Nhưng dũng tướng cũng không “nhiều như sao trời”; điển hình là ngày 19 tháng 5/1989, trong 59 vị tướng Tầu chỉ huy 30 sư đoàn Trung Cộng được gọi đem quân về Bắc Kinh dẹp cuộc biểu tình của sinh viên và công dân Trung Quốc tại Thiên An Môn, chỉ có một tướng lãnh -trung tướng Từ Cần Tiên
Người Tầu đánh giá tướng lãnh qua 6 tiêu chuẩn: Nhân, Trí, Dũng, Tín, Liêm, Trung, và qua câu nhận xét, “dũng tướng nhiều như sao trời; trí tướng bói không thấy một người”. Câu nhận xét này cho thấy họ đặt vị dũng tướng thấp hơn vị trí tướng.
Nhưng dũng tướng cũng không “nhiều như sao trời”; điển hình là ngày 19 tháng 5/1989, trong 59 vị tướng Tầu chỉ huy 30 sư đoàn Trung Cộng được gọi đem quân về Bắc Kinh dẹp cuộc biểu tình của sinh viên và công dân Trung Quốc tại Thiên An Môn, chỉ có một tướng lãnh -trung tướng Từ Cần Tiên (Xu Qinxian – 徐勤先) – Tư lệnh Lộ Quân thứ 38 của Trung Cộng, dám phản đối lệnh này; dư luận coi ông như một nạn nhân, trong hàng ngàn nạn nhân của vụ đàn áp Dân Chủ năm 1989. Sau khi đàn áp xong Thiên An Môn, Cộng Sản Tầu đem ông ra xử; ông lãnh bản án 5 năm tù, bị tước đảng tịch và cấp bực quân đội.
Người Tầu gọi đơn vị ông Từ chỉ huy là “lộ quân”, nhưng thực lực của Lộ Quân 38 -38th Army- không mạnh hơn một quân đoàn. Lộ Quân 38 chỉ có hai sư đoàn bộ binh -Sư Đoàn 112 và 113- cộng thêm Sư Đoàn 6 thiết kỵ, một lữ đoàn pháo binh, một tiểu đoàn cơ khí, và một tiểu đoàn truyền tin.
Năm đó, năm 1989, vào ngày mùng 4 tháng Sáu, máu của sinh viên Trung Hoa nhuộm mầu ô nhục trên quảng trường Thiên An Môn. Từ vài tháng trước, sinh viên và quần chúng Bắc Kinh biểu tình chiếm quảng trường này với nhiều khẩu hiệu chống tham nhũng, đòi dân chủ.
Cuộc tập họp đòi dân chủ của hàng trăm ngàn sinh viên và quần chúng kéo dài suốt 60 ngày và ngay giữa thủ đô Bắc Kinh được truyền thông quốc tế loan báo đầy đủ, khiến các lãnh tụ Trung Cộng thấy rõ là không còn giải pháp nào khác hơn là thẳng tay đàn áp.
Đặng Tiểu Bình than thở với những viên chức thân cận là phải giết vài ngàn người để bảo vệ chế độ. Khoảng trung tuần tháng 5, ông ra lệnh cho Quân Khu Bắc Kinh đưa lực lượng quân sự về Thiên An Môn, Bắc Kinh chuyển lệnh lại cho tướng Từ Cần Tiên.
Tướng Từ Cần Tiên xin lệnh viết chứ không thi hành khẩu lệnh, vì việc làm quá quan trọng; Quân Khu Bắc Kinh bảo ông là trong cấp bách chiến sự, ông phải phục tùng trước, thủ tục giấy tờ sẽ thực hiện sau.
Từ vẫn không tuân lệnh; ông than thở với thân nhân, “không thi hành quân lệnh là mất mạng; nhưng thà chết chứ không xả súng giết dân”.
Đặng Tiểu Bình ra lệnh cất chức, tống giam, và truy tố ông, rồi cắt một tướng lãnh khác thay ông.
Thái độ bất tuân thượng lệnh của tướng Từ Cần Tiên tạo lo lắng cho Đặng Tiểu Bình; ông hiểu là tướng Từ không phải là một trường hợp đơn lẻ, cá biệt, mà nhiều tướng lãnh khác cũng có thể có hành động bất phục tùng như vậy.
Cuối cùng, ông Đặng quyết định dùng cầu không vận đưa Lộ Quân 12, đại đơn vị mà ông trực tiếp chỉ huy trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng.
Ngày 20 tháng 5, quân trấn Bắc Kinh ra lệnh thiết quân luật, cấm mọi người ra khỏi nhà để không cản trở cuộc di chuyển của hàng vạn binh sĩ và thiết giáp thuộc Lộ Quân 12 tiến về Bắc Kinh; nhưng với cuộc biểu tình khổng lồ chống chính phủ đang diễn ra tại quảng trường Thiên An Môn, không ai cảm thấy cần phải tuân hành quân luật nữa.
Công chúng đổ ra công lộ cản đường không cho xe tăng tiến vào thủ đô.
Năm nay, sau một phần tư thế kỷ, những thanh niên, thiếu nữ Trung Hoa còn trẻ đến độ chưa chào đời ngày 6/4/1989 -trẻ hơn Thiên An Môn- vẫn nô nức xuống đường kỷ niệm ngày tranh đấu đẫm máu nhất cho dân chủ.
Nhưng họ cũng chỉ có thể tưởng niệm cuộc tranh đấu đẫm máu ngoài ngưỡng cửa lãnh thổ Trung Cộng; bên trong bức màn sắt cảnh sát nghiêm ngặt tuần hành trong nội vi Thiên An Môn, xét giấy căn cước, xét xách tay của phụ nữ muốn vào quảng trường này.
Thân nhân những người bị giết 25 năm trước cũng chỉ được phép cử hành đám giỗ tại nhà, không được tụ họp đông người, và dưới quyền giám sát của cảnh sát.
Phản ứng quốc tế về cuộc đàn áp Thiên An Môn cũng không giảm bớt vì yếu tố thời gian. Bạch Cung ra thông cáo, “Hoa Kỳ lúc nào cũng ủng hộ những quyền tự do căn bản mà người biểu tình tại Thiên An Môn đòi hỏi; trong đó có quyền tự do phát biểu, tự do truyền thông, và tự do hội họp”.
Cao Ủy Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc -bà Navanethem “Navi” Pillay- đòi hỏi Trung Cộng công bố kết quả cuộc thảm sát 1989 tại Thiên An Môn, tới giờ này vẫn chỉ được biết qua tin tức truyền thông.
Bộ Ngoại giao Trung Cộng phản đối cả Liên Hiệp Quốc lẫn Hoa Kỳ là đã xâm phạm vào chuyện nội bộ của Trung Cộng; phát ngôn viên Hồng Lỗi tỏ vẻ công phẫn về đòi hỏi công khai hóa cuộc đàn áp 1989.
Trở lại với Trung tướng Từ Cần Tiên, để khẳng định địa vị dũng tướng duy nhất của ông trong dàn tướng lãnh Trung Cộng đông đến vài trăm người; ông dám cưỡng lệnh đàn áp sinh viên, trong lúc mọi tướng lãnh khác cúi đầu tuân lệnh của Đặng Tiểu Bình giết người biểu tình. Ông trả đắt giá bằng 5 năm tù ngục, và bằng những quyền lợi bị tước đoạt.
Tuy nhiên, nếu ông hành xử như một trí tướng -cứ tuân lệnh đưa hàng trăm chiếc xe tăng của Sư Đoàn 6 thiết kỵ, và 40,000 binh sĩ của hai sư đoàn bộ binh về Bắc Kinh- để không đàn áp người biểu tình mà bao vây những công thự, những tư dinh của dàn lãnh tụ Trung Cộng, bắt sống toàn bộ những người này, thì lịch sử Trung Quốc đã sang trang từ 25 năm trước.
Ước mơ dũng tướng Từ Cần Tiên trở thành trí tướng, đủ sáng suốt để chấm dứt chế độ Cộng Sản tại Trung Quốc chỉ là mơ ước hão huyền của một người Việt Nam đau khổ nhìn đất nước Việt Nam, êm ái rơi trở vào vòng nô lệ, sau những năm dài nội chiến -nói là để gành độc lập cho dân tộc.
Thêm vào nỗi đau này là cái nhục nhìn “vị” đại tướng Phùng Quang Thanh, và “vị” Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh ngoan ngoãn chạy loắng quắng trong khoảng giới hạn sợi dây xích cổ của Trung Cộng, từ chối sự giúp đỡ của Nhật, của Mỹ để bảo vệ lãnh hải, đã góp phần vào giấc mơ trí tướng.
Nguyễn đạt Thịnh
Geen opmerkingen:
Een reactie posten