Tổng kết lại, về mặt chính sử, trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần Hán thế kỷ thứ 3 Trước C.N. đến thế kỷ 20 đời Nhà Thanh, không thấy tài liệu nào, hay nói rõ hơn, không có câu nào ghi rằng Biển Đông Hải với Hoàng Sa Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Cali Today News - Theo cuốn Lịch Sử Trung Quốc Thời Trung Cổ do Hàn Lâm Viện Trung Quốc xuất bản tại Đài Bắc năm 1978, trong bài “Nghiên Cứu về Lịch Sử và Địa Lý” học giả Hsieh Chiao-Min nhận định về cuộc Thám Hiểm của Trung Hoa tại Đại Dương như sau: “Suốt chiều dài lịch sử, về sự phát triển văn hóa và khoa học, dân tộc Trung Hoa không tha thiết đến đại dương. Thản hoặc nhà cầm quyền Trung Quốc cũng gửi những đoàn thám hiểm đại dương đến Nhật Bản trong các thế kỷ thứ 3 và thứ 2 Trước Công Nguyên, cũng như tại Đông Nam Á, Ấn Độ và Phi Châu trong thế kỷ 15. Điểm rõ nét nhất là tại Thái Bình Dương có rất ít, nếu không nói là không có, những vụ xâm nhập quy mô của Trung Quốc” suốt chiều dài lịch sử (từ nhà Tần thế kỷ thứ 3 Trước C. N. đến nhà Thanh từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20). Chiao-Min Hsieh. Chinese History Middle Ages: China Academy, Taipei, 1978, p. 287).
Dưới đời nhà Tần, cuốn Tần Chí tường thuật rằng năm 211 Trước C.N. Tần Thủy Hoàng sai một phái bộ gồm hàng ngàn đồng nam đồng nữ (trai gái tân) đi kiếm những dược phẩm có tác dụng đem lại trường sinh bất tử cho nhà vua tại đảo Đại Châu Bất Tử trong Đông Trung Quốc Hải. Mặc dầu vậy, Tần Thủy Hoàng không bất tử mà đã chết một năm sau đó. Và chế độ quân phiệt nhà Tần đã cáo chung sau 15 năm thống trị (221-206 Trước C.N).
Trong thời Đế Quốc Thứ Nhất đời Tần Hán (First Empire), những cuộc thám hiểm đại dương tại Đông Trung Quốc Hải và Biển Nhật Bản không phải để chinh phục vùng Biển Nam Hoa nơi tọa lạc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đặc biệt trong thế kỷ 15, từ đời Minh Thành Tổ (Vĩnh Lạc), Đô Đốc Thái Giám Trịnh Hòa đã 7 lần thám hiểm Tây Dương (Ấn Độ Dương). Và trong 28 năm, từ 1405 đến 1433, đã viếng thăm 37 quốc gia duyên hải đến Ba Tư, Biển Hồng Hải phía tây bắc, Đông Phi Châu phía cực tây và Đài Loan phía cực đông. Những cuộc thám hiểm này chỉ đi ngang qua Biển Nam Hoa nhằm khai phá Ấn Độ Dương. Lịch sử Trung Quốc cũng phê phán những cuộc thám hiểm đại dương đời nhà Minh vì đã làm kiệt quệ kinh tế đất nước. (The large exploring expeditions that were to cross the South China Sea and explore the Indian Ocean were criticized by the court as poor to (an impoverishment of) the country. Chiao-Min Hsieh, Ibid, p. 290-291).
Những tài liệu lịch sử nêu trên đã được phổ biến tại Đại Hội Quốc Tế về Sử Địa Trung Quốc Kỳ I tại Đài Bắc năm 1968 và đã được đăng trong cuốn Lịch Sử Trung Quốc Thời Trung Cổ năm 1978.
Như vậy theo chính sử Trung Quốc suốt từ thế kỷ thứ 3 Trước C.N. đến thế kỷ 15, dưới 3 triều đại Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế và Minh Thành Tổ không có tài liệu nào cho biết có các lực lượng hải quân Trung Quốc đi tuần thám để hành sử và công bố chủ quyền tại Biển Đông Hải, Biển Nam Hoa hay Biển Đông Nam Á.
