donderdag 26 juni 2014

Bất ổn tại Irak đe dọa thị trường dầu hỏa thế giới ?

THỨ BA 24 THÁNG SÁU 2014
Bất ổn tại Irak đe dọa thị trường dầu hỏa thế giới ?
Nhân viên an ninh người Kurdistan canh gác lối vào một khu nhà máy lọc dầu ở Mossoul, 22/06/2014
Nhân viên an ninh người Kurdistan canh gác lối vào một khu nhà máy lọc dầu ở Mossoul, 22/06/2014
REUTERS/Azad Lashkari
Thanh Hà
Xung đột leo thang, nguy cơ nội chiến đe dọa « chiến lược phát triển dầu khí quốc gia » của Irak. Phiến quân EIIL càng tiến vào gần Bagdad, giá dầu trên thế giới càng tăng cao, đầu tư quốc tế cho ngành công nghiệp dầu hỏa Irak càng bị đe dọa. Đâu là những thách thức của ngành công nghiệp dầu khí Irak ?
Tin các thành phố lớn như Mossoul, Tikrit rơi vào tay tổ chức thánh chiến mang tên Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Trung Đông , cộng thêm với việc tổ chức vũ trang này đã tạm thời chiếm được nhà máy lọc dầu Baiji cách thủ đô Bagdad 200 cây số về phía bắc, đẩy giá dầu hỏa trên thế giới lên cao nhất kể từ tháng 9/2013. Cho dù phiến quân Hồi giáo cực đoan thuộc tổ chức EIIL mới chỉ tràn vào các khu vực ở miền bắc và bạo động chưa ảnh hưởng đến các vùng sản xuất và xuất khẩu vàng đen của Irak, tập trung ở miền nam nước này, nhưng bất ổn tại quốc gia có đang làm chủ 11 % dự trữ đã được chứng minh của toàn cầu đang gây lo ngại.
Irak là nguồn sản xuất thứ nhì trong Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa (OPEP). Mỗi ngày Irak cung cấp gần 3 triệu thùng dầu thô cho thế giới. Đây là nguồn thu nhập đem về tới 90 % ngân sách của nhà nước Irak và chiếm 75 % GDP.
Vào tuần trước, giá dầu lại càng tăng thêm sau khi phiến quân Hồi giáo cực đoan một lực lượng mang tên Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Trung Đông , EIIL tạm thời chiếm được nhà máy lọc dầu ở Baiji, có công suất lọc 300.000 thùng dầu mỗi ngày. Sự cố đó không làm sụt giảm khối lượng dầu của Irak bán ra trên thế giới, vì Irak chỉ xuất khẩu dầu thô mà thôi, nhưng càng tạo ra tâm lý hoang mang trên thị trường quốc tế.
Trả lời đài RFI Pierre Terzian, chủ tịch tổng giám đốc cơ quan tư vấn về dầu khí PetroStrategies cho rằng đây là một tín hiệu mới đe dọa dầu hỏa Irak :
« Baiji là nhà máy lọc dầu lớn nhất của Irak, bảo đảm tới 50 % nhu cầu tiêu thụ cho khu vực chung quanh, tức là ở nhiều tỉnh thành miền bắc Irak. Baiji đã trở thành mục tiêu tấn công. Giao tranh đã diễn ra giữa lực lượng vũ trang EIIL và quân đội. Đối với tổ chức EIIL, kiểm soát được nhà máy lọc dầu Baiji là điều hết sức quan trọng do phong trào nổi dậy này cần xăng dầu để tiến bước về thủ đô Bagdad. EIIL không có lợi ích gì khi đốt cháy nhà máy lọc dầu này. Cần nhắc lại là hiện thời, EIIL đã kiểm soát được một vài mỏ dầu không lớn lắm ở chung quanh khu vực Mossoul, và một đoạn ống dẫn dầu nối liền hai miền nam bắc Irak. Tuyến đường ống dẫn dầu đó cho phép Irak xuất khẩu dầu thô qua trung gian Thổ Nhĩ Kỳ trước khi ra tới các nước vùng Địa Trung Hải ».
Thực ra hiện nay Irak mới chỉ cung cấp chưa đầy 3 triệu thùng dầu/ngày, tức mới chỉ tương đuơng với khả năng khai thác của hồi năm 1989. Trong trường hợp xấu nhất, tức là cộng đồng quốc tế không thể trông cậy vào khối lượng dầu của Irak, thì dự trữ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa, OPEP, mà Irak là một thành viên, hoàn toàn có thể cũng cấp thêm đến 3 triệu thùng dầu mỗi ngày để bù vào chỗ trống Irak để lại. Tuy nhiên đó chỉ là một giải pháp tạm thời.
An ninh, chìa khóa của thành công
Tuy vậy, như nhận định của Bộ trưởng Năng lượng Anh Michael Fallon, nhân buổi lễ khai mạc hội thảo về dầu hỏa Irak mở ra trong hai ngày 17 và 18/06/2014 tại Luân Đôn, « An ninh là một yếu tố tối quan trọng để Irak trở thành một nhà cung cấp dầu hỏa hàng đầu của thế giới». Irak là một quốc gia dầu hỏa “tiềm năng”. Thế nhưng để « tiềm năng đó không chỉ là những lời hứa hẹn suông hay chỉ là giấc mơ » Irak cần « đầu tư đáng kể cho ngành công nghiệp dầu khí ».
Một chuyên gia Mỹ về Cận Đông Michael Knight thuộc viện nghiên cứu Washington Institute for Near East Policy, cho rằng thời sự nóng bỏng trong hơn hai tuần qua « đe dọa trực tiếp những dự án đầu tư lâu dài vào Irak ». Bất ổn về an ninh, chính trị là trở ngại cho chiến lược phát triển về năng lượng của Irak đã được các nhà cầm quyền ở Bagdad đề ra cách nay đúng một năm.
Hơn một chục năm sau chiến tranh, gần ba năm sau khi quân đội Mỹ đã rút khỏi Irak, ngành công nghiệp dầu khí của Irak cần được tiếp sức. Irak không thể nâng mức sản xuất đang từ 3 triệu thùng dầu một ngày lên thành 6 triệu nếu không có đầu tư.
Tóm lại xung đột leo thang ở Irak chưa ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sản xuất hay xuất khẩu dầu hỏa của quốc gia này, nhưng sẽ tác động trực tiếp đến chính sách đầu tư của quốc tế vào dầu hỏa Irak và theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE) EIIL đang là mối đe dọa hết sức nghiêm trọng. Trong khi đó thì nhu cầu tiêu thụ của thế giới không ngừng gia tăng và vẫn theo AIE, nội trong năm nay Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ để trở thành nguồn tiêu thụ dầu hỏa lớn nhất thế giới.
Chiến lược dầu hỏa
Cách nay đúng một năm, ngày 12/06/2013 chính quyền của thủ tướng Nouri Al Maliki đã trình bày một « chiến lược năng lượng toàn quốc ». Bagdad đề ra những mục tiêu như sau : Nâng tổng kim ngạch xuất khẩu dầu hỏa của Irak lên mức 6.000 tỷ đô la một năm trước năm 2030 ; tự lực về nhu cầu tiêu thụ nội địa ; sử dụng các nguồn thu nhập nhờ xuất khẩu dầu hỏa và khí đốt để đa dạng hóa các hoạt động kinh tế ; đẩy mạnh công cuộc tái thiết đất nước một chục năm sau chiến tranh ; tạo công việc làm cho 10 triệu người mới gia nhập thị trường lao động.
Để thực hiện được những mục tiêu đó, chính quyền Irak quyết định đặt toàn bộ ngân sách dầu lửa vào tay Bộ Quốc phòng. Chính sách phát triển cũng như các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, trùng tu các cơ sở sản xuất, bảo quản các nhà máy lọc dầu, hay việc quản lý các đường ống dẫn dầu đều thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng Irak.
Vấn đề đặt ra theo các số liệu có được là chỉ một phần rất nhỏ của các khoản thu nhập từ nguồn tài nguyên này được dùng vào việc tái thiết kinh tế đất nước. Tình hình xã hội do không được cải thiện gây nên một làn sóng phẫn nộ, đặc biệt là trong giới trẻ, chiếm tới 57 % dân số.
Bức họa tươi sáng mà « chiến lược năng lượng toàn quốc » của chính quyền Maliki đề ra đã sớm đụng phải thực tế phũ phàng. Về mặt lý thuyết, nhiều người đã nghi rằng, dầu hỏa là chìa khóa giúp Irak nhanh chóng tái thiết sau chiến tranh, mở đường cho quốc gia này tiến bước trên con đường dân chủ.
Trên thực tế khi liên quân Anh, Mỹ khi tiến hành cuộc chiến Irak đã toan tính trước những nước cờ sẽ đi trên ván bài năng lượng. Liên quân quốc tế và các đồng minh Irak được Washington dựng lên đã tự do hóa và tái cơ cấu ngành công nghiệp dầu hỏa. Cụ thể là các nhà cầm quyền Bagdad với sự dẫn dắt của liên quân đã mở rộng cửa đón các đại gia của ngành dầu khí trên thế giới vào Irak làm ăn. Trước khi chiến tranh Irak kết thúc các tập đoàn dầu khí thế giới, ExxonMobil tới Shell, từ BP tới Total, từ Gazprom tới PetroChina hay CNPC đều đã dàn sẵn quân trên lãnh thổ này.
Rumaila là mỏ dầu lớn thứ nhì thế giới, cách biên giới Koweit khoảng 30 km với trữ lượng, 17 tỷ thùng dầu, từ năm 2009 đã được trao cho tập đoàn dầu khí của anh BP khai thác. Mục tiêu để ra là nâng mức sản xuất lên thành 2 triệu thùng dầu/ngày kể từ 2020 thay vì 1,4 triệu như hiện tại.
Trả lời đài RFI, Mark Holbrook đại diện của BP cho biết về thách thức rất lớn :
« Công trình khai thác dầu hỏa ở đây đang rất cần được đầu tư để nâng cấp. Trong 10 năm qua đã không có thêm một giếng dầu nào được khoan thêm. Bắt kịp sự chậm trễ đó là cả một thách thức vô cùng to lớn đối với BP khi chúng tôi bắt tay vào việc. Vấn đề thứ nhì cũng quan trọng không kém là phải tân trang lại tất cả những thiết bị và hạ tầng cơ sở đã có và đồng thời duy trì mức độ sản xuất khoảng 1,4 triệu thùng dầu/ngày ».
Trung Quốc và dầu khí Irak
Từ 2009-2010 Irak đã ký hơn một chục hợp đồng bảo quản các khu mỏ dầu với các công ty nước ngoài. Việc kêu gọi các các tập đoàn nước ngoài vào khai thác đang gây nhiều tranh cãi tại Irak bởi từ năm 1972 chính quyền đã quốc hữu hóa công nghiệp dầu khí. Trong cuộc chạy đua tranh thủ vàng đen Irak, Trung Quốc đã khá thành công qua hợp đồng cho phép PetroChina vào khai thác và bảo đảm dịch vụ bảo trì, mức sản xuất đã tăng gấp 3 tại mỏ Halfaya, gần biên giới Iran. Một kỹ sư Irak công tác tại mỏ Halfaya nói với phóng viên đài RFI vì đối tác Trung Quốc có uy tín :
« Đã có nhiều tập đoàn nước ngoài đăng ký đầu thầu để nâng cấp mỏ dầu Halfaya nhưng chúng tôi thực sự hài lòng khi hợp tác với Trung Quốc. Thứ nhất là giá thành của PetroChina thấp hơn so với các đối tác khác. Đương nhiên là do Trung Quốc cần dầu hỏa của Irak nhưng đồng thời PetroChina thực sự có đầy đủ phương tiện và khả năng, kỹ thuật để giúp chúng tôi khai thác dầu khí »
Trung Quốc hiện mua vào mỗi ngày 800.000 thùng dầu- cao gấp ba so với trước. Không chỉ ở Halfaya mà tại một mỏ lớn khác của Irak mà Missean cũng vậy, người dân không ngớt lời ca ngợi Trung Quốc đầu tư vào vùng này.
Tháng 2/2014 Ngoại trưởng Vương Nghị là quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc viếng thăm Irak từ năm 2003 tới nay và báo chí cho biết Trung Quốc hiện nay là nhà đầu tư số 1 trong ngành dầu hỏa của Irak và là một đối tác thương mại hàng đầu của quốc gia Trung Đông này. Một mình Trung Quốc mua vào đến 50 % sản lượng dầu hỏa mà Irak cung cấp hàng ngày. New York Times trong một số báo gần đây đã khẳng định rằng « Trung Quốc là nước hưởng lợi nhiều nhất về sự phát triển trong ngành công nghiệp dầu hỏa Irak thời hậu Saddam Hussein ».
Năm 2013 tập đoàn CNPC đã hợp tác với BP của Anh và một đối tác Irak để cùng khai thác mỏ dầu Rumaila ở miền Nam Irak. Ngoài CNPC các tập đoàn dầu hỏa khác của Trung Quốc như Petrochina, CNOOC hay Sinopec cũng đã trực tiếp hoặc hợp tác với những tên tuổi khác trong ngành của Anh, Mỹ để giành được hợp đồng đấu thầu với các tập đoàn dầu khí Irak.
Ngoài thách thức về hạ tầng cơ sở để bảo đảm cho công tác khai thác vàng đen, trở ngại thứ hai để Irak thực sự trở lại vị trí hàng đầu trong số các nguồn cung cấp của thế giới là Bagdad phải xây dựng lại cả hệ thống các đường ống để đưa dầu hỏa của mình ra được thế giới.
Ở đây đặt ra hai vấn đề : thứ nhất là các mỏ dầu của Irak trong vùng Kurdistan hiện không còn cách xa là bao những điểm nóng, nơi mà quân EIIL đang hoành hành. Thứ nhì nữa là nguy cơ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Trung Đông chiếm đoạt hoặc phá hoại đường ống dẫn dẫu nối liền Kirkouk với cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Ky. Đây là con đường đưa vàng đen của Irak ra tới tận Địa Trung Hải.
Trở lại với câu hỏi bất ổn tại Irak có nguy cơ tạo nên một cơn sốt dầu hỏa mới hay không : Theo các chuyên gia, trước mắt câu trả lời là không. Một là do 90 % sản xuất dầu hỏa của Irak vẫn trong vùng an toàn. Hai là OPEP tạm thời có khả năng sản xuất thêm để bù vào lỗ hổng mà Irak để lại trong trường hợp xấu nhất. Thứ ba nữa là nhu cầu tiêu thụ dầu khí của thế giới đã trở nên bớt căng thẳng nhờ khí đá phiến của Hoa Kỳ. Yếu tố thứ tư là quan hệ giữa cộng đồng quốc tế với một nhà sản xuất dầu hỏa quan trọng khác của thế giới là Iran đang trên đà được cải thiện. Điều đó đang mở ra triển vọng đầu tư ồ ạt đổ vào ngành công nghệ dầu khí của Iran.
TỪ KHÓA : QUỐC TẾ - KINH TẾ - IRAK - TẠP CHÍ - DẦU KHÍ - BẠO ĐỘNG
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20140624-bat-on-tai-irak-de-doa-thi-truong-dau-hoa-the-gioi

Geen opmerkingen:

Een reactie posten