zaterdag 7 september 2013

Hậu trường dàn dựng Paris By Night

Hậu trường dàn dựng Paris By Night (kỳ 1) Wednesday, September 04, 2013 11:52:40 AM








Kỳ 1: Kinh phí và công việc chuẩn bị

Ngọc Lan/Người Việt


LAS VEGAS (NV) - 11 giờ sáng Thứ Sáu, ngày 5 Tháng Bảy, trong khi nhiều du khách đến thành phố sống về đêm Las Vegas hãy còn ngủ vùi trong chăn, thì bên trong đại hí viện PH Live thuộc khách sạn Planet Hollywood, ca sĩ, diễn viên múa, những người phụ trách đạo cụ, trang trí sân khấu, ánh sáng, quay phim... dường như đều đã bắt tay vào công việc tổng dợt cho chương trình Paris By Night (PBN) 109 - Kỷ Niệm 30 Năm, từ lúc nào.
Nhà hát PH Live với hơn 7,000 chỗ ngồi chìm trong bóng tối. Chỉ có ánh sáng từ phía sân khấu mênh mông và những bóng người nhỏ bé đang di chuyển. Đạo diễn âm thanh, ánh sáng, quay phim,... cùng các cộng sự của họ làm việc một cách chuyên nghiệp, nhanh nhẹn, trong sự phối hợp nhịp nhàng để chuẩn bị cho tiết mục tập luyện đầu tiên - một bài hát do Nguyễn Hưng trình bày có nội dung liên quan đến mưa.
Ca sĩ Nguyễn Hưng và một vũ công trong tiết mục trình diễn tại Paris By Night 109. (Hình: Huy Khiêm)

Với sự điều khiển của ông Robert, “stage manager”, một chiếc khung lớn hình chữ nhật, cao vài inch, bao bọc bằng nhựa, được mang ra đặt nơi góc trái sân khấu. Những người trong nhóm chuẩn bị đạo cụ mang nước ra đổ vào chiếc khung đó. “More water! More water! (Thêm nước nữa! Thêm nước nữa!)” nữ đạo diễn múa Shanda Sawyer, người gắn bó với PBN từ bao nhiêu năm qua, yêu cầu.
Nguyễn Hưng đứng vào chiếc khung nước đó, nhảy thử vài động tác. Cô Shanda quan sát, chỉ lại cho người ca sĩ cách đá chân làm sao cho nước bắn lên, hướng về phía khán giả.
Rồi đến những chiếc đèn, như những cột đèn đường, được mang ra để đúng vào các vị trí người đạo diễn muốn. Đèn thắp lên. Mọi sự chuẩn bị sẵn sàng. Ánh sáng bừng lên. Nhạc trỗi lên. Nguyễn Hưng cùng nhóm vũ công say sưa trong tiết mục hát múa, y như đang trình diễn trước 7,000 khán giả. Đèn vẫn soi rọi khắp nơi. Người quay phim chăm chú trong công việc của mình.
Những người có trách nhiệm dõi mắt theo từng chuyển động của các nghệ sĩ trên sân khấu. Cô Shanda ngồi bên dưới ghế khán giả, cầm microphone, nhắc lại vài động tác cho các vũ công.
Tiết mục kết thúc, mọi người trao đổi với nhau cách làm sao những diễn viên khác có thể tránh được những vũng nước bắn ra trên sân khấu, để khỏi trượt té...
Tất cả bắt đầu lại từ đầu. Cảnh trí, ánh sáng, âm thanh, máy quay. Và diễn viên, ca sĩ.
Bài hát được xem là hoàn chỉnh sau 3 lần diễn thử ngay tại sân khấu PH Live.
Mọi người thở phào. Chuyển sang chuẩn bị cho tiết mục thứ 2, một bài song ca của Hương Lan và Giang Tử, có phần đơn giản hơn.
Đó là một phần hậu trường cho những gì mà khán giả từ bao năm qua vẫn xem Thúy Nga- Paris By Night trên sân khấu hay xem qua các băng đĩa, DVD.
Một lần đi theo tìm hiểu, quan sát từ lúc Thúy Nga bắt đầu có ý tưởng để thực hiện một chương trình thu hình PBN, đến lúc tập dợt, rồi tổng dợt tại phòng tập ở Hollywood và ngay tại sân khấu PH Live, mới hiểu tại sao chuẩn bị một chương trình phức tạp như thế nào.
Cảnh tập dợt cho một tiết mục trong chương trình PBN 109 tại phòng tập Srceenland Studio tại Los Angeles. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Công việc chuẩn bị


