vrijdag 15 oktober 2021

Trung Quốc, kẻ thù hữu ích cho Đài Loan + Giới hạn của cuộc đối đầu Trung-Mỹ trên hồ sơ Đài Loan

 

Trung Quốc, kẻ thù hữu ích cho Đài Loan

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa REUTERS - DADO RUVIC

Nhờ Trung Quốc, Đài Loan trở thành tâm điểm của thế giới. Hai nhà nghiên cứu Marc Julienne và John Seaman của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp - IFRI cùng nhận định, Đài Loan là một bậc thầy trong việc « khai thác mối đe dọa xuất phát từ Trung Quốc để thoát khỏi thế cô lập trên trường quốc tế ».  

Đối với công luận trong nước, điểm tín nhiệm của tổng thống Thái Anh Văn thực sự vững vàng. Kinh tế Đài Loan tăng trưởng tốt bất chấp đại dịch Covid-19 và những đòn trừng phạt của Bắc Kinh. Đài Bắc đã chứng minh là một mắt xích không thể thiếu trong tầm nhìn về một vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Cuối cùng về công nghệ, Trung Quốc gián tiếp giúp cho các tập đoàn Đài Loan được cả từ Mỹ đến châu Âu, Nhật Bản ve vãn hơn bao giờ hết.  

Trong bài tham luận mang tựa đề « Bắc Kinh : Kẻ thù tệ nhất và tốt nhất của Đài Loan » đăng trên tạp chí Politique Etrangère (số 2021/2), Marc Julienne và John Seaman nhắc lại : khi mới lên cầm quyền năm 2013 ông Tập Cận Bình đã ngỡ rằng sẽ dễ dàng thuyết phục Đài Loan « trở về với đất mẹ ». Nhưng rồi cử tri Đài Loan đã bầu lãnh đạo đảng Dân Tiến vào chiếc ghế tổng thống năm 2016.

Trở thành vị nữ tổng thống đầu tiên của Đài Loan, bà Thái Anh Văn đoạn tuyệt với chính sách của người tiền nhiệm Mã Anh Cửu bên Quốc Dân Đảng, thân Bắc Kinh. Điều khó chấp nhận hơn nữa trong mắt ông Tập Cận Bình là bà Thái Anh Văn đã tái đắc cử vẻ vang hồi năm 2020 đúng vào lúc mà Vũ Hán trở thành tâm dịch, Bắc Kinh bị chỉ trích bưng bít thông tin, thao túng Tổ Chức Y Tế Thế Giới về mức độ nguy hiểm của virus corona chủng mới.  

Uy hiếp tinh thần, làm sói mòn sức lực của đối phương 

Hai đồng tác giả bài viết trên tạp chí Politique Etrangère nêu ra hàng loạt những thành công của Đài Loan từ 2016 khiến Hoa Lục càng tức giận và điều đó giải thích phần nào cho thái độ càng lúc càng « hung hăng » của Bắc Kinh đối với Đài Bắc.  

Vào lúc hình ảnh của Trung Quốc xấu đi trong mắt cộng đồng quốc tế về nhiều mặt, từ y tế cho đến việc nuốt lời hứa về một mô hình « một quốc gia hai chế độ » dành cho Hồng Kông, hay trước những tiết lộ cưỡng bức lao động tại tỉnh Tân Cương  và nhất là Trung Quốc đang trực diện đối đầu với Mỹ về mọi mặt, thì Đài Loan được xem như là mô hình mẫu mực trong việc giải quyết khủng hoảng Covid. Chính quyền Đài Loan chứng minh rằng một chế độ dân chủ cũng có thể dập được dịch. Virus corona chủng mới không làm xáo trộn kinh tế Đài Loan. Thế rồi Đài Bắc mở rộng cửa đón các nhà đấu tranh nhân quyền Hồng Kông.  

Ngần ấy cũng đủ để Trung Quốc gia tăng áp lực với Đài Loan về mặt quân sự với những đợt tập trận của Hải Quân càng lúc càng cận kề với các vùng biển của Đài Loan, với các chiến dịch dồn dập đưa chiến đấu cơ vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.  Tuy nhiên tính toán của Trung Quốc muốn vừa uy hiếp tinh thần 23 triệu dân Đài Loan, vừa khiến đối phương mòn sức vì phải chống đỡ, tạm thời thất bại. 

Những lá chủ bài của Đài Loan  

Hai đồng tác giả bài tham luận « Bắc Kinh : kẻ thù tệ nhất và tốt nhất của Đài Loan » giải thích, về đối nội, bà Thái Anh Văn được công luận Đài Loan ủng hộ hơn bao giờ hết. Về mặt kinh tế, đành là Đài Loan bị cấm xuất khẩu quả na, quả dứa sang Hoa Lục nhưng hòn đảo tí hon này lại có những lá chủ bài khác trong tay mà ông khổng lồ Bắc Kinh không có được : đó là những con bọ « chip » điện tử, là linh kiện bán dẫn mà ngay cả các tập đoàn Trung Quốc cũng xem là « cột xương sống » để phát triển. 

Chip điện tử và linh kiện bán dẫn là hai chìa khóa giúp Đài Loan « tự đặt mình vào trung tâm bàn cờ công nghệ cao », và là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi sản xuất toàn cầu mà qua đó Đài Loan là một chìa khóa trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung về công nghệ cao, về kinh tế và chiến lược. Chỉ nội với việc một tập đoàn TSMC của Đài Loan, dẫn đầu trong ngành công nghệ nano, những ông khổng lồ Trung Quốc như Hoa Vi hay HiSilicon hay Hik Vision cũng có thể bị điêu đứng, nếu không được TSMC cung cấp bọ nano kịp thời. 

Mỹ thở phào nhẹ nhõm khi thuyết phục được TSMC mở nhà máy ở bang Arizona. Liên Âu đang ráo riết đàm phán để cũng trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà sản xuất bọ điện tử này. Chỉ nội với lá chủ bài công nghệ cao cũng đủ sức thuyết phục các siêu cường phương Tây không nên bỏ rơi Đài Loan trước những nanh vuốt của Bắc Kinh.  

Về địa chính trị, từ trước đại dịch, Đài Loan luôn chứng minh là một quốc gia « chia sẻ tầm nhìn và những giá trị » với các nền dân chủ tự do, là một điểm tựa hữu ích trong chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương của Mỹ. Điểm trớ trêu nhất đối với Bắc Kinh có lẽ là từ 2016, chưa bao giờ  Hoa Kỳ giờ tỏ thái độ ủng hộ Đài Loan mạnh mẽ như hiện nay. Marc Julienne và John Seaman đặt câu hỏi : không hiểu Donald Trump có ý thức được về tầm mức quan trọng cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan trước khi chính thức bước vào Nhà Trắng hay không ? Có một điều chắc chắn là dưới chính quyền Trump, Mỹ đã tăng tốc các dự án cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Người kế nhiệm ông là Joe Biden đang tiếp tục đi theo con đường đó.  

Không phủ nhận tình hình eo biển Đài Loan đang tựa như một thùng thuốc súng, nhưng hai đồng tác giả của bài tham luận trên tạp chí Politique Etrangère ghi nhận là : Trung Quốc mà càng hung hãn, càng hiện nguyên hình là một chế độ độc đoán thì lại càng khiến mô hình dân chủ Đài Loan trở nên « hấp dẫn hơn ». Bắc Kinh càng muốn cô lập Đài Bắc thì lại càng có nhiều phái đoàn các quan chức quốc tế đến thăm hòn đảo với 23 triệu dân này, gần đây nhất là phái đoàn của các thượng nghị sĩ Pháp, hay chuyến viếng thăm Đài Loan của cựu thủ tướng Úc, Tony Abbot. 

Trung Quốc, kẻ thù hữu ích cho Đài Loan (rfi.fr)

Giới hạn của cuộc đối đầu Trung-Mỹ trên hồ sơ Đài Loan

Ảnh minh họa: Cờ Mỹ (T) và Trung Quốc.
Ảnh minh họa: Cờ Mỹ (T) và Trung Quốc. © REUTERS/Tingshu Wang

Những căng thẳng gia tăng xung quanh số phận của Đài Loan đang đặt Trung Quốc và  Hoa Kỳ trước sự lựa chọn khá tế nhị : Duy trì áp lực với nhau đến mức nào để không dẫn đến xung đột giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu của thế giới ?

Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới trong suốt thời gian qua đối đầu căng thẳng với nhau trong đủ các hồ sơ, trong số đó có vấn đề Đài Loan khiến nhiều người lo ngại có thể dẫn tới xung đột quân sự lớn.

