[Ảnh] Cận cảnh núi "vàng trắng" khổng lồ phát lộ khi làm cao tốc 3.100 tỷ ở Phú Thọ
Theo quan sát của PV, mỏ Cao Lanh mới được phát hiện ở xã Đại An (huyện Thanh Ba) nằm sâu dưới lớp đất mặt khoảng 10 mét.
Mới đây, trong quá trình san lấp giải phóng mặt bằng phục vụ dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư xã Đại An (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ - thuộc dự án cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ với tổng mức đầu tư trên 3.100 tỷ đồng) đã phát hiện một mỏ khoáng sản Cao lanh hay còn gọi là "vàng trắng".
Ngay sau khi phát hiện mỏ này, chính quyền địa phương đã yêu cầu Công ty CP Toàn Thịnh là nhà thầu dự án tạm dừng việc san lấp để làm rõ giá trị cũng như ước lượng khối lượng khoáng sản Cao lanh tại đây..
Theo ghi nhận của PV trong chiều 10/12, khu vực phát hiện mỏ Cao lanh là một ngọn đồi "cô đơn", được trồng cây keo. Ông Nguyễn Xuân Hiển - Chủ tịch UBND xã Đại An cho biết, ngọn đồi được san lấp rộng hơn 4ha.
Hiện tại đơn vị thi công đã san được khoảng 1/3 ngọn đồi. Theo một số người dân địa phương đơn vị san lấp bắt đầu thi công vào khoảng đầu tháng 9/2021. Tuy nhiên, việc thi công liên tục gặp gián đoạn do trời mưa và nhà thầu không tìm được chỗ để đổ đất. Hiện trên địa bàn xã Đại An có 2 dự án tái định gồm khu 1 và khu 2 thuộc dự án cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ. Trong đó, dự án tại khu 1 là nơi phát hiện mỏ Cao lanh.
Ngọn đồi thực hiện dự án khu tái định cư 1 xã Đại An nằm sát đường Tỉnh lộ 312. Mặc dù có đường tỉnh lộ chạy qua, đông phương tiện lưu thông nhưng tại khu vực này 2 bên đường vẫn còn vắng nhà dân sinh sống.
Một số người dân sống gần khu vực trên cho biết, cách đây khoảng 10 ngày chính quyền địa phương đã yêu cầu đơn vị thi công tạm dừng hoạt động. Sau đó, nhà thầu di dời máy móc khỏi khu vực này và dựng lên cây tre chắn tạm cùng tấm biển đặt ở giữa lối đi chính với nội dung "Công trường cấm vào".
Theo ông N. (sống gần mỏ Cao lanh mới được phát hiện) khi hay tin mỏ được phát hiện người dân địa phương hết sức bất ngờ bởi khu vực ông sinh sống trước giờ chưa phát hiện mỏ khoáng sản nào. "Tôi cũng muốn vào để xem rõ Cao lanh như thế nào nhưng đơn vị thi công họ đã đặt gác cấm vào, mình cố tình vào không may xảy ra chuyện gì cũng ngại....", ông N. nói.
Quan sát của PV từ đỉnh đồi xuống dưới mặt phẳng san lấp để người dân tái định cư chỗ cao nhất khoảng 30 mét.
Theo lời Chủ tịch UBND xã Đại An từ cổng chính công trường đi vào khoảng 100 mét là nơi phát hiện mỏ Cao lanh. Quan sát của PV, mỏ Cao lanh này nằm sâu bên dưới lớp đất mặt, đất thối khoảng 10 mét.
Vị Chủ tịch UBND xã Đại An cho biết, hiện các cấp chính quyền cùng các đơn vị chức năng đang đánh giá giá trị cũng như khối lượng của Cao lanh này. Hiện chưa thể ước lượng hoặc thống kê được lượng Cao lanh tại đây.
Một số người dân địa phương mong muốn chính quyền cần phải có biện pháp hữu hiệu để có thể khai thác số khoáng sản trên, tránh gây thoát của Nhà nước.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có nhiều mỏ cao lanh ở các huyện như Thanh Ba, Thanh Thuỷ, Tam Nông, Hạ Hoà...trung bình mỗi khối cao lanh ở Phú Thọ hiện có giá khoảng 280.000 – 320.000 đồng tùy theo chất lượng. (Ảnh: Cao lanh được phát hiện tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư xã Đại An).
Nằm ngay cạnh đường Tỉnh lộ 312 là nám trông coi có diện tích khoảng 5 mét vuông vắng bóng người.
Cạnh lán là một số can nhựa chứa dầu, nhớt vất lay lắt.
Doanh nghiệp và tiếp thị
https://cafef.vn/anh-can-canh-nui-vang-trang-khong-lo-phat-lo-khi-lam-cao-toc-3100-ty-o-phu-tho-20211211085423886.chn?fbclid=IwAR2Okcf7NUc6ThRJOJF4y69Hr3G2hZ3Ecwp5XGIP4ZT2MPZ0wLLEXyytsw4
Mỏ "vàng trắng" ở Phú Thọ: Hóa ra là thứ Trung Quốc cắn răng nhập đắt gấp 9 lần giá xuất
Mới đây, một mỏ cao lanh đã được phát hiện trong quá trình giải phóng mặt bằng cho dự án ở tỉnh Phú Thọ.
Chiều 9/12, ông Đỗ Xuân Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ cho biết, trong quá trình san lấp giải phóng mặt bằng phục vụ dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư xã Đại An (huyện Thanh Ba) thuộc Dự án cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ đã phát hiện một mỏ khoáng sản cao lanh.
Theo ông Hoàn, UBND huyện Thanh Ba đang xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Thọ cũng như các cơ quan chức năng về vấn đề trên. Hiện đơn vị thi công đang tạm dừng hoạt động san lấp.
Đối với lĩnh vực khai thác cao lanh, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng hàng đầu về loại khoáng sản này khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ - theo báo cáo về tiềm năng cao lanh của Việt Nam vào năm 2008 do Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện.
Vậy cao lanh là loại khoáng sản như thế nào mà được so sánh như "vàng trắng"?
Loại nguyên liệu đa dụng
Cao lanh, còn được gọi là kaolin, đất sét sành, đất sét trắng mềm, là một thành phần thiết yếu trong sản xuất đồ sành và sứ và được sử dụng rộng rãi trong sản xuất giấy, cao su, sơn và nhiều sản phẩm khác. Cao lanh được đặt theo tên một ngọn đồi ở Trung Quốc (đồi Kao-ling), nơi nguyên liệu này được phát hiện và khai thác trong nhiều thế kỷ. Các mẫu cao lanh lần đầu tiên được gửi đến châu Âu bởi một nhà truyền giáo người Pháp vào khoảng năm 1700 như một ví dụ về vật liệu được người Trung Quốc sử dụng trong sản xuất đồ sứ.
Cao lanh là nguyên liệu mang nhiều tính chất kỹ thuật có giá trị kinh tế cao, được dùng trong nhiều lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế quốc dân. Chất lượng và khả năng sử dụng trong các ngành công nghiệp phụ thuộc vào thành phần hoá học, đặc điểm cơ lý, thành phần khoáng vật của cao lanh.
Ngày nay, cao lanh vẫn được đánh giá là nguyên liệu quan trọng và sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, như làm nguyên liệu chính để sản xuất gốm sứ, gạch chịu lửa, làm chất độn trong công nghiệp sản xuất giấy, sơn, phân bón, cao su, chất dẻo, dược phẩm và mỹ phẩm.
Theo Chinese Powder, một trang web chuyên về ngành bột kim loại của Trung Quốc, hai phân khúc có nhu cầu lớn nhất về đất sét cao lanh ở Trung Quốc là ngành sản xuất giấy (45%) và gốm sứ (16%). Từ năm 2011 đến năm 2015, sản lượng đất sét cao lanh của Trung Quốc đã tăng từ 6 lên 7 triệu tấn, chiếm khoảng 15% sản lượng toàn cầu.
Đến năm 2022, nhu cầu về đất sét cao lanh ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 9 triệu tấn. Đáng lưu ý, 70% sản lượng đất sét cao lanh nội địa Trung Quốc được sử dụng cho gốm sứ và vật liệu chịu lửa, và chỉ 20% được huy động cho thị trường giấy ở Trung Quốc.
Trung Quốc bị hạn chế công nghệ
Mặc dù có quy mô sản xuất cao lanh rất lớn, Trung Quốc cũng nhập khẩu một lượng đáng kể loại nguyên liệu này. Trên thực tế, các nhà cung cấp Trung Quốc vẫn không đáp ứng được các yêu cầu công nghệ để sản xuất một lượng lớn đất sét cao lanh chất lượng cao.
Cao lanh chất lượng cao thường được sử dụng trong ngành công nghiệp giấy vì độ tinh khiết và độ trắng của vật liệu. Do đó, các ngành công nghiệp Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu quy mô lớn đất sét cao lanh chất lượng cao từ các nhà cung cấp nước ngoài và phần lớn xuất khẩu cao lanh của Trung Quốc bao gồm đất sét chất lượng thấp đến trung bình.
Theo Youzhen Gen, một chuyên gia trong ngành cao lanh làm việc tại Công ty TNHH China Kaolin, giá xuất khẩu đất sét cao lanh ở Trung Quốc là 31,58 USD/tấn và giá nhập khẩu là 218,50 USD/tấn. Hay nói cách khác, giá nhập khẩu cao gấp 8,9 lần giá xuất khẩu do chênh lệch về chất lượng.
Trong những năm tới, tỷ lệ đất sét cao lanh được sử dụng trong ngành công nghiệp giấy ở Trung Quốc có thể sẽ giảm do quá trình sản xuất giấy được cải tiến và việc sử dụng canxi cacbonat ngày càng tăng, do đó dẫn đến nhu cầu đất sét cao lanh giảm từ 30% tới 35% cho ngành này.
Ngoài nhu cầu đáng kể về đất sét cao lanh của ngành công nghiệp gốm sứ ở Trung Quốc, nhu cầu về đất sét cao lanh ở Trung Quốc không chỉ ở trong lĩnh vực xây dựng (đặc biệt là xi măng, nhựa, sơn và chất phủ, v.v.) mà còn trong dược phẩm, nông nghiệp và các ngành công nghiệp mỹ phẩm.
Doanh nghiệp và tiếp thị
https://cafef.vn/mo-vang-trang-o-phu-tho-hoa-ra-la-thu-trung-quoc-can-rang-nhap-dat-gap-9-lan-gia-xuat-20211211073340846.chn
Geen opmerkingen:
Een reactie posten