Dẫu có 30 năm kinh nghiệm nhưng mỗi lần chuẩn bị cho một chương trình Paris By Night là mỗi lần ông Tô Văn Lai, cô Tô Ngọc Thủy và những thành viên trong “gia đình Thúy Nga” lại thấy “cả một núi lo.”
“Ngay từ lúc tổ chức chương trình PBN 106 tại PH Live là mình phải lo ‘book’ luôn rạp này cho chương trình 109, kỷ niệm 30 năm, tức là ‘book’ rạp trước một năm, vì vào những dịp lễ lạt như July 4th thế này thì rạp của họ bận lắm, không lo trước là không có chỗ cho mình tổ chức như ý muốn.” Cô Tô Ngọc Thủy, con gái ông Tô Văn Lai, chủ nhân trung tâm Thúy Nga, cho biết.
Trình tự chuẩn bị cho một chương trình ca múa nhạc PBN được cô Thủy tóm tắt ngắn gọn, “Trước tiên là suy nghĩ chọn chủ đề (theme). Sau khi chú Nguyễn Ngọc Ngạn, anh Huỳnh Thi và tôi quyết định được chủ đề rồi thì bắt đầu chọn bài hát cho phù hợp với chủ đề đó.”
“Từ bài hát, mình phát triển thành những ý tưởng và gặp cô Shanda, người dàn dựng các tiết mục múa cho PBN từ bao năm qua, để nói ý tưởng mình muốn làm gì. Cảnh trí theo chủ đề thì nói chuyện với ông sếp ‘designer’. Sau đó mới gọi ca sĩ, chọn bài đưa cho ca sĩ. Như chương trình PBN 109 có tới 45 ca sĩ thì phải sắp xếp cho ca sĩ nào hát song ca với ca sĩ nào, chứ nếu mỗi người đều hát đơn ca thì không đủ thời gian. Cũng có khi trong đầu mình đã sắp người này hát chung với người kia, nhưng khi nói ra thì họ không chịu, bởi giữa các ca sĩ đôi khi có những chuyện tế nhị mà mình chưa biết, lại phải thay đổi.” Giám đốc điều hành trung tâm Thúy Nga giải thích thêm.
 Những người tham gia chương trình Paris By Night 109 trong buổi tập tại Đại Hí Viện PH Live thuộc khách sạn Planet Hollywood, Las Vegas. (Hình: Huy Khiêm)

Đó là chưa tính đến việc ca sĩ đồng ý tham gia PBN thì phải theo quy định “trước và sau buổi diễn của Thúy Nga một tháng, ca sĩ đó không được nhận show ở quanh vùng Thúy Nga quay hình,” như PBN 109 quay ở Las Vegas thì ca sĩ không được hát ở Las Vegas và Orange County trước và sau ngày 7 Tháng Bảy một tháng để tránh “va chạm” quyền lợi.
“Nhưng riêng với các show từ thiện hay những show nhỏ, hát cho các phòng trà thì ca sĩ chỉ cần gọi điện thoại nói một tiếng thì chúng tôi cũng ok thôi.” Tô Ngọc Thủy nói.
Tiếp đến là phần làm việc cùng với các nhạc sĩ hòa âm tham gia trong chương trình, như với PBN 109 thì có nhạc sĩ Tùng Châu, Đỗ Sơn, rồi làm việc với các nhạc sĩ Mỹ, nhạc sĩ ở Việt Nam.
“Ý tưởng cho trang phục, dàn dựng cũng là điều người làm chương trình PBN phải nêu ra và thảo luận với các nhà thiết kế. Ví dụ như vải để may những bộ quần áo trong tiết mục của Như Quỳnh là mình chỉ 'order' công ty dệt may Thái Tuấn làm cho mình bấy nhiêu mẫu có hoa văn như vậy thôi, không có làm để bán ra ngoài.” Thủy cho biết
Chương trình trình diễn trước khán giả là ngày 7 Tháng Bảy, nhưng mọi sự chuẩn bị diễn ra từ Tháng Năm. Chỉ riêng lịch tập các tiết mục có phần phụ diễn của các vũ công và đạo diễn múa Shanda đã kéo dài gần một tháng.
Vừa chỉ vào lịch tập dợt trên laptop, cô Thủy vừa giải thích, “Mỗi ngày tập từ 9 giờ sáng đến 10 giờ tối. Như hôm 22 Tháng Sáu, từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều là tập cho một tiết mục, từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối là tập bài của ca sĩ Anh Tú. Ngày hôm sau là bài của Dương Triệu Vũ, Hương Giang, và Anh Tú. Tập cho đến ngày 1 Tháng 7. Ngày 2 Tháng Bảy là ngày rehearsal ở Hollywood để xem có gì mình cần chỉnh sửa và cũng là ngày thử trang phục biểu diễn. Nguyên ngày 5 và nửa ngày 6 Tháng Bảy là tập ngay tại sân khấu PH Live, chiều ngày 6 là trình diễn trước khán giả xuất đầu tiên.”
Lịch tập dợt lên đúng ngày đúng giờ, tuy nhiên, “người không là máy,” hơn nữa, sân khấu ca nhạc Thúy Nga là nơi quy tụ nhiều ngôi sao, mà đã là sao thì càng không theo lịch trình đã đề ra!
Cô Thủy nói một cách ngao ngán, “Như mới hôm qua thôi, đến giờ tập, cô Shanda và các ‘dancer’ đều có mặt nhưng 3 người ca sĩ của bài hát đó không ai đến hết! Trong khi biết là lịch bay ‘show’ của ca sĩ rất nhiều nên mình đã ngồi xuống để cùng thống nhất ngày giờ nào họ có thể tập được. Họ đồng ý rồi, nhưng đến giờ tập thì báo là không đến được vì đi show chưa về.”

Kinh phí cho một chương trình

“Kinh phí là một bài toán mà mỗi lần sản xuất chương trình chúng tôi phải tính toán dễ sợ lắm, bởi chỉ cần tính trật một cái thì sau chương trình sẽ không có tiền để trả cho nhân viên, vũ công hay trả vé máy bay, trang phục, trang điểm.” Người điều hành trung tâm Thúy Nga nói.
Nhẩm tính sơ lược: tiền trang điểm, làm tóc khoảng $25,000; tiền thiết kế trang phục cho vũ công và ca sĩ trong các bài hát có múa minh họa khoảng $30,000; tiền thuê studio tập dợt trong hơn 3 tuần và để tổng dợt khoảng $15,000; tiền mướn rạp nguyên tuần là $45,000.
“Rồi tiền khách sạn cho đoàn 150 người, tiền vé máy bay cho những người ở xa, tiền thù lao cho những người tham dự… Nhưng chi phí nhiều nhất vẫn là ở phần kỹ thuật thu hình, bao gồm cả ánh sáng sân khấu, nguyên nhóm làm việc đó đều là người của Holywood. Ước tính đến giờ này số tiền là $950,000 rồi.” Tô Ngọc Thủy cho biết.
Do chi phí đầu tư cao, nên theo cô Thủy, “Mỗi lần làm là phải mướn chỗ nào sức chứa từ 2,000 người trở lên mới đủ chi phí.”
“Đó cũng chính là lý do vì sao lúc sau này Thúy Nga thường làm chương trình ở các ‘casino,’ vì ở sòng bài có nhóm ‘Asian marketing’ họ có nhu cầu lôi kéo khách Á Đông tới nên tạo nhiều điều kiện cho mình hơn,” Tô Ngọc Thủy nhận xét.
Sân khấu đại hí viện PH Live thuộc khách sạn Planet Hollywood, nơi diễn ra chương trình Paris By Night 109. (Hình: Huy Khiêm)

Người giám đốc điều hành trung tâm Thúy Nga giải thích thêm về cách thu chi cho một chương trình PBN mà lâu nay mọi người vẫn nghe, vẫn xem:
“Tiền bán vé phần lớn trang trải được chi phí kỹ thuật thu hình. Phần bán DVD thì chỉ lo được cho vũ công, ca sĩ, cho những chi phí linh tinh như trang phục múa, trang điểm, thu băng thu audio, tiền tác quyền linh tinh...”
“Khi làm chương trình thì mình bỏ ra một số tiền lớn, khi thu vào thì thu nhỏ giọt. Nhưng mình làm theo kiểu ‘gối đầu’ tức khi ra cuốn DVD 108, thì tiền thu từ cuốn này sẽ dùng trang trải cho chương trình 109, khi ra DVD 109 thì lại dùng tiền đó chuẩn bị cho PBN 110. Thế nên mỗi lần chuẩn bị ra chương trình thì phải phát hành DVD để có tiền trang trải, cứ tiếp tục như thế.”
Có lẽ làm theo kiểu “gối đầu” như vậy nên việc có ra tiếp được các chương trình kế tiếp hay không là phải tùy thuộc vào tình hình khán giả mua vé, mua DVD. Thế nên, như ca sĩ Don Hồ, trong một lần trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt, cũng nói, “Mình cứ nghe thỉnh thoảng Thúy Nga nói sắp đóng cửa là họ nói thật chứ chẳng phải đùa đâu! Bởi vì trong tình hình băng giả tràn lan như hiện nay, không ai nói trước được trung tâm sẽ kéo dài đến bao lâu. Phải có tiền thì họ mới tiếp tục được, chứ làm ra mà không thu tiền về được thì còn vốn đâu để làm tiếp. Mình đứng nhìn thấy cũng đau lắm!”
Liên quan đến vấn đề kinh phí đầu tư cho PBN, cô Thủy nói thêm, “Từ trước năm 2000 khi khách đưa quảng cáo tôi thường hay từ chối vì chỉ muốn đây đơn thuần là một sản phẩm nghệ thuật. Nhưng sau này tôi phải thay đổi suy nghĩ của mình vì Thúy Nga cần tiền để sản xuất chương trình chứ nếu không thì làm sao sống còn. Khi Thúy Nga có thêm mục tặng tiền đố vui cho khán giả thì khán giả thích mà nhà quảng cáo cũng muốn bảo trợ. Nên đó cũng là một phần kinh phí góp thêm cho Thúy Nga, giúp Thúy Nga có thể tiếp tục làm chương trình.”
Dĩ nhiên, để có thể tiếp tục tồn tại, để có thể kéo được khách đến xem qua mỗi chương trình PBN, Thúy Nga phải có sự đầu tư về nội dung và hình thức mà không một chương trình nào ở hải ngoại có thể so sánh được, theo đánh giá của những người trong nghề.

(Kỳ 2: Xem hậu trường PBN tại Hollywood và Las Vegas)

---
Liên lạc tác giả: Ngoclan@nguoi-viet.com


http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=172569&zoneid=1#.UiuTI_nCS70

Geen opmerkingen:

Een reactie posten