zondag 1 juni 2014

Vì an ninh châu Á, Nhật Bản đối trọng với Trung Quốc

Thứ bảy 31 Tháng Năm 2014

Vì an ninh châu Á, Nhật Bản đối trọng với Trung Quốc

Thủ tướng Shinzo Abe: Nhật sẽ giao cho Philippines, Indonesia và Việt Nam tàu tuần duyên để tăng khả năng tự vệ - Reuters /P. Hackett
Thủ tướng Shinzo Abe: Nhật sẽ giao cho Philippines, Indonesia và Việt Nam tàu tuần duyên để tăng khả năng tự vệ - Reuters /P. Hackett

Tú Anh
Trung Quốc đơn độc tại Diễn đàn An ninh Châu Á Shangrila diễn ra hàng năm tại Singapore. Hành động gây bất ổn định của Bắc Kinh bị Washington cảnh cáo trong khi Tokyo, nhân danh hòa bình khu vực tuyên bố sẽ chủ động hơn và giúp đỡ nhiều hơn các quốc gia Đông Nam Á bị Trung Quốc lấn hiếp.

Thái độ hung hăng của chính quyền Trung Quốc tại Hoa Đông và Biển Đông đã đưa đến một hệ quả không thể tránh được : Bắc Kinh bị đặt vào thế bị cáo trong lúc Tokyo nổi bật với vai trò cứu tinh : hỗ trợ các quốc gia trong vùng bảo vệ an ninh trên không và trên biển.
Tại Diễn đàn An ninh khu vực Sangri-La, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với tư cách là khách mời chỉ đạo, tuyên bố Nhật và Hoa Kỳ đã sẵn sàng thắt chặt hợp tác với Úc và Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN.
Trong chiều hướng này, Nhật Bản đóng vai trò năng động và tích cực hơn so với thời gian qua để bảo vệ hòa bình tại châu Á và cho thế giới.
Trước mặt các phái đoàn quân sự cao cấp, chuyên gia quân sự, ngoại giao quốc tế trong đó có Trung Quốc, và Đông Nam Á, ông Shinzo Abe loan báo Nhật Bản sắp chuyển giao cho Philippines, một trong những quốc gia nghèo trong vùng, 10 tàu tuần duyên để tăng cường khả năng tự vệ. Indonesia cũng sắp nhận được ba tàu tuần duyên tương tự và Việt Nam cũng có thể được hỗ trợ không khác gì hai nước ASEAN kia.
Thông điệp an ninh của Thủ tướng Nhật Bản được đưa ra vào lúc tình hình trên hai vùng biển Hoa Đông và Biển Đông tăng nhiệt. Hôm nay, hai tàu tuần duyên Trung Quốc lại xâm nhập quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Ngày 25/05/2014, Trung Quốc cho máy bay chiến đấu bay sát, khoảng 30 mét, một máy bay quân sự Nhật Bản.
Trong vùng lãnh hải Việt Nam, Trung Quốc hành xử như đang ở ao nhà, đặt giàn khoan tìm khí đốt, huy động hàng trăm hải thuyền trấn áp tàu cảnh sát biển Việt Nam và tàu cá của ngư dân. Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố 80% biển Đông Nam Á là của Trung Quốc.
Trong một phản ứng mới nhất, Việt Nam hôm thứ Năm 29/05/2014, tố cáo tàu chiến Trung Quốc chỉa súng uy hiếp tàu cảnh sát biển Việt Nam. Trong cuộc đọ sức không tương xứng với Trung Quốc năm 2012, Philippines bị mất một vùng đảo đá ngầm và ngư trường truyền thống của dân chài.
Trong thống điệp tại Singapore, Thủ tướng Nhật Bản nhiều lần nhắc đến « nhà nước pháp quyền » kêu gọi các quốc gia trong vùng tôn trọng ba nguyên tắc : tôn trọng chuẩn mực quốc tế về đường phân định biên giới, không dùng biện pháp cưỡng chế, áp đặt và phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình.
Không tố cáo đích danh Trung Quốc, Thủ tướng Shinzo Abe lên án các hành động « vi phạm ba nguyên tắc này » cố tình « làm thay đổi nguyên trạng ».
Theo quan điểm của lãnh đạo Nhật Bản, để bảo vệ được nền hòa bình trong khu vực trước những đe dọa của Trung Quốc, các nước liên hệ phải hợp tác chặt chẽ với nhau và với Hoa Kỳ cũng như với Úc ở tận cùng Nam Thái Bình dương.
Chiến lược của Nhật được đặt tên là « kế hoạch Phòng vệ Tập thể » cho phép Nhật Bản hiện đang bị Hiến pháp hiếu hòa trói buộc, có thể động binh khi một đồng minh bị uy hiếp mà không cần chờ đến phiên mình bị tấn công.
Sáng kiến của Tokyo đã được Hoa Kỳ, qua tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hoan nghênh và ủng hộ.
Kế hoạch này nếu được tiến hành sẽ tạo cho Nhật bản một vai trò chủ động hơn thay vì phải chờ và nhờ sức mạnh của Hoa Kỳ. Mặt khác, nó giúp cho ngành công nghệ quân sự Nhật Bản phát triển mạnh và làm nhẹ gánh nặng tài chính của Mỹ trong chiến lược chuyển trục. Các nước Đông Nam Á có được một đồng minh gần về quân sự lẫn kinh tế.
Phản ứng của Trung Quốc không làm giới phân tích ngạc nhiên : Theo AFP, bà Phó Oánh, chủ tịch Ủy ban đối ngoại của quốc hội Trung Quốc có mặt tại Singapore, cho rằng Nhật Bản khai thác xung khắc biển đảo để sửa đổi chính sách an ninh khu vực và điều này làm các quốc gia trong vùng lo ngại.
Ngoại trừ Bắc Kinh, chưa một thủ đô châu Á nào bị Trung Quốc uy hiếp, đã lên tiếng phản đối Nhật Bản.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140531-vi-an-ninh-chau-a-nhat-ban-doi-trong-voi-trung-quoc

Chủ nhật 01 Tháng Sáu 2014

Shangri-La : Trung Quốc lên án Mỹ-Nhật "khiêu khích"

Trưởng đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La, tướng Vương Quán Trung (Wang Guanzhong).
Trưởng đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La, tướng Vương Quán Trung (Wang Guanzhong).
AFP

Thanh Hà / Tú Anh
Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung (Wang Guanzhong) cực lực lên án bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và thủ tướng Nhật Bản đã có lời lẽ « khiêu khích », khi hai nhân vật này tố cáo Bắc Kinh « gây bất ổn » trong vùng Biển Đông và Hoa Đông. Thực sự là Vương Quán Trung đã quên lời cam kết của Tập Cận Bình.

Tại Diễn đàn An ninh khu vực Đông Nam Á Shangri-La (Singapore), quy tụ hàng trăm nhân vật lãnh đạo chính trị, ngoại giao, quân sự và chuyên gia quốc tế, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel trong bài phát biểu ngày hôm qua 31/06 tuyên bố Hoa Kỳ không chấp nhận «thái độ gây bất ổn » của Trung Quốc và « sẽ không điềm nhiên tọa thị » nếu trật tự thế giới bị đe dọa. Hoa Kỳ « mạnh mẽ chống lại bất kỳ hành động đe dọa, cưỡng chế, uy hiếp bằng vũ lực để khẳng định yêu sách », bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi « mọi quốc gia phải tôn trọng luật pháp », khi nói về tình hình căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông, một cách để gián tiếp để lên án Trung Quốc lấy sức mạnh đè người.
Hôm nay, trong phần phát biểu của phái đoàn Trung Quốc, trưởng đoàn Vương Quán Trung, Tham mưu phó quân đội Trung Quốc đáp trả một cách giận dữ :  « Hai ông Chuck Hagel và Shinzo Abe có những lời tuyên bố không thể chấp nhận được, là một hành động khiêu khích có phối hợp để thách thức Trung Quốc ».
Từ Singapore, đặc phái viên Cléa Broadhurst tường thuật
« Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Vương Quán Trung, lần đầu tiên lên tiếng kể từ khi Đối thoại Shangri-La khai mạc hôm thứ Sáu 30/05/2014. Trước hết ông nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết duy trì ổn định trong khu vực. Tuy nhiên liền sau đó trung tướng Vương Quán Trung đã đi xa hơn trong bài diễn văn của mình để trả lời những chỉ trích nhắm vào Trung Quốc suốt trong hai ngày vừa qua.
Đại diện Trung Quốc giải thích ông ngỡ ngàng trước bài diễn văn khai mạc cuộc họp của thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe. Theo ông, đó là một bài diễn văn đầy rẫy những tình cảm bài Trung Quốc. Cho dù thủ tướng Abe không nêu đích danh quốc gia này, nhưng Trung Quốc trở thành mục tiêu tấn công của lãnh đạo Nhật Bản.
Sau khi nhắm vào bài thuyết trình của thủ tướng Nhật Bản, viên trung tướng họ Vương đề cập tới phát biểu của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Chuck Hagel. Ông nhận xét là ông Hagel đã tỏ thái độ thẳng thắn hơn so với thủ tướng Abe. Dù vậy, đại diện của Trung Quốc nêu lên câu hỏi phải chăng Hoa Kỳ và Nhật Bản đã phối hợp với nhau để cùng chĩa mũi dùi vào Bắc Kinh.
Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc cho rằng, chính hai ông Abe và Hagel, qua bài diễn văn của họ đã khiêu khích Trung Quốc, trong lúc mà Bắc Kinh không khi nào đi bước đầu để tấn công bất kỳ một ai. Vẫn theo trưởng đoàn Trung Quốc tại hội nghị Shangri-La, thái độ khiêu khích của Mỹ và Nhật Bản trái ngược với tinh thần đối thoại với mục đích giải quyết các xung đột bằng con đường đối thoại ».
Có thật sự Bắc Kinh không gây hấn trước như tướng Vương Quán Trung khẳng định hay không ?
Không phải tự nhiên mà Mỹ và Nhật Bản phải lên tiếng mạnh mẽ tại Diễn đàn đối thoại Shangri-La. Ngay vào giờ phút « đối thoại », Trung Quốc lại đưa tàu tuần duyên áp sát quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc tranh giành với tên gọi Điếu ngư. Ở Biển Đông, Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào thăm dò ngay trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, huy động 100 tàu tuần biển, 40 tàu quân sự bao vây, tấn công gây hư hại cho hàng chục tàu cảnh sát biển và tàu cá Việt Nam.
Những hành động này đi ngược lại những gì mà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết với các quốc gia láng giềng.
Từ Thượng Hải, thông tín viên Delphine Sureau tường thuật
« Khi tiếp thủ tướng Malaysia Najib Razak khi ông viếng thăm Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa không khuấy động tình hình tại Biển Đông. Tuy nhiên nếu như Việt Nam hay Philippines gây hấn, thì khi đó Bắc Kinh sẽ có phản ứng. Trên thực tế, Trung Quốc không ngần ngại sử dụng sức mạnh để kiểm soát những vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh luôn khẳng định là thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ nhiều thế kỷ qua.
Cụ thể là qua việc Trung Quốc vào đầu tháng 5/2014 đã đưa giàn khoan dầu đến ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, một vùng biển mà Hà Nội khẳng định là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Một thí dụ khác cho thấy thái độ bành trướng của Trung Quốc được thể hiện qua việc Bắc Kinh đã cho xây một phi đạo trên một bãi đá thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, nơi Manila khẳng định là thuộc chủ quyền của Philippines.
Bắc Kinh khẳng định quyền kiểm soát đối với cả một khu vực chiến lược như Biển Đông, nhưng đồng thời lại luôn tuyên bố là không muốn để xảy ra xung đột trong vùng. Về mặt chính thức, Trung Quốc luôn hô hào duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Ông Tập Cận Bình luôn chủ trương giải quyết xung đột bằng đàm phán song phương, nhưng không bao giờ chấp nhận đưa vấn đề ra quốc tế. 
Từ nhiều năm qua, Trung Quốc luôn tố cáo Hoa Kỳ đổ thêm dầu vào lửa, với chính sách xoay trục sang Châu Á. Giờ đây Bắc Kinh hất lại quả bóng về sân của Washington và khuyên Hoa Kỳ không nên can thiệp vào quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng chung quanh ». 
TAGS: AN NINH - BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - HOA KỲ - QUỐC TẾ - SHANGRI-LA - TRANH CHẤP - TRUNG QUỐC - VIỆT NAM

Geen opmerkingen:

Een reactie posten