Đối chiếu lịch sử Việt Nam và Trung Quốc, sử sách ghi chép rằng năm 214 Trước C.N., sau khi thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư đem quân thôn tính các nước Bách Việt để chia thành 3 quận: Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Quảng Tây) và Tượng Quận (Bắc và Trung Việt). (Nước Việt ta thời đó có nhiều voi: Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi khởi nghĩa đánh nhà Hán, nhà Ngô; Trần Hưng Đạo phá quân Nguyên, Quang Trung đuổi quân Thanh cũng ngồi trên mình voi đánh giặc).
Tuy nhiên các dân tộc Bách Việt không chịu ách đô hộ tàn bạo của nhà Tần. Họ trốn vào rừng chiến đấu và giết được Đồ Thư.
Năm 207 Trước C. N. Triệu Đà đánh thắng An Dương Vương, rồi sát nhập Âu Lạc vào quận Nam Hải để thành lập một quốc gia độc lập đóng đô tại Phiên Ngung (Quảng Châu) lấy quốc hiệu là Nam Việt (207-111 Trước C.N.). Qua năm sau Lưu Bang cũng đánh thắng Hạng Võ và thành lập nhà Hán.
Chữ “hải” trong quận Nam Hải không có nghĩa là biển mà là vùng đất xa xôi (hải biểu là vùng đất cực xa). Và quận Nam Hải là vùng đất phía cực Nam Trung Quốc (far-south). Từ nguyên thủy, Biển Nam Hải có tên là Trướng Hải là vùng biển của tỉnh Quảng Đông, cách huyện Hải Phong 50 dậm ta (lý) về phía nam (khoảng 25km).
Theo Tân Từ Điển Thực Dụng Hán Anh xuất bản tại Hồng Kông năm 1971 “Biển Nam Hải là vùng biển ven bờ chạy từ Eo Biển Đài Loan tới Quảng Đông” (The Southern Sea stretches from the Taiwan Strait to Kwantung. A New Practical Chinese-English Dictionary, Hongkong 1971, p. 121)
Theo Từ Điển Từ Hải xuất bản năm 1948 thì “Biển Nam Hoa thuộc chủ quyền chung của 5 quốc gia là Trung Hoa, Pháp (Việt Nam),
Anh (Mã Lai), Mỹ (Phi Luật Tân) và Nhật (Đài Loan). Do đó Biển Nam Hải (Southern Sea) không phải là Biển Nam Hoa (South China Sea).
Sau này Trung Quốc lợi dụng danh xưng để mạo nhận rằng Biển Nam Hải của tỉnh Quảng Đông chính là Biển Nam Hoa của Trung Quốc.
Từ thế kỷ 15, các nhà thám hiểm đại dương và các nhà doanh thương Âu, Á như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan, Anh, Pháp, Ả Rập khi vượt Đại Tây Dương đến vùng biển tiếp giáp Ấn Độ, muốn cho tiện họ gọi vùng biển này là Ấn Độ Dương. Và khi qua Eo Biển Mã Lai đến vùng biển tiếp giáp Trung Hoa họ cũng tiện thể gọi vùng biển này là Biển Nam Hoa (ngoại nhân xưng Nam Trung Quốc Hải).
Sự trùng điệp danh xưng này của các nhà địa lý Tây Phương chỉ là sự ghi nhận một tập quán về ngôn ngữ hàng hải. Như vậy tên Biển Nam Hoa cũng như Ấn Độ Dương không có tác dụng công nhận chủ quyền của Trung Hoa và Ấn Độ tại các vùng biển này. Nó chỉ ghi nhận vị trí của Ấn Độ Dương là vùng tiếp giáp Ấn Độ, cũng như Biển Nam Hoa là vùng tiếp giáp miền Nam Trung Hoa. Vả lại, về diện tích, Biển Nam Hải (hay Biển Nam) chỉ rộng chừng 25km, trong khi Biển Nam Hoa chạy từ bờ biển Quảng Đông tới bờ biển Nam Dương và rộng tới 2000 km.
Trong những chuyến hải hành Trịnh Hòa chỉ dừng chân tại hải cảng Chaban (Trà Bàn hay Đồ Bàn) thủ phủ Chiêm Thành. Theo Giáo Sư John King Fairbank tại Đại Học Harvard, mục đích những chuyến công du này không phải để cướp bóc hay thôn tính lãnh thổ mà chỉ nhằm thiết lập bang giao với hàng chục quốc gia duyên hải tại Ấn Độ Dương.