Vẫn coi đảo Đài Loan như một tỉnh ly khai, Trung Quốc thường xuyên đe dọa sử dụng vũ lực mỗi khi Đài Bắc có dấu hiệu, chưa cần phải có tuyên bố độc lập. Đợt xâm nhập ồ ạt của không quân Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan những ngày đầu tháng 10 vừa qua là một ví dụ mới nhất. 

Bà Oriana Skylar Mastro, nhà nghiên cứu thuộc cơ quan tư vấn Mỹ American Enterprise Institute giải thích với AFP hành động của Bắc Kinh « là để nói với Đài Loan rằng không ai có thể đến cứu được họ »  và Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ quyết tâm thống nhất Đài Loan, cho dù hòn đảo đã có chính phủ riêng từ năm 1949, chỉ 10 ngày sau khi chế độ Cộng Sản tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Tuy nhiên giới quan sát nhận thấy những hành động thị uy sức mạnh của Trung Quốc đối với đảo Đài Loan vẫn chỉ mang ý nghĩa cảnh cáo, chưa phải đã là sự chuẩn bị cho một cuộc xâm lược.  Đồng thời đó cũng là hành động thử nắn gân xem những nước đồng minh của Đài Loan phản ứng ra sao.

Bởi vì gần đây, mặt trận chống Trung Quốc với sự dẫn dắt của Hoa Kỳ đang trở nên sôi động hơn và Đài Loan cũng trở thành một mảnh ghép trong bức tranh chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Ngoài Washington, các đồng minh của Hoa Kỳ cũng liên tiếp tỏ lập trường ủng hộ Đài Loan, khiến cho Bắc Kinh không khỏi tức tối khó chịu.

Dù không ít lần các quan chức của Bắc Kinh tuyên bố rằng vấn đề Đài Loan là của người Trung Quốc, Bắc Kinh không có gì để thương lượng … Nhưng, theo AFP, trong cuộc đối thoại mới đây tại Thụy Sĩ tuần qua giữa ông Jake Sullivan  cố vấn an ninh của tổng thống Joe Biden và lãnh đạo ngoại giao cao cấp của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, hai bên đã bàn đến vấn đề Đài Loan. Điều này cho thấy cả hai bên đều không muốn đầy vấn đề Đài Loan đi ngoài tầm kiểm soát.

Trả lời câu hỏi của BBC rằng liệu Hoa Kỳ có sẵn sàng can thiệp quân sự để bảo vệ đảo Đài Loan hay không,  cố vấn An Ninh Mỹ trả lời : « Chúng tôi sẽ hành động ngay bây giờ để cố gắng làm sao điều đó không bao giờ là cần thiết ». 

Mỹ có thể tiếp tục  bán vũ khí hay huấn luyện cho quân đội Đài Loan như thông tin được một quan chức Quốc Phòng Mỹ tiết lộ với AFP gần đây, nhưng thừa nhận một quy chế ngoại giao nào đó với Đài Loan là điều khó có thể xảy ra.

Khi những căng thẳng trong eo biển Đài Loan bị đẩy lên cao độ, hôm 06/10, hãng tin Reuters đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay ông đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề Đài Loan và hai bên đồng ý tuân thủ « thỏa thuận Đài Loan »  năm 1979.

Đó là cam kết đã được luật hóa ở Mỹ, theo đó cho phép duy trì các mối quan hệ văn hóa, thương mại và những mối quan hệ không chính thức khác giữa Mỹ và Đài Loan, sau khi Mỹ chuyển công nhận ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh. Đạo luật liên quan đó cho phép Mỹ cung cấp vũ khí mang tính phòng thủ cho Đài Loan, nhưng không nói rõ Mỹ sẽ chiến đấu để bảo vệ hoàn đảo.

Trong một sự kiện mới đây ở Bắc Kinh, chủ tịch trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tuyên bố Trung Quốc vẫn đặt mục tiêu « thống nhất » Đài Loan  nhưng trong « hòa bình ». Thông điệp được giới quan sát đánh giá là có chừng mực và thực tế, khác với những tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực quân sự  của ông trước đây  không lâu.

Giới quan sát có thể dễ dàng nhận thấy trong hồ sơ Đài Loan, Mỹ, Trung không giống nhau về mục tiêu nhưng có điểm chung về hành động theo kiểu «  mềm nắn, rắn buông ». Bởi cả hai đều đang cố tìm một sự cân bằng để không đẩy sự việc đi quá xa.

Giới hạn của cuộc đối đầu Trung-Mỹ trên hồ sơ Đài Loan (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten