Thứ bảy, 23/2/2013 08:13 GMT+7
'Tình khúc vượt thời gian' nhớ Văn Cao
Trở lại sau Tết Nguyên đán, đêm nhạc xưa dành hẳn phần một để giới thiệu các tác phẩm của nhạc sĩ 'Suối mơ'.
Văn Cao là nhạc sĩ thuộc thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt Nam, được xem là tác giả tiêu biểu cho dòng trữ tình và kháng chiến. Những Tiến quân ca, Trường ca Sông Lô, Tiến về Hà Nội... được ông sáng tác khi tham gia kháng chiến và trở thành những bài hát nằm lòng của thế hệ thời đó. Đến nay, các bài hát này không bị lãng quên, tiếp tục có giá trị khi gợi lại một thời hào hùng của dân tộc. Ở mảng trữ tình, Văn Cao để lại những tuyệt tác như: Suối mơ, Buồn tàn thu, Trương Chi, Thiên thai...
Nhạc sĩ Văn Cao. |
Nhắc tới ông, nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Văn Cao là một trong những nhạc sĩ lớn nhất về ca khúc trữ tình và ca khúc chiến đấu ở nước ta. Văn Cao cũng là một trong những ngôi sao thế kỷ 20 trên lĩnh vực ca khúc thế giới. Lời ca của Văn Cao vừa cao siêu, vừa trong sáng, vừa thơ mộng, vừa gần gũi với cuộc sống của nhân dân".
Chính những giá trị có trong âm nhạc mà Văn Cao là nhạc sĩ được nhắc nhớ đầu tiên trong format mới của loạt chương trình "Tình khúc vượt thời gian". Trở lại sau thời gian nghỉ Tết, mỗi đêm nhạc hằng tháng trong năm 2013 sẽ dành hẳn phần một để tôn vinh những tác giá có đóng góp tích cực cho nhạc Việt. Số tháng 2 sẽ giới thiệu Văn Cao với loạt ca khúc nổi tiếng của ông qua các giọng hát Ánh Tuyết, Đức Tuấn, Thanh Thúy, Thúy Hằng.
Từng có nhiều kỷ niệm với Văn Cao lúc ông còn sống, ca sĩ Ánh Tuyết rất hào hứng với chương trình. Chị là ca sĩ chủ lực thể hiện những bài hát đinh nhất của nhạc sĩ.
Thu Minh sẽ khuấy động phần 2 của chương trình với liên khúc nhạc sôi động. |
Sang phần 2, với chủ đề "Xuân hạnh phúc", đêm nhạc mang đến nhiều ca khúc vui tươi, rộn rã như: Bài ca tết cho em, Xuân và tuổi trẻ, Anh cho em mùa xuân... Đặc biệt, 3 bài hát Yêu, Đêm đô thị, Có nhớ đêm nào sẽ được ca sĩ Thu Minh thể hiện đầy mới mẻ khi kết hợp thành một liên khúc.
Chương trình còn có sự tham gia biểu diễn của Cẩm Vân, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Linh, Dương Tiệu Vũ..., diễn ra tối 23/2 tại Nhà hát Bến Thành TP HCM.
Trung Sơn
Thứ hai, 6/10/2008 07:02 GMT+7
Nghe Phạm Duy tâm tình về Văn Cao
"Bài Buồn tàn thu là đầu mối của tình bạn giữa tôi và Văn Cao". Tâm sự cùng lời giới thiệu của nhạc sĩ Phạm Duy dành cho người bạn thân trong âm nhạc, giúp khán giả phần nào hiểu rõ tài năng cũng như nỗi lòng của người nhạc sĩ tài hoa.
Đây là nét thú vị có trong ấn bản đặc biệt album Tiếng hát Trương Chi của ca sĩ Đức Tuấn.