(The Chinese expeditions were diplomatic not commercial, much less piratical or colonizing ventures. John King Fairbank, China, a New History, Harvard University Press 1992, p. 138).
Như vậy, theo chính sử Trung Quốc, từ các đời Tần Hán,Tam Quốc, Lưỡng Tấn, Nam Bắc Triều, Tùy Đường, Ngũ Đại, Tống Nguyên, Minh Thanh, sử sách không ghi chép việc hải quân Trung Quốc đi tuần thám Biển Đông Hải để chiếm hữu các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đồng thời công bố và hành sử chủ quyền tại các quần đảo này.
Suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc trong hơn 20 thế kỷ về đời các Đế Quốc Tần Hán, Tùy Đường, Tống Nguyên, Minh Thanh cũng như trong các thời Đại Phân Hóa như đời Lưỡng Tấn, trở ngại chính yếu cho việc ổn định chính trị và phát triển kinh tế là hiểm họa Hung Nô.
Danh xưng Hung Nô tự nó đã hàm chứa ý nghĩa nhục mạ và phỉ báng, man di mọi rợ, dã man hung dữ chỉ đáng làm nô lệ cho Hán tộc.
Không phải bao giờ Hán binh cũng thắng thế. Vì các kỵ binh Hung Nô là những thiện xạ có tài bắn cung từ trên lưng ngựa huyết hãn mã (mồ hôi đỏ như máu).
Đời nhà Hán hiểm họa Hung Nô là mối lo gan ruột của Hán Vũ Đế 5 lần mang quân đi chinh chiến tại các mặt trận tây bắc. Các phong hỏa đài dọc theo Vạn Lý Trường Thành là những trại tiếp liên báo động tại quan ải:
Gió lửa động sa mạc
Chiếu rực mây Cam Tuyền
Vua Hán chống kiếm dậy
Lại vời Lý Tướng Quân.
(Lý Bạch, Tái Hạ Khúc)
Lý Tướng Quân ở đây là Lý Quảng, vị tướng lãnh nổi tiếng nhất trong Chiến Tranh Hung Hán. Nhưng không phải bao giờ ông cũng đem lại chiến thắng cho Hán Vũ Đế (140-87 Trước C.N.). Năm 119 Trước C. N. Lý Quảng ở tuổi lục tuần, vì trái quân lệnh đã thất trận và phải tự sát để khỏi bị xử trảm với nhục hình. Như vậy tướng quân họ Lý không đem lại vinh quang cho nhà Hán.
Năm 100 Trước C. N. Hán Vũ Đế sai sứ giả Tô Vũ qua Hung Nô để can thiệp vào chính sự một nước lân bang phía bắc. Cơ mưu bại lộ, Tô Vũ bị bắt giam và quản thúc trong 19 năm, phải chịu nhục đi chăn dê tại vùng sa mạc nóng cháy và miền núi tuyết giá băng.
Và năm 33 Trước C. N., Hán Nguyên Đế phải đem Chiêu Quân cống Hồ, dầu rằng Vương Tường là một trong bốn đại mỹ nhân Trung Quốc, cùng với Tây Thi, Hằng Nga và Dương Quý Phi. Trong năm này Hán Nguyên Đế đã từ trần vài tháng sau khi Chiêu Quân xuất giá.
Đến đời Nhà Tấn (265-420) có loạn Nhung Địch từ phía tây bắc lũ lượt nổi lên chiếm giữ cả vùng Bắc Trường Giang để xưng vương, xưng đế tại 16 nước gọi là loạn Ngũ Hồ. Sau 50 năm trị vì tại miền tây bắc, nhà Tấn phải lui về phía đông nam để dựng nghiệp Đông Tấn tại Nam Kinh.
Kế tiếp là đời Đế Quốc Tùy Đường. Đây là thời thịnh trị cả về kinh doanh thương mại lẫn văn học nghệ thuật. Tuy nhiên trong giai đoạn thoái trào vào thế kỷ thứ 8 có loạn An Lộc Sơn với các binh sĩ Ngũ Hồ từ miền bắc xâm chiếm thủ đô Tràng An. Trên đường rút quân về Tây Thục, dưới áp lực của các tướng sĩ, Đường Minh Hoàng phải bức tử Dương Quý Phi tại Mã Ngôi.
Sau đời Đế Quốc Tùy Đường là Đế Quốc Lưỡng Tống kéo dài hơn 300 năm từ thế kỷ thứ 10 tới thế kỷ 13 (960-1280). Qua thế kỷ 12 nhà Tống bị bao vây bởi Bắc Liêu (Mông Cổ) về phía bắc và Tây Hạ (Mãn Châu) về phía tây. Từ đầu thế kỷ 11 vua nhà Tống phải hàng năm triều cống Bắc Liêu 10 vạn lạng bạc và 20 vạn tấm lụa. Tới đầu thế kỷ 12 (năm 1127) nước Kim (Mãn Châu) lấn chiếm toàn cõi Bắc Trung Hoa khiến Vua Tống phải bỏ miền Bắc dời đô về Hàng Châu (Chiết Giang) gọi là Nam Tống. Đây là một thời đại suy vi với sự phân hóa lãnh thổ, suy thoái kinh tế và thất bại quân sự (Nhà Tống bị Việt Nam đánh bại 3 lần trong những năm 981, 1075 và 1076).
Cũng vì vậy trong hai thế kỷ 13 và 14, Trung Quốc bị Hung Nô Mông Cổ thôn tính trong gần 90 năm (1280-1368). Đó là kỷ nguyên của Đế Quốc Đại Nguyên hay Đế Quốc Nguyên Mông.
Và để kết thúc giai đoạn lịch sử Trung Quốc thời Trung Cổ, trong ba thế kỷ từ 17 đến 20 (1644-1911) đời Đế Quốc Đại Thanh, Hung Nô Mãn Châu làm chủ Trung Quốc.
Để có cái nhìn khách quan trung thực, chúng ta hãy kiểm điểm khái quát những điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị của các triều đại Trung Hoa từ đời nhà Tần đến đời nhà Thanh. Từ đó chúng ta có thể nhận định rằng Trung Quốc không có điều kiện khách quan và chủ quan để thôn tính Biển Đông Hải và giành giật chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Từ Đế Quốc Tần Hán đến Đế Quốc Đại Thanh
Năm 221 Trước C.N., Nhà Tần thống nhất đất nước, tập trung quyền lực trong chế độ độc tài quân phiệt, bãi bỏ chính sách phân chia ruộng đất (tỉnh điền) và chế độ tư tưởng phóng khoáng thời Bách Gia Chư Tử. Mặt khác huy động toàn dân vào việc xây đắp trường thành chống Hung Nô và xây dựng cung điện nguy nga như Cung A Phòng với những hy sinh khủng khiếp: 1 triệu viên đá xây thành là 1 triệu người dân hy sinh thân sống. Lịch sử Trung Hoa kết án Tần Thủy Hoàng là một bạo chúa đã từ bỏ quan niệm hòa bình nhân ái của Khổng Mạnh lấy dân làm trọng, và coi nhẹ chính quyền (dân vi quý, quân vi khinh). Vì quá lao tâm lao lực, Tần Thủy Hoàng chỉ trị vì được 11 năm. Từ đó với những âm mưu tranh giành quyền lực, cà thái tử lẫn tể tướng đã phải hoặc tự sát, hoặc bị giết. Vua Tần Nhị Thế cũng bị một viên quan hoạn giết sau 4 năm trị vì. Dân 6 nước bị nhà Tần sát hại thời Chiến Quốc cùng những dân công khổ sai đã vùng đứng lên tiêu diệt chế độ nhà Tần năm 206 Trước C.N.
Lúc này tại miền Hoa Nam, hải quân Trung Quốc không lai vãng đến vùng Biển Đông Hải.
Kế nghiệp Nhà Tần là Nhà Hán kéo dài hơn 4 thế kỷ (từ 206 trước C. N. đến 220 Tây Lịch) trong đó có 14 năm Vương Mãng tiếm vị.
Trong cuộc Hán Sở tranh hùng, Hán Vương Lưu Bang thắng Sở Vương Hạng Võ. Họ Lưu khởi nghiệp từ miền Hán Giang (một chi nhánh của Dương Tử Giang) đã trừ được nhà Tần, diệt được nhà Sở và thống nhất Trung Hoa lên ngôi lấy hiệu là Hán Cao Tổ (206-195 trước C. N).
Trước đó một năm, năm 207 Trước C. N., Triệu Đà cũng đã lên ngôi hiệu là Triệu Vũ Vương sau khi đánh thắng An Dương Vương và sát nhập Âu Lạc với quận Nam Hải để thành lập nước Nam Việt độc lập, đặt thủ đô tại Phiên Ngung (Quảng Châu).
Trong khi tại miền Bắc Hán Cao Tổ chỉ trị vì được 11 năm, thì tại miền Nam Triệu Vũ Vương đã chấn chỉnh và mở rộng bờ cõi trong suốt 70 năm (207-137 Trước C. N.). Năm 196 Trước C. N. Hán Cao Tổ sai Lục Giả sang phong tước cho Triệu Vũ Vương.
Sau khi Hán Cao Tổ mất bà Lữ Hậu lâm triều lộng hành không cho người Việt mua các đồ sắt, điền khí và trâu bò nái. Triệu Vũ Vương xưng là Nam Việt Hoàng Đế (Triệu Vũ Đế) rồi cử binh đánh bại quân nhà Hán tại Trường Sa (Hồ Nam). Sau khi Lữ Hậu mất Hán Văn Đế lại sai Lục Giả sang thương thuyết, yêu cầu Triệu Vũ Đế bỏ đế hiệu. Hán Văn Đế cam kết rằng: “Tại miền Hồ Quảng, từ phía nam Ngũ Lĩnh và Động Đình Hồ, Triệu Vũ Vương được toàn quyền cai trị”.
Đến năm 111 Trước C. N., khai thác mâu thuẫn giữa ba nước Mân Việt, Đông Việt và Nam Việt, Hán Vũ Đế đã thôn tính Nam Việt trái với lời cam kết của các tổ phụ và tiên vương Hán Cao Tổ và Hán Văn Đế.
Tuy nhiên, sau cái chết của Hán Vũ Đế (năm 87 Trước C.N.), Nhà Hán bắt đầu suy thoái. Trong đời Hán Nguyên Đế (48-33 Trước C.N.), quân Nhà Hán đã phải rút khỏi Châu Nhai và Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam) cho đến cuối thế kỷ thứ 6 đời Lương, Tùy mới đặt lại nền cai trị. Nếu nhà Hán đã bỏ đảo Hải Nam thì cũng không lý vấn đến các đảo Hoàng SA Trường SA tại Đông Hải. (Hải Nam cách Hoàng Sa 150 hải lý hay 275 km)
Tiếp theo thời Đế Quốc Tần Hán là Thời Đại Phân Hóa Thứ Nhất (First Partition) với các đời Tam Quốc, Lưỡng Tấn và Nam Bắc Triều.
Thời Đại Phân Hóa Thứ Nhất
Trong đời Tam Quốc (220-265), với thế chân vạc Ngụy, Thục, Ngô, không nước nào dám mạo hiểm và có thực lực đi thôn tính biển Đông Hải. Thời Hán mạt Tào Tháo mượn lệnh Hán Đế đem 10 vạn quân (phóng đại là 80 vạn) đi xâm chiếm Đông Ngô và đã bị Chu Du và Gia Cát Lượng đánh tan trong trận Xích Bích năm 207.
Đến đời Nhà Tấn (265-420) có loạn Nhung Địch từ phía tây bắc lũ lượt nổi lên chiếm giữ cả vùng Bắc Trường Giang để xưng vương, xưng đế tại cả thảy 16 nước gọi là loạn Ngũ Hồ. Sau 50 năm trị vì tại miền tây bắc, nhà Tấn đã phải lui về phía đông nam để dựng nghiệp Đông Tấn tại Nam Kinh.
Sau khi nhà Tấn mất ngôi có nạn phân hóa Nam Bắc Triều với 7 nước là Ngụy, Tề, Chu phía bắc và Tống, Tề, Lương, Trần phía nam.
Do sự phân hóa này Trung Quốc không còn sinh khí. Đến đời nhà Lương, tại Giao Châu, Lý Bôn phất cờ khởi nghĩa xưng là Lý Nam Đế lấy quốc hiệu là Vạn Xuân. Sau đó Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử kế nghiệp Nhà Tiền Lý trong gần 60 năm (từ năm 544 đến 602).
http://vietsn.com/forum/showthread.php?t=767664
Geen opmerkingen:
Een reactie posten