Sự hiện diện của Hoàng Anh Gia Lai tại Cam Bốt
Một nhà máy chế biến cao su của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (DR)
Vụ Hoàng Anh-Gia Lai và Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam bị tố cáo trục xuất dân cư Cam Bốt để chiếm đất trồng cao su khơi dậy hai mặt của vấn đề : diện tích trồng cao su của Việt Nam tại Xứ Chùa Tháp ngày càng gia tăng, và đời sống người dân Cam Bốt bị khó khăn. 27 % diện tích trồng cao su của Hoàng Anh Gia Lai nằm trên lãnh thổ Cam Bốt.
Hầu như mọi hoạt động trồng cây công nghiệp của HAGL được giao cho Công Ty Cổ Phần Cao Su HAGL quản lý, và Công Ty Cổ Phần Cao Su HAGL đặt trụ sở tại Việt Nam, và họ bỏ tiền cũng như thành lập nhiều công ty con tại Cam Bốt.
Theo một số thông tin trên mạng, kế hoạch của HAGL đề ra, cuối năm 2013, Tập Đoàn Cao Su HAGL sẽ trồng cho hết 51.000 mẫu cao su tại Cam Bốt, Lào, và vùng cao nguyên trung phần Việt Nam.
Trong một tài liệu trồng trọt của HAGL thì tại Cam Bốt, HAGL có được 13.800 mẫu cao su chiếm 27% trong tổng số đất cao su mà họ có được. Phần còn lại thì Lào chiếm đến 53%, và tại Việt Nam chỉ có 20% tập trung tại hai tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc.
Với số đất 100.000 mẫu hiện nắm trong tay trên lãnh thổ Cam Bốt và Lào, HAGL tập trung trồng cây cao su, cọ dầu, mía đường, trong đó họ cố gắng hoàn thành định mức trồng tại Cam Bốt các cây công nghiệp nói trên với số diện tích khoảng 60.000 mẫu. HAGL đã phân bổ số đất do Cam Bốt nhượng quyền khai thác cho nhiều công ty con, các công ty con nắm trong tay không quá 10.000 mẫu đất.
Vẫn theo các website trong nước, hiện nay HAGL có 5 công ty con tại Cam Bốt đặt trụ sở tại tỉnh Ratanakiri ở mạn Đông Bắc giáp với tỉnh Đắc Lắc. Còn tại thủ đô Phnom Penh đó là: Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Ratanakiri, Công Ty TNHH Hoàng Anh An Đông Meas, Công Ty TNHH Hoàng Anh Oyadav, Công Ty TNHH Heng Borothers, và Công Ty TNHH CRD.
Trước đây 4 năm, một Biên Bản Ghi Nhớ có 9 điểm do ông Cao Đức Phát Bộ Trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam ký với ông Chan Sarun Bộ Trưởng Nông Lâm và Ngư Nghiệp Cam Bốt vào tháng9/2009. Thời gian này hai bên đã thỏa thuận rằng phía Việt Nam cho đến năm 2012 sẽ trồng được 100.000 mẫu cao su trên đất Cam Bốt, và chính quyền Cam Bốt có trách nhiệm hợp tác giúp đỡ các công ty Việt Nam trong việc đầu tư, trồng trọt, chế biến cao su.
Biên Bản Ghi Nhớ 9 Điểm chỉ là bước sau của cuộc gặp hai Thủ Tướng Việt Nam và Cam Bốt trước đó không lâu. Vào năm 2009, trên đất Cam Bốt đã có 7 doanh nghiệp thuộc Tập Đoàn Cao su Việt Nam hoạt động tại hai tỉnh Kampong Thom và Kratie. Khai phá đất trồng cao su cho Việt Nam đã tác hại đến môi trường sinh sống của dân cư địa phương và sinh thái khu vực mạn Đông Bắc Cam Bốt …
Theo HAGL, trong tiến trình trồng cây cao su, sau khi được chính quyền Cam Bốt chuyển giao đất thì công tác đầu tiên là phải dọn sạch đất để có thể trồng cây cao su trên số diện tích đó, mà dọn sạch đất đồng nghĩa là phải chặt cây, hạ cây, khai hoang rừng rậm thành đất trồng trọt.
Việc phá rừng như thế tất nhiên phải ảnh hưởng đến môi sinh. Rừng là tài nguyên quý để gìn giữ môi trường trong sạch, hạn chế lũ lụt. Rừng là lá phổi khỏe mạnh của thiên nhiên. Khi rừng bị phá sạch để trồng cao su đương nhiên gây tác hại nghiêm trọng đến môi sinh trong một thời gian dài.
Ngày 15/05/2013 chỉ vài ngày sau khi HAGL bị tổ chức môi sinh Global Witness tố cáo là đã phá hủy môi trường sống tại những khu vực mà tập đoàn này tiến hành trồng cây cao su thì Thủ Tướng Hun Sen đã tuyên bố tại nhà máy chế biến cao su thuộc tỉnh Stung Treng ở mạn Đông Bắc rằng vài năm nữa thôi, Cam Bốt sẽ qua mặt Việt Nam trong vị trí là nước trồng nhiều cao su do vì Việt Nam không thể mở rộng được diện tích trồng như Cam Bốt hiện nay.
Trong bài phát biểu này, công luận chưa được nghe ông Thủ Tướng nói đến vấn đề môi sinh bị ảnh hưởng từ việc phát hoang rừng trồng cao su.
Cam Bốt trong hơn một thập niên qua đã bị nhiều tổ chức bảo vệ môi trường trong và ngoài nước lên tiếng chỉ trích việc phá rừng một cách lộng hành. Nhiều khu rừng quý cũng là nơi dung chứa các loài cầm thú, và loài bò sát hiếm đã bị biến thành đồi trọc, núi đá, trên mặt đất chỉ toàn những gốc cây bị cháy như vừa qua một cuộc chiến tranh. Nay vụ HAGL lại báo động cho công luận biết là rừng Cam Bốt đang tiếp tục bị tàn phá.
Tình cảnh dân cư bị trục đuổi khi các công ty Việt Nam kéo đến làm ăn làm giàu …
Cách đây hai năm, nhiều người dân ở tỉnh Kampong Cham đã phản đối việc đất họ bị nhường cho các công ty cao su Việt Nam. Nhiều người dân ở đây mất đất, mất cơ sở sinh sống vì việc trồng cao su. Kampong Cham là một tỉnh nông nghiêp giàu có và cũng có đồn điền cao su lâu đời trước khi người Việt đến.
Đến nay vụ HAGL lại khơi dậy hai mặt của vấn đề, đó là diện tích trồng cao su của Việt Nam ngày càng gia tăng, và một vấn đề đi kèm là cảnh sống người dân Cam Bốt bị khó khăn.
Sau khi báo cáo của Global Witness được tung ra công luận thì ông Son Chhay, một Dân Biểu đối lập đang hoạt động cho Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt cho tiến hành cuộc điều tra các tố cáo nói rằng tại tỉnh Ratanakiri các công ty cao su Việt Nam cho xe máy xúc và xe ủi đất san bằng nghĩa trang của người thiểu số tại tỉnh này, phần đông là sắc tộc Jarai. Chưa hết, nhiều khu rừng bị dọn trống, và đất của dân cư bị các công ty cao su Việt Nam cướp lấy.
Theo lời ông Son Chhay, do báo mạng Phnom Post ngày 16/5 tường thuật thì, nhà dân bị đốt cháy, còn dân địa phương bị đánh đập, có những đứa trẻ bị nhân viên công ty cao su đánh bị thương gần chết. Đây là sự kiện báo hiệu điềm không lành.
Người dân Cam Bốt không phải ai cũng tán thành mối quan hệ láng giềng Việt Nam – Cam Bốt. Trong thời điểm bầu cử Quốc Hội sắp đến đây, phe đối lập có thể làm lớn vụ này để kiếm phiếu, đồng thời nó cũng làm cho sắc tộc Việt đang sống trên lãnh thổ Cam Bốt có thể không được nhiều thiện cảm của dân địa phương.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130518-su-hien-dien-cua-hoang-anh-gia-lai-tai-cam-bot
Geen opmerkingen:
Een reactie posten