Mỗi nhạc phẩm trong album được nhạc sĩ Phạm Duy giới thiệu khá tỉ mỉ về hoàn cảnh ra đời, nội tung cũng như tinh thần chung làm nên mạch cảm xúc của bài hát. Ông kể: "Văn Cao là người đẻ ra trường ca, còn tôi chỉ là người thừa kế. Trường ca sông Lô phải là đỉnh cao nhất của nhạc kháng chiến nói riêng, của tân nhạc Việt Nam nói chung. Sự dài hơi trong những câu nhạc trong bài chứng tỏ nhạc sĩ Văn Cao đã trưởng thành ngay từ lúc tân nhạc vừa mới ra đời".
Ấn bản đặc biệt của album "Tiếng hát Trương Chi" được thiết kế như một hộp quà. Ảnh: Nhacso.
|
Nhạc sĩ cũng nhìn nhận Văn Cao là người khai phá thể loại truyện ca với 2 bài Thiên thai và Trương Chi. Một cách ưu ái, Phạm Duy cho rằng: "Hơi thở của thơ Đường trong sáng, rung động, của thơ bình dân Việt Nam trữ tình... hiện ra lồng lộng trong những truyện ca Văn Cao". Về mối tình chàng Trương, nhạc sĩ nói về cảm nhận riêng của mình: Văn Cao không kể lại câu chuyện Trương Chi/Mỵ Nương mà chỉ tỏ thái độ của chàng sau khi thất tình, trước khi chết cũng như sau khi chết. Rồi bằng mối đồng cảm lớn lao, ông hóa thân thành chàng Trương để diễn tả nỗi lòng: "Ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta... Tâm hồn tôi đẹp - vì tôi hát hay mà - nhưng hình hài tôi xấu, người không yêu tôi à? Thì tôi vẫn có cuộc đời hay trái đất này. Để từ đó ra một tuyên ngôn: trái đất còn riêng ta".
Vài kỷ niệm riêng giữa hai người bạn cũng được nhạc sĩ Phạm Duy chia sẻ. Về ca khúc Buồn tàn thu, ông kể: "Vào năm 1943, tôi ở Hà Nội xuống Hải Phòng để gia nhập một gánh hát rong thì Văn Cao tới chơi và tặng tôi bài hát đó". Hay ca khúc Suối mơ mà nhạc sĩ "có chút đóng góp vào giai điệu và tiết điệu của bài" lại trở thành kỷ niệm khó quên của hai người khi cả 2 gia đình đôi bạn tự tay "chém tre xẻ gỗ trên rừng để xây nhà bên suối ở chiến khu Bắc Cạn", đúng với tựa đề bài hát.
Ký họa cố nhạc sĩ Văn Cao qua nét vẽ Trịnh Công Sơn. Ảnh tặng kèm CD.
|
Ca sĩ Đức Tuấn bày tỏ vui sướng khi được nhạc sĩ hàng lão làng của Việt Nam góp tay chăm chút cho album của mình. Ngoài nhạc sĩ Phạm Duy, toàn bộ lời dẫn và giới thiệu được thể hiện qua giọng đọc của nữ ca sĩ Lệ Thu. Đức Tuấn cũng quyết định thêm vào CD 3 ca khúc nhạc kháng chiến Đàn chim Việt, Ngày mùa và Trường ca sông Lô để giúp khán giả có cái nhìn tổng quát và trọn vẹn hơn tài năng sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao.
Với tiêu chí phát hành theo hình thức "CD Collection" (dành để sưu tập), ấn bản đặc biệt Tiếng hát Trương Chi được thiết kế như một bộ quà tặng với nhiều tặng phẩm cũng không kém phần đặc biệt. Ngoài hộp đĩa khổ lớn theo dạng hộp quà, postcard hình Đức Tuấn, tập lời hát, tập sách nhạc sĩ Phạm Duy viết về các tuyệt phẩm Văn Cao, album còn có ký họa cố nhạc sĩ Văn Cao qua nét vẽ Trịnh Công Sơn ở một nhà hàng Amsterdam vào năm 1992.
Kiến Huy
Thứ ba, 28/9/2010 09:01 GMT+7
Cô tiểu thư một thời của nhạc sĩ Văn Cao
Trong căn gác nhỏ trung tâm Hà Nội, người vợ già của nhạc sĩ Văn Cao đang sống những ngày bình lặng, thư thái cùng con cháu. Nhắc đến tác giả bài 'Tiến quân ca', bà Nghiêm Thúy Băng không khỏi bùi ngùi, xúc động.
Căn phòng nhỏ của tác giả Tiến quân ca nằm trên gác 2 một ngôi nhà cổ tại số 108 phố Yết Kiêu (Hà Nội). Bà Nghiêm Thúy Băng, vợ nhạc sĩ Văn Cao, năm nay tròn 80 tuổi.
| |
Căn phòng vẻn vẹn 30m2, vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao cùng các con đã ở từ năm 1954, nay chỉ còn bà và vợ chồng người con trai thứ ba sinh sống. Hai con gái và hai người con trai lớn của ông bà đã ra ở riêng.
| |
Giữa ngôi nhà là bức tượng cùng chứng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật của Văn Cao đặt trên cây đàn piano cũ. Còn chiếc dương cầm của Văn Cao ngày trước, bà bảo cất kỹ trong phòng trong và bọc xốp lưu giữ, không muốn cho ai tiếp xúc.
| |
Bà Nghiêm Thúy Băng kể, năm 1945 khi báo Độc Lập ra công khai, nhạc sĩ Văn Cao xuất hiện và tới nhà in Rạng Đông, nơi mẹ của bà làm chủ, để in tác phẩm. Ông là người trình bày báo Độc Lập, phụ trách trang Văn nghệ số mới ra. Lúc này, cô tiểu thư của nhà in Rạng Đông đứng ở tiệm sách nhỏ làm công việc nhận và giao hàng cho khách đến in. Vì thế hai người quen nhau.
| |
Nhắc đến tác giả Suối mơ, Thiên thai, bà luôn lấy làm tự hào về người chồng của mình. Rất nhiều bức ảnh, bút tích của cố nhạc sĩ được bà lưu lại cất giữ cẩn thận.
| |
Tấm hình hai ông bà chụp cùng nhau.
| |
Cưới nhau đầu năm 1947, ông bà cách nhau 7 tuổi. Kết hôn xong, cả hai đi du lịch ở dòng sông Ba Thá, nơi có nhà thờ Chương Mỹ, và từ đây đã ra đời bài hát Làng tôi nổi tiếng.
| |
Hồi trẻ bà là nữ sinh trường Đồng Khánh, sau này làm cán bộ tại xí nghiệp điện ảnh Việt Bắc, nghỉ hưu từ năm 1982 đến nay.
| |
Thời còn trẻ mỗi khi Tết đến bà làm đủ loại bánh, mứt. "Cái gì cũng phải tự làm và biết làm tất cả", bà bảo. Thời kỳ kháng chiến, phu nhân nhạc sĩ Văn Cao cũng đã phải nếm trải nhiều khổ cực. Người con đầu lòng của hai ông bà sinh ra đúng khoảng thời gian bài “Trường Ca sông Lô” ra đời, và anh được đặt tên Vân Thao (có nghĩa mây Vân Cù, sông Thao).
| |
Trước Văn Cao thường uống cà phê, nhưng từ khoảng năm 1940 ông bắt đầu uống rượu. "Ông ấy và tôi có thể tâm sự suốt đêm, tôi như một người bạn của ông ấy vậy", bà nhớ lại. Bàn tay bà run run, xúc động mỗi khi đứng trước bàn thờ ông.
| |
Thỉnh thoảng, bà xem lại những dòng chữ của người nghệ sĩ tài hoa.
| |
Và bức tranh Văn Cao vẽ bà từ thời còn son trẻ.
| |
Bức ảnh nhạc sĩ Văn Cao lúc 25 tuổi được bà phục chế và lưu giữ cẩn thận.
|
Hoàng Hà
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/trong-nuoc/co-tieu-thu-mot-thoi-cua-nhac-si-van-cao-1909697.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten