hiện.
Môi trường kháng chiến và văn hóa Phật giáo
U Win Tin kể lại tuổi thơ khiến ông được gần gũi với các nhà chính trị, nhà tranh đấu vì nền độc lập.
« Tôi đã học tập tại trường Myoma, Rangoun, nổi tiếng là nơi đào tạo những người ái quốc Miến Điện, nhiều người trong số họ trở thành những nhà chính trị xuất sắc. (...) Từ đây, hình thành một nhóm gọi là ''30 đồng chí'', trong đó có một người bác tôi, ông Bogyoke Aung San, cha đẻ của nền độc lập Miến Điện, Ne Win (nhà độc tài tương lai) và nhiều người khác…Thoạt tiên đây là những sĩ quan tham gia kháng chiến chống Anh, sau đó họ cầm súng chống lại Nhật.
Khi tôi còn nhỏ, tôi được gặp nhiều bạn của bác tôi, nhiều người sau đó trở thành lãnh đạo quốc gia, hay lãnh đạo cộng sản. Lúc đó, tôi khoảng 12 tuổi, tôi hiểu rõ những gì xẩy ra. Vào thời điểm này, gia đình chúng tôi buộc phải rời khỏi Rangoun, để tránh bom Nhật. Tôi được học tiếng Anh, với một người bác, là viên chức cao cấp trong bộ máy hành chính Anh. Tuy nhiên, vì người Nhật biết được chuyện này, tôi phải trở về Rangoun, và học tiếng Nhật. Một năm sau đó, thành phố Rangoun lại bị Anh ném bom, tôi lại phải rời Rangoun về nông thôn. Đó là vào năm 1943. Tôi trải qua một thời gian tu học tại chùa ».
Nhà nghiên cứu Claude Leveson, chuyên gia về Miến Điện, giải thích ý nghĩa của việc tu tập theo đạo Phật như một giáo dục về chính trị và tâm linh đối với người thiếu niên Miến Điện. Không giống với nhiều nước Đông Nam Á khác, ở Miến Điện, các sư tăng có một vai trò chính trị, tuy không trực tiếp, nhưng giới sư tăng là nơi nương tựa của xã hội dân sự. Khi mọi sự không ổn thỏa, phản ứng đầu tiên của người Miến Điện là tìm đến chùa. Tìm sự an ủi, nhưng điều quan trọng là tìm phương tiện để thoát ra khỏi tình trạng này. Phần lớn người trẻ, đặc biệt là vào giai đoạn đó, học đọc và viết tại chùa, trước khi đến trường. Người Miến Điện khá trung thành với truyền thống này, cho đến tận bây giờ. Vào thời điểm đó, với một cậu bé như Win Tin, việc học các nguyên tắc căn bản của tôn giáo hay của cách nhìn cuộc sống như là một phật tử, đã chuẩn bị những nền tảng cho tương lai. Các nhà sư đã từng đóng vai trò dẫn đầu trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Miến Điện chống đế quốc Anh. Những lãnh đạo như Aung San, hay những lãnh tụ khác sau chiến tranh, đều đã từng có thời gian được đào tạo ở tu viện Phật giáo.
Để trả lời cho câu hỏi, Phật giáo có vai trò quan trọng đến đâu trong cuộc đấu tranh của Win Tin, nhà báo Sophie Malibeaux cân nhắc : Claude Levenson nói đến triết học Phật giáo, đấy chính là cái mà Win Tin giữ lại. Ông giữ một khoảng cách rất rõ với tín ngưỡng, sự sùng bái. Ông rất rành mạch trong chuyện này. Win Tin là một trí thức, một người thế tục. Về mặt tôn giáo, ông ấy không phải là một nhà tranh đấu Phật giáo, cho dù triết học cuộc đời ông in đậm dấu ấn của tôn giáo này. Về mục tiêu hành động của cuộc đời mình, ông suy tư bằng những quan niệm không phải là tôn giáo, mà là chính trị.
Nhà báo Valérie Nivelon cũng nhấn mạnh, đây chính là điều khiến cho lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi đứng vững, trong suốt thời gian bị cầm tù, hay bị quản thúc. Cái nền tảng tinh thần giúp cho sự kháng cự của hai nhà lãnh đạo dân chủ Miến Điện này là triết học Phật giáo, cũng như nhiều người nhà hoạt động Miến Điện khác. Đây cũng chính là điều khiến họ lựa chọn con đường tranh đấu « bất bạo động ».
Lựa chọn nghề báo : Trải nghiệm chính trị và « đức tin » chính trị
Những năm 1940, trong bối cảnh Miến Điện bị Nhật Bản chiếm đóng, sau khi thoát khỏi thân phận thuộc địa của Anh Quốc, khi ông 15 tuổi, Win Tin có cơ hội gặp gỡ Bogyoke Aung San – biểu tượng của cuộc chiến vì nền độc lập Miến Điện – người cha của Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hòa bình. Thoạt tiên, Win Tin muốn tham gia vào quân đội kháng chiến, nhưng lời khuyên duy nhất mà nhà lãnh đạo Aung San dành cho cậu bé là đề nghị cậu tiếp tục việc học tập.
Aung San, cha đẻ của nền độc lập Miến Điện, bị ám sát năm 1947, một năm trước khi đất nước được độc lập 1948. 1948 cũng là năm Gandhi - lãnh tụ của con đường bất bạo động - bị ám sát tại Ấn Độ.
Win Tin từng thử cầm súng, nhưng ngay sau đó, ông đã nghĩ trở lại, như lời khuyên của Aung San, cuộc đời ông hướng về viết lách, dần dần ông chọn con đường viết báo. Sự lựa chọn này ảnh hưởng đến cả đời ông. Bởi tại một đất nước như Miến Điện, cầm bút là mạo hiểm cuộc sống của mình. Win Tin đã dùng cây bút làm vũ khí cho đến cuối đời.
Win Tin có được những năm tháng kinh nghiệm đầu tiên về nền dân chủ tại Miến Điện trong bối cảnh xung đột nội bộ giằng xé đất nước, trước khi quân đội nắm quyền vào năm 1962. Ông cũng nhận ra những khuyết tật nghiêm trọng của chính quyền dân sự thời điểm đó so với khả năng tổ chức tốt hơn hẳn của tập đoàn quân sự.
Nhà báo Valérie Nivelon nhắc lại, trong những năm 1960, có cơ hội được du hành và làm việc tại nhiều nước Á, Âu, trong đó có những nước cộng sản như Trung Quốc, Liên Xô, Win Tin có thái độ phê phán rõ ràng đối với các chế độ được mệnh danh là « xã hội chủ nghĩa ». Sau khi trở về từ Matxcơva, Win Tin viết một cuốn sách, trong đó ông nhận xét tự do báo chí không tồn tại ở nước Nga. Win Tin cũng có dịp được sống tại Hà Lan. Cuộc du hành này cho ông những công cụ để so sánh Miến Điện với Phương Tây, mức độ tự do của các quốc gia sống dưới chế độ độc tài cộng sản, để mường tượng rõ hơn cái đích mà xã hội Miến Điện cần hướng đến.
Cuộc đời làm báo trong chế độ độc tài quân sự, với kiểm duyệt càng ngày càng siết chặt, tưởng như không có đường ra. Ngoài thời gian hai năm dấn thân trong phong trào dân chủ mới, suốt phần đời còn lại, ông sống trong giam cầm, đày đọa. Nhưng nghịch cảnh không làm nhụt chí anh hùng. Ngày 23/09/2008, ông được trả tự do ở tuổi 79, sau gần 20 năm lao tù. Trong cuộc trả lời RFI, lần đầu tiên với tư cách một người tự do, ông chia sẻ : chính « đức tin chính trị » đã giúp ông không gục ngã. Năm 2009, cuốn tự thuật của Win Tin được NXB Michel Lafon (Pháp) ấn hành. Trong suốt thời gian bị cầm tù, ông liên tục có nhiều hoạt động, để yêu cầu trả tự do cho các tù nhân lương tâm, yêu cầu thành lập Quốc hội của dân, hay khuyến cáo đối thoại giữa chính quyền quân sự và đối lập. Win Tin đã vượt qua mọi thách thức để lên tiếng trước công luận.
Nuôi cua trong màn
Trong suốt cuộc đời ông, Win Tin đã liên tục đối mặt với hệ thống kiểm duyệt và tìm được rất nhiều cách để vượt qua.
"Vào dịp Noel năm 1987, tại một vùng nông thôn, cách Rangoun khoảng 30 km, chúng tôi tổ chức cuộc gặp, mỗi người mang theo một thứ đồ ăn : thịt hay đồ hải sản... Trong số những đồ mang đến, tôi thấy có các con cua sống. Người mang cua đến kể cho tôi biết anh phải đi rất xa, đến tận nơi người ta nuôi cua trong màn. Tôi rất ngạc nhiên vì câu chuyện này. Tại sao lại nuôi cua trong màn, trong khi đấy là những con vật có lớp vỏ cứng rắn. Người đó giải đáp cho tôi rằng, bởi bộ phận duy nhất dễ bị tấn công nhất của cua là mắt. Cua có thể chết nếu bị muỗi châm vào mắt. Mắt cua, nếu lọt ra ngoài, là bộ phận duy nhất có thể bị tấn công. Đấy là bộ phận duy nhất mở ra bên ngoài lớp vỏ cứng.
Câu chuyện này cho tôi một ý tưởng để viết một bài báo, trong đó tôi nói đến vấn đề gót chân Asin. Ý tưởng này cùng trùng với sự kiện thời sự vào lúc đó, hỏa tiễn Hoa Kỳ Atlas nổ tung chỉ vì một sai sót kỹ thuật hết sức nhỏ. Tôi viết bài báo đó để nói rằng, nếu tìm thấy một lỗ hổng, ta có thể chiến thắng một thế lực hùng mạnh, một người khổng lồ".
Về ý nghĩa của sự châm biếm như vũ khí của người dân bị đàn áp, sau đây là ý kiến của nhà nghiên cứu Claude Leveson :
Người Miến Điện hết sức nhạy cảm với sự châm biếm. Tôi nghĩ rằng, đối với tất cả những ai là nạn nhân của kiểm duyệt, ở Liên Xô trước đây, ở Trung Quốc hay Miến Điện hiện nay, tính châm biếm là một vũ khí hủy diệt rất mạnh. Cảm nhận về sự châm biếm trong tình trạng bất hạnh trước hết chính là một cách để tự vệ, để giải tỏa và để truyền đi các thông điệp. Vào thời điểm đó, bài báo của Win Tin đã được bí mật truyền đi. Bài báo gây nhiều suy nghĩ.
Bài báo nói trên của Win Tin được xuất bản vào tháng 2/1988. Đây là thời điểm xã hội Miến Điện bắt đầu sôi sục. Vào tháng 3, đã có các cuộc biểu tình của sinh viên. Và sau đó là các biến cố chấn động vào tháng 8/1988. Trong khoảng giữa thời gian này, có nhiều vụ tự thiêu, tình trạng kinh tế trở nên tồi tệ hơn, có nghĩa là có cả một loạt các thực tế, chỉ cần một mồi lửa, một “hiệu ứng cánh bướm”... Một tia lửa lan tới, đột ngột thay đổi tình hình... Đây có thể là điều mà người ta gọi là sự xuất hiện của cái không hình dung được trước, cái bất ngờ..."
Thời khắc mong manh của tự do mầu nhiệm
Sự trở về nước bất ngờ của Aung San Suu Kyi vào năm 1988, thoạt tiên không phải để làm chính trị, trùng hợp với thời điểm Win Tin, nhà báo, dấn thân vào một chính trường vô cùng bất trắc :
"Trong khoảng thời gian từ bài diễn văn đầu tiên của Aung San Suu Kyi, ngày 22/08/1988 đến ngày 18/09, khi tập đoàn quân sự nắm lại quyền lực, dân chúng Miến Điện rất hạnh phúc. Cho dù vào lúc đó, chợ búa không có gì, gạo không, cá thịt không. Tuy nhiên, người dân được tự do. Xe buýt cũng không có. Mọi người đi bộ khắp đất nước. Đó là thời điểm hết sức phấn khích. Có nhiều cuộc thảo luận tại nhà Auang San Suu Kyi, tại trụ sở nghiệp đoàn báo chí của chúng tôi, rồi các cuộc bãi công của các công nhân, bác sĩ, tài xế tắc-xi, nông dân... Chúng tôi muốn tập hợp tất cả lại thành một thứ Đại hội của toàn thể những người bãi công, nhưng chúng tôi đã thất bại, bởi chúng tôi không có đủ ảnh hưởng để tạo nên một sự kiện như vậy.
Chúng tôi đã họp lại, cùng với Aung San Suu Kyi, còn có các cựu tướng lãnh, U Aung Gyi và U Tin O, để tạo thành một bộ ba lãnh đạo, một liên minh Aung-Suu-Tin, như chúng tôi gọi vào lúc đó. Chúng tôi chờ đợi quyết định của chính quyền để thành lập một đảng chính trị. Tuy nhiên, quyết định này không có. Đầu tháng 9, chúng tôi quyết định thành lập đảng. Nhưng rồi, tập đoàn quân sự trở lại nắm quyền và chúng tôi phải đi vào hoạt động bí mật. Một số người ẩn náu trong nước, một số khác rời ra nước ngoài, trong số đó, có những người sang Thái Lan. Chúng tôi bị sốc. Chúng tôi không trông đợi giới quân sự trở lại. Chúng tôi đã tin tưởng có thể tìm được thỏa hiệp với đảng Cương lĩnh Xã hội chủ nghĩa cầm quyền (BSPP) (đảng của nhà độc tài Ne Win). Chúng tôi đã tin tưởng vào sự thay đổi, nhưng vào ngày hôm đó, lúc 16 giờ, radio thông báo tập đoàn quân sự trở lại nắm quyền (ngày tập đoàn quân sự trở lại cũng là ngày đảng BSPP giải tán – ndr)".
Nhà nghiên cứu Claude Levenson, người được chứng kiến rất gần bầu không khí khi người dân cảm thấy đột ngột được giải phóng (bầu không khí kéo dài không bao lâu), đưa ra cái nhìn của bà về ý nghĩa của tự do đối với người Miến Điện :
Đúng đây là một thời điểm của sự mầu nhiệm, sự trở lại của tự do, trước khi tập đoàn quân sự trở lại dùng bạo lực. Tự do là khát vọng của tất cả mọi người. Cảm thấy sợ hãi, sống dưới sự đàn áp, dưới sự đe dọa, sự kiểm soát thường trực, việc mời một ai đến nhà cớ thể bị trình báo ra chính quyền khu phố... Những cảm xúc, tâm trạng đó hết sức nặng nề. Khi người ta được giải thoát ra khỏi tất cả những thứ như vậy, người ta có thể xuống đường, có thể nói chuyện, có thể bày tỏ, đó là một sự nhẹ nhõm vô cùng lớn lao. Tự do là một cái gì đó thật đặc biệt đối với người Miến Điện.
Thời điểm của sự mầu nhiệm đó, chúng ta đã thấy. Mọi người có thể nói chuyện với nhau, không còn sợ hãi nữa. Tôi nghĩ rằng cần nhớ lại cuốn sách mà Aung San Suu Kyi viết, khi mới trở về nước : “Hãy giải thoát khỏi nỗi sợ !”. Bà đã nhấn mạnh với các đồng chí, nhấn mạnh với mọi người dân, hãy quên đi nỗi sợ. Tuy nhiên, nỗi sợ rất dai dẳng, nó bám vào da thịt con người, đặc biệt trong những hoàn cảnh như vậy. Đó là một kiểu bản năng sinh tồn. Giải thoát khỏi nỗi sợ là một bước dài tiến đến Tự do. Điều này thường là phải trả bằng những cái giá rất đắt".
Tiếp tục làm báo trong tù
Trở lại với cái mốc bi kịch, ngày 04/07/1989 (đúng một tháng sau cuộc thảm sát Thiên An Môn), Win Tin bị bắt. Thoạt tiên nhà hoạt động chính trị bị phạt ba năm tù, trong một vụ án tạo dựng, rồi nhiều án tù nối nhau kéo dài đến mịt mù chân trời tự do, sau khi ông từ chối không ký vào cam đoan từ bỏ chính trị, từ bỏ Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Nhà tù với những năm tháng dài dằng dặc trở thành một đấu trường mới đối với ông.
"Chúng tôi có thể nối được nhiều đường dây, thông qua những người coi tù, hay những người tù thường phạm, được nhà tù sử dụng làm lao công. Nhờ có họ, mà chúng tôi có thể nhận được nhiều thứ từ bên ngoài. Ví dụ như đưa được radio nhỏ vào để nghe trộm tin tức. Chúng tôi ghi chép và công bố nhiều thứ. Chúng tôi đã viết cả một cuốn sách về Aung San Suu Kyi và U Nu (Thủ tướng Miến Điện đầu tiên, bị đảo chính lật đổ năm 1962). Chúng tôi đã có được cả giấy và bút viết, đổi lại là các khoản bồi dưỡng cho người trung chuyển. Ví dụ như bốn tách trà lấy một tờ giấy. 20 tách trà một cây bút viết. Chúng tôi cũng có được chỉ và kim để đóng thành tập sách. Và cuối cùng là đưa được sách ra ngoài. Trong số những gì được viết ra, có cả thơ, bài báo, sách.
Rồi chúng tôi tổ chức một phong trào để liên lạc với Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Chủ trương của chúng tôi là tập hợp được tối đa các hành động chống lại quyền con người tại nhà tù của chúng tôi, đồng thời ở một số nhà tù khác, trên đất nước mình. Những hành xử tàn ác với tù nhân, số lượng người chết. Riêng xung quanh chỗ tôi, đã có khoảng 20 người chết, chỉ vì đói. Các y bác sĩ tử tế, nhưng không cho chúng tôi bất cứ thuốc thang gì. Thật khó đem được thuốc vào nhà tù. Khi bị kiết lỵ mà không có thuốc, thì chắc chắn là chết. Cuộc sống trong tù của chúng tôi là như vậy". (xem thêm chú thích 1, nhận xét của nhà báo Sophie Malibeaux về thái độ của Win Tin đối với những cực hình mà ông phải chịu trong thời gian mới bị tù đày).
---
Những thay đổi từ ba năm nay, với các cải cách thể chế mạnh do chính quyền dân sự hóa của Tổng thống Thein Sein tiến hành, mang lại nhiều hy vọng, được nhiều nhà bình luận ví với một “mùa xuân Miến Điện”. Quyền tự do ngôn luận tại xứ sở chùa Vàng đã có nhiều thay đổi quan trọng với việc xóa bỏ kiểm duyệt, ra đời báo chí tư nhân… Tuy nhiên, con đường Miến Điện đi đến một nền dân chủ đích thực còn rất chông gai. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền, như Phóng viên Không biên giới (RSF), ghi nhận nhiều nhà báo vẫn tiếp tục bị bắt bớ và bị kết án chỉ vì thực thi công việc theo trách nhiệm nghề nghiệp. Cuộc chuyển đổi dân chủ trong những năm vừa qua, được đánh giá là hết sức sức ngoạn mục, vẫn đứng trước các thách thức ghê gớm, đặc biệt với các xung đột sắc tộc, tôn giáo... Quá trình thay đổi tích cực hiện nay không phải không có nguy cơ bị đảo ngược. Tatmadow (tức “quân đội” Miến Điện) tiếp tục đóng vai trò là thế lực có tiếng nói cuối cùng.
Miến Điện cần con người có bản lĩnh như Win Tin. Đất nước sẽ rất nhớ đến những gì ông ấy làm, một nhà báo tài năng, một tinh thần tự do, những nỗ lực của ông ấy vì nền dân chủ, vì những cơ hội cho con người và vì sự hòa giải dân tộc”, một công dân Miến Điện chia sẻ.
Tin bài liên quan
Đối lập Miến Điện hoan nghênh hậu thuẫn của Washington
Aung San Suu Kyi thúc đẩy tu chính Hiến pháp Miến Điện
Biểu tình đòi sửa đổi Hiến pháp
Chiến sự và lòng nghi kỵ đe dọa nỗ lực hòa bình tại Miến Điện
Điều tra dân số Miến Điện : Dân Rohingya dưới sức ép của Phật tử cực đoan
Nhà dân chủ Win Tin, «cái gai» của chính quyền Miến Điện
Dân Miến Điện tiễn đưa lần cuối nhà dân chủ Win Tin
Nhà đối lập nổi tiếng Miến Điện Win Tin qua đời
(1) Nhận xét của nhà báo Sophie Malibeaux :  “Trước hết phải nói rằng, Win Tin thường nói rất ít về những nỗi đau, nỗi kinh hoàng mà ông phải chịu đựng… Sau này, ông thường có phản xạ chỉ kể lại những gì ông đã thành công ở trong tù. Chỉ cần hỏi dấn thêm chút nữa, ta sẽ làm ông bất an.
Ông ấy đã trải qua những khổ ải kinh hoàng, nhưng ông ấy không muốn nói nhiều về chúng. Phải gặng hỏi mãi, ông mới nói về việc mình bị tra tấn như thế nào. Trong phiên tòa đầu tiên, năm 1989, ông bày tỏ thái độ không muốn nói về việc mình bị hành hạ, đánh đập, mặc dù dấu vết của sự hành hạ hiện rõ trên thân thể bầm dập của ông.
Ông không muốn kể lại, vì việc nói ra, ông nghĩ, sẽ làm mất tinh thần những người trẻ trong đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Ông nói, nếu các thanh niên biết được một ông già 60 tuổi (ở Miến Điện vào thời điểm đó, 60 tuổi đã rất già), một người già như thế mà còn bị đánh đập, đối xử tàn tệ bởi các cai tù, thì câu chuyện ấy có thể làm cho lớp trẻ khiếp sợ. Cũng như Aung San Suu Kyi, ông thường nhấn mạnh : Hãy giải thoát khỏi nỗi sợ ! Nỗi sợ là kẻ thù số một đối với người Miến Điện. Điều này đã khiến họ phần nào bị tê liệt trước bạo quyền".
TỪ KHÓA : TẠP CHÍ - XÃ HỘI - MIẾN ĐIỆN - DÂN CHỦ - CHÂU Á
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140618-win-tin-guong-mat-tieu-bieu-cua-nen-dan-chu-mien-dien

Geen opmerkingen:

Een reactie posten