Báo Anh: Trung Quốc thử tên lửa siêu thanh trong không gian
Đăng ngày:
Nhật báo Anh Financial Times (FT) ngày 16/10/2021 loan tin: Trung Quốc đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh trên không gian. Tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Bộ Quốc Phòng Mỹ không bình luận về thông tin này, nhưng tái khẳng định lo ngại về việc Bắc Kinh phát triển vũ khí trong không gian.
Theo nhật báo kinh tế Anh, Bắc Kinh tiến hành thử nghiệm hỏa tiễn bí mật hồi tháng 8/2021. Tên lửa sau khi bay vòng quanh Trái Đất đã hạ thấp để tấn công mục tiêu. Theo ba nguồn tin tình báo gần gũi với hồ sơ này, tên lửa Trung Quốc đã bắn chệch đích khoảng hơn 32 km. Các nguồn tin của Financial Times cho biết vụ thử nói trên được giữ bí mật.
Nhật báo Anh nhấn mạnh là sự tiến bộ của Trung Quốc về các vũ khí siêu thanh khiến tình báo Mỹ bất ngờ. Theo AFP, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, John Kirby, trong hiện tại không trả lời đề nghị bình luận về bài báo của Financial Times. Trên FT, ông John Kirby cho biết « Chúng tôi đã bày tỏ rõ ràng về các lo ngại liên quan đến việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi phát triển vũ khí, khiến căng thẳng gia tăng tại khu vực, và xa hơn nữa. Đây là một trong các lý do mà chúng tôi xem Trung Quốc là thách thức khẩn cấp số một » của nước Mỹ.
Vẫn báo Anh cho biết phản ứng của đại sứ quán Trung Quốc tại Anh. Phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc từ chối bình luận về vụ thử, nhưng khẳng định Bắc Kinh luôn theo đuổi chính sách quân sự « mang tính chất phòng thủ » và việc phát triển quân sự của Trung Quốc không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào, đồng thời đả kích Hoa Kỳ, trong những năm gần đây, luôn ngụy tạo những lý do như về « mối đe dọa từ Trung Quốc » để biện minh cho việc phát triển vũ khí nói chung và vũ khí siêu thanh nói riêng.
Tên lửa Trung Quốc « có thể bắn từ phía Nam Cực »
Theo hai chuyên gia biết khá rõ về các thử nghiệm không gian của Trung Quốc, về lý thuyết, các tên lửa siêu thanh bắn từ không gian có thể bay qua ngả Nam Cực. Điều đó sẽ đặt ra một thách thức lớn đối với quân đội Mỹ, vì các hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này đều tập trung vào phía Bắc Cực.
Ngoài Trung Quốc, có Nga và Hoa Kỳ cùng ít nhất 5 quốc gia khác sở hữu công nghệ tên lửa siêu thanh. Giống như các tên lửa đạn đạo truyền thống, các tên lửa siêu thanh có thể mang đầu đạn hạt nhân. Điểm đáng sợ của loại vũ khí này là tốc độ, cao gấp hơn 5 lần tốc độ âm thanh. Và khác với tên lửa đạn đạo bắn theo quỹ đạo vòng cung, tên lửa siêu thanh bắn ở tầm thấp hơn, nên có khả năng chạm đích nhanh hơn. Tên lửa siêu thanh có thể điều khiển, vì thể khó theo dõi và đánh chặn.
Chính quyền Biden tiến hành « Đánh giá Khả năng Hạt nhân »
Một số quốc gia như Hoa Kỳ đã phát triển các hệ thống tên lửa đánh chặn hỏa tiễn hành trình và đạn đạo, nhưng người ta không biết liệu các hệ thống này có khả năng phát hiện và bắn hạ tên lửa siêu thanh hay không. Vụ bắn thử nói trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng và Bắc Kinh đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự gần Đài Loan, đe dọa sáp nhập Đài Loan bằng vũ lực.
Tiết lộ của báo Anh được đưa ra khi chính quyền Biden đang tiến hành « Đánh giá Khả năng Hạt nhân » (Nuclear Posture Review/NPR). Đánh giá NPR có mục tiêu xác định vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh của nước Mỹ. Theo chuyên gia về an ninh quốc tế và kiểm soát vũ khí hạt nhân Eryn MacDonald, từ thời Clinton đến nay, chính quyền Mỹ đã ba lần tiến hành « Đánh giá Khả năng Hạt nhân » (vào các năm 2002, 2010 và 2018). Chính quyền Biden bắt đầu thực hiện NPR từ tháng 7/2021 và có kế hoạch sẽ hoàn tất đầu năm 2022.
Báo Anh: Trung Quốc thử tên lửa siêu thanh trong không gian